CEO Samsung đến thăm Hà Lan để củng cố chuỗi giá trị sản xuất vi mạch bán dẫn
Các nhà sản xuất vi mạch bán dẫn đang cạnh tranh nhau để có được hệ thống quang khắc siêu cực tím của nhà cung cấp Hà Lan
Phó Chủ tịch Samsung Lee Jae-yong gần đây đã đến thăm Hà Lan để đặt nền móng cho chuỗi giá trị bán dẫn của đại tập đoàn Nam Hàn.
Các nhà sản xuất vi mạch bán dẫn chạy đua để mở rộng sản xuất trong bối cảnh thiếu hụt toàn cầu đang cạnh tranh để có được hệ thống quang khắc EUV của nhà cung cấp thiết bị sản xuất vi mạch bán dẫn ASML của Hà Lan — những thiết bị cần thiết để tạo ra các vi mạch tiên tiến.
EUV là viết tắt của “extreme ultraviolet”, tức “siêu cực tím”, bước sóng ánh sáng được sử dụng bởi các máy tiên tiến nhất của ASML.
Những chiếc máy này là những thứ bắt buộc phải có để sản xuất vi mạch bán dẫn tiên tiến theo quy trình 7 nanomet, cho phép các nhà sản xuất vi mạch bán dẫn tạo ra những con vi mạch bán dẫn nhỏ hơn, hiệu suất cao hơn với hiệu quả sản xuất cao hơn và chi phí giảm.
Nhỏ hơn thì tốt hơn trong sản xuất vi mạch bán dẫn, vì càng nhiều bóng bán dẫn được gói gọn trong cùng một không gian, thì vi mạch bán dẫn càng nhanh và càng tiết kiệm năng lượng hơn.
Nhà cung cấp Hà Lan gần như độc quyền trong các hệ thống quang khắc tiên tiến của EUV, với sản lượng nhỏ ở vào khoảng 40 chiếc hàng năm vào năm 2021. Những máy này đang có nhu cầu cao do các nhà sản xuất vi mạch bán dẫn trên toàn thế giới dựa vào thiết bị này để duy trì tính cạnh tranh.
Hôm 14/06, ông Lee đã đến thăm ASML tại Eindhoven, Hà Lan, và gặp gỡ Giám đốc Điều hành Peter Wennink của công ty cùng các giám đốc điều hành khác. Người đứng đầu hai công ty đã thảo luận về triển vọng của thị trường vi mạch bán dẫn và cung và cầu đối với máy quang khắc EUV, theo một tuyên bố từ Samsung.
Ngoài ra, các giám đốc điều hành cũng thảo luận về chiến lược kinh doanh trung và dài hạn của hai công ty.
Samsung và ASML đã làm việc cùng nhau về công nghệ EUV từ đầu năm 2000. Samsung hiện nắm giữ 1.5% cổ phần của công ty Hà Lan.
Giám đốc điều hành AMSL, ông Wennink, cho biết năm ngoái rằng công ty có kế hoạch sản xuất 55 đơn vị hệ thống quang khắc EUV vào năm 2022, trong đó Samsung bảo đảm có 18 đơn vị.
Hồi đầu tháng Một, một vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại một trong những nhà máy của ASML ở Berlin, điều này phần nào ảnh hưởng đến việc sản xuất và có thể là tiến độ giao hàng của các hệ thống EUV mới hơn của hãng. Vụ cháy được báo cáo đã làm hư hỏng một phần khu vực sản xuất của công ty.
Tuy nhiên, ông Wennink cho biết trong một cuộc họp hội nghị quý IV rằng vụ hỏa hoạn sẽ không ảnh hưởng đến mục tiêu sản lượng và doanh thu của ASML.
Với sự gia tăng mạnh mẽ của nhu cầu về vi mạch bán dẫn, các nhà sản xuất vi mạch bán dẫn trên toàn thế giới đã cạnh tranh gay gắt để có được các máy EUV của AMSL. Trong đó có Intel của Hoa Kỳ, Samsung của Nam Hàn, và TSMC của Đài Loan, công ty lớn nhất, sản xuất vi mạch bán dẫn cho Apple, AMD, và Nvidia.
Để hạn chế quyền bá chủ của Bắc Kinh trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, vào năm 2020, chính phủ ông Trump đã chặn ASML bán hệ thống quang khắc EUV của mình cho Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia. Các nỗ lực đã được tiếp nối bởi chính phủ ông Biden, tiếp tục lập trường của Tòa Bạch Ốc dưới thời ông Trump.
Trước khi đến thăm ASML, ông Lee cũng đã gặp Thủ tướng Hà Lan Marco Rutte hôm 14/06 để thảo luận về quan hệ đối tác bán dẫn. Theo The Korea Herald, ông Lee được cho là đã đề nghị Thủ tướng Hà Lan hỗ trợ Samsung trong việc bảo đảm thêm nhiều máy ASML hiện đang bị khan hiếm nguồn cung do thiếu vi mạch bán dẫn.
Hồi tháng Ba, Thủ tướng Hà Lan đã có cuộc điện đàm với Tổng thống đắc cử đương thời Yoon Suk-yeol về một chủ đề tương tự. Hai nhà lãnh đạo được đưa tin là đã đồng ý mở rộng quan hệ đối tác song phương giữa hai quốc gia, đặc biệt là trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
Hôm 15/06 theo giờ địa phương, ông Lee đã đến thăm Trung tâm Vi điện tử Liên đại học (IMEC), viện nghiên cứu chất bán dẫn lớn nhất ở Âu Châu, đặt tại Leu, Bỉ. Ông đã gặp Giám đốc Điều hành IMEC Luc Van den hove, nơi họ đã thảo luận về các công nghệ vi mạch bán dẫn mới nhất và hướng nghiên cứu và phát triển (R&D).
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã tới thăm Nam Hàn trong chuyến công du Á Châu đầu tiên kể từ khi nhậm chức. Trong chuyến công du, các nhà lãnh đạo cam kết tăng cường liên minh vi mạch bán dẫn giữa các quốc gia sản xuất vi mạch bán dẫn lớn nhất thế giới để giảm bớt tình trạng thiếu hụt toàn cầu.
Ngay sau khi ông Biden rời Nam Hàn, Samsung Electronics tuyên bố sẽ chi khoảng 360 tỷ USD trong vài năm tới cho đến năm 2026 để thúc đẩy hoạt động kinh doanh của mình, từ vi mạch bán dẫn đến công nghệ sinh học. Trong một thông báo hôm 24/05, công ty tiết lộ rằng khoảng 80% các khoản đầu tư sẽ được thực hiện tại Nam Hàn, nơi công ty có trụ sở chính.
Tháng 11 năm ngoái, Samsung Electronics đã công bố khoản đầu tư 17 tỷ USD vào việc xây dựng một cơ sở sản xuất chất bán dẫn mới ở Tyler, Texas, với việc khởi công xây dựng trong nửa đầu năm nay.
Cơ sở mới dự kiến bắt đầu sản xuất hàng loạt vào nửa cuối năm 2024, sản xuất các sản phẩm dựa trên công nghệ quy trình tiên tiến để ứng dụng trong các lĩnh vực như di động, 5G, điện toán hiệu suất cao (HPC) và trí tuệ nhân tạo (AI).
Cô Lisa Bian là một nhà văn của The Epoch Times sinh sống tại Nam Hàn. Cô chuyên viết về xã hội, văn hóa của nó, và các mối quan hệ quốc tế của nước này.