CEO JP Morgan nói ‘Tôi không thức tỉnh’ khi bảo vệ ‘chủ nghĩa tư bản cho các bên liên quan’
Giám đốc điều hành JP Morgan Jamie Dimon cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại một hội nghị hôm 01/06 rằng việc ông thúc đẩy “chủ nghĩa tư bản cho các bên liên quan” (“stakeholder capitalism”) đã bị hiểu sai là “thức tỉnh” và rằng ông vẫn là “một nhà tư bản thị trường tự do đích thực.”
Theo Financial Times, ông Dimon nói trong một hội nghị do Autonomous Research tổ chức, “Tôi không thức tỉnh. Và tôi nghĩ mọi người đang lầm tưởng chủ nghĩa tư bản cho các bên liên quan là thức tỉnh.” “Tất cả những gì chúng tôi đang nói là khi chúng tôi thức dậy vào buổi sáng, những gì chúng tôi quan tâm là phục vụ khách hàng, giành được sự tôn trọng của họ, được tái hợp tác làm ăn với họ.”
Chủ nghĩa tư bản các bên liên quan vượt ra khỏi chủ nghĩa tư bản cổ đông truyền thống, vốn tập trung vào các hành động có lợi cho việc tăng giá cổ phiếu của công ty, để bao gồm phương pháp “đầu tư có trách nhiệm với xã hội” và “bền vững với môi trường” khi có trách nhiệm với “các bên liên quan”, chẳng hạn như người lao động, cộng đồng, và các nhân tố khác.
Theo ông Stephen Soukup , tác giả của cuốn sách “Chế Độ Độc Tài Tư Bản Thức Tỉnh: Sự Đúng Đắn Chính Trị Đã Nắm Bắt Doanh Nghiệp Lớn Như Thế Nào” (“The Dictatorship of Woke Capital: How Political Correctness Captured Big Business”), chủ nghĩa tư bản mới này cho phép một công ty hành động chống lại lợi ích của các cổ đông.
Các chính trị gia thuộc Đảng Cộng Hòa đã đặt ra vấn đề về việc liệu các ngân hàng, bao gồm JP Morgan, có đang thể hiện sự phân biệt đối xử đối với một số lĩnh vực nhất định của nền kinh tế — chẳng hạn như các nhà sản xuất súng và các công ty năng lượng dựa trên nhiên liệu hóa thạch — để nhân nhượng cho một nghị trình cấp tiến hay không.
Theo Financial Times, ông Dimon cho biết JP Morgan “khá nghiêm túc về khí hậu”, nói rằng Hoa Kỳ đã không “làm đúng về khí hậu.”
“Tôi không nghĩ mọi người nên tham gia vào một số vấn đề này, nơi nó chi tiết hơn nhiều so với quý vị nghĩ và mọi người cảm thấy phấn khích rằng quý vị phải làm điều này,” ông nói. “Không, quý vị không nên.”
Đầu năm nay (2022), Giám đốc điều hành của BlackRock, ông Larry Fink, đã viết trong lá thư thường niên của công ty rằng các công ty được kỳ vọng sẽ đóng một vai trò trong việc “khử carbon nền kinh tế” và quá trình này sẽ bao gồm tất cả mọi người từ cổ đông đến khách hàng và các cơ quan quản lý.
Ông Fink viết, các doanh nghiệp không cắt giảm lượng khí thải carbon của họ sẽ bỏ lỡ hàng tỷ USD đầu tư.
Hôm 24/05, trong một cuộc phỏng vấn với CNBC, Thượng nghị sĩ Ted Cruz (Cộng Hòa-Texas) đã khuyến nghị rằng các nhà quản lý tiền tệ như ông Fink không được bỏ phiếu thay mặt cho các nhà đầu tư khác “để thúc đẩy lợi ích chính trị của chính mình.”
Ông Cruz nói: “Bởi vì đó không phải là chủ nghĩa tư bản, mà là đang chà đạp thị trường.”
Ông Cruz cho biết ông Fink và các CEO cấp tiến khác đã chuyển trọng tâm từ việc tăng lợi nhuận cho công ty của họ sang quan điểm về các vấn đề như biến đổi khí hậu và các mục tiêu khác do cánh tả chính trị thúc đẩy. Thượng nghị sĩ này cũng chỉ ra việc sàng lọc đầu tư liên quan đến các tiêu chí ESG gây tranh cãi.
ESG là viết tắt của rủi ro về môi trường, xã hội và quản trị về mặt lý thuyết gắn liền với một doanh nghiệp không được tính bằng tiền.
Các cơ quan khác nhau sử dụng các phương pháp và tiêu chí khác nhau để tính toán ESG. Nói chung, điểm môi trường được tính toán dựa trên kết quả hoạt động của công ty trong việc xử lý khí thải nhà kính và vai trò của nó đối với biến đổi khí hậu. Điểm xã hội đánh giá mối quan hệ của công ty với các bên liên quan, bao gồm nhân viên, nhà cung cấp, và cổ đông, trong khi yếu tố quản trị xem xét việc tuân thủ luật pháp của thành phố, tiểu bang, và liên bang, tính đa dạng của hội đồng quản trị, và các chỉ số hoạt động liên quan khác.
Những người phản đối đã ví ESG như một điểm tín dụng xã hội kiểu Trung Quốc để xếp hạng các tập đoàn nhằm loại bỏ các công ty không phù hợp về mặt chính trị.
Tỷ phú doanh nhân Elon Musk đã chỉ trích các quỹ đầu tư ESG sau khi có tin tức cho biết chính phủ Đức đã truy quét Deutsche Bank và công ty quản lý tài sản DWS Group vì cáo buộc “quảng cáo xanh lừa dối” (“greenwashing”) về các quỹ ESG của họ.
“Greenwashing” đề cập đến các quy trình mà qua đó các công ty tự thể hiện một cách sai lệch rằng mình thân thiện với môi trường hơn so với thực tế.
Trong một bài đăng trên Twitter hôm 01/06 phản hồi về tin tức này, ông Musk viết, “Tôi vẫn chưa thấy một danh sách ESG nào *không phải là* lừa đảo.”
Trước đó, ông đã gọi ESG là một “trò lừa đảo” sau khi công ty xe điện Tesla bị loại bỏ khỏi Chỉ số ESG trong khi tập đoàn dầu khí Exxon Mobil vẫn có tên trong danh sách.
Theo một số nhà phân tích, chủ nghĩa tư bản các bên liên quan giúp các quốc gia ngoại quốc như Trung Quốc được lợi thay vì các công ty Mỹ.
Ông Naveen Athrappully là một phóng viên tin tức đưa tin về các sự kiện kinh doanh và thế giới cho The Epoch Times.