CEO Goya: ‘Chúng ta đang trên bờ vực của nạn thiếu lương thực’
Theo ông Robert Unanue, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của công ty Goya Foods, các chính sách dẫn đến cuộc chiến về nhiên liệu hóa thạch cũng như cuộc xâm lược Ukraine của Nga sẽ góp phần gây ra một cuộc khủng hoảng lương thực. “Chúng ta đang trên bờ vực của nạn thiếu lương thực.”
Ông Unanue cho biết trên chương trình “Crossroad” (Giao lộ thông tin) của EpochTV, Nga và Ukraine cùng sản xuất một nửa lượng phân bón được sử dụng ở Hoa Kỳ và giá phân bón đã tăng gấp bốn lần.
Tuy nhiên, ông Unanue cho biết, giá phân bón tăng gấp bốn lần này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đến các quốc gia Phi Châu và Âu Châu so với Hoa Kỳ vì quốc gia này hiện đang độc lập hơn về lương thực. Vì hiện tại đang là mùa gieo trồng ở đông nam Ukraine mà người dân lại phải chiến đấu, nên đây sẽ là một vấn nạn lớn.
Ông nói: “Cần trồng đến hai triệu rưỡi mẫu hoa hướng dương.” Nông dân ở đó sẽ trồng ít hơn và sản lượng ít hơn, vì chi phí tăng cao và không mang lại sản lượng cao. “Điều đó sẽ khiến giá thực phẩm tăng vọt.”
Cả Ukraine và Nga đều là những nhà sản xuất chủ đạo về lúa mì và ngô trên thế giới. Nếu cả hai nước này cộng lại, họ chiếm khoảng 29% xuất cảng lúa mì toàn cầu, 19% nguồn cung cấp ngô toàn cầu, và 80% xuất cảng dầu hướng dương toàn cầu.
Ông Unanue lưu ý, hơn nữa, các hệ thống thủy lợi ở đông nam Ukraine đã bị oanh tạc còn các cảng thì bị xâm chiếm. Mariupol, một cảng trên Biển Azov, đã bị chiếm đóng hoàn toàn, và Odesa, một cảng trên Biển Đen, đang là mục tiêu tiếp theo, ông nói thêm. “Điều đó sẽ phong bế Ukraine và ngăn chặn hoạt động xuất cảng của họ.”
Thành phần lớn nhất của giá lương thực là giao thông vận tải, vì vậy cuộc chiến về nhiên liệu hóa thạch hiện nay đã khiến Hoa Kỳ không còn độc lập về dầu mỏ.
Ông nói: “Vận chuyển theo đường ống là miễn phí. Nhưng khi quý vị đưa nó lên một con tàu, với mức giá gấp 10 lần mức hai năm trước, chúng ta đang mua dầu với giá bán lẻ.”
Ông Unanue cho biết: Phân bón nitơ được sản xuất từ khí tự nhiên, vì vậy cuộc chiến về nhiên liệu hóa thạch và độc lập năng lượng cũng tác động đến giá thành của phân bón.
Vị CEO này đã đưa ra một ví dụ về nước dừa mà công ty của ông nhập cảng với số lượng lớn từ Thái Lan, để minh họa cho tác động của việc tăng chi phí vận chuyển.
Ông nói, vì phí vận chuyển tăng cao nên một hộp nước dừa trước đây có giá 1.44 USD, nhưng giờ giá mỗi thùng đã tăng lên 15 USD. “Đó chính là lạm phát, một mức lạm phát gấp mười lần.”
Sứ mệnh nhân đạo của Goya
Ông Unanue cho biết, Goya đã bắt tay vào sứ mệnh cung cấp viện trợ nhân đạo và hỗ trợ tinh thần cho những người tị nạn Ukraine ở Ba Lan. Công ty này hợp tác với các tổ chức và cá nhân như tổ chức Hiệp sĩ Columbus của Ba Lan, Sứ mệnh Trao quyền Toàn cầu (GEM), và những người yêu thích nhóm mũ nồi xanh trước đây của Hoa Kỳ, những người sẽ phân phối thực phẩm do Goya quyên góp từ cơ sở Âu Châu của họ cũng như các chuỗi mân côi mà người Mỹ quyên tặng.
Ông cho biết những người lính mũ nồi xanh này là những người đàn ông rất can đảm, đã mang thực phẩm và thuốc men vào 40 thành phố ở Ukraine.
Ông nói về tín điều của công ty, “Chúng tôi không chỉ ở đó để nuôi dưỡng thể xác, mà chúng tôi còn muốn nuôi dưỡng tâm hồn.”
Ông Unanue nói: “Chúa tạo ra loài người. Nhưng nhân loại đã tạo ra phương cách để tự hủy diệt chính mình — hạt nhân, hóa học, sinh học. Giờ đây chúng ta đang sử dụng thực phẩm như một vũ khí. Chúng ta phải tiến lại gần Chúa hơn.”
“We need to love and build, not hate and destroy. And that’s our mission.”
“Chúng ta cần yêu thương và vun bồi, chứ không phải cừu hận và hủy hoại. Và đó là sứ mệnh của chúng tôi.”
Hỏa hoạn ở các cơ sở chế biến thực phẩm
Với cuộc khủng hoảng lương thực đang bùng phát, các vụ hỏa hoạn gần đây và các tai nạn khác xảy ra tại vô số cơ sở chế biến thực phẩm trong vài tháng qua, làm dấy lên lo ngại về một gánh nặng khác đối với ngành công nghiệp thực phẩm vốn đã dễ bị tổn thương.
Ông Unanue nói rằng những sự cố như vậy thường xảy ra do việc trì hoãn bảo trì phòng ngừa các cơ sở này trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19. Khi hầu hết các công ty và doanh nghiệp thực hiện lệnh phong tỏa, thì ngành công nghiệp thực phẩm này vẫn tiếp tục hoạt động.
Kể từ đó, Goya đã tăng gấp đôi công suất của mình và các cơ sở của công ty hoạt động suốt ngày đêm, nhưng “bất kỳ nhà máy nào cũng cần dừng lại để bảo dưỡng ít nhất một lần một năm”, ông nói và cho biết thêm rằng các nhà máy của Goya dừng hai lần một năm để bảo trì.
Cô Ella Kietlinska là phóng viên của The Epoch Times chuyên về chính trị Hoa Kỳ và thế giới.
Anh Joshua Philipp là một phóng viên điều tra từng đạt giải thưởng của The Epoch Times và là người dẫn chương trình “Crossroads” (“Giao lộ thông tin”) của EpochTV. Anh là một chuyên gia được công nhận về chiến tranh không hạn chế, chiến tranh hỗn hợp phi cân xứng, hoạt động lật đổ, và các quan điểm lịch sử về các vấn đề ngày nay. Hơn 10 năm nghiên cứu và điều tra về Đảng Cộng sản Trung Quốc, hoạt động lật đổ, và các chủ đề liên quan giúp anh có cái nhìn sâu sắc về mối đe dọa toàn cầu này và bối cảnh chính trị.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: