CEO của Chobani: Điều gì là quan trọng nhất để thành công trong kinh doanh?
Hamdi Ulukaya là nhà sáng lập và giám đốc điều hành của Chobani, một doanh nghiệp sản xuất sữa chua kiểu Hy Lạp. Mùa xuân năm ngoái, ông đã diễn thuyết tại lớp tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) của Trường kinh doanh Wharton tại Đại học Pennsylvania. Ulukaya đã chia sẻ rằng sự chính trực và nhân cách là những yếu tố quan trọng của sự thành công trong kinh doanh.
Nguồn lực không phải vấn đề thiết yếu
Sau khi đến thành phố New York, Ulukaya chuyển đến vùng ngoại ô New York và bắt đầu kinh doanh phô mai. Năm 2005, nhà máy sản xuất sữa chua Kraft không có lợi nhuận tại New Berlin, New York được rao bán.
Khi Kraft đang trên đà thu hẹp kinh doanh, Ulukaya đã nhìn thấy những cơ hội kinh doanh ở đó. Lúc đó, không có ai làm sữa chua chất lượng để bán đại trà tại các siêu thị. Trong khi đó, ông ấy có một ít nguồn tài nguyên. Ông kể lại câu chuyện của mình cho các sinh viên tốt nghiệp của Wharton rằng:
“Tôi gọi cho luật sư của tôi, Mario, và nói: ‘Tôi muốn mua lại nhà máy này.’”
“Ông ấy nói: “Này Hamdi, công ty thực phẩm lớn nhất thế giới đang đóng cửa nhà máy này. Họ đang bỏ việc kinh doanh sữa chua. Anh là ai mà có thể làm nó hoạt động được chứ?”
“Tôi trả lời: ‘Anh nói đúng.’”
“Sau đó, tôi lại gọi cho anh ấy và bảo: ‘Không, tôi thật sự muốn mua lại nó.’”
“Mario nói: ‘Hamdi à, anh không có tiền. Anh còn chưa trả lương cho tôi sáu tháng rồi!’ Điều này là thật.”
Nhiều người nghĩ rằng tiền là điều then chốt để thành công trong kinh doanh. Nhiều người coi các công ty như Chobani và Apple là những trường hợp ngoại lệ hiếm hoi, họ tin rằng mọi người đều không thể khởi nghiệp thành công, ngoại trừ những người giàu có hoặc những người có thể huy động vốn từ các nhà đầu tư mạo hiểm.
Quá nhiều tiền sẽ khiến bạn có thể quên mất điều quan trọng này: giải quyết nhu cầu cấp thiết của những người tiêu dùng. Quá nhiều tiền rồi bạn có thể nhận ra, giống như công ty dot-com Quokka đã phá sản từng thấy (công ty dot-com: công ty sử dụng Internet là nền tảng chính trong hoạt động kinh doanh), rằng ngân sách của bạn cho những cái ghế Aeron đắt tiền vượt quá doanh thu hằng năm của bạn. Hoặc, bạn có thể nhận ra bản thân mình giống như công ty Flooz, dù được cấp vốn dồi dào nhưng vẫn phá sản, bởi họ chi 8 triệu USD cho một chiến dịch có phát ngôn viên là người nổi tiếng – Whoopi Goldberg. Hoặc, bạn có thể giống như Chobani: không thuê nhiều nhân viên hơn mức tăng trưởng hiện tại của bạn.
Quá nhiều tiền sẽ khiến bạn có thể quên mất việc xây dựng văn hóa kinh doanh của mình dựa trên nền tảng của mục đích, những nguyên tắc, và giá trị. Dee Hock, giám đốc điều hành, nhà sáng lập của Visa, đã quan sát thấy điều này và viết trong cuốn sách của ông, “One from Many: Visa and the Rise of Chaordic Organization” (Tạm dịch: Một trong vô số điều: Visa và sự trỗi dậy của tổ chức pha trộn giữa trật tự và hỗn loạn):
“Thành công của một tổ chức liên quan rất lớn đến sự minh bạch của mục đích chung, những nguyên tắc chung và sức mạnh của niềm tin vào chúng, hơn là những của cải, chuyên môn, khả năng điều hành, hay năng lực quản lý, dù chúng có vẻ quan trọng.”
Một kế hoạch chi tiết không phải là điều trọng yếu
Làm theo lời khuyên của Hock, Chobani ngay từ đầu đã có ý thức mạnh mẽ về mục đích của họ – sản xuất sữa chua đại trà có chất lượng cao hơn. Trong vòng 5 năm, Chobani đã trở thành nhà sản xuất sữa chua Hy Lạp lớn nhất, với doanh thu hằng năm hiện tại hơn 1 tỷ USD. Để có được thành công như vậy, một số người cho rằng Ulukaya chắc hẳn phải có một kế hoạch kinh doanh chi tiết và bền vững.
Ban đầu, ông thuê lại bốn nhân viên từ công ty Kraft; những nhân viên cũ này cho rằng Ulukaya có một “cách thức thần kỳ” để thành công. Điều đầu tiên ông làm là cho sơn lại các bức tường của cơ sở sản xuất. Một nhân viên nói với Ulukaya: “Hãy nói với tôi là ông có nhiều ý tưởng hơn là việc sơn lại các bức tường.”
Ulukaya nói tiếp: “Và tôi trả lời: ‘Tôi có. Chúng ta sẽ sơn các bức tường màu trắng.’ Thành thật với Thượng Đế là lúc đó tôi chẳng có những ý tưởng nào khác cả …”
“Mùa hè năm đó, chúng tôi sơn các bức tường ấy. Dần dần, chúng tôi nghĩ ra nhiều ý tưởng hơn. Trong vòng hai năm sau đó, mỗi ngày chúng tôi đều nghiên cứu công thức làm sữa chua của mình. Sau khi tôi thấy nó đã hoàn hảo – nghĩa là nó ngon như sữa chua mẹ tôi từng làm – thì chúng tôi khai trương Chobani vào năm 2007. Thời gian trôi qua, cuối cùng thì chúng tôi cũng thuê lại được gần hết 55 nhân viên ban đầu. Sau đó, chúng tôi thuê thêm 100 người nữa. Và thêm 100 người nữa tiếp sau đó. Và chúng tôi bắt đầu phát triển – một cách nhanh chóng.”
Ulukaya nhận ra rằng trí tuệ của tổ chức không chỉ giới hạn ở một mình ông; ông và đội của mình đã tìm ra từng bước đi tiếp theo. Đó là nhờ hiểu rõ các nguyên tắc, mục đích, việc đưa ra quyết định kinh doanh dựa trên các giá trị, mà không cần đến một bộ những quy định phức tạp. Charles Koch, Giám đốc điều hành của Koch Industries, cũng hiểu rõ điều này. Trong cuốn sách “The Science of Success” của ông (tạm dịch: Khoa học của sự thành công), Koch đưa ra lời khuyên này:
“Để hoạt động hiệu quả, bất kỳ nhóm người nào, dù là một xã hội hay một tổ chức, đều cần phải dựa trên những nguyên tắc chung về hành vi đúng đắn, chứ không chỉ là các mệnh lệnh cụ thể. Dành những điều cụ thể, chi tiết cho những người làm công việc đó giải quyết sẽ khuyến khích sự tìm tòi và khám phá của họ. Nó cũng giúp tăng cường khả năng thích nghi khi các điều kiện thay đổi.”
Hock đã giải thích ngắn gọn về cách giải phóng quá trình khám phá kinh doanh trong một công ty với câu châm ngôn này: “Những nguyên tắc và mục đích đơn giản, rõ ràng tạo nên cách cư xử thông minh và tinh tế. Những quy định và luật lệ phức tạp làm cho cách xử sự trở nên ngốc nghếch và hời hợt.”
Nói cách khác, mệnh lệnh-và-kiểm soát đều nguy hại dù trong một tổ chức hay trong một nền kinh tế.
Sự khiêm tốn là điều tối quan trọng để thành công trong kinh doanh
Trên tất cả, Ulukaya coi sự khiêm tốn và nhân cách là những điều then chốt để thành công trong kinh doanh. Cùng với sự phát triển của công ty ông, Ulukaya nghĩ có lẽ ông nên thuê một giám đốc điều hành có nhiều kinh nghiệm hơn. Ông kể về cuộc phỏng vấn với một người được coi là “một nhân vật quyền lực trong một công ty khác, người có rất nhiều trải nghiệm – có bằng MBA, lương cao, và nhiều câu chuyện kể về anh ấy.”
“Một ngày nọ, tôi gặp anh ấy để ăn sáng tại một quán ăn bình dân. Anh ấy nóng lòng muốn gây ấn tượng với tôi đến nỗi hoàn toàn lờ đi cô phục vụ. Anh ấy thật sự bất lịch sự và hoàn toàn không tôn trọng cô ấy. Với tôi, điều này không phải là một biểu hiện của năng lực. Nó là một biểu hiện của sự yếu kém. Nó cho thấy sự thiếu sót trong tâm tính.”
Vị ứng cử viên cho vị trí giám đốc điều hành “đã quên mất điều gì là quan trọng nhất”. Ông nói thêm: “Tại thời điểm đó tôi nhận ra rằng, tôi có nhiều thứ trong mình hơn tôi tưởng.”
Ulukaya hỏi các đồng nghiệp của ông ở Chobani rằng “tôi nên gửi đến các bạn (sinh viên) thông điệp gì.” Câu trả lời của họ tập trung vào sự khiêm tốn: “Thật tuyệt khi bạn có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh của Wharton. Tuy nhiên, mong bạn đừng xử sự như vậy.”
Ulukaya nhận ra rằng các đồng nghiệp của ông đã đưa ra một lời khuyên thông thái: một người cần phải nhận ra những giới hạn của trí tuệ bản thân họ. Đối với các sinh viên tốt nghiệp của Wharton, ông nhắc nhở: “Đừng để bằng cấp trở thành một gánh nặng với các bạn. Đừng để nó cản trở cách bạn nhìn người và đánh giá những gì họ có thể mang đến cho bạn, dù họ có chức danh hay địa vị gì đi chăng nữa.”
Nếu chúng ta không đặt trọng tâm vào tâm tính của mình, chắc chắn chúng ta sẽ cố gắng kiểm soát những người khác. Hock dạy chúng tôi cách tự kiểm soát bản thân:
“Trách nhiệm đầu tiên và tối quan trọng của bất kỳ ai có ý định trở thành người quản lý là tự kiểm soát bản thân: sự chính trực, nhân cách, đạo đức, tri thức, trí tuệ, tính khí, lời nói, và hành động.”
“Đó là một nhiệm vụ phức tạp, không hồi kết, vô cùng gian nan, và thường không liên quan đến người khác. Chúng ta có ít thời gian và hiếm khi xuất sắc trong việc tự kiểm soát bản thân bởi vì nó khó hơn rất nhiều so với việc ra lệnh và kiểm soát hành vi của những người khác.”
“Tuy nhiên, người nào không có sự tự kiểm soát bản thân, người đó không thể phù hợp với vị trí có quyền lực, bất kể họ có nhiều thành tựu thế nào, bởi vì họ càng có nhiều quyền lực, họ càng trở nên nguy hiểm.”
Khiêm tốn là một nhân tố thiết yếu để thành công trong kinh doanh bởi vì phát triển một doanh nghiệp đòi hỏi phải “mổ xẻ” và chắt lọc những ý tưởng mới với một tinh thần khám phá và cởi mở. Các ý tưởng mới có thể phủ nhận những tập quán và niềm tin thâm căn cố đế.
Kraft có thể đã chứng kiến thị trường giảm sút cho loại sữa chua mà họ từng sản xuất, nhưng một thị trường sữa chua kiểu Hy Lạp đặc hơn và ít ngọt hơn đã mở ra. Kraft ban đầu không thể nhìn thấy một nền công nghiệp trị giá hàng tỷ USD, nhưng thông qua quá trình khám phá, điều đó đã xảy ra với Ulukaya và đội của ông ở Chobani.
Một bài học khác từ Chobani là: Những khám phá mới của một doanh nhân có thể tạo ra nhiều cơ hội cho những người khác. Nhu cầu về sữa chua Hy Lạp đã mở ra những cơ hội cho các đối thủ và loại sữa chua Iceland (skyr) tương tự, ví dụ như Siggi’s.
Ulukaya kết thúc với một lời nhắn nhủ đầy lạc quan: “Doanh nghiệp, chứ không phải chính phủ, đang ở vị thế tốt nhất để dẫn đầu tại thời điểm hiện nay.” Các doanh nghiệp, chứ không phải chính phủ, tạo ra nhiều cơ hội cho những người nhập cư, giống như Ulukaya và tất cả người dân Hoa Kỳ.
Barry Brownstein là giáo sư danh dự về Kinh tế học và Lãnh đạo tại Đại học Baltimore. Ông là tác giả của cuốn sách “The Inner-Work of Leadership” (Tạm dịch: Cơ chế bên trong của sự lãnh đạo). Bài viết này ban đầu được xuất bản trên FEE.org
Barry Brownstein
Nhã Liên biên dịch
Xem thêm: