CBP Hoa Kỳ thu giữ hơn 13,000 hàng giả từ Trung Quốc
Tổng giá trị của lô sản phẩm này lên đến hơn 30 triệu USD nếu là hàng chính hãng.
Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CBP) đang đề nghị những người mua sắm trong dịp lễ hội cần nâng cao cảnh giác sau khi họ thu giữ một lô hàng hóa chứa 13,000 sản phẩm nhái lại mẫu thiết kế từ Trung Quốc.
Các sĩ quan của CBP được giao nhiệm vụ tại Cảng biển Los Angeles/Long Beach và các nhân viên khác đã thu giữ tại hiện trường tổng cộng 13,586 sản phẩm giả mạo, bao gồm các mặt hàng túi xách nhái mẫu thiết kế và quần áo làm giả thương hiệu của Gucci, Chanel, Fendi, YSL và Louis Vuitton. Lô hàng này đã bị thu giữ hôm 09/11.
Theo cơ quan liên bang, số hàng hóa bị thu giữ này, nếu là hàng thật, sẽ có giá bán lẻ đề xuất của nhà sản xuất (MSRP) tổng cộng là 30,437,775 USD.
CBP thông báo các sản phẩm giả mạo đang được đăng trên “các danh sách có vẻ hợp pháp trên các trang web nổi tiếng.”
Ông Donald R. Kusser, giám đốc cảng của Cảng biển Los Angeles/Long Beach, cho biết trong một tuyên bố, “Những kẻ xấu khai thác các hoạt động thương mại điện tử bằng cách bán hàng giả và hàng không an toàn thông qua các nền tảng trực tuyến, đặc biệt là trong mùa lễ khi người mua sắm đang săn lùng các mức giá hời.”
“Nếu giá của sản phẩm trông có vẻ rẻ đến khó tin, thì rất có thể là [hàng giả]. Hàng giả thường kém chất lượng và thậm chí có thể không an toàn cho quý vị và gia đình quý vị.”
Cơ quan này đưa ra lời khuyên cho những người mua sắm trong kỳ nghỉ lễ để ngăn chặn việc vô tình mua phải hàng giả, theo các bước sau:
Mua hàng trực tiếp từ chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc từ các nhà bán lẻ được ủy quyền.
Khi mua sắm trực tuyến, hãy đọc các đánh giá về người bán đồng thời kiểm tra số điện thoại và địa chỉ đang hoạt động ở Hoa Kỳ, những thông tin có thể được sử dụng để liên lạc với bên bán hàng.
Xem lại Hướng dẫn Nhận biết Hàng giả trong Thương mại Điện tử cho Người tiêu dùng của CBP.
Hãy nhớ rằng nếu giá của một sản phẩm có vẻ rẻ đến khó tin, thì rất có thể là hàng giả.
Các sản phẩm giả mạo thường có chất lượng kém hơn, và các dấu hiệu cho thấy sản phẩm đó là hàng giả bao gồm đường chỉ may không chắc chắn hoặc không đều nhau, vải mỏng, các logo được thiết kế hoặc làm với kích thước không phù hợp, nhãn bị bong tróc, mực in kém chất lượng, hoặc lỗi in ấn trên bao bì.
Theo CBP, “Hoạt động kinh doanh hàng giả và hàng nhái ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế đổi mới của Hoa Kỳ, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, và trong một số trường hợp là an ninh quốc gia cũng như sức khỏe và sự an toàn của người tiêu dùng.”
Trong năm tài chính 2020, lực lượng sĩ quan CBP trên khắp Hoa Kỳ đã bắt giữ 26,503 kiện hàng chứa hàng giả, ước tính trị giá gần 1.3 tỷ USD nếu đó là hàng thật.
Trong cùng năm đó, các nhân viên của Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan (ICE) và Cơ quan Điều tra An ninh Nội địa Hoa Kỳ (HSI) đã bắt giữ 203 cá nhân, thu thập 125 bản cáo trạng, và tiếp nhận 98 bản án liên quan đến tội phạm về tài sản trí tuệ.
Theo CBP, Trung Quốc “vẫn là nền kinh tế đầu nguồn cho hàng giả và hàng nhái bị bắt giữ”. Trung Quốc chiếm tổng giá trị MSRP ước tính hơn 660 triệu USD hay khoảng 50.5% tổng số vụ bắt giữ đã vi phạm Quyền Sở hữu Trí tuệ trong năm tài chính 2020 (pdf) tại Hoa Kỳ.
Cô Mimi Nguyen Ly là một phóng viên chuyên về tin tức thế giới sống tại Úc. Cô có bằng Cử nhân về phương pháp đo thị lực và khoa học thị lực của Đại học New South Wales. Quý vị có thể liên lạc với cô tại [email protected].
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: