Cây Maypole, Thánh Mary, hoa và thi sĩ: Tháng Năm với niềm say mê
“Tháng Năm duyên dáng, dịu dàng,
Nhảy đùa như đứa trẻ thơ hay cười,
Hót lên, chim két hỡi,
Nở đi, những đóa ngời;
Tháng tư mưa trắng đã rời
Cả trời đất bỗng lại bồi hồi xanh…”
Đối với rất nhiều vùng đất trên thế giới, tháng thứ Năm dương lịch là dấu hiệu của tàn đông và là tín hiệu của lập hạ. Những tán cây đu đưa xào xạc trong làn gió ấm áp nhẹ nhàng, những thảm cỏ đẫm sắc tươi xanh, và đâu đâu trong không khí cũng thấm đẫm vị tinh khiết buổi bình minh trong cả ngày.
Và những dòng thơ mở đầu của bài thơ dành cho thiếu nhi của Annette Wynne chỉ là một búp non bé nhỏ trong vườn văn học, nghệ thuật, và tập quán vĩ đại riêng dành để kính cẩn đón chào tháng Năm.
Điển hình như trong bức tranh rực rỡ có tên gọi “Mùa xuân” của Lawrence Alma-Tadema, người họa sĩ tái hiện hình ảnh thành phố đá hoa cương thời đế chế La Mã, với một lễ diễn hành ngập sắc hoa được dẫn đầu bởi những nhạc công và những cô bé vận đầm trắng. Có lẽ họ đang chào mừng Lễ Floralia, ngày lễ của Thần Flora – nữ thần của những đóa hoa, rau cỏ, và sự sinh sản – một lễ hội thường diễn ra vào cuối tháng Tư. Vẻ trầm mặc nghiêm trang mà ta thấy trên gương mặt những người đàn ông, phụ nữ, và trẻ em được được bù đắp bằng tín hiệu chào đón một mùa mới: trong những nhánh hoa và chùm hoa rực rỡ họ cầm trên tay.
Những người hiện đại chúng ta vẫn có mối liên hệ với những bậc tiền nhân này, vì tên gọi của tháng Năm (tiếng Anh là “May”) bắt nguồn từ Maia Majesta, một vị nữ thần thời cổ Hy Lạp–La Mã biểu trưng cho khả năng sinh sản và tiết xuân. Và rất lâu sau khi La Mã sụp đổ và những lễ hội tương tự như kiểu được mô tả trong tranh của Alma-Tadema kết thúc, những lễ hội và nghi thức khác cũng vẫn được tiến hành để đánh dấu sự đặc biệt của tháng Năm.
Bước cùng tâm thức tháng Năm
“Bước cùng tâm thức tháng Năm” vốn dĩ là một cách biểu đạt có thể truy lại từ thế kỷ 14, có nghĩa là hãy chào mừng tháng Năm, hãy “cầm trên tay những đóa hoa tươi”, và thường tìm kiếm thú vui cùng điều lãng mạn. Dưới đây là một ví dụ. Dựa trên một vài vần thơ của ông trong tác phẩm Ngài Thomas Malory’s Arthurian, thi sĩ Alfred Lord Tennyson trong bài thơ “Idylls of the King” (tạm dịch: “Những lời hoan ca của Đức Vua”) có lúc đã mô tả Nữ hoàng Guinevere và những người hầu cận trong đoạn thơ như sau:
“Bởi thế, cơ hội đến vào một buổi sáng khi triều thần đến chầu
Trang phục xanh, chỉnh tề, nhưng với những chiếc lông chim giễu cợt tháng Năm,
Như thế đó, và thói quen của họ, cứ vui đùa như tháng năm, và quay trở lại…”
Để đi “cùng tâm thức tháng Năm” có thể cũng đồng nghĩa với sự lãng mạn. Trong ca khúc được sáng tác năm 1595 có nhan đề “Giờ là tâm thức tháng Năm”, Thomas Morley viết:
“Giờ là tâm thức tháng Năm,
Khi chàng trai trẻ sẵn lòng dạo chơi,
Lời khen đã sẵn trên môi,
Trông lên trảng cỏ ánh ngời hoan ca,
Fa la la la la la la la la.”
Vòng quanh, họ đi vòng quanh
Đồng hành cùng những thú tiêu khiển trong tháng của Maia chính là những cây cột maypole (*) và Nữ hoàng tháng Năm.
Nguồn gốc của cột maypole đã bị thất truyền trong màn sương phủ dày của lịch sử – nhiều người tin rằng những nghi thức cổ xưa này bắt nguồn từ nước Đức – nhưng kiểu bái lễ này gần như là một điệu múa cầu sinh sản, một nghi thức với những điệu múa xoay vòng không mang tính tôn giáo để thỉnh cầu mùa màng phì nhiêu, sung túc. Những người đàn ông và những người phụ nữ trong những năm tháng xa xôi ấy nhảy múa xung quanh một thân cây sống, đôi khi là một thân cây được trang trí. Dần dà theo sự phát triển của loại nghi thức này, đối tượng của vũ điệu tiêu khiển ấy trở thành một thân cây bị cắt cành và cắm xuống đất, và mọi người nhảy múa thành vòng xung quanh cây, đan xen vào nhau khi dùng những đoạn ruy băng và tán lá trang trí thân cây.
Không phải ai cũng mê say những lễ hội kiểu này. Điển hình như vào năm 1644, Oliver Cromwell, Lãnh chúa Bảo vệ của Anh Quốc, và chính quyền của ông đã cấm trò chơi maypole và ban lệnh đốn hạ những chiếc cột đang cắm vào đất. Ông gọi những cột này là “sự phù phiếm thời kỳ Phong Hóa, thường bị lạm dụng cho thứ mê tín và tà thuật.” Nhưng cùng với sự băng hà của lãnh chúa và sự tan rã của chính phủ, những chiếc cột maypole lại trở nên phổ biến ở Anh Quốc.
Suốt thời đại Victoria, vũ điệu maypole đã bớt đi tính hoang dã; những bé gái vận trang sức nhảy múa và trang trí cho cột gỗ. Chúng ta đã học được từ ông John Chu của Quỹ Thác Tín Quốc Gia Anh rằng Nữ hoàng tháng Năm (May Queen), một loại phong tục cổ xưa khác của những lễ hội kiểu này, là “hiện thân của một bé gái lịch thiệp đúng mực trong chiếc đầm trắng và vương miện hoa. Cùng với những cô gái khác “đi chầu” xung quanh, Nữ hoàng tháng Năm đã trở thành biểu tượng của sự thánh khiết và lời hẹn ước của mùa xuân.”
Ngày nay, phong tục này vẫn còn hiện hữu ở nhiều địa phương khác nhau; những người đàn ông và phụ nữ dựng lên cây cột gỗ, trang trí bằng ruy băng, và đan xen nhảy múa vào ra quanh cột gỗ.
Tháng của Đức Mẹ Mary
Nhà thờ Công giáo La Mã đã khởi đầu tháng Năm với Lễ hội Thánh Joseph Thợ, nhưng ngược lại, nhiều nơi lại tận hiến toàn bộ tháng này cho vị hôn thê nơi thế tục của Thánh Joseph, Đức Mẹ Maria – bà được tôn thờ dưới danh hiệu “Nữ hoàng tháng Năm”. Các nhà thờ thường xuyên có các bài thánh ca về Đức Mẹ trong Thánh lễ; bà là chủ thể của những lời kính trọng và là trung tâm của những lòng sùng kính đặc biệt, và các giáo dân thường được khuyến khích cầu nguyện và lần hạt Mân Côi [trong ngày này].
Thông thường, tháng Năm là tháng mà những trẻ em Công giáo nhận được lễ ban thánh thể đầu tiên. Thường thì dịp này cũng bao gồm buổi lễ ngắn mà một bé gái, trong chiếc áo choàng trắng tinh, đặt vương miện hoa lên đầu của bức tượng Đức Mẹ.
Cả thi sĩ cũng dùng tâm thức tháng Năm
Những thi sĩ như Robert Herrick, William Wordsworth, Leigh Hunt, và Emily Dickinson đều từng bày tỏ lòng kính trọng cho vẻ đẹp thanh lịch và những niềm vui đến và đi của tháng Năm. Trong bài thơ “May and the Poets,” (Tạm dịch: “Tháng Năm và Thi nhân”), Leigh Hunt hoài niệm một vài thi sĩ trước thời của ông trong một tháng rất đỗi hân hoan này:
Có một tháng Năm mãi in trong sách vở;
Tháng Năm xa khỏi Spenser, chẳng bao giờ;
Tháng Năm trong Milton, tháng Năm trong Prior;
Trong Chaucer, trong Thomson, và trong cả Dyer;
Nơi nước Ý, tháng Năm trong sách vở;
Cô có cổ – kim trong từng ngách nhỏ,
Nơi giấc ngủ cô cùng tiên nữ, yêu tinh,
Nơi hạnh phúc họ gọi là gác tủ,
Sẽ sáng rực và trang trí phòng xinh,
Với một tấm vải dày hoa rực rỡ.
Nếu bạn đến đây, thì mưa sẽ bay
Và tháng Năm vẫn ở với tôi này,
Tốt hơn, chúng ta, hãy tìm khi trời mát,
Nơi cánh đồng man mác những màu xanh.
Các tác giả của những vần thơ cũng từng sử dụng tháng Năm như một ẩn dụ về tình yêu và tuổi trẻ. Trong những dòng thơ từ bài “It Is Not Always May” (Tạm dịch: “Chẳng mãi là tháng Năm”), Henry Wadsworth Longfellow bênh vực cho phong cách “hãy tận hưởng từng phút giây hiện tại” khi ông hối thúc một thiếu nữ hãy sống những tháng ngày rực rỡ nhất trong tháng Năm của cuộc đời mình:
“Thiếu nữ kia ơi, bài đồng dao này đơn sơ thôi,
Hãy tận hưởng tuổi xuân không bao giờ ở lại,
Hãy tận hưởng hương sắc ban sơ trôi đi mãi,
Bởi, ôi, tháng Năm chẳng còn mãi bao giờ!”
Và ngược lại, nhà thơ Christina Rossetti nhắc nhở ta trong bài sonnet đã lược đi này, rằng dù mọi mùa có đến, thì thế giới vẫn xoay, và chúng ta cũng vẫn đi cùng năm tháng ấy. Vì thế tháng Năm không hoàn toàn hàm chứa những niềm vui.
“Tôi không thể diễn đạt trước bạn,
Nhưng tôi biết, tháng Năm là có hạn,
Khi ngày còn nắng vàng rực rỡ,
Là khi tháng Năm dịu dàng đương bỡ ngỡ,
Là khi anh túc chưa trổ bông
Giữa những lá ngô mát dịu ngoài đồng.
Hay quả trứng cuối cùng còn chưa nở
Và đôi chim chưa bùi ngùi cách trở.
Tôi chẳng thể nói nó là gì
Nhưng tôi biết: nó rồi sẽ qua đi.
Qua đi cùng những tháng Năm ngày nắng
Như mọi điều ngọt ngào trôi xa vắng.
Bỏ lại tôi, tuổi già, giá lạnh và sương trắng.”
Nâng ly chúc mừng tháng của những loài hoa
Dòng thơ cuối đến với độc giả như một cái vỗ chẳng ngờ. Nhưng trong một bài thơ khác của Rossetti, ông đã đem đến cho độc giả một cái nhìn nhẹ nhõm hơn về tháng của những hoan hỉ mừng vui này:
“Chỉ có một tháng Năm của năm thôi,
Một tháng Năm thỉnh thoảng lạnh và ướt sũng
Chỉ có một tháng Năm của năm thôi
Trước khi năm già nua và lẩm cẩm.
Nhưng dẫu trong ngày lạnh nhất tháng Năm,
Ít ỏi mặt trời, lạnh và mưa ẩm
Với sương và gió, ngày đêm u thẫm
Vẫn nở rộ những đóa hoa.”
Ở bài thơ này, Rossetti nhắc chúng ta rằng tháng Năm có thể không là một tháng của ánh nắng và những cơn gió thoảng mịn, như nhiều nhà thơ khác đã tuyên bố, tuy nhiên, chúng dâng cho ta những nhành huệ tây, nhành tử đinh hương, và rất nhiều cụm hoa đua sắc tỏa hương.
Ít ai trong những kẻ hiện đại chúng ta đây vẫn đang bước cùng tâm thức tháng Năm hay sải những bước vòng quanh cột gỗ, nhưng như những tiền nhân làm bạn với luống cày của ta, chúng ta vẫn có thể tận hưởng tặng phẩm của tháng Năm và nâng cốc chúc mừng vẻ đẹp ấy.
Và chúng ta có thể, như một lời sáo rỗng xưa cũ, dừng lại và thưởng thức hương thơm của những đóa hoa.
Ông Jeff Minick có bốn người con và rất nhiều cháu đang ở tuổi lớn. Trong 20 năm, ông đã dạy lịch sử, văn học, và ngôn ngữ Latin cho các học sinh tại Asheville, Bắc Carolina. Ông là tác giả của hai cuốn tiểu thuyết có nhan đề “Amanda Bell” và “Dust On Their Wings,” và hai tác phẩm hiện thực có nhan đề “Learning As I Go” and “Movies Make The Man.” Hiện tại, ông sống và làm việc tại Front Royal, Virginia. Quý vị có thể theo dõi ông tại trang JeffMinick.com.
Chú thích của dịch giả:
(*) Cột maypole là cột với phía trên đỉnh là một vòng tròn lớn, xung quanh kết hoa. Trong thời gian lễ hội, mọi người sẽ nhảy múa xung quanh cột này.
Hạnh Dung biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: