Cấu trúc xã hội hình chữ T ngược nguy hiểm của Trung Quốc
Giáo sư Li cho rằng kiểu xã hội hình chữ T dễ gây ra những xung đột xã hội; do đó ông gọi nó là cấu trúc của sự căng thẳng. Nhà xã hội học Hoa Kỳ Merton đã phát biểu rằng một xã hội có cấu trúc căng thẳng sẽ mất cân bằng nghiêm trọng về khía cạnh kỳ vọng thành công và phương thức để đạt được thành công. Đó là thời điểm mà các mâu thuẫn xã hội, tội phạm và xung đột tăng mạnh…
Một bài báo có tựa đề “Cấu trúc xã hội hình chữ T và căng thẳng cấu trúc” (T-shaped Social Structure and The Structure Tension) của Giáo sư Li Qiang, đã được xuất bản trên Tạp chí Nghiên cứu Xã hội học ở Trung Quốc số 2 năm 2005. Giáo sư Li Qiang là giáo sư Khoa Xã hội học và là Hiệu trưởng của Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Thanh Hoa. Ông đã phân tích dữ liệu của cuộc Tổng điều tra dân số quốc gia lần thứ năm của Trung Quốc được thực hiện vào năm 2000 và kết luận rằng cấu trúc của xã hội Trung Quốc giống như hình chữ T đảo ngược, với 64.7% dân số nằm trong nhóm thấp nhất và ít nhất 84.1% số người có việc làm thuộc tầng lớp thấp của xã hội Trung Quốc. Các nhóm còn lại phân bố theo cấu trúc hình cột mà không có sự chuyển tiếp ở giữa. Do đó, phần lớn dân số Trung Quốc bị coi là nghèo hoặc thuộc tầng lớp thấp trong khi tầng lớp trung lưu và thượng lưu chỉ chiếm một phần rất nhỏ của dân số.
Giáo sư Li đã chọn 0.095% dữ liệu điều tra dân số bằng phương pháp chọn mẫu hệ thống, lấy những người từ 16 đến 64 tuổi và có được một mẫu tổng gồm 641,547 người để phân tích. Một phần nhỏ dữ liệu bị thiếu sau khi mẫu được phân nhóm thành cư dân thành thị và cư dân nông thôn. Nghiên cứu của giáo sư Li chỉ ra rằng ít nhất 84.1% số người được tuyển dụng thuộc tầng lớp thấp.
Điều này tương tự như kết quả được báo cáo trong cuốn sách có tựa đề “Phân tích tổng quan về sự chuyển đổi của cấu trúc xã hội Trung Quốc hiện tại” (The Overall Analysis of the Transformation of the Current Chinese Social Structure) của nhà kinh tế xã hội học nổi tiếng He Qinglian, trong đó nói rằng 84% dân số thuộc tầng lớp thấp. Các nhà xã hội học thường sử dụng phép loại suy để mô tả tình trạng kinh tế và xã hội của dân số hoặc cấu trúc xã hội.
Một xã hội có một bộ phận nhỏ người giàu, một lượng người lớn hơn thuộc tầng lớp trung lưu chuyển tiếp và một số lượng lớn dân số nghèo được xếp vào cấu trúc hình kim tự tháp. Một xã hội có tầng lớp trung lưu chiếm phần lớn và chỉ có bộ phận nhỏ thuộc tầng lớp thượng lưu và tầng lớp thấp được gọi là cấu trúc hình ô liu hoặc hình trục quay. Xã hội có cấu trúc hình ô liu thường ít căng thẳng hơn; sự khác biệt giữa các tầng lớp xã hội càng lớn thì mức độ căng thẳng càng gay gắt.
Trong cuốn sách của mình, tác giả He Qinglian kết luận rằng Trung Quốc có cấu trúc xã hội hình kim tự tháp. Tuy nhiên, Trung Cộng tuyên bố nó có hình đầu củ hành. Các chuyên gia cho rằng cấu trúc hình kim tự tháp rất không tốt, cấu trúc hình chữ T ngược thậm chí còn tồi tệ hơn. Giáo sư Li cho rằng kiểu xã hội này dễ gây ra những xung đột xã hội; do đó ông gọi nó là cấu trúc của sự căng thẳng. Nhà xã hội học Hoa Kỳ Merton đã phát biểu rằng một xã hội có cấu trúc căng thẳng sẽ mất cân bằng nghiêm trọng về khía cạnh kỳ vọng thành công và phương thức để đạt được thành công. Đó là thời điểm mà các mâu thuẫn xã hội, tội phạm và xung đột tăng mạnh.
Các nhà nghiên cứu lập nên cấu trúc hình chữ T ngược như thế nào?
Giáo sư Li Qiang bắt đầu bằng cách cho điểm từng ngành nghề trong xã hội Trung Quốc dựa trên địa vị kinh tế và xã hội của nó. Điểm càng thấp tương ứng với thu nhập và địa vị xã hội của ngành nghề đó càng thấp; điểm càng cao, thì thu nhập và địa vị xã hội của nó càng cao. Điểm số này còn được gọi là điểm ISEI [1], là những số liệu được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới để biểu thị địa vị xã hội và thu nhập của người dân.
Từ biểu đồ, chúng ta thấy rõ rằng nó phản ánh một cấu trúc xã hội hình chữ T ngược, thậm chí còn tệ hơn cấu trúc xã hội hình kim tự tháp, vốn luôn có một sự cách biệt lớn giữa những người thuộc hai cực của xã hội. 64.7% mẫu là các nhóm đạt dưới 23 điểm, một số điểm rất thấp. Đây là một sự tương phản mạnh mẽ so với các nhóm khác, giống như một cây cột thẳng đứng. Từ đây, sự khác biệt đáng kinh ngạc được thể hiện ra. Chúng ta sẽ tiếp tục xem xét một số nhóm có tỷ lệ phần trăm tương đối lớn hơn và nghề nghiệp tương ứng của họ. 64.7% tổng dân số thuộc tầng lớp thấp nhất.
Nông dân và người tái chế rác chiếm 63.2% lực lượng lao động. Phần đáng chú ý nhất của biểu đồ là nhóm đạt điểm 23, chiếm 63.2% tổng lực lượng lao động. Nhóm này tương ứng với ngành nghề nông nghiệp, bao gồm trồng trọt, chế biến nông sản, chăn nuôi gia súc, trang trại gia cầm, tái chế và dọn rác, v.v … Họ tạo thành một nhóm khổng lồ ở tầng thấp nhất của cấu trúc xã hội hình chữ T ngược.
Lao động nhập cư có địa vị xã hội gần với nông dân chiếm 9.1% lực lượng lao động. Nhóm đạt điểm 29-31 nằm trên cột thẳng đứng, nhưng có lượng dân số lớn hơn một chút. Nó chiếm 9.1% lực lượng lao động. Nhóm này bao gồm công nhân xây dựng, công nhân đất đá, công nhân chế biến bê tông, công nhân giàn giáo, công nhân khảo sát địa chất, công nhân khai thác than và quặng kim loại, thợ mộc và thợ lắp ghép, công nhân sản xuất sản phẩm kim loại, lao động vận chuyển, người kéo xe kéo, nhân viên giao hàng tận nơi, lao động vận tải, lao động khai thác gỗ, công nhân lò mổ, công nhân chế biến thịt, công nhân sản xuất và chế biến lông thú, thợ đóng giày và những lao động chân tay khác. Nhiều công nhân trong số này chuyển từ nghề nông sang và họ làm công nhân cho các doanh nghiệp làng nghề. Địa vị xã hội và mức sống thực tế của họ khá gần với nông dân.
10.3% lực lượng lao động nằm giữa nhóm lao động phổ thông (cổ xanh) và lao động trí thức (cổ trắng)
Một ngành nghề khác với dân số tương đối lớn đạt mức điểm 33-38. Họ đại diện cho 10.3% tổng lực lượng lao động. Nghề nghiệp tương ứng bao gồm công nhân vận tải cho các dịch vụ đường cao tốc, đường sắt, đường thủy và các dịch vụ vận tải khác; nhân viên kinh doanh dịch vụ tổng hợp và phục vụ nhà hàng; công nhân lắp ráp sản phẩm cơ khí và điện tử, công nhân lắp ráp thiết bị cơ khí, công nhân cơ khí, công nhân sản xuất và lắp ráp linh kiện và thiết bị điện tử, kỹ thuật viên công tơ và khí cụ, thợ thủ công mỹ nghệ, thợ thủ công nhạc cụ, công nhân lắp ráp máy phát điện và cơ khí, kỹ thuật viên hóa chất bán lành nghề, và kỹ thuật viên sản xuất bán lành nghề, v.v … Tầng lớp này nằm giữa cổ xanh và cổ trắng. Nó có thể được gọi là cấp cao hơn của cổ xanh hoặc cấp thấp hơn của cổ trắng.
5% lực lượng lao động là lao động trí thức
Khi chúng ta di chuyển dọc theo cột lên phía trên, những tỷ lệ này thậm chí còn nhỏ hơn. Chỉ có 2.3% người dân thuộc nhóm điểm 43-45. Họ là giáo viên tiểu học, giáo viên mẫu giáo, y tá, nhân viên hành chính tổng hợp, nhân viên văn phòng tổng hợp, nhân viên kinh doanh tổng hợp, nhân viên dịch vụ kinh doanh, nhân viên bán hàng, chuyên gia mua bán và triển lãm. Họ thường được coi là nhóm cổ trắng.
Nhóm điểm 68-69 chiếm khoảng 2.6% tổng lực lượng lao động. Họ chủ yếu là nhà quản lý, giám đốc, chuyên gia kỹ thuật và nhà thiết kế của các tổ chức sản xuất, bán hàng và dịch vụ; các chuyên gia công nghệ và kỹ sư điện tử, điện lực, phát thanh và truyền hình, quay phim và vận tải; giáo viên trung học, giảng viên cao đẳng kỹ thuật và các chuyên gia quản trị.
Trong những nhóm có điểm số cao hơn, nhóm đạt điểm 85-88 có tỷ trọng nhiều hơn một chút, nhưng cũng chỉ chiếm 0.5% tổng lực lượng lao động. Họ là những chuyên gia cao cấp như quản lý, giám đốc trong ngành ngân hàng, tài chính và chứng khoán; bác sĩ, giáo sư và các lực lượng kỹ thuật trình độ cao; các quan chức chính phủ, luật sư, thẩm phán và các nhân viên pháp lý cấp cao khác.
Vị trí cao nhất là những ai? Có bao nhiêu trong số họ?
Bà He Qinglian chỉ ra trong nghiên cứu của mình rằng 5% tổng dân số ở Trung Quốc có thể sử dụng quyền lực của mình để lấy tiền. Họ chủ yếu là lãnh đạo cao cấp của chính quyền, bao gồm chính quyền cấp tỉnh, cấp vùng và cấp trung ương; các lãnh đạo và cấp dưới của họ trong các ngân hàng quốc doanh và các doanh nghiệp lớn của nhà nước, cũng như các doanh nghiệp đồng sở hữu bởi chính quyền và các doanh nhân thuộc khối tư nhân.
Biểu đồ mà Giáo sư Li Qiang công bố cho thấy ba nhóm hàng đầu chiếm chưa đầy 5% tổng dân số. Dữ liệu nghiên cứu của giáo sư Li không bao gồm thu nhập của các quan chức tham nhũng ở Trung Quốc Đại lục. Do đó, tình hình thực tế ở Trung Quốc còn nguy hiểm hơn nhiều so với những gì nghiên cứu của giáo sư Li Qiang chỉ ra.
Ghi chú: [1]: Giá trị ISEI là điểm số được đo lường dựa trên địa vị xã hội và thu nhập của từng nghề nghiệp.
Lu Qingshuang, Tong Xin
Hải Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: