Câu chuyện về trai giới: Trai giới là gì?
Lận Tương Như đi sứ sang nước Tần hiến ngọc, tại sao lại yêu cầu Tần Vương trước tiên phải trai giới 5 ngày?Chư tướng tháo chạy, Tiêu Hà dưới trăng đuổi theo Hàn Tín, tại sao Tiêu Hà can gián Lưu Bang trước tiên phải trai giới rồi mới có thể bái Hàn Tín làm đại tướng?Vương Nghiệp trước khi tuần sát địa phương đều bắt buộc phải tắm rửa trai giới, ông có tâm nguyện gì với Thượng thiên? Rốt cuộc trai giới là gì? Có cách giải thích như thế nào? Người viết muốn chia sẻ với mọi người những câu chuyện thú vị được trích ra từ tập văn sao lục.
Nói đến trai giới, người xưa trước khi cử hành cúng tế hoặc tổ chức một sự kiện quan trọng nào đó thì đều phải tiến hành trai giới. Trong Lễ ký-Tế nghĩa có ghi chép rằng: “Trai chi nhật, tư kỳ cư xứ, tư kỳ tiêu ngữ, tư kỳ chí ý, tư kỳ sở lạc, tư kỳ sở thị. Trai tam nhật, nãi kiến kỳ sở vi trai giả” (Tạm dịch: Người trong kỳ trai giới, tự suy xét về nơi ở của bản thân, ngôn hành của bản thân, khát vọng của bản thân, niềm vui của bản thân, sở thích của bản thân. Sau 3 ngày trai thì người đó đích thị là người trì trai)”. Ý nghĩa đại khái là trong thời gian trai giới phải xem xét lại tư tưởng ngày thường của bản thân, thanh lọc tinh thần và suy nghĩ, mục đích dùng một trái tim thuần khiết trong sạch để giao tiếp với thần linh. Vì vậy, người xưa nói: “Tẩy tâm viết trai, phòng hoạn viết giới dã” (Tạm dịch: để tâm trong sạch phải trì trai, để phòng họa hoạn thì phải giữ giới vậy.)
Vào thời Trung Quốc cổ đại, đối với được mất lợi hại trong triều chính, nếu có chỗ cần phải sửa đổi cải cách, thì bá quan cần phải thẳng thừng can gián hoàng đế. Vì đây là sự kiện trọng đại, hoàng đế trước khi lắng nghe thì đầu tiên cần trai giới, sau đó mới tiếp nhận lời khuyên can của bá quan.
Mỗi dịp cuối năm, hoàng đế đều phải khảo hạch đánh giá thành tích của bá quan trong triều. Trước khi chờ đợi lắng nghe khảo hạch đánh giá từ hoàng đế thì bá quan đều bắt buộc phải trai giới. Sau đó mới tổ chức yến tiệc và tế lễ để khích lệ sự vất vả của bách tính nhân dân. Lúc này mới được xem là sự kết thúc của một năm.
Vào thời Trung Quốc cổ đại, ngoài việc trai giới trong thời gian tế lễ, thì khi gặp phải những sự kiện trọng đại hoặc khi muốn ủy thác trọng trách cho một người nào đó thì cũng cần phải trai giới, để thể hiện sự tôn kính.
Lận Tương Như đi sứ sang nước Tần dâng ngọc cũng thỉnh Tần Vương trai giới để thể hiện sự tôn kính
Vào thời Chiến Quốc, nước Triệu có một viên Hòa thị bích vô cùng quý hiếm. Năm 283 TCN, Tần Chiêu Tương Vương (325 TCN-251 TCN) phái người gửi thư cho Triệu Vương, ý định muốn đổi 15 tòa thành lấy ngọc. Quần thần nước Triệu sau khi thương nghị xong thì lo lắng nếu dâng ngọc cho Tần chỉ e không đổi được thành trì; còn nếu không dâng ngọc cho Tần thì có thể sẽ bị Tần tiến đánh. Vì vậy sự việc này khó mà đưa ra quyết định cuối cùng. Sau đó, dưới sự tiến cử của thái giám Mậu Hiền, Triệu Huệ Văn Vương phái Lận Tương Như đem ngọc đi sứ sang nước Tần.
Lận Tương Như khi đến nước Tần thì phát hiện Tần Vương chỉ ở trên chương đài bình thường để tiếp kiến mình, lễ tiết vô cùng ngạo mạn; Tần Vương sau khi có được ngọc đẹp thì truyền cho thần thiếp đến xem, mượn chuyện này để đùa cợt Tương Như. Vì vậy Tương Như nhận ra rằng Tần Vương không hề có thành ý muốn đổi thành lấy ngọc, sau đó ông liền mượn cớ ngọc có tì vết để thu hồi lại, đồng thời lùi lại cạnh cột điện rồi nổi giận đùng đùng nói với Tần Vương.
Ông nói, quần thần nước Triệu vốn dĩ sau khi thương nghị đều cho rằng nước Tần sẽ không đổi thành lấy ngọc. Nhưng ông nghĩ rằng “Thường dân qua lại kết giao còn không lừa dối nhau, huống gì nước Tần còn là một nước lớn! Vì vậy mà Triệu Vương vì mối giao hảo giữa hai nước đã trai giới 5 ngày, phái tôi đem ngọc đi sứ sang nước Tần, ở trên điện đường mà cung kính bái tiễn quốc thư. Tại vì sao như vậy? Bởi vì sự tôn trọng dành cho uy vọng của đại quốc, chính là để biểu thị sự tôn kính!”.
Triệu Vương dâng ngọc trai giới 5 ngày, vì vậy Lận Tương Như cũng thỉnh Tần Vương trai giới 5 ngày, đồng thời phải thiết đãi yến tiệc lớn tại cung điện, yếu thỉnh thiên hạ cửu tân, có vậy thì ông mới dám dâng ngọc. Tần Chiêu Tương Vương nghĩ rằng nếu cưỡng ép đoạt lấy ngọc thì Lận Tương Như sẽ ôm ngọc mà đâm đầu vào cột, như vậy viên ngọc đẹp kia sẽ vỡ mất. Vì vậy Tần Vương đồng ý trai giới 5 ngày. Lận Tương Như biết được Tần Vương không hề có thành ý muốn lấy thành đổi ngọc, do đó ông liền sai người mang theo ngọc đi đường tắt trở về nước Triệu.
Tiêu Hà thỉnh Lưu Bang trai giới trước khi bái Hàn Tín làm tướng
Vào thời Sở Hán tranh bá, Hạ Hầu Anh tiến cử Hàn Tín với Hán Vương Lưu Bang, nhưng Lưu Bang lại không trọng dụng Hàn Tín. Sau đó, Hàn Tín cùng Tiêu Hà nói chuyện vài lần. Tiêu Hà cảm thán rằng Hàn Tín rất có tài lãnh quân. Lúc Lưu Bang đến Nam Trịnh, rất nhiều tướng lĩnh đều bỏ ông ta mà đi, Hàn Tín thấy rằng bản thân không được Lưu Bang trọng dụng, vì vậy ông cũng rời đi. Tiêu Hà hay tin, không kịp hỏi qua ý kiến của Lưu Bang, mà vội vã cưỡi ngựa xuyên đêm đuổi theo Hàn Tín.
Mọi người đều cho rằng Tiêu Hà cũng đã bỏ đi, vì vậy liền bẩm báo lên Lưu Bang. Lưu Bang vô cùng tức giận. Tuy nhiên, hai hôm sau, Tiêu Hà quay trở về, Lưu Bang liền mắng Tiêu Hà: “Ngươi bỏ chạy gì chứ?” Tiêu Hà đáp rằng ông không bỏ chạy, chỉ là đuổi theo người bỏ chạy thôi. Lưu Bang nghe thấy ông đuổi theo Hàn Tín thì lại mắng: “Quan quân bỏ chạy có đến mấy chục người ngươi đều không đuổi theo, mà chỉ đuổi theo mỗi Hàn Tín, ngươi rõ là nói dối”. Tiêu Hà nói rằng những quan quân bỏ chạy kia rất dễ tìm, nhưng người như Hàn Tín lại là “Quốc sĩ vô song”, nhân tài như ông ta đi khắp cả thiên hạ cũng tìm không ra người thứ 2. Ông khuyên nhủ Lưu Bang rằng nếu muốn xưng bá thiên hạ thì ngoài Hàn Tín ra không ai có thể giúp ông ta hoàn thành cơ nghiệp vĩ đại này được, vì vậy ông trịnh trọng tiến cử Hàn Tín với Lưu Bang.
Nể mặt Tiêu Hà, Lưu Bang chỉ muốn phong Hàn Tín làm tướng quân. Tiêu Hà nói: “Nếu chỉ phong Hàn Tín làm tướng quân thì ông ta sẽ không ở lại”, vì vậy, Lưu Bang bèn nghĩ đến phong Hàn Tín làm đại tướng quân. Để biểu thị sự tôn kính dành cho Hàn Tín, Tiêu Hà lại nói tiếp với Lưu Bang rằng: “Đại Vương trước nay khinh mạn vô lễ. Nay muốn bổ nhiệm một vị đại tướng mà xem như trò trẻ con vậy, đây chính là nguyên nhân Hàn Tín bỏ đi. Đại vương nếu nhất định bái Hàn Tín làm đại tướng quân, thì tốt nhất đầu tiên nên chọn ngày tiến hành trai giới, lập đàn làm lễ, cử hành đúng theo nghi lễ bổ nhiệm đại tướng thì mới được”. Lưu Bang đồng ý.
Chư tướng nghe nói Hán Vương muốn bái tướng đều rất vui mừng. Ai ai cũng đều cho rằng bản thân sẽ được phong làm đại tướng. Tuy nhiên, đến lúc chính thức thọ phong thì mới phát hiện thì ra người Hán Vương muốn bái là Hàn Tín, toàn quân đều vô cùng kinh ngạc.
Ngọc họ Hòa là quốc bảo của nước Triệu, Triệu Vương sai Lận Tương Như đi sứ sang Tần để dâng ngọc, trai giới 5 ngày biểu thị sự tôn kính đối với nước Tần. Tiêu Hà khuyên gián Lưu Bang phong Hàn Tín làm đại tướng quân, trước tiên cũng cần trai giới, để biểu thị sự tôn trọng đối với Hàn Tín. Vào thời Trung Quốc cổ đại, có vị quan lại vì không muốn phụ lòng bách tính, nên trước khi đi tuần đều tắm rửa trai giới, cầu khẩn Thượng thiên!
Thành tâm trai giới không phụ lòng dân
Vào thời Đông Hán, có một vị quan tên gọi là Vương Nghiệp, tự Tử Hương. Dưới triều Hán Hòa Đế, ông đảm nhiệm chức thống đốc Kinh Châu. Mỗi lần trước khi đi tuần ông đều tắm rửa trai giới, sau đó cầu khẩn với trời đất rằng: “Tôi tâm trí ngu muội, xin chỉ bảo để tôi không làm ra chuyện phụ lòng bách tính”. Trong 7 năm làm thống đốc Kinh Châu, ông hết lòng thương dân, chính sách quản lý nhân từ, làm quan công minh liêm khiết. Địa phương do ông cai quản đắm chìm trong làn gió của sự nhân từ, nơi đó không có trộm cướp và kẻ hung bạo, đến cả trong núi cũng không tìm thấy lang sói cũng như các loài thú dữ khác.
Sau đó, ông qua đời tại Tương Giang, lúc đó, mọi người nhìn thấy có hai con hổ trắng cúi đầu, buông thõng đuôi nằm dài bên cạnh ông. Lúc mọi người an táng ông, hai con hổ đó nhảy qua châu cảnh rồi biến mất. Vì vậy, bách tính trong vùng lập một bia mộ cho ông và hai con hổ, đề là “Tương Giang Bạch Hổ Mộ”.
Tài liệu tham khảo:
Lễ ký – Tế nghĩa
Trang tử – Nhân gian thế
Sử ký, quyển 81
Hán thư, quyển 34
Sưu thần ký, quyển 11
Do Tống Bảo Lam thực hiện
Phụ trách biên tập: Vương Du Duyệt
Oanh Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại EpochTimes Hoa ngữ
Xem thêm: