Câu chuyện về sự ra đời của quả cầu tuyết
Nhờ phát minh ngoài ý muốn của tiền nhân từ hơn một thế kỷ trước, mà ngày nay bạn có thể nâng niu những bông hoa tuyết trong lòng bàn tay ngay tại ngôi nhà ấm áp của mình.
Có câu nói rằng, “Để trân trọng vẻ đẹp của một bông tuyết rơi, bạn cần vượt qua cái lạnh giá [của mùa đông].”
Nhờ sự sáng tạo ngoài ý muốn từ hơn một thế kỷ trước, mà ngày nay bạn có thể nâng niu những bông hoa tuyết trong lòng bàn tay ngay tại ngôi nhà ấm áp của mình.
Chắc hẳn ít ai ngờ rằng người phát minh ra quả cầu tuyết thực ra là một nhà thiết kế dụng cụ phẫu thuật. Ông Erwin Perzy ở Viên, Áo, được cho là người đã thiết kế và được cấp bằng sáng chế cho quả cầu tuyết đầu tiên. Vào lúc ấy, ông đang mải tìm cách cải tiến đèn dùng cho phẫu thuật y tế, có tên gốc là Schusterkugel (hoặc đèn dùng cho các thợ đóng giày ở Đức), loại đèn mà các thợ thủ công sử dụng để tăng cường độ sáng.
Vào năm 1900, ông đã phát hiện ra rằng việc dùng những mảnh vỡ thủy tinh lấp lánh đặt bên trong một quả cầu chứa đầy nước để tăng cường độ sáng là không khả dụng, đó là vì những mảnh vỡ rơi trong nước quá nhanh. Sau đó, ông đã dùng bột báng thay thế nhưng kết quả cũng không cải thiện được độ sáng. Tuy vậy, điều thú vị là ngắm nhìn chúng lơ lửng và nhẹ nhàng trôi ngược xuôi trong làn nước làm ông nhớ đến những hoa tuyết rơi. Perzy rất yêu thích các món đồ chơi và việc chế tạo chúng. Ông thử đặt một bức tượng gốm mô hình thu nhỏ của Thánh đường Mariazell (một nhà thờ baroque ở vùng Styria của Áo) vào chiếc đèn Schusterkugel chứa bột báng và tặng món quà độc đáo đó cho người bạn của mình. Sau đó, người bạn này đã đặt nhiều đơn hàng hơn nữa để bán cho những du khách ghé đến quầy lưu niệm của ông. Từ đó, quả cầu tuyết đã ra đời.
Ông Perzy chủ yếu đặt tâm huyết vào việc chế tác những mô hình thu nhỏ xoay quanh chủ đề tôn giáo. Các gia đình thượng lưu ở Áo luôn muốn có một tác phẩm nghệ thuật tiên phong này để bài trí trong ngôi nhà của họ. Doanh nghiệp của Perzy đã làm ăn vô cùng phát đạt. Vào năm 1908, ông đã được Hoàng đế Franz Joseph I vinh danh vì phát minh này.
Cơn sốt quả cầu tuyết
Tuy nhiên, nhờ vào sự đổi mới của vật liệu và quy trình sản xuất, rất nhiều cải tiến đã được thực hiện trước khi quả cầu tuyết trở nên phổ biến trong mỗi gia đình. Thông tin về vật phẩm mới mẻ này đã nhanh chóng lan sang bờ bên kia đại dương và truyền đến tai người Mỹ. Vào những năm 1950, sau nhiều lần triển lãm tại Hội chợ Đồ chơi Quốc tế Nuremberg, cơn sốt quả cầu tuyết thực sự bùng nổ ở Hoa Kỳ.
Tại Âu châu, quả cầu thủy tinh nhỏ xinh đã trở thành món quà giáng sinh dành cho các em nhỏ Công giáo La Mã. Tuy nhiên các khách hàng ở Hoa Kỳ đã thuyết phục doanh nghiệp Perzy mở rộng ra nhiều chủ đề khác ngoài chủ đề chính về tôn giáo. Các nhân vật Disney, các địa điểm du lịch, cũng như những khung cảnh của Giáng sinh và các thế giới khác nhau cũng đã bắt đầu xuất hiện. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, các quân lính tí hon được bố trí bên trong quả cầu nhằm khích lệ tinh thần chiến đấu cho quân đội và người dân. Và sự bùng nổ các tour du lịch sau chiến tranh đã tạo cơ hội cho quả cầu tuyết góp mặt trong mọi cửa hàng lưu niệm nội địa. Quả cầu tuyết đầu tiên của Walt Disney được làm vào năm 1959, với một nhân vật tí hon trong phim hoạt hình Bambi.
Vào năm 1941, quả cầu tuyết Perzy đã trở thành bất tử [khi xuất hiện] trong bộ phim kinh điển “Citizen Kane” ở màn mở đầu đầy kịch tính, khi rơi khỏi lòng bàn tay của một người đàn ông xuống sàn và vỡ tan thành nhiều mảnh. Tuy nhiên, điều này khó xảy ra đối với những quả cầu tuyết ngày nay, vì phần thủy tinh của vỏ quả cầu đã được thay thế bằng nhựa hoặc plexiglass trong quá trình sản xuất. Còn có những cải tiến vật liệu mới như dùng khuôn để ép thành các bức tượng nhỏ và cả việc thay thế tuyết bằng các bông tuyết nhựa, cũng như trộn glycol với nước để tăng độ sánh. Do đó, quả cầu tuyết dễ dàng đến tay người tiêu dùng và có giá cả phải chăng hơn. Các nước như Hồng Kông và Trung Quốc hiện nay đều có thể sản xuất hàng loạt các quả cầu tuyết này.
Doanh nghiệp gia đình
Ngày nay công ty Wiener Schneekugelmanufaktur (một nhà sản xuất quả cầu tuyết có trụ sở ở Viên) vẫn tiếp tục hoạt động như một doanh nghiệp gia đình. Ông Erwin Perzy III, cháu trai của Perzy, vừa mới nghỉ hưu và con gái của ông là Sabine Perzy II , hiện đang điều hành công việc kinh doanh của gia đình.
“Đối với những hàng nhái giá rẻ, tuyết chỉ rơi sau vài giây. Còn tùy theo những kích cỡ quả cầu tuyết của chúng tôi, thời gian tuyết rơi có thể lên đến hai phút,” cô Sabine giải thích.
Bột báng trong quả cầu đã được thay thế bằng hỗn hợp gia truyền bao gồm nhựa và sáp, nhưng thành phần chính xác là một bí truyền của gia đình chỉ được truyền lại cho ông Erwin Perzy III và cô Sabine.
Vậy còn các vật dụng trang trí bên trong thì sao? Chúng từng được chế tác thủ công, đúc trong khuôn hợp kim thiếc, do chính ông Erwin Perzy đúc và chạm khắc tỉ mỉ. Nhưng ngày nay các mô hình tí hon được sản xuất theo từng lô [với số lượng] nhỏ, sử dụng thiết kế bằng phần mềm và in bằng máy 3D. Quả cầu tuyết Perzy có hơn 350 kiểu dáng khác nhau, từ đu quay đứng Ferris của Viên cho đến nhà thờ Thánh Stephen, cũng như các nhân vật hoạt hình trong các bộ phim Disney gần đây nhất như rồng tím hay những giày đỏ lấp lánh. Tuy nhiên, điều làm nên sự khác biệt của quả cầu tuyết Perzy là khả năng đặc chế cho các đơn đặt hàng thiết kế riêng theo yêu cầu, chúng chiếm 20% tổng doanh số bán hàng. Đáng chú ý nhất là những quả cầu thiết kế riêng cho các cựu tổng thống Mỹ như Bill Clinton và Ronald Reagan.
Quả cầu tuyết Viên này cũng lưu giữ lại những hình ảnh biểu trưng cho những thời kỳ đặc biệt, chẳng hạn như ý tưởng đặt một cuộn giấy vệ sinh vào quả cầu tuyết trong thời kỳ dịch bệnh của cô Sabine. Khi quan sát những người thợ làm bánh nặn bánh mì hình dạng cuộn giấy vệ sinh nhằm châm biếm hành vi dự trữ các vật dụng cần thiết trong nhà tắm vào năm 2020, cô đã nảy ra ý tưởng này. Khách hàng của cô cũng thích thú với sự hài hước được gói gọn trong những khung cảnh đầy tuyết trắng ấn tượng của một món quà lưu niệm. Và những quả cầu tuyết độc đáo này đã bán rất chạy.
“Chúng tôi đã gia công những quả cầu tuyết dành riêng cho một số bộ phim nổi tiếng, cũng như những quả cầu tuyết có biểu tượng nhãn hiệu và làm quà tặng cho các doanh nghiệp lớn,” cô nói thêm.
Họ thậm chí còn có các khách hàng là doanh nghiệp ở Nhật Bản. Thương hiệu Mitsubishi đã đặt hàng trăm nghìn quả cầu tuyết trong suốt những năm qua.
Cô Sabine giải thích, “Một số mô hình mất đến nửa năm để chế tác. Chúng tôi từng có một khách hàng mong muốn có đặt mô hình nhà của mình trong quả cầu tuyết và để làm quà tặng chồng nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày cưới.”
Wibke Carter là một nhà văn du lịch đến từ Đức. Cô ấy đã sống ở New Zealand và New York, và hiện đang tận hưởng cuộc sống ở London. Trang web của cô ấy là WibkeCarter.com.
Thanh Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: