Câu chuyện gia giáo: Lê thị dạy con có thể đọc sách ở khắp mọi nơi
Trịnh Trân là học giả vào thời kỳ Đạo Quang và Hàm Phong triều Thanh, tự là Tử Doãn, hiệu Tử Ông, người vùng Tuân Nghĩa (nay thuộc Quý Châu, Trung Quốc). Ông đỗ Cử nhân vào năm Đạo Quang thứ 17 (năm 1837). Ông nhậm chức Huấn đạo ở huyện Lệ Ba, về sau được sự tiến cử của Đại học sĩ Kỳ Tuấn, ông đến Giang Tô làm Tri huyện dự bị. Nhưng ông chưa chờ được đến khi phong chức thì đã qua đời, hưởng dương 59 tuổi.
Trịnh Trân chú trọng nghiên cứu khảo chứng, có những kiến giải độc đáo khi nghiên cứu “Tam lễ” (Lễ ký, Chu lễ và Nghi lễ), đặc biệt rất giỏi về lĩnh vực “Thuyết văn”, có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng như “Thuyết văn dật tự”, “Thuyết văn tân phụ khảo”, “Cổ kim văn hiến”, “Nghi lễ tư tiên” v.v… Ông còn là một nhà thơ nổi tiếng thời Thanh. Cuộc đời của Trịnh Trân, chính là cuộc đời của học giả, của thi nhân.
Thời ông còn bé, mẫu thân của ông là Lê thị yêu cầu hết sức nghiêm khắc đối với ông, lúc nào cũng đốc thúc ông nghiêm túc khắc khổ học tập. Khi Trịnh Trân từ học quán trở về nhà, Lê thị thường gọi con trai theo mình ra ruộng lao động. Phương thức học tập kết hợp với lao động này đã giúp cho Trịnh Trân càng hiểu được sự gian khổ trong cuộc sống, từ đó trở thành động lực để ông chăm chỉ đọc sách.
Thời gian nghỉ ngơi trong khi làm việc, Lê thị thấy con mình không đọc sách, bèn hỏi: “Lúc này đang nhàn rỗi, tại sao con không đọc sách?”.
Trịnh Trân trả lời mẫu thân rằng: “Trong ruộng không có chỗ để đọc sách ạ”.
Lê thị nghe con trai nói như vậy, trách cứ rằng: “Ở đâu mà không thể đọc sách? Dưới gốc cây, dưới mái hiên đều có thể đọc sách. Phải sáng sủa sạch sẽ, chuyện gì cũng không nghĩ đến, mới có thể mở miệng đọc và dụng tâm ghi nhớ, con không có cái may mắn này! Tuy nhiên, đọc sách chân chính cũng không nhất định phải là như vậy!”
Với sự dạy dỗ của mẫu thân, Trịnh Trân quả nhiên đã dưỡng thành thói quen tốt có thể đọc sách ở bất cứ nơi đâu.
Một hôm, có một người buôn bán sách đến nhà của Trịnh Trân. Trịnh Trân chọn mấy cuốn sách cổ như “Lễ ký”, yêu thích cầm chúng không dứt ra được, nhưng lại không có nổi tiền để mua, thực sự là không thể nghĩ ra được cách nào. Lê thị nhìn thấy tình cảnh này, lập tức không chút do dự tháo xuống một cái bông tai vàng, đổi lấy mấy cuốn sách này. Lê thị liếc nhìn mấy cuốn sách vừa mới mua được, vẻ mặt vui mừng, nói với con trai: “Không ngờ một cái bông tai nho nhỏ, mà đổi được nhiều sách hay đến vậy!”
Có một lần, Lê thị đi đến thư phòng của Trịnh Trân, thấy trong phòng chất đầy sách, vui vẻ cảm thán rằng: “Sách cũng thật nhiều!”
Lúc đó, cuộc sống trong nhà Trịnh Trân rất nghèo túng, Trịnh Trân nghe mẫu thân cảm khái như thế, bèn trả lời rằng: “Sách thì rất nhiều, nhưng cũng không thể nào đọc hết ngay được, chi bằng lấy tiền mua sách này, dùng cho cuộc sống thường ngày, sẽ giúp ích được chút ít cho cuộc sống”.
Lê thị nghe xong thì không hài lòng, bèn nói: “Nếu như đem số tiền này mua gạo lúa để no bụng, thì đến bây giờ không biết nó đã đi đến nơi nào rồi! Tục ngữ có câu: ‘Một đời mua sách ba đời đọc!’. Gia cảnh chúng ta nghèo khó, cũng chỉ còn sót lại lượng sách lớn này thôi. Có thể dạy cho con tri thức, cũng chính là những cuốn sách này. Nếu như thiếu đi một bộ, thì con cũng là đọc thiếu đi một bộ vậy! Sách là đọc không hết được, nhưng có thể từ trong một cuốn sách, học được một hai câu, vẫn là được lợi không ít!”.
Dưới sự dạy dỗ không ngừng của mẫu thân Lê thị, Trịnh Trân đã trở thành học giả Kinh học, thi nhân nổi tiếng.
Tân Khí Danh thực hiện
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Đài Loan
Xem thêm: