Câu chuyện đẹp về cặp vợ chồng già: Thói quen đặc biệt của bà cụ mất trí nhớ
Tình yêu của cặp vợ chồng ông Brendon không dữ dội hay lãng mạn như trong các tiểu thuyết vẫn ca tụng, mà chỉ nhẹ nhàng, đơn giản như một cơn gió trong lành khiến tâm hồn người khác dễ chịu và yên bình. Sự chân thành, cảm thông và bao dung chính là chìa khóa cho mối quan hệ sâu đậm, bền vững của hai người.
Điều gì làm nên một tình yêu bền bỉ, kiên cường qua năm tháng…?
Câu chuyện dưới đây được trích trong danh mục “Humans of New York”, kể về một cặp đôi đã lớn tuổi, gia đình ông Brendon Stanton. Cuộc sống vợ chồng của họ có thể được chia làm 3 giai đoạn. Mỗi giai đoạn là một sắc màu riêng biệt đầy cảm xúc…
Khởi đầu của một mối tình đẹp đẽ…
“Tôi năm ấy 19 còn bà ấy thì 16 tuổi, chúng tôi thường hẹn gặp nhau vào Chủ nhật. Trong những buổi hẹn hò, chúng tôi chẳng làm gì nhiều vì cả hai đều thuộc tuýp người cổ điển. Tôi là một người nông dân và chúng tôi không quá lãng mạn, nhưng sau mỗi buổi hẹn hò, chúng tôi càng trở nên thân thiết hơn.
Sau đó, bà ấy mời tôi đến buổi dạ hội cuối khóa ở Richmond, cách nơi chúng tôi ở khoảng 16 km. Tôi là người duy nhất trong buổi tiệc không đeo một chiếc mặt nạ và mặc áo choàng Tuxedo, nhưng bà ấy chẳng để tâm tới điều đó… Mặc dù tất cả những người thành phố có mặt hôm đó đều nhìn tôi và thắc mắc không biết tôi từ đâu tới với cái dáng vẻ quê mùa ấy.
Tôi cũng không thể nói với bạn rằng chúng tôi chính thức yêu nhau khi nào. Và tôi cũng không thể nói được chính xác khi nào chúng tôi tiến tới hôn nhân vì mọi thứ đến với tôi thật tự nhiên. Có lẽ đó là hôm tôi ngồi trong xe ô tô và tặng bà ấy chiếc nhẫn… Tôi không có nhiều những khoảnh khắc to lớn đáng nhớ trong cuộc đời để chia sẻ, vì chúng tôi chỉ là những con người đơn giản nhưng đối với chúng tôi, những ngày đã qua đều là những ngày hạnh phúc”.
Những khoảnh khắc đau khổ nhất cuộc đời hai ông bà…
…“Chúng tôi tổ chức kỷ niệm ngày cưới lần thứ 50 tại Branson, Missouri. Trên đường về nhà, bà ấy luôn nói với tôi rằng chúng tôi đã đi sai đường rồi và khăng khăng với suy nghĩ đó. Tôi không muốn tranh cãi và xung đột nên cũng vòng xe lại theo ý của bà ấy vì tôi biết rằng cứ đi thì cuối cùng chúng tôi cũng ra được đoạn đường chính để tới Michigan. Sau đó ít lâu, tôi biết cha của bà ấy bị chứng mất trí nhớ và rồi tôi đã hiểu những gì đang xảy ra. Không lâu sau, bà ấy cũng bắt đầu quên tên của tôi…
Khi chứng mất trí nhớ trở nên tồi tệ hơn, bà ấy có sở thích đi dạo. Bà ấy lúc nào cũng muốn ra khỏi nhà và có lần tôi đã phải nằm trước cửa để ngăn cho bà ấy không thể đi như vậy. Vào một buổi sáng, khi thức dậy, tôi không nhìn thấy bà ấy đâu. Tôi hốt hoảng và run rẩy lẩm nhẩm trong miệng: “Bà ấy đâu rồi, bà ấy đâu rồi?”. Tôi vội vàng chạy đi tìm bà, bên ngoài, trời tối đen như mực. Đến khi chiếc đèn đường phía cuối phố dần hiện ra, tôi mới tìm thấy bà, bà đang băng qua một con đường… Tôi chạy đến bên cạnh muốn đưa bà về thì bà nhìn tôi chống cự quyết liệt, nói với tôi rằng bà ấy không muốn về nhà…”.
Niềm vui nhỏ bé lúc cuối đời…
“Suốt khoảng thời gian đó chúng tôi đã không thể đi chơi, dự tiệc hay ghé thăm nhà bạn bè. Chúng tôi thường đến trung tâm tình nguyện vào mỗi tối thứ Tư hàng tuần. Bà ấy chơi piano còn tôi ngồi bên cạnh lật từng trang giấy giúp bà ấy. Các bài Thánh ca là một trong số ít những điều cuối cùng mà bà ấy có thể nhớ được vì âm nhạc giống như cuộc sống của bà vậy. Nhưng rồi cũng đến ngày bà ấy đã không thể tiếp tục chơi nhạc được nữa. Những nốt nhạc vui tươi, trong lành cũng đã rời bỏ bà… Tôi đành nói với nhân viên ở đó hãy tìm một người khác thay thế bà. Và chúng tôi đã sống ở viện dưỡng lão này cho đến ngày hôm nay. Tôi không coi việc này như một điều không may, đây là một vinh dự, là phước lành mà Chúa trời đã ban cho chúng tôi, để chúng tôi trân trọng khoảng thời gian bên cạnh nhau trong viện dưỡng lão lúc cuối đời…
Bà ấy đã dành toàn bộ cuộc đời để chăm lo cho gia đình, và giờ đây đến lượt tôi chăm sóc cho bà ấy. Tôi có thể đã bị lãng quên trong tiềm thức của bà, nhưng tôi vẫn luôn có bà ở đây, bên cạnh tôi. Tôi vẫn có thể làm bà ấy mỉm cười. Mỗi buổi sáng, chúng tôi cùng nhau ngồi trên chiếc ghế, bà ấy dựa vào vai tôi nghỉ ngơi mãi cho đến trưa. Tôi vỗ về bà ấy còn nhẹ hơn vỗ về những đứa cháu. Bà ấy thích được đặt tay dưới áo sơ mi của tôi để cảm nhận được làn da tôi và tình yêu thương. Bà ấy vẫn thường làm như vậy trong quá khứ, khi chúng tôi đi dạo cùng nhau, khi chúng tôi ngồi ngắm hoàng hôn những buổi chiều cuối tuần. Tôi nhớ có lần bà ấy bảo, bà ấy đặt tay như vậy mỗi khi bà cảm thấy sợ hãi và cần sự bình yên. ‘Không biết ông còn nhớ không, vào lần đầu tiên chúng ta hẹn hò, trên đường trở về nhà chúng ta đã chứng kiến một vụ tai nạn thảm khốc. Lúc ấy tôi run rẩy, hoảng loạn không biết nên làm gì, thì ông đã ôm chặt tôi, che chở và bảo vệ. Bàn tay tôi vô tình chạm vào chiếc áo sơ mi và cảm nhận trái tim ấm áp của ông đang đập. Lòng tôi bỗng nhiên dịu lại. Tôi cảm thấy được tình yêu thương chân thành nơi ông và không còn sợ hãi nữa. Đó là ngày tôi không bao giờ quên’.
Tôi bật khóc khi nhận ra chi tiết tưởng chừng nhỏ nhặt này lại là thứ duy nhất còn sót lại trong ký ức của bà về người chồng mình. Có lẽ, sâu thẳm trái tim bà hiểu rằng đó là kỷ niệm đẹp đẽ nhất trong tình yêu của chúng tôi nên đã khắc sâu nó vào trong tiềm thức, để dù thời gian có trôi đi, đôi tay gầy guộc của bà vẫn còn muốn nép dưới chiếc áo sơ mi của tôi.
Có những lúc bà ấy trở nên thiếu lý trí, bấn loạn, nói những lời viển vông và vô nghĩa, nhưng dù vậy, tôi cũng không bao giờ to tiếng bắt bà ấy phải bình tĩnh lại, bởi vì còn nghe được giọng nói của bà ấy và được bà ấy đặt tay dưới lớp áo sơ mi đã là món quà tốt đẹp nhất dành cho tôi rồi…”.
Tình yêu của cặp vợ chồng ông Brendon không dữ dội hay lãng mạn như trong các tiểu thuyết vẫn ca tụng, mà chỉ nhẹ nhàng, đơn giản như một cơn gió trong lành khiến tâm hồn người khác dễ chịu và yên bình. Sự chân thành, cảm thông và bao dung chính là chìa khóa cho mối quan hệ sâu đậm, bền vững của hai người. Dù khó khăn và thử thách có ập đến, tấm chân tình của ông Brendon dành cho người vợ mình chưa bao giờ thay đổi, và đó chính là liều thuốc hữu hiệu nhất cho căn bệnh mất trí của bà, để đến cuối cùng chi tiết duy nhất bà còn nhớ về ông lúc cuối đời là “nép bàn tay dưới chiếc áo sơ mi”…
Hành động đơn giản ấy là minh chứng cho thứ tình cảm sâu sắc, dung dị chắt chiu qua bao năm tháng cho dù thời gian có bào mòn đi tuổi xuân và ký ức.
Mộc Lam
Xem thêm: