Carpe Diem: Nâng niu món quà ‘Hiện tại’ trong năm mới
“Mãi mãi bao gồm hiện tại.”
—Emily Dickinson
Trong cuốn sách “When Life Gives You Pears: The Healing Power of Family, Faith, and Funny People” (tạm dịch: “Khi cuộc đời trao cho bạn quả Lê: Sức mạnh hàn gắn của gia đình, niềm tin và những người vui tính”), Jeannie Gaffigan – người vợ và cộng sự viết kịch bản của diễn viên hài Jim Gaffigan, đồng thời là mẹ của 5 đứa trẻ – đã kể câu chuyện về cuộc chiến của cô với một khối u não được bác sĩ mô tả có “kích thước bằng một quả lê”.
Bằng giọng văn hài hước, cuốn hồi ký của cô đưa chúng ta đi qua những thử thách dài của cô ấy. Nó là một cuốn cẩm nang sâu sắc cho bất kỳ ai đang phải đối mặt với một cuộc phẫu thuật lớn trong đời. Cuốn sách cũng là lời cảm ơn đến gia đình, bạn bè, các linh mục, nữ tu, và các nhân viên y tế đã giúp cô vượt qua khoảng thời gian khó khăn.
Jeannie cũng chia sẻ rằng căn bệnh này đã giúp cô có sự chuyển biến trong nhận thức về những giá trị sống. Buộc phải nằm trên giường hay ngồi trên ghế suốt tuần này qua tuần khác, người phụ nữ vốn luôn tất bật với những lịch trình và hạn chót trong công việc nay phải đối mặt với nỗi chán chường của sự nhàn rỗi và ốm yếu. Những người khác giúp cô đảm đương việc nhà. Trong một thời gian dài, cô không thể làm việc. Tệ nhất là, cô phải nhờ người nhà và người trông trẻ chăm sóc con cái cho đến khi cô bình phục.
Gần cuối cuốn sách, Jeannie viết: “Tôi biết ơn khối u … Thật là một suy nghĩ kỳ lạ khi bày tỏ lòng biết ơn đối với một điều làm xáo trộn mọi thứ trong một khoảng thời gian, nhưng nó không hẳn là thảm họa, tôi sẽ không bao giờ có cơ hội hiểu được cuộc hôn nhân của tôi vững chắc đến thế nào. Tôi sẽ không trải qua cảm giác chia ly đau đớn như vậy với các con của tôi, điều này là cần thiết để tôi hiểu ra chính xác cách mình có thể yêu thương chúng mà không cần trở thành một trung sĩ huấn luyện quân đội.”
Khoảng thời gian khó khăn
Giống như Jeannie Gaffigan, tất cả chúng ta, vào lúc này hay lúc khác, sẽ phải đối mặt với những tai họa khủng khiếp: bệnh tật, phá sản, ly hôn, người thân qua đời. Ví dụ, gần đây, một vụ rò rỉ khí gas đã khiến một ngôi nhà gần thị trấn của tôi phát nổ và cháy rụi. Không ai tử vong, nhưng mọi thứ mà gia đình sở hữu — quần áo, những cuốn sách yêu thích, đồ cổ của ông bà, album ảnh, những bức thư trao đổi cách đây 50 năm — đều biến mất trong ngọn lửa đó. Tất cả những bằng chứng hữu hình về quá khứ của họ đều tan thành mây khói.
Một số người đọc những dòng này có thể cảm thấy đau đớn bởi một sự xung đột nào đó trong tâm. Có lẽ bạn không kiểm soát được những nhân tố mang đến cho bạn phiền muộn. Công ty nơi bạn làm việc đã thu hẹp quy mô và bạn nằm trong danh sách cắt giảm nhân sự. Cảnh sát phát hiện con trai trong độ tuổi thiếu niên của bạn tàng trữ ma túy và bắt giữ nó. Người mẹ thân yêu của bạn sắp qua đời vì bệnh ung thư.
Hoặc chính bạn là nguyên nhân khiến bạn đau khổ. Bạn trở nên phẫn nộ với quan điểm chính trị của anh trai mình và bây giờ từ chối nói chuyện với anh ấy. Bạn đã bỏ vợ/chồng của mình để lấy người khác. Bạn dùng hết hạn mức nợ của thẻ tín dụng khi cố gắng mua một ngôi nhà mà bạn không có đủ khả năng chi trả. Bạn đã nói chuyện phiếm về một đồng nghiệp và bây giờ bị một nửa công ty xa lánh.
Vậy chúng ta phải làm gì khi biến cố xảy ra?
Hy vọng về tương lai
Năm mới đến rất nhanh; bước sang một năm mới, rất nhiều người trong chúng ta hy vọng sẽ thay đổi bản thân. Một số người sẽ lên danh sách các mục tiêu — giảm cân, bỏ thuốc lá, tập thể dục nhiều hơn, thể hiện tình yêu và trân trọng bạn đời hơn. Nhiều người lại mong muốn năm mới sẽ thay đổi những hoàn cảnh nằm ngoài tầm kiểm soát của họ: kiếm nhiều tiền hơn, thăng tiến trong công việc, tìm một người bạn đồng hành. Những người đang phải chịu đựng các căn bệnh về thể xác hoặc tinh thần hy vọng rằng năm mới sẽ giúp họ xoa dịu nỗi đau.
Chờ đợi tương lai và khát khao sự thay đổi có thể đem lại những điều tốt đẹp trong cuộc sống, đặc biệt là khi chúng ta ở trong một hoàn cảnh tồi tệ. Để sống sót qua những bộn bề của hiện tại, chúng ta phải giữ hy vọng cho tương lai.
Tuy nhiên, nếu chúng ta cứ luôn hướng về tương lai để tìm sự cứu rỗi, chúng ta có nguy cơ phạm phải một sai lầm lớn khác: không sống trong hiện tại.
Sống trong Hiện tại
Các triết gia và sư thầy vĩ đại liên tục nhắc nhở các môn đệ của họ phải nắm giữ hiện tại và bỏ qua những nỗi sợ hãi về tương lai. Các Nhà Khắc kỷ, Chúa Giê-su, Đức Phật và những người khác đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chú tâm vào “ở đây” và “bây giờ”.
Khái niệm này tuy đơn giản, nhưng thực hiện nó khó hơn nhiều. Khi một cuộc khủng hoảng hoặc thảm họa lớn ập xuống đầu, chúng ta buộc phải đối mặt với chúng. Chúng ta không có lựa chọn nào khác. Chúng ta phải đối phó với cuộc khủng hoảng ngay lúc này.
Nhưng trong những khoảng thời gian bình thường khác thì sao?
Hãy tưởng tượng một ngày của một bà mẹ bốn con ở nhà. Từ 4 giờ sáng, khi đứa trẻ 2 tuổi thức dậy sau một giấc mơ tồi tệ, đến 11 giờ tối, khi cô và chồng cuối cùng đã lên giường ngủ, người phụ nữ này phải thực hiện vô số nghĩa vụ: chăm sóc con cái, thanh toán hóa đơn, dọn dẹp, nấu ăn. Cơn bão của những nhu cầu hiếm khi mang lại cho cô một khoảnh khắc rảnh rỗi.
Cô ấy dường như đang sống rất nhiều trong hiện tại, cũng như Jeannie Gaffigan trước khi mắc bệnh.
Hay là không?
Mở rộng tầm mắt
Những người thông tuệ về tôn giáo và triết học sẽ nói không, trừ khi cô ấy nhắc nhở bản thân mỗi ngày rằng bất cứ điều gì cô ấy đang làm — gấp đồ giặt, lau sữa đổ của Billy, làm bánh mì cho bữa trưa của chồng, hút bụi — đều có mục đích cao cả hơn. Để sống trọn vẹn, cô ấy phải gạt những đám mây của cơn bão trách nhiệm sang một bên và cho phép ánh nắng mặt trời nhắc nhở cô về niềm vinh dự và giá trị tiềm ẩn trong những việc cô làm hàng ngày.
Cô ấy phải mở hộp quà và nhìn vào món quà (present) mà cô ấy tìm thấy trong hiện tại (present).
Như G.K. Chesterton từng viết: “Những thứ chúng ta thấy hàng ngày là những thứ chúng ta không bao giờ thấy.”
Để sống một cách trọn vẹn, chúng ta buộc phải nhìn thấy.
Năm mới đến, chúng ta hy vọng về những điều tốt lành trong tương lai, về khoảng thời gian tươi sáng và tốt đẹp hơn, nó cũng nhắc nhở chúng ta nên giữ cho đôi chân của mình vững chắc trong hiện tại. Như Nhà Khắc kỷ, Hoàng đế Marcus Aurelius đã viết trong cuốn “Meditations”: “Khi bạn thức dậy mỗi sớm mai, hãy nghĩ rằng đó là một đặc ân khi bạn được sống — được hít thở, suy nghĩ, tận hưởng và yêu thương.”
Đó là một người đàn ông trân trọng từng phút giây hiện tại.
Gần cuối cuốn sách “When Life Gives You Pears”, Jeannie Gaffigan viết:
“Tôi thường nghe câu hỏi: ‘Khi nào bạn sẽ trở lại bình thường?’”
“Tôi trả lời: ‘Tôi sẽ không bao giờ trở lại bình thường’. Đây không phải là thứ bạn sẽ thoát khỏi khi tiến về phía trước; nó sẽ trở thành một phần trong cuộc sống của bạn. Bạn thay đổi và trưởng thành. Bạn có thể thay đổi thành một người cay nghiệt và lớn lên trong sự tự thương hại, hoặc bạn có thể coi ký ức về nỗi đau của mình như một cơ hội để biến cuộc sống thành một điều tươi đẹp và ý nghĩa hơn bạn từng nghĩ.”
Trong sự trân trọng và tình yêu sâu sắc với công việc, gia đình, với chồng và đặc biệt là các con của mình, Jeanne đã học được niềm vui khi sống trong hiện tại.
Cô ấy đã học được cách thực sự “nhìn thấy”.
Tác giả: Jeff Minick có bốn người con và một trung đội cháu chắt. Trong 20 năm, ông đã giảng dạy lịch sử, văn học và tiếng Latinh cho các cuộc hội thảo của học sinh giáo dục tại nhà ở Asheville, N.C., Hiện nay, ông sống và viết lách tại Front Royal, Va.
Jeff Minick
Ngân Hà biên dịch