Cập nhật thông tin mới nhất về bệnh bạch hầu tại Việt Nam
Chiều ngày 13/07, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Nghệ An cho biết cụm dịch bạch hầu ở bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn đã được khống chế.
Vị đại diện CDC này cho hay, đến nay cụm dịch bạch hầu đã trải qua hơn 11 ngày và không phát sinh ca bệnh mới. Các mẫu bệnh phẩm đều cho kết quả xét nghiệm âm tính.
Hiện tại, tổng số ca bệnh bạch hầu tại Việt Nam vẫn dừng lại con số 6, tính từ đầu năm 2024. Trong đó có 1 ca tử vong, thuộc cụm dịch ở Nghệ An.
Ca bệnh nghi bị bạch hầu ở Hà Tĩnh xét nghiệm âm tính
Liên quan đến ca nghi mắc bệnh bạch hầu ở Hà Tĩnh, hôm 11/07 bác sĩ Nguyễn Chí Thanh, Giám đốc CDC tỉnh này, cho hay kết quả xét nghiệm khẳng định người này âm tính với bạch hầu.
Trước đó, sau khi từ Đắk Lắk về Hà Tĩnh, người đàn ông (56 tuổi, ngụ tại xã Hà Linh, huyện Hương Khê) này xuất hiện tình trạng đau rát họng, đau cổ, ngứa niêm mạc mắt, không sốt, không nôn, đại tiểu tiện thường.
Bệnh nhân được đưa vào bệnh viện tuyến dưới điều trị, nhưng tình trạng tiến triển chậm, đau họng nhiều nên được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh.
Tại đây, bệnh nhân được nội soi tai mũi họng có giả mạc màu nâu, bám dính, dễ chảy máu, được chẩn đoán theo dõi bệnh bạch hầu. Bệnh nhân được chuyển tuyến đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương ở Hà Nội để xét nghiệm khẳng định.
Đây là ca nghi mắc bạch hầu đầu tiên trong năm 2024 ở Hà Tĩnh. Theo điều tra dịch tễ, có khoảng 20 người tiếp xúc gần với ca nghi nhiễm này.
Bắc Giang thêm 1 ca dương tính với bạch hầu
Tại tỉnh Bắc Giang, tối ngày 10/07, một lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) cho biết vừa ghi nhận thêm một trường hợp mắc bệnh bạch hầu là người phụ nữ 29 tuổi (ở thôn Trung Hòa, xã Mai Trung, huyện Hiệp Hòa).
Ca bệnh này từng tiếp xúc gần với bệnh nhân 18 tuổi (quê Bắc Giang) bị lây nhiễm bạch hầu ở Nghệ An.
Kết quả xét nghiệm lần đầu của ca bệnh bạch hầu mới nhất này âm tính, nhưng kết quả xét nghiệm lần thứ hai cho thấy dương tính với bệnh bạch hầu.
Chiều 10/07, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, tại Hà Nội, để điều trị. Theo kết quả xác định ban đầu, có 7 người tiếp xúc gần với bệnh nhân và đều có trong danh sách 15 F1 của bệnh nhân đầu tiên, nhưng đã cách ly từ ngày 07/07, nên khó có khả năng lây lan dịch.
3 ca bạch hầu trong chuỗi lây nhiễm từ Nghệ An
Bệnh nhân bạch hầu đầu tiên được CDC Bắc Giang ghi nhận hôm 06/07 là nữ sinh 18 tuổi. Người lây bệnh cho cô gái này cũng là một nữ sinh 18 tuổi quê Nghệ An, tử vong hôm 05/07.
Như vậy, trong chuỗi lây nhiễm này hiện đã ghi nhận 3 ca bạch hầu, gồm nữ sinh Nghệ An (đã tử vong), nữ sinh 18 tuổi ở Bắc Giang và người phụ nữ 29 tuổi cũng ở Bắc Giang.
Hiện tại, hơn 134 người tiếp xúc với các bệnh nhân đã được cách ly. CDC Bắc Giang lưu ý dù có kết quả âm tính, nhưng các F1 vẫn cần cách ly, theo dõi sức khỏe và điều trị dự phòng bằng kháng sinh trong 7 ngày. Cần theo dõi sức khỏe đủ 14 ngày kể từ khi tiếp xúc gần lần cuối với ca bệnh.
CDC Bắc Giang cảnh báo, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nhóm B, lây qua đường hô hấp, tỉ lệ lây lan nhanh có thể lên đến 100%.
Việt Nam ghi nhận 6 ca bệnh bạch hầu kể từ đầu năm 2024
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam ghi nhận 4 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, trong đó 3 trường hợp đầu tiên ở Hà Giang mắc bệnh vào các tháng 1, 2, và 4 tại các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, và Yên Minh.
Ca bệnh bạch hầu thứ tư là ở bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, đã tử vong vào tháng Sáu. Đây cũng là ca tử vong đầu tiên trong năm 2024 do bệnh bạch hầu tại Việt Nam.
Từ đầu tháng Bảy đến nay, tỉnh Bắc Giang ghi nhận 2 trường hợp mắc bệnh, có tiếp xúc gần với trường hợp tử vong của tỉnh Nghệ An. Còn với ca nghi mắc ở Hà Tĩnh, hiện đang chờ kết quả xét nghiệm khẳng định.
Trước đó, vào năm 2020, Việt Nam ghi nhận 226 ca bệnh bạch hầu, chủ yếu tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi, và Quảng Trị. Số ca bệnh này giảm trong các năm 2021 (với 6 trường hợp mắc) và năm 2022 (2 trường hợp mắc).
Năm 2023, Việt Nam ghi nhận 57 trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại 3 tỉnh: Hà Giang, Điện Biên, và Thái Nguyên. Số mắc bệnh này tập trung vào 5 tháng cuối năm, trong đó có 7 trường hợp tử vong.
Hiện tại, bệnh bạch hầu chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân nên: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; bảo đảm nhà ở thông thoáng, sạch sẽ, và có đủ ánh sáng.
Băng Băng tổng hợp
Tin tức mới sẽ được BTV Epoch Times Tiếng Việt tổng hợp và cập nhật từng ngày, mời Quý độc giả cùng đón đọc.