Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc: Taliban hành quyết thường dân, tuyển mộ binh lính trẻ em
Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã thông báo hôm thứ Ba (24/08) rằng bà đã nhận được “những báo cáo đáng tin cậy” về những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, bao gồm cả “bản tóm tắt các vụ hành quyết” của quân khủng bố Taliban ở Afghanistan.
Bà Michelle Bachelet đã không cung cấp thêm chi tiết về những phát hiện này khi trình bày tại cuộc họp khẩn cấp với Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, nhưng bà kêu gọi các thành viên của hội đồng thiết lập một cơ chế để giám sát chặt chẽ các hành động của Taliban.
Bà Bachelet nói, “Vào thời điểm quan trọng này, người dân Afghanistan trông chờ Hội đồng Nhân quyền sẽ bênh vực và bảo vệ quyền lợi của họ.”
Bà nói thêm, “Tôi thúc giục Hội đồng này có những hành động táo bạo và mạnh mẽ, tương xứng với mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng này, bằng cách thiết lập một cơ chế chuyên dụng để giám sát chặt chẽ tình hình nhân quyền đang phát sinh ở Afghanistan.”
Những người phải đối diện với [nguy cơ bị] hành quyết bao gồm dân thường và những người từng làm việc trong lực lượng an ninh Afghanistan, theo bà cao ủy, người lưu ý rằng bà sẽ báo cáo bằng văn bản đầy đủ hơn về các cáo buộc vào tháng 03/2022.
Theo báo cáo của Phái bộ Hỗ trợ Liên Hiệp Quốc tại Afghanistan (UNAMA), thương vong dân sự từ ngày 01/01 đến ngày 30/06 đã tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2020.
Bà Bachelet tuyên bố bà tin rằng số người tử vong còn tăng lên trong tháng Bảy và tháng Tám, cùng lúc Taliban tăng cường tấn công và giành quyền kiểm soát đất nước.
Ngoài ra, các báo cáo về những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng khác, bao gồm cả việc tuyển mộ binh lính trẻ em và hạn chế quyền của phụ nữ, cũng được phát hiện đang diễn ra ở nhiều khu vực dưới sự kiểm soát an toàn của Taliban trên khắp quốc gia Trung Đông bị bao vây này.
Bà Bachelet nói, “Tôi thực sự kêu gọi Taliban chấp nhận áp dụng các quy tắc quản trị và nhân quyền đáp ứng kịp thời [nhu cầu của người dân], đồng thời nỗ lực để thiết lập lại sự gắn kết và hòa giải xã hội – bao gồm cả thông qua việc tôn trọng quyền của tất cả những ai đã phải khổ đau trong nhiều thập kỷ xung đột.”
Cách Taliban đối xử với phụ nữ và trẻ em gái sẽ là “một lằn ranh đỏ căn bản,” bà cảnh báo trong phiên họp khẩn cấp hôm thứ Ba (24/08) được tổ chức theo yêu cầu của Pakistan và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC).
Đại sứ Pakistan Khalil Hashmi cho biết nghị quyết được diễn đàn Geneva đồng thuận ngay ngày hôm đó đã bày tỏ mối lo ngại nghiêm trọng về các báo cáo vi phạm và gửi “thông điệp ủng hộ tới người dân Afghanistan.”
Ông Nasir Ahmad Andisha, một nhà ngoại giao cao cấp của chính phủ Afghanistan bị lật đổ, đã kêu gọi trách nhiệm giải trình cho các hành động của Taliban khi miêu tả về một tình trạng “không chắc chắn và thảm khốc” mà ở đó, hàng triệu người phải lo sợ cho tính mạng của mình.
Nhưng đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva, ông Trần Húc (Chen Xu), nói rằng Quân đội Hoa Kỳ và quân đội của các đối tác đồng minh khác, bao gồm cả Anh và Úc, phải chịu trách nhiệm về những vi phạm nhân quyền được cho là của các lực lượng của họ ở Afghanistan.
Hoa Kỳ lên án các cuộc tấn công mà Hoa Kỳ tin là được thực hiện nhắm vào dân thường, các ký giả, các nhà hoạt động và các nhóm thiểu số, nhưng không nêu đích danh Taliban.
Sau cuộc tấn công và giành quyền kiểm soát đất nước nhanh chóng của Taliban trong tháng này, một cuộc khủng hoảng nhân đạo đã xảy ra và các báo cáo đã xuất hiện về bạo lực và sự tàn bạo mà người dân Afghanistan phải gánh chịu dưới bàn tay của tổ chức được công nhận là khủng bố này.
Mặc dù một phát ngôn viên của Taliban đã thông báo về một lệnh tổng ân xá, giải thích rằng nhóm sẽ thể hiện mình ôn hòa hơn, nói rằng phụ nữ có thể đi làm, đi học và học đại học, nhưng các báo cáo gần đây về bạo lực được cho là do nhóm này thực hiện lại khẳng định một thực trạng khác.
Vào lần gần đây nhất khi Taliban cai trị Afghanistan trước khi một chiến dịch quân sự do Hoa Kỳ dẫn đầu vào năm 2001 loại bỏ nhóm này khỏi vị trí cầm quyền, phụ nữ hầu như bị giam giữ trong nhà của họ. Gần như tất cả phụ nữ đều bị cấm đi học, phải mặc áo choàng Burqa và có nam giới đi kèm khi ra khỏi nhà.
Dưới nền thống trị cực đoan này, việc hành quyết công khai cũng được sử dụng như hình phạt đối với người bị kết tội sát nhân hoặc ngoại tình, trong khi cắt chi được sử dụng cho người bị kết tội trộm cắp.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Thiện Lan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: