Cánh Tả hiểu sai: Hiến Pháp chưa bao giờ phân biệt đối xử với phụ nữ
Cách mà một số người viết cố gắng làm mất uy tín của Hiến Pháp Hoa Kỳ là làm cho mọi người tin rằng ý nghĩa của bản Hiến Pháp nguyên gốc đã phân biệt đối xử với phụ nữ.
Thật vậy, một bài viết trên trang bìa của Tạp chí Time năm 2011 đã tuyên bố rằng “những nhà sáng lập [Hiến Pháp] … đã cho chúng ta ý tưởng … rằng phụ nữ không được phép bầu cử.” Ngày 13/10/2020, một bài báo trên tạp chí The Hill nói thêm: “Việc [bà Amy Coney] Barrett chấp nhận đề cử của tổng thống có nghĩa là có những giới hạn trong hiểu biết của bà ta về nguyên bản của Hiến Pháp. Bà ấy rõ ràng không tin rằng việc là một phụ nữ khiến bà ấy không đủ tư cách ngồi ở Tối cao Pháp viện.”
Tác giả của bài báo trên tạp chí Time từng là người đứng đầu Trung tâm Hiến Pháp Quốc gia, còn tác giả bài báo của The Hill có “học vị Tiến sĩ về Khoa học Chính trị tại Đại học Indiana, với chuyên môn sâu về luật hiến pháp so sánh.”
Cả hai người đó lẽ ra phải hiểu rõ hơn.
Đã hơn một thế kỷ kể từ khi các cơ quan lập pháp của chính phủ phê chuẩn Tu chính án thứ 19, bảo đảm quyền bầu cử của phụ nữ trên toàn quốc. Tu chính án này được diễn đạt theo cách mà dễ gây ra hai câu hỏi: 1. Xem xét trong bối cảnh cùng với các sửa đổi trước đó, tu chính án này có ngụ ý rằng phụ nữ đã được bỏ phiếu ở một số tiểu bang; điều này có đúng không? và 2. Tại sao tu chính án không bổ sung quyền giữ chức vụ tại cơ quan liên bang [cho phụ nữ]?
Các câu trả lời là: 1. Có, trước khi tu chính án này được phê chuẩn, phụ nữ đã được bỏ phiếu ở nhiều tiểu bang. Ở những nơi phụ nữ bị ngăn cản không được tham gia các cuộc bầu cử, là do quyết định của các nhà chức trách tiểu bang. Hiến Pháp không quy định về việc này. 2. Hiến Pháp gốc cho phép phụ nữ nắm giữ chức vụ trong các cơ quan liên bang, như trường hợp của Dân biểu Jeanette Rankin ở Montana đã chứng minh điều này.
Trên thực tế, Hiến Pháp Hoa Kỳ không bao giờ cấm phụ nữ bỏ phiếu hoặc giữ chức vụ liên bang. Ngược lại, những nhà sáng lập ra bản Hiến Pháp này đã cẩn thận tránh các cuộc tranh biện dựa trên giới tính để bầu cử hoặc giữ chức vụ, giống như họ tránh các cuộc tranh biện dựa trên chủng tộc, tài sản, hoặc tôn giáo. Và đây là lịch sử câu chuyện:
Khi Hội nghị Lập hiến họp vào năm 1787, hầu hết hiến pháp của tiểu bang đều chuẩn bị trước rằng các cử tri và công chức sẽ là nam giới. Một số hiến pháp tiểu bang giới hạn việc bỏ phiếu cho “cư dân nam giới” (New York, Massachusetts) hoặc “những người đàn ông tự do” (New Hampshire, Pennsylvania). Hiến Pháp của Virginia quy định việc bầu cử vào Thượng viện của tiểu bang là “người đàn ông có số phiếu bầu cao nhất trong toàn quận” và Hiến Pháp của New York mô tả cơ quan lập pháp của tiểu bang bao gồm “hai văn phòng tách riêng và khác biệt của đàn ông.”
Mặc dù vào thời điểm đó, người ta thường sử dụng từ “man” [đàn ông] một cách chung chung để biểu thị ý nghĩa cho con người, [nhưng] những bản hiến pháp tiểu bang này có lẽ biểu thị từ “man” theo nghĩa hẹp hơn, là nam giới. Chẳng hạn, Hiến Pháp của Virginia sử dụng từ “man” để giới hạn quyền bầu cử và nắm giữ chức vụ chỉ cho nam giới.
Nhưng không phải tất cả các điều lệ của tiểu bang đều được viết theo cách đó. Hiến Pháp New Jersey đã không phân biệt giới tính. Bản Hiến Pháp của tiểu bang này không có chỗ nào có từ “man” hay “men”. Thay vào đó, bản hiến pháp của tiểu bang này cấp cả quyền bầu cử và quyền giữ chức vụ cho “tất cả cư dân” đạt các yêu cầu về tài sản. Bản Hiến Pháp này gọi các công chức một cách đồng nhất là “những người” (“persons”).
Hiến Pháp New Jersey đã sử dụng đại từ “ông ta” (“he”) và các biến thể của đại từ này. Nhưng tất nhiên, trước khi có dự án thao túng-ngôn ngữ đúng đắn chính trị trong những năm gần đây, Anh ngữ tiêu chuẩn đã sử dụng từ “he” và các biến thể để chỉ hoặc nam giới hoặc nữ giới. Phụ nữ có đại từ riêng của họ; còn đàn ông đã phải chia sẻ đại từ của mình với phụ nữ.
Những người đương thời hoàn toàn công nhận Hiến Pháp New Jersey là không phân biệt giới tính. Đó là lý do tại sao phụ nữ có thể bỏ phiếu ở tiểu bang đó. Họ đã bỏ phiếu với số lượng đáng kể đến mức các nhà hoạt động chính trị của New Jersey thường xuyên có những lời kêu gọi để có được phiếu của nữ giới.
Tinh thần thời đó cũng ủng hộ sự tham gia chính trị của phụ nữ ở các tiểu bang khác. Massachusetts đã chứng kiến một số phụ nữ đi bỏ phiếu. Trong các cuộc tranh luận công khai về Hiến Pháp liên bang, phụ nữ đã tham gia tích cực vào cả hai phía về vấn đề này. Ngoài việc bỏ phiếu cho các đại biểu hội nghị phê chuẩn [Hiến Pháp] ở New Jersey và có lẽ ở những nơi khác, phụ nữ còn tổ chức các sự kiện công cộng, hầu hết là ủng hộ Hiến Pháp. Bà Mercy Otis Warren ở Massachusetts (sau này là một nhà sử học nổi tiếng) cũng đã đóng góp các bài luận văn phản biện Hiến Pháp.
Và rõ ràng là cả hai phía đều đã viết những lời kêu gọi phụ nữ ủng hộ chính trị.
Các đại biểu tham dự Hội nghị Lập hiến năm 1787 đã có chủ ý biên soạn [Hiến Pháp] cho nhiều thời đại. Họ chắc chắn đã nhận ra rằng quyền bầu cử của phụ nữ có thể mở rộng ra ngoài New Jersey. Chính trị như nó vốn vậy, quyền lực bầu cử cũng sẽ khuyến khích phụ nữ tranh cử vào các chức vụ chính trị. Do đó, các nhà sáng lập ra Hiến Pháp Hoa Kỳ đã làm cho bản Hiến Pháp này không quan tâm về chủ đề giới tính. Bất kỳ hạn chế nào dựa trên giới tính sẽ chỉ được áp đặt ở cấp tiểu bang, bởi vì Hiến Pháp liên bang không áp đặt việc này.
Các ghi chép của hội nghị cho thấy quan điểm trung lập về giới tính là điều kiện giả thiết chủ đạo ngay từ những ngày đầu của bản Hiến Pháp Hoa Kỳ. Kế hoạch Virginia, bản đề cương được sử dụng để bắt đầu các cuộc tranh biện, không phân biệt giới tính. Bản Kế hoạch New Jersey của thẩm phán William Paterson đã tuân theo luật căn bản tiểu bang của ông bằng cách gọi những người tham gia vào các vấn đề của công chúng là “công dân” (“citizens”), “cư dân” (“inhabitants”), và “cá nhân” (“persons”). Trong bản Kế hoạch New Jersey, từ “man” hoặc “men” chỉ xuất hiện một lần, và đó là trong cụm từ “body of men” có lẽ để mô tả một nhóm người có vũ trang thách thức luật liên bang.
Hơn nữa, ngay từ đầu, những nhà sáng lập ra Hiến Pháp liên bang đã chấp nhận rằng quyền đại diện trong hạ viện của cơ quan lập pháp quốc gia sẽ dựa trên dân số hoặc của cải của tiểu bang, thay vì theo số lượng nam giới, như ở các tiểu bang như New Hampshire và New York.
Sau đó trong hội nghị, những nhà sáng lập Hiến Pháp đã xem xét một số tiêu chuẩn về giới tính – chỉ để loại bỏ chúng. Ví dụ, vào cuối tháng Bảy và đầu tháng Tám năm 1787, một Ủy ban Chi tiết (Committee of Detail) đã phỏng theo các nghị quyết của hội nghị lập hiến tạo nên bản dự thảo đầu tiên của Hiến Pháp Hoa Kỳ. Thành viên Ủy ban James Wilson đã đề nghị rằng các đại cử tri được giới hạn ở “những người đàn ông tự do” (“freemen”), như ở chính tiểu bang Pennsylvania của ông. Và bản phác thảo ban đầu của đồng nghiệp Edmund Randolph đã liệt kê “đàn ông trưởng thành” (“manhood”) như một tiêu chuẩn để có quyền bầu cử.
Nhưng Ủy ban Chi tiết đã bác bỏ cả hai đề nghị này vì “không phù hợp với các nghị quyết của [hội nghị lập hiến].” Khi dự thảo của ủy ban này xuất hiện, nó đã tránh dùng từ “đàn ông [man]” số ít và gọi tổng thống là một “người” [person].
Tuy nhiên, trong khoảng thời gian giao thời, một số điểm cụ thể về giới tính đã len lỏi vào. Dự thảo của Ủy ban Chi tiết mô tả cơ quan lập pháp quốc gia bao gồm “hai Văn phòng tách riêng và khác biệt của Đàn Ông.” bản dự thảo cũng phong cho tổng thống danh xưng “Đức Ông”, mà không có điều khoản nào quy định cho “Đức Bà.” Và sau đó trong hội nghị lập hiến, ông Pierce Butler ở South Carolina đã đề nghị, và hội nghị đã chấp thuận, một điều khoản xuất hiện một lần của cụm từ “Ông ấy hoặc Bà ấy” (“He or She.”). Tất nhiên, một cụm từ như vậy có thể gợi ý rằng chỗ nào Hiến Pháp dùng duy nhất từ “ông ấy [he]” (như mọi chỗ khác trong Hiến Pháp), thì chỉ có nghĩa là nam giới.
Tuy nhiên, trong hội nghị lập hiến sau đó, các đại biểu đã bỏ đi cụm từ “Ông ấy hoặc Bà ấy” (“He or She”), theo đó đã làm rõ rằng từ “he” là bao gồm những người thuộc cả hai giới tính. Hội nghị giao việc biên soạn cuối cùng cho Ủy ban Phong cách. Thành viên Ủy ban Phong cách Gouverneur Morris đã trực tiếp thực hiện hầu hết việc chấp bút. Đối với giới tính, ông đi theo mô hình của New Jersey. Bản cuối cùng của Hiến Pháp đã thực hiện những thay đổi sau đây so với các bản dự thảo và các nghị quyết trước đó:
- Bỏ qua cụm từ “Các Văn phòng của Đàn Ông” (“Bodies of Men”) trong mô tả cơ quan lập pháp quốc gia.
- Tránh dùng từ “đàn ông [man]” và “những người đàn ông [men].”
- Chỉ sử dụng các thuật ngữ không phân biệt giới tính như “người”, “công dân”, “cư dân” (“person,” “citizen,” “inhabitant,”) và các danh xưng như “công chức” và “đại cử tri.”
- Xóa bỏ quyền lực của Quốc hội trong việc phủ nhận luật tiểu bang về tiêu chuẩn của cử tri, theo đó hoàn toàn trao quyền cho các tiểu bang cho phép phụ nữ được tự do tham gia các cuộc bầu cử của liên bang cũng như tiểu bang.
Tính trung lập về giới tính này không bị mất đi trong phạm vi công chúng rộng hơn, và có thể là một lý do khiến nhiều phụ nữ ủng hộ Hiến Pháp hơn là chống lại. Nhưng sự trung lập về giới tính cũng bị phản đối bởi những người phản đối Hiến Pháp. Một nhà viết luận văn dưới bút danh “Cato” đã phản đối việc Hiến Pháp liên bang phân bổ các đại biểu theo “các cư dân” chứ không phải theo những người đàn ông tự do (male freemen). Một nhà văn khác, châm biếm các lập luận của phe đối lập, chỉ trích Hiến Pháp vì đã không giới hạn tổng thống là một người “thuộc giới tính nam.” Người châm biếm này chỉ ra rằng “nếu không có sự loại trừ [như vậy]” thì người Mỹ có thể “có một bà già đứng đầu trong mọi công việc của chúng ta.” Tất nhiên, những lập luận về phân biệt giới tính đó đã không thắng thế.
Các hạn chế dựa trên giới tính đã được để lại cho các tiểu bang, và theo thời gian, các tiểu bang đã dần dần bãi bỏ chúng―một bước phát triển đạt được nhờ tính trung lập về giới tính của Hiến Pháp.
Tác giả Robert G. Natelson, cựu giáo sư luật hiến pháp, là thành viên cao cấp về luật hiến pháp tại Viện Độc lập ở Denver, cố vấn cấp cao cho phong trào Công ước các Tiểu bang. Các bài nghiên cứu của ông về ý nghĩa của Hiến Pháp đã được các thẩm phán và các đảng phái trong Tối cao Pháp viện trích dẫn nhiều lần. Ông là tác giả của cuốn sách “Hiến Pháp Gốc: Điều Mà Nó Thực Tế Đã Nói và Hàm Nghĩa.”
Do Robert G. Natelson thực hiện
Kim Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: