Cảnh sát Anh ngăn cản xe tăng mô phỏng biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn
Hôm thứ Bảy (05/06), những người Hồng Kông đào thoát khỏi sự đàn áp của các quyền tự do ở thành phố quê hương của họ đã tham gia một buổi lễ thắp nến thường niên bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc ở London để đánh dấu kỷ niệm 33 năm vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn.
Hơn 2,000 người đã thắp nến, lắng nghe các bài diễn thuyết — bao gồm các đoạn ghi âm từ các bà mẹ của hàng ngàn nạn nhân năm 1989 — và một phút mặc niệm trước sự kiện tưởng nhớ lớn nhất bên ngoài thế giới nói tiếng Hoa.
Cảnh sát đã hai lần ngăn những người biểu tình đặt một chiếc xe tăng quân sự lớn làm bằng bìa carton cứng bên ngoài cửa đại sứ quán.
Một số người biểu tình đã tạm thời chặn ngang con đường bên ngoài tòa nhà ở Portland Place, nằm dưới chiếc xe tăng mô hình được sơn dòng chữ “không bao giờ quên ngày Lục Tứ” bằng tiếng Trung Quốc và phủ sơn đỏ để biểu thị cho sự đổ máu.
Khi nhắc đến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), anh John Leung, một người biểu tình gốc Hồng Kông nói với The Epoch Times: “Chỉ có các bài diễn văn mỗi năm thì chưa đủ. Chúng tôi cần các cuộc biểu tình lớn hơn và dũng cảm hơn nếu chúng tôi muốn bảo vệ các quyền tự do mà ĐCSTQ muốn tước đoạt của tất cả mọi người, không chỉ của người Trung Quốc ở đại lục và Hồng Kông mà ở cả quốc gia của quý vị.”
Đài tưởng niệm tưởng nhớ hàng năm ở London đã tăng quy mô trong hai năm qua một phần do sự xuất hiện của những người Hồng Kông tìm kiếm quyền bảo hộ ở Vương quốc Anh theo chương trình Công dân Anh ở Hải ngoại (BNO). Chương trình này được xây dựng hồi năm 2020 trong bối cảnh Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia sau hàng loạt bất đồng chính kiến ở thuộc địa cũ của Vương quốc Anh.
Hàng chục ngàn người đã tái định cư sang Anh và các quan chức chính phủ ước tính hơn 320,000 người có thể nhận được sự xét duyệt trong vòng năm năm.
Hôm thứ Bảy (04/06), những người mới di cư đến tham dự đã mang đến cho sự kiện tưởng niệm năm nay một bầu không khí kiên định hơn.
Nhiều người trưng bày cờ và biểu ngữ thể hiện nền độc lập và dân chủ của Hồng Kông, còn một số người đeo khẩu trang để bảo vệ danh tính vì lo ngại đâu đó trong đám đông có đặc vụ của ĐCSTQ trà trộn.
Một người phụ nữ đeo khẩu trang xưng là Shih, nói: “Việc này không đáng để mạo hiểm. Tôi có gia đình — mẹ, cha và anh trai — và bạn bè ở đó, và tôi biết rằng nếu họ có thể nhận dạng được tôi, ĐCSTQ sẽ báo cho các đặc vụ để đe dọa họ. Chúng tôi đã thoát khỏi Hồng Kông và vâng, chúng tôi vẫn có thể phản đối. Nhưng chúng tôi vẫn chưa thoát khỏi nỗi sợ hãi.”
‘Họ sẽ không bao giờ giết chết được nền dân chủ’
Những người biểu tình gốc Hồi giáo và Tây Tạng cũng có mặt và giương cao các biểu ngữ yêu cầu chấm dứt cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở tỉnh Tân Cương của Trung Quốc, và trả tự do cho Tây Tạng.
Một trong những người tổ chức chính, anh Khâu Văn Tuấn (Yau Man Chun), một cựu ủy viên hội đồng Quận Sa Điền ở Hồng Kông, đã đào thoát sang Anh vì lo sợ bị bắt giữ, đã dẫn đầu đoàn người biểu tình hô vang “Tự do cho Hồng Kông”, “Tự do cho người Duy Ngô Nhĩ” và “Đả đảo ĐCSTQ”.
Anh Khâu đã rời Hồng Kông đến Vương quốc Anh cách đây tám tháng. Anh nói với The Epoch Times: “ĐCSTQ đã trở thành một cường quốc toàn cầu và sử dụng ảnh hưởng của họ để dập tắt quyền tự do. Chúng ta phải cho họ thấy rằng họ sẽ không bao giờ giết chết được nền dân chủ.”
Ông Thiệu Giang (Shao Jiang), một người sống sót sau vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, hiện sống và làm việc lưu vong tại London, đã mô tả trong một bài diễn thuyết về cách ông chạy trốn khỏi xe tăng và quay trở lại ký túc xá trường Đại học Bắc Kinh ở Bắc Kinh để thay chiếc áo thun nhuốm đầy máu của các sinh viên đồng hành.
Sau đó, ông với The Epoch Times: “Các sinh viên ở Trung Quốc ngày nay sẽ rất khó đứng ra như chúng tôi đã từng. ĐCSTQ kiểm soát như vậy, thì rất khó tổ chức. Vì vậy, đó là lý do tại sao xã hội dân sự và các quốc gia dân chủ như Vương quốc Anh nên hỗ trợ ở cấp cơ sở để giúp các thế hệ trẻ hiểu những gì đã xảy ra trong vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn.”
Trong số những người diễn thuyết có ông Mã Kiến (Ma Jian), nhà văn bất đồng chính kiến nổi tiếng sống lưu vong ở Anh quốc, và ông Benedict Rogers, người đồng sáng lập nhóm nhân quyền Hong Kong Watch có trụ sở tại Anh quốc.
Ông Rogers mô tả cách mà luật an ninh quốc gia mới của ĐCSTQ khẳng định khả năng tiếp cận sâu rộng [vươn ra] ngoài lãnh thổ, và cách ông đã bị Bắc Kinh truy lùng vì tội “thông đồng với ngoại quốc hoặc với các yếu tố bên ngoài gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.”
Năm 1989, ĐCSTQ đã thể hiện bản chất thật của họ “không phải lần đầu, cũng không phải lần cuối,” ông nói tại buổi họp mặt tưởng niệm.
Thương tiếc những người đã đổ máu, tôn vinh lòng dũng cảm
Ông Rogers đã so sánh việc tưởng nhớ vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn với lễ kỷ niệm Năm Thánh Bạch kim của Nữ hoàng Anh Elizabeth cũng đang diễn ra ở London.
Ông nói: “Đây là hai ngày kỷ niệm hoàn toàn trái ngược nhau. Một là kỷ niệm các giá trị, sự phụng sự cho công chúng, cống hiến cho quốc gia và dân tộc, tình yêu và lòng trắc ẩn… Nhưng kỷ niệm mà chúng tôi đang tưởng nhớ lúc này thì hoàn toàn ngược lại.”
Ông nói thêm: “Chúng tôi đang thương tiếc những người đã đổ máu và nỗi kinh hoàng — nhưng chúng tôi cũng ca ngợi lòng dũng cảm và sự tận tâm của những người đã hy sinh mạng sống của họ [vào ngày 04/0/6/1989]. Chúng tôi làm rõ sự tương phản của hai phong cách lãnh đạo trong gần như cùng một khoảng thời gian, 70 năm.”
“Nhưng ĐCSTQ đại diện cho sự thù hận tự do, một mối đe dọa đối với cuộc sống, một cuộc tấn công nhân phẩm, và một sự đàn áp mà tất cả chúng ta đáng lẽ phải tiếp tục đấu tranh.”
Vào đêm trước ngày kỷ niệm, một video liên quan đến Thiên An Môn đã được chiếu lên Cầu Tháp London.
Đoạn video này cũng nâng cao nhận thức của những người bất đồng chính kiến ở Hồng Kông bị giam giữ bao gồm cả ông trùm truyền thông Lê Trí Anh (Jimmy Lai).
Các khẩu hiệu như “Tự do cho Hồng Kông”, “Tự do cho Tây Tạng” và “Tự dọ cho người Duy Ngô Nhĩ” cũng được trình chiếu trên cây cầu mang tính biểu tượng này, vốn tọa lạc gần tân Đại sứ quán Trung Quốc tại Royal Mint Court.
Nhân viên Đại sứ quán Trung Quốc đang trong quá trình chuyển đến cơ sở lớn hơn ở phía đông thành phố, nơi sẽ trở thành phái bộ nước ngoài lớn nhất của Trung Quốc.
The Epoch Times đã liên lạc với Đại sứ quán Trung Quốc ở Vương quốc Anh để đưa ra bình luận.
Ông Peter Simpson là một ký giả người Anh đã làm việc cho các hãng thông tấn quốc tế lớn và đã dành một thập niên để đưa tin về Trung Quốc từ Bắc Kinh, bao gồm cả Thế vận hội Bắc Kinh 2008, trong đó ông đã phá vỡ nhiều điều khoản độc quyền. Ông quan tâm đến tất cả các khía cạnh của mối quan hệ Trung-Anh và địa chính trị. Ông còn quan tâm đến thể thao, kinh doanh, văn hóa và du lịch.