Cảnh sắc Trung Hoa yên bình
Vào một đêm thu cuối thế kỷ 16, một học giả và vị quan thời Minh (1368-1644) là Lý Mẫn Phiêu (Li Minbiao – 1515-1581) đi ngang qua nhà của một người bạn sở hữu một cuộn tranh phong cảnh nhỏ của danh họa Triệu Viên thời Lý.
Triệu Viên sống cách thời của Lý Mẫn Phiêu hai thế kỷ. Theo cách vẽ thời đó, mỗi bức tranh sẽ có một khoảng trống lớn ở bên trái dành để đề thơ, đó là khoảng trống dành cho những cao nhân đề lời bình của họ về tác phẩm nghệ thuật mà họ đã thưởng thức. Vì ấn tượng với bức tranh của danh họa họ Triệu, vị quan họ Lý đã đề một bài thơ ngắn để bày tỏ trải nghiệm thần thánh của mình khi thưởng tranh:
“… Trong một ngày bộn bề nơi trần tục
Ta bắt gặp cảnh núi sông mang trong bức tranh
Làn sóng mát lành, tâm trí ta bỗng nhiên sáng tỏ
Sương gió khắc nghiệt, những chiếc lá lìa cành…”
Ông Lý là một văn nhân, nhờ học tài và vượt qua các kỳ thi của triều đình mà lên làm quan. Trong câu thơ, ông ca ngợi tài năng xuất chúng của người hoạ sĩ khi có thể khắc họa từng chi tiết của phong cảnh tuyệt đẹp trong một bức tranh chỉ cao vỏn vẹn 8 inch. Ông đã ghi lại cảm xúc thư thái, bình yên đặc biệt của mình khi thưởng tranh.
Dù chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi, nhưng việc chiêm ngưỡng bức tranh của hoạ sĩ họ Triệu giúp ông thoát khỏi cuộc sống bận rộn và sự bộn bề nơi trần tục vốn đang ám ảnh tâm trí ông. Khi trực tiếp ngắm nhìn, ông có thể đắm mình trong tranh và cảm nhận sự yên bình của dòng suối, những ngọn núi, cỏ cây hoa lá và một không gian tĩnh mịch vắng vẻ – một lối sống ẩn mình giữa thiên nhiên mà nhiều văn nhân như ông mong ước.
Nghệ thuật trong thời loạn
Vị họa sĩ họ Triệu cũng là một văn nhân, nhưng ông sống trong thời đại đầy hỗn loạn, khi Trung Quốc dưới quyền cai trị của triều đình Mông Cổ (1271-1368).
Ông đặc biệt nổi tiếng với bức tranh, do ông vẽ theo phong cách tranh phong cảnh truyền thống phổ biến thời đó. Trong các triều đại thời Đường (618-917) và thời Tống (960-1279), loại hình nghệ thuật này dần trở thành cách thức thể hiện khát vọng của tầng lớp trí thức với thiên nhiên và mong muốn thoát khỏi thế giới trần tục mà họ đang sinh sống, để tìm kiếm một cảnh giới tâm linh cao hơn.
Tuy nhiên, triều đình nhà Tống lâm vào cảnh tham nhũng trầm trọng và cuối cùng phải nhường quyền thống trị cho người Mông Cổ, con đường sự nghiệp công vụ của những Nho sĩ ngày càng trở nên chật hẹp. Cuối cùng, tham vọng chính trị của họ ngày càng suy yếu, và những văn nhân khát khao mạnh mẽ một cuộc đời thoát tục.
Họ từng nghĩ rằng nhờ học hành gian khổ, họ có thể nắm giữ những vị trí cao trong triều đình, rồi quản lý nhà nước và thiết lập quyền cai trị công bằng trong vương quốc; nhưng lý tưởng này không trở thành hiện thực. Những nam học giả thời xưa từng giữ các chức vụ quan trọng trong triều đình giờ mong muốn sống một cuộc đời ẩn dật. Họ luôn cố gắng tu dưỡng bản thân và gia đình từ suy nghĩ và hành động cho phù hợp với chuẩn mực đạo đức truyền thống. Nguyện vọng của họ về một cảnh giới yên bình được thể hiện trong các thú vui tao nhã như thi ca, thư pháp và hội hoạ – đặc biệt là tranh phong cảnh, bởi sự tĩnh lặng trong tranh phản ánh trạng thái tâm trí yên bình của họ.
Bức “Phong Cảnh” của Triệu Viên
Bức “Phong Cảnh” của Triệu Viên (Zhao Yuan) không có tiêu đề, cũng như nhiều thể loại khác, ông đã vẽ theo phong cách phong cảnh truyền thống vốn đạt đỉnh cao vào thời nhà Tống. Nhưng ông đã thêm vào đó nghệ thuật biểu đạt của thư pháp, một loại hình nghệ thuật mới đặc trưng của thế kỷ 14.
Hình ảnh thiên nhiên đầy lôi cuốn tương phản với sự tĩnh lặng của con người, được thể hiện qua cảnh tượng những ngọn núi hùng vĩ tuyệt vời ở trung tâm bao quanh một dinh thự yên tĩnh. Được bao bọc trong sự thăng hoa kỳ diệu của thiên nhiên, con người nhỏ bé trở nên tự tại, thanh thản, dường như không vướng chút bụi trần.
Một người ngồi đọc sách trong căn chòi, một người chậm rãi đi lại trong sân, một người còn lại tản bộ một mình trong rừng và có lẽ đang tĩnh lặng ngắm cảnh. Quả thật, khi chiêm ngưỡng bức tranh, người xem như đắm mình vào trong cảnh vật – vào một thế giới có làn gió nhẹ nhàng lướt qua những tán lá, có dòng suối chảy quanh, chim hót líu lo và khu rừng tràn ngập hương thơm của đất. Bức tranh khiến tâm trí người xem trở nên dịu nhẹ.
Cuộn tranh có hai tác phẩm
Gắn trên cùng một cuộn tranh là một tác phẩm cùng thời của Thần Tấn (Shen Xun), mô tả một rặng tre bên mặt nước. Tác phẩm hoàn toàn không có sự hiện diện của con người, mà có dãy núi mờ ảo phía đằng xa.
Theo một lời bình khác, hai bức tranh được đặt cùng nhau vào năm 1562 do “những điểm tinh tế tương đồng về khí chất và phong vị”, mặc dù chủ đề và bố cục hình ảnh hoàn toàn khác nhau. Bức tranh phong cảnh của Triệu Viên có rất nhiều chi tiết, lấp đầy không gian trong tranh, trong khi bức rặng tre của Thần Tấn thì thanh thoát và nhẹ nhàng, với không gian rộng rãi khoáng đạt.
Do sự tương đồng về bầu không khí nên cả hai bức tranh được ghép lại với nhau. Bầu không khí này có thể là cảm giác bình yên mang lại cho người thưởng tranh. Sự tĩnh lặng của rặng tre và sự tĩnh tại của những người trong tranh dường như cất lên chung một ngôn ngữ, nhằm truyền tải sự bình lặng mà những nghệ sĩ-văn nhân ẩn dật đã trải qua: Họ có thể đạt được trạng thái tự tại với thiên nhiên, với tri thức và nghệ thuật, và trong thời khắc đó, danh vọng hay tiền tài không còn là điều quan trọng.
Do đó, hai hoạ sĩ đã thể hiện cảnh giới tinh thần của họ trong các tác phẩm. Chỉ có những tâm hồn thanh tịnh mới thể hiện được chiều sâu của sự tĩnh lặng như vậy trong tranh. Trên thực tế, sự thanh tĩnh này đã khiến những khán giả ở thế kỷ 16 cảm động đến mức họ quyết định gắn hai bức tranh lại với nhau.
Năm 1734, một học giả đã quyết định đề bốn chữ viết theo phong cách cổ xưa để kỷ niệm việc hai bức tranh được kết hợp lại với nhau là “Triệu Thần trùng phùng”.
Antony Yuefeng Wu
Thuần Thanh biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: