Cảnh báo: Lạm phát không nhất thời có thể là ‘sự xáo trộn’ đối với hệ thống tài chính
Nhiều nhà kinh tế Hoa Kỳ đang bắt đầu công khai cảnh báo về lạm phát gia tăng, trong đó nhà kinh tế học nổi tiếng Mohamed El-Erian cho biết ông “rất lo lắng” lạm phát sẽ không chỉ xảy ra nhất thời và cho rằng có quá nhiều “bằng chứng thực tế” cho thấy lạm phát sẽ giữ ở mức cao.
Trong một bài viết gần đây trên tờ Financial Times, ông El-Erian, một trong những nhà kinh tế học được nhiều người theo dõi nhất, cho biết các ngân hàng trung ương và thị trường cần “mở rộng tầm nhìn” để tránh thiệt hại đáng kể cho hệ thống kinh tế và tài chính.
Ông El-Erian bắt đầu bài bình luận của mình bằng cách nói rằng, “Hiếm khi tôi có một quan điểm rất vững chắc, trực tiếp đi ngược lại với sự đồng thuận của thị trường.”
Ông lưu ý rằng tăng trưởng kinh tế ở Hoa Kỳ sẽ mạnh mẽ, nhưng lại bày tỏ nghi vấn đối với “sự đồng thuận về nền kinh tế có mức tăng trưởng ổn định” vốn cho rằng lạm phát sẽ chỉ là tạm thời.
“Tuy nhiên, tôi rất lo lắng về niềm tin phổ biến cho rằng sự gia tăng lạm phát hiện nay sẽ chỉ là tạm thời,” ông viết.
Ông El-Erian bảo vệ quan điểm của mình bằng cách tuyên bố rằng có “tất cả các bằng chứng thực tế về những thay đổi cấu trúc trong nguồn cung tại thời điểm mà tổng cầu vẫn tăng trưởng mạnh.”
“Nói một cách rõ ràng, tôi không mong đợi lạm phát trở lại như những năm 1970. Nhưng chúng ta phải tôn trọng khả năng xảy ra một sự xáo trộn đối với một hệ thống tài chính–đã được điều phối và có sự liên kết để duy trì lạm phát ở mức thấp hơn và ổn định hơn,” ông nói.
Ông El-Erian là chủ tịch của Queens’ College tại Đại học Cambridge. Trước đây, ông là chủ tịch Hội đồng Phát triển Toàn cầu của Tổng thống Barack Obama.
Ông El-Erian cảnh báo rằng sau nhiều thập kỷ lạm phát trong nước gần như bằng 0, nhiều nhà đầu tư chưa biết rõ về hai động lực mang tính lịch sử.
“Đầu tiên, việc tăng giá dường như chỉ xảy ra một lần có thể phân tầng thông qua hệ thống,” ông nói. “Thứ hai, lạm phát gia tăng có thể kéo dài, đầu tiên là với hàng hóa và giá giao ngay tại cổng nhà máy và rồi dừng lại ở giá tiêu dùng và tiền lương.”
Nhiều nhà kinh tế học nổi tiếng bao gồm cựu Bộ trưởng Tài chính Larry Summers đã gửi những thông điệp cảnh báo mạnh mẽ về việc chi tiêu quá mức của chính phủ có thể làm nền kinh tế nóng lên và gây ra các mức lạm phát nguy hại.
Ông Summers từng là Bộ trưởng Tài chính dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton và giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia dưới thời ông Obama. Trong một bài bình luận hồi tháng 05/2021, ông đã gọi sự tăng trưởng quá nóng và lạm phát là “rủi ro chính đối với nền kinh tế Hoa Kỳ” và kêu gọi chính phủ Tổng thống Biden cũng như Fed thực hiện một cách tiếp cận mới để giảm thiểu rủi ro này.
Một số nhà kinh tế học cho rằng ngân hàng trung ương Hoa Kỳ có thể quá tự mãn về khả năng kiềm chế rủi ro lạm phát và cuối cùng sẽ phải chờ quá lâu trước khi kiềm hãm [lạm phát gia tăng].
Ông El-Erian cho biết, “Việc kiềm hãm [lạm phát gia tăng] muộn thay vì kiềm hãm sớm, sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ xảy ra một đợt suy thoái kinh tế không cần thiết.”
Giá tiêu dùng trong tháng 05/2021 đã tăng 5% so với một năm trước, ghi nhận mức tăng đột biến hàng năm cao nhất kể từ năm 2008. Lạm phát căn bản, không bao gồm các thành phần thực phẩm và năng lượng có giá biến động mạnh, cũng tăng 3.4%, ghi nhận mức tăng lớn nhất trong 28 năm.
Giá sản xuất tính đến tháng 05/2021 đã tăng 6.6% so với cùng thời kỳ năm ngoái, mức tăng lớn nhất kể từ khi dữ liệu được hình thành vào năm 2009.
Con số lạm phát tăng mạnh một phần là do hiệu ứng căn bản, khi có các đợt phong tỏa do đại dịch và nền kinh tế lao dốc dẫn đến lạm phát yếu một năm trước đây. Hiệu ứng căn bản dự kiến sẽ chững lại vào tháng 06/2021.
Trong khi các yếu tố nhất thời tiếp tục làm tăng giá, thì “những thay đổi về cấu trúc nguồn cung” có thể dẫn đến tình trạng lạm phát cao liên tục, theo ông El-Erian.
Ông viết: “Điều này là đáng chú ý trong hoạt động của thị trường lao động với sự bất ổn về kỹ năng không phù hợp khiến tiền lương tăng cao. Ngoài ra, có những thay đổi liên tục trong các chuỗi cung ứng, quản lý hàng tồn kho và vận chuyển.”
Các nhà kinh tế vẫn nhận thấy những dấu hiệu của sự tắc nghẽn nguồn cung, áp lực tiền lương và giá cả đầu vào khác trên nhiều lĩnh vực.
Nhóm nghiên cứu kinh tế của JPMorgan cho biết trong một báo cáo gần đây: “Các biện pháp khảo sát kinh doanh về giá cả và thời gian giao hàng của nhà cung cấp vẫn gần ở mức cao nhất trong lịch sử.”
“Chúng tôi biết rằng những cuộc khảo sát này có thể bị ảnh hưởng bởi những biến động giá hàng hóa trong ngắn hạn, nhưng chúng cũng có một số khả năng dự đoán về lạm phát căn bản trong tương lai và đưa ra những con số chắc chắn sắp tới.”
Do Emel Akan thực hiện
Thiện Lan biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: