Cảnh báo: Đừng để tương lai của Internet rơi vào tay Bắc Kinh
Các chính phủ trên toàn thế giới đang được cảnh báo là phải “thận trọng” khi tham gia cùng với Bắc Kinh hoặc là các cơ quan quốc tế chịu ảnh hưởng nặng nề của chế độ cộng sản này liên quan đến việc định hình tương lai của Internet.
Trong một báo cáo mới, Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) cho biết Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) đang nuôi hy vọng xuất cảng hệ thống kiểm duyệt trực tuyến trong nước của mình ra khắp thế giới bằng cách ảnh hưởng đến cách các cơ quan toàn cầu, như Hội nghị Internet Thế giới, định hình các quy tắc và các giá trị vốn chi phối không gian mạng.
Báo cáo này nêu rõ: “Với vai trò là tiếng nói hàng đầu trong việc thiết lập một hệ thống quản trị quốc tế cho không gian mạng, Trung Cộng hy vọng việc quản trị mạng Internet trong nước của chính mình sẽ được nhiều khu vực pháp lý khác làm giống và để tái định hình các chuẩn mực toàn cầu.”
“Khi làm như vậy, Trung Cộng đang khởi tạo một phân khu không gian mạng để dựng lập một không gian dễ bị giám sát và ảnh hưởng ý thức hệ,” báo cáo này cho biết.
ASPI cũng cảnh báo các chính phủ thiếu quy định toàn diện về không gian mạng nên cẩn thận khi tham gia cùng với Bắc Kinh về các chiến lược quản trị mạng quốc tế, lưu ý rằng chính quyền Trung Quốc cố tình mập mờ về mức độ ảnh hưởng của họ đối với các hội nghị hoặc các cơ quan lớn.
“Các sự kiện như Hội nghị Internet Thế giới dường như do cộng đồng quốc tế tổ chức,” báo cáo viết. “Trên thực tế, những sự kiện này được tổ chức trực tiếp dưới [sự kiểm soát của] Cục Quản lý Không gian Mạng của Trung Quốc — một cơ quan ban đầu được thành lập từ Văn phòng Tuyên truyền Ngoại vụ trước đây.”
Văn phòng này chịu trách nhiệm quản lý nội dung trực tuyến trên toàn Trung Quốc.
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã chỉ đạo Trung Cộng tập trung các nỗ lực vào việc kiểm soát Internet trong nhiều năm vì điều này sẽ cung cấp cho Bắc Kinh thứ mà ông Tập đã mô tả là “sức mạnh diễn ngôn” đối với các cuộc thảo luận và truyền thông quốc tế.
Trong bài diễn văn hồi năm 2017, ông Tập đã nêu rõ một tầm nhìn về việc “sử dụng công nghệ để thống trị Internet” nhằm đạt được quyền kiểm soát mọi bộ phận của hệ sinh thái này, bao gồm các ứng dụng, nội dung, chất lượng, và nhân lực.
Cũng có những lo ngại lâu dài về “sự phân cực” hoặc một “splinternet” (mạng internet bị chia cắt) mới giữa các quốc gia dân chủ và các chế độ độc tài.
Hiện tại, các quốc gia như Trung Quốc, Nga, và Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng Internet, và có suy đoán về sự phát triển thêm của Internet dọc theo các đường biên giới địa chính trị này có thể khiến thế giới trực tuyến bị phân chia giữa một mạng Internet mở và miễn phí và một phiên bản bị kiểm duyệt gắt gao.
Trên thực tế, Trung Cộng đã tuyên bố trước Liên minh Viễn thông Quốc tế, một cơ quan của Liên Hiệp Quốc chịu trách nhiệm thiết lập các tiêu chuẩn cho các vấn đề về máy điện toán và truyền thông mà hiện do một người Trung Quốc có tên là Triệu Hậu Lân (Zhao Houlin) lãnh đạo.
Điều này xảy ra khi các quốc gia đang thảo luận về cơ sở hạ tầng mới làm nền tảng cho Internet để nó hoạt động hiệu quả hơn và có thể đối phó với những nhu cầu thay đổi nhanh chóng của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, các chuyên gia đã cảnh báo rằng Bắc Kinh và các chính phủ độc tài khác sẽ tìm cách tích hợp “chủ nghĩa độc tài vào kiến trúc nền tảng của web” và trao cho các nhà cung cấp dịch vụ Internet do nhà nước điều hành nhiều quyền kiểm soát hơn đối với người dùng.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Úc đã bày tỏ những lo ngại về sự gia tăng các cuộc tấn công mạng từ Trung Quốc và Nga.
Đầu tuần này, Thượng viện Úc đã thông qua Đạo luật Bảo mật Cơ sở Hạ tầng Quan trọng 2018. Đạo luật này sẽ trao cho Cục Giám đốc Tín hiệu Úc (ASD) quyền tham gia và tiếp quản các hệ điều hành của một số công ty nhất định trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công mạng.
Thượng nghị sĩ Jim Molan, một cựu thiếu tướng quân đội, đã nói với Thượng viện Úc rằng trước giờ chưa thấy một quốc gia nào sử dụng toàn bộ nguồn lực mạng của họ để tấn công một quốc gia khác qua không gian mạng.
“Chúng ta sẽ chỉ thấy được toàn bộ năng lực mạng của một số quốc gia nhất định được áp dụng đối với quốc gia khác ở thời điểm ngay trước khi xảy ra hoặc thực sự ở trong chiến tranh. Và viễn cảnh chiến tranh trong khu vực của chúng ta là có thật,” ông nói. “Đây là khoảng thời gian đáng lo ngại.”
Bản tin có sự đóng góp của Rebecca Zhu, Nicole Hao, và Cathy He
Huệ Giao biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: