Cảnh báo đỏ về suy thoái xuất hiện khi đường cong lợi suất 2 năm-10 năm đảo chiều
Hôm thứ Hai (13/06), một cảnh báo đỏ về suy thoái đã được đưa ra khi đường cong lợi suất đảo chiều đối với khoảng chênh lệch giữa trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ kỳ hạn 2 năm/10 năm với kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang có thể thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn và xa hơn trong nỗ lực kiềm chế lạm phát đang tăng vọt.
Hôm 13/06, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm của Hoa Kỳ lần đầu tiên vượt lên trên chi phí đi vay 10 năm kể từ một đợt đảo chiều ngắn hồi tháng Tư, với mức chênh lệch giảm xuống mức thấp là âm 0.02 điểm phần trăm, theo giá của Tradeweb.
Sự chênh lệch được theo dõi chặt chẽ giữa lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 2 năm và 10 năm được nhiều nhà phân tích coi là một trong những dấu hiệu báo động suy thoái đáng tin cậy nhất.
Lần cuối cùng đường cong lợi suất mang tính chỉ báo này đảo chiều là vào đầu tháng Tư, khi đó nó nhanh chóng phục hồi. Trước đó, nó đã đảo chiều vào năm 2019, trước khi các đợt phong tỏa đại dịch vào năm sau đã đẩy nền kinh tế vào vòng xoáy suy thoái.
Sau sự đảo chiều vào tháng Tư đối với khoản chênh lệch lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 2 năm/10 năm, các chiến lược gia của Morgan Stanley dự đoán nó sẽ một lần nữa đảo chiều và có khả năng duy trì sự đảo chiều đó trong khoảng thời gian còn lại của năm 2022. Mặc dù họ lưu ý rằng, về mặt lịch sử, một sự nghịch đảo như vậy báo hiệu một cuộc suy thoái “sắp xảy ra”, nhưng họ dự đoán rằng khoảng thời gian này có thể sẽ khác.
Nhà kinh tế trưởng Ellen Zentner của Morgan Stanley Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố vào thời điểm đó: “Nhìn chung, đường cong lợi suất đã không còn là một chỉ báo suy thoái trong hai chu kỳ kinh tế vừa qua.”
Bà Zentner nói thêm: “Và khi chúng tôi xem xét các yếu tố trong nền kinh tế mà thường là tín hiệu của một cuộc suy thoái, chẳng hạn như tăng trưởng việc làm, doanh số bán lẻ, thu nhập khả dụng thực tế và sản xuất công nghiệp, chúng tôi không thấy cuộc suy thoái đang đến gần.”
Bức tranh đó đã không thay đổi nhiều kể từ tháng Tư, vì triển vọng ngắn hạn về tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ “vẫn ở trong tình trạng tốt,” theo một lưu ý gần đây từ các nhà phân tích của ING. Nhưng dữ liệu lạm phát cao bất ngờ của tuần trước đã làm tăng các kỳ vọng rằng Fed sẽ tiến nhanh hơn và xa hơn với việc tăng lãi suất, làm tăng nguy cơ thắt chặt mạnh tay có thể đẩy nền kinh tế vào suy thoái.
Giá tiêu dùng ở Hoa Kỳ đã tăng với tốc độ 8.6% so với cùng thời kỳ năm ngoái trong tháng Năm, tốc độ nhanh nhất trong khoảng 40 năm và cao hơn kỳ vọng của thị trường về tốc độ tăng giá 8.3%.
Tình hình lạm phát nóng khiến các thị trường quay cuồng và làm gia tăng các kỳ vọng rằng Fed sẽ phải tăng lãi suất nhanh hơn và xa hơn trong nỗ lực giảm tốc độ tăng giá xuống gần hơn với mục tiêu 2% của họ. Các hợp đồng kỳ hạn lãi suất quỹ liên bang hiện đang chứng kiến 20% cơ hội dịch chuyển 75 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách sắp tới của ngân hàng trung ương. Nếu dự đoán đó đúng, thì nó sẽ trở thành đợt tăng lãi suất trong một cuộc họp lớn nhất trong gần ba thập niên.
Tuy nhiên, Fed nhìn chung dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản tại cuộc họp tiếp theo vào ngày 14-15/06 và tiếp theo là một đợt tăng 50 điểm cơ bản khác trong cuộc họp tiếp theo vào ngày 26–27/07.
“Tuy nhiên, có một cuộc tranh luận về điều gì xảy ra sau đó,” các nhà phân tích của ING cho biết trong ghi chú. “Một số quan chức muốn Fed tiếp tục tăng 50 [điểm cơ bản] để bảo đảm lạm phát được kiểm soát, nhưng điều này có nguy cơ sẽ đưa chính sách đi sâu vào lãnh thổ hạn chế và làm tăng khả năng suy thoái.”
Họ nói thêm, “Những người khác thì cho rằng đã có bằng chứng về việc triển vọng tăng trưởng suy yếu và các áp lực lạm phát tạm thời dịu đi, điều này có thể minh giải cho một đợt tạm dừng vào tháng Chín.”
Một trong những người dự kiến sẽ chứng kiến lạm phát tăng tốc độ trong tháng Sáu từ tốc độ chóng mặt của tháng Năm là ông Mohamed El-Erian, trưởng nhóm cố vấn kinh tế tại Allianz.
Ông viết trên Twitter hôm 10/06: “Nếu phóng đại nỗi lo lắng về kinh tế/xã hội/chính trị, thì tiêu đề báo chí là một mức cao mới cho chu kỳ lạm phát này. Ngoài ra, nếu 10 ngày đầu tiên của tháng Sáu có thể trôi qua, thì ước số hàng tháng tiếp theo sẽ cao hơn.”
Ông El-Erian cũng nhận xét về sự đảo chiều đường cong lợi suất của hôm thứ Hai (13/06) và thị trường trước giờ giao dịch di chuyển xuống đối với các tài sản rủi ro, bao gồm cả cổ phiếu và mã kim.
Do quy mô của một số chuyển động trước giờ mở cửa thị trường hôm thứ Hai, ông đã viết trong một tweet hôm 13/06 rằng: “Không có gì đáng ngạc nhiên khi cổ phiếu (#stocks) và mã kim (#crypto) đang thu hút rất nhiều sự chú ý vào sáng nay.”
Ông nói thêm, “Nhưng đừng bỏ qua trái phiếu (#bonds) nơi mà một số chuyển động khá đáng chú ý về lợi suất cũng bao gồm những lần đảo chiều tiếp theo trong các phần của đường cong lợi suất.”
Theo sau dữ liệu lạm phát của tuần trước, đã có những lần đảo chiều trong các phân đoạn 3 năm/10 năm và 5 năm/30 năm của đường cong trái phiếu Kho bạc.
Nền kinh tế Hoa Kỳ giảm 1.5% trong quý đầu tiên, với một cuộc suy thoái thông thường được định nghĩa là hai quý liên tiếp tăng trưởng kinh tế âm.
Dự báo GDPNow mới nhất của Ngân hàng Fed Atlanta ước tính rằng tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ sẽ tăng 0.9% trong quý thứ hai.
Ông Tom Ozimek là người có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực báo chí, bảo hiểm tiền gửi, tiếp thị và truyền thông cũng như đào tạo cho người trưởng thành. Lời khuyên về việc viết lách hay nhất mà ông từng nghe là từ Roy Peter Clark: ‘hãy nhắm trúng mục tiêu của quý vị’ và ‘hãy để lại điều thú vị nhất ở sau cùng.’