Căng thẳng tiếp tục sau một năm tái bùng nổ xung đột Ấn-Trung
NEW DELHI—Sau một năm leo thang căng thẳng tại biên giới Trung-Ấn, xung đột dường như đã lắng lại, mặc dù hai quốc gia vẫn tiếp tục nghi ngờ lẫn nhau. Theo thông tấn Ấn Độ đưa tin, tình trạng đối đầu vẫn dai dẳng ở ít nhất bốn địa điểm trong khu vực phía đông của Tuyến Kiểm soát Thực tế (LAC), ranh giới phân chia lãnh thổ đang tranh chấp giữa hai nước.
Làn sóng căng thẳng hiện tại bắt đầu vào cuối tháng 04/2020, khi lực lượng quân sự của hai phía tiến hành các cuộc giao tranh và tuần tra gây hấn tại nhiều địa điểm dọc theo biên giới đang tranh chấp dài 2,100 dặm (gần 3,380km).
Tình hình đã leo thang thành một cuộc xung đột đẫm máu vào ngày 15/06/2020 tại thung lũng Sông Galwan, nơi Ấn Độ đang xây dựng các cầu vượt—một công trình cơ sở hạ tầng mà chế độ Trung Cộng không mong muốn tại địa điểm này.
Mặc dù hai bên đã bắt đầu rút lui vào đầu năm nay, sau nhiều vòng đàm phán quân sự cao cấp giữa hai nước về thung lũng Galwan và các bờ phía nam và phía bắc của Hồ Pangong Tso, song căng thẳng vẫn tiếp tục ở các khu vực Đồng bằng Depsang, Hot Springs, Gogra và Demchok.
Hồ Pangong Tso là một hồ nước lợ xuyên Himalaya, với 2/3 diện tích thuộc quyền kiểm soát của Trung Quốc và phần còn lại thuộc quyền kiểm soát của Ấn Độ, trong khi Đồng bằng Depsang, Hot Springs, Gogra và Demchok là những vị trí chiến lược khác dọc theo biên giới với Trung Quốc của lãnh thổ Ấn Độ Ladakh.
Trong một bản tin độc quyền với bằng chứng từ hình ảnh vệ tinh, hãng thông tấn hàng đầu India Today đưa tin hôm 14/05 rằng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã duy trì sự hiện diện của lực lượng này tại các địa điểm tranh chấp ở Ladakh và đã thực hiện những điều chỉnh nhỏ đối với các vị trí của mình tại Hot Springs và Gogra, một yếu điểm ở phía bắc của Hồ Pangong Tso.
Trung tướng Kamal Davar, cục trưởng đầu tiên của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ấn Độ và là cựu tư lệnh chỉ huy khu vực Ladakh, cho biết căn cứ Gogra “liên kết với một số con đèo như Marsimik La, đường đèo cao nhất trên thế giới cho xe lưu thông, và đường mòn phía bắc của hồ [Pangong Tso]—đây là lý do cho tầm quan trọng về mặt chiến thuật của nó.”
Một số vị trí tiền tuyến của Trung Quốc ở Gogra đã chứng kiến một đợt khai triển quân sự hạng nặng hồi tháng Bảy năm ngoái (2020), trước khi các cuộc đàm phán quân sự xảy ra dẫn đến việc rút một phần [thiết bị quân sự] ra khỏi các vị trí này.
India Today đưa tin từ hình ảnh vệ tinh rằng PLA của Trung Quốc đang tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng của lực lượng này tại Đồng bằng Depsang, một vùng đồng bằng cao nguyên bị chia cắt kiểm soát giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Đồng bằng này chỉ cách một biên giới đang tranh chấp [khác] 50 dặm giữa Ấn Độ và Pakistan, một đồng minh của Trung Quốc, đồng thời là quốc gia nhận tài trợ phát triển cho dự án hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) theo Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
“Đây là những tin tức đáng ngại bộc lộ rõ ý đồ của Trung Quốc. Rõ ràng là người Trung Quốc đang chuẩn bị cho dài hạn và không có ý định quay trở về với mức độ khai triển [quân đội] trước tháng Tư năm 2020 của họ. Đây là điển hình của chiến thuật cắt lát salami của Trung Quốc,” ông Davar nói với The Epoch Times trong một email.
Ông Satoru Nagao, một nhà nghiên cứu không thường trú tại Viện Hudson có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, cho biết mặc dù tình hình vẫn chưa rõ ràng, nhưng có những điểm tương đồng giữa những hành động gần đây của phía Trung Quốc và cách họ đã hành xử dọc theo biên giới đang tranh chấp này trong quá khứ.
“Đây là một kiểu mô hình mỗi năm. Trong năm 2020, có gần 663 cuộc xâm nhập của Trung Quốc vào lãnh thổ Ấn Độ [đã được] ghi nhận. Như vậy, điều này có nghĩa là… ngoại trừ mùa đông, hầu như là hai, ba lần mỗi ngày,” ông Nagao, một chuyên gia về an ninh Hoa Kỳ, Nhật Bản và Ấn Độ ở Tokyo, nói với The Epoch Times.
Ông Nagao nói rằng Ấn Độ nên cẩn thận vì hành động rút khỏi hồ Pangong Tso được công bố rộng rãi vào đầu năm nay của Trung Quốc là một chiến thuật ngắn hạn hơn là một chiến lược dài hạn. Cuộc lui binh này là lớn vì nó liên quan đến việc rút đi 200 xe tăng chiến đấu chủ lực từ độ cao lớn trong thời gian hai ngày.
“Đây không phải là một công việc dễ dàng. Vì vậy, việc rút khỏi Pangong Tso là một bước đi rất lớn, nhưng đồng thời, nó mang tính chiến thuật chứ không phải chiến lược. Trung Quốc vẫn có ý định mở rộng lãnh thổ của họ ở biên giới Ấn-Trung để giành khu vực giàu tài nguyên cho mình,” vùng cao nguyên Tây Tạng, ông Nagao nói.
Bối cảnh địa chính trị năm 2021
Ông Michael Johns, một chuyên gia và chiến lược gia hàng đầu về chính sách bảo thủ cư trú ở Hoa Thịnh Đốn, nói với The Epoch Times trong một email rằng hành động gây hấn quân sự của Trung Quốc đối với Ấn Độ phản ánh một số sự thật đáng báo động.
“Thứ nhất, Trung Cộng coi Tổng thống Biden là người yếu ớt và không sẵn sàng tập hợp ý chí cùng lực lượng cần thiết để chống lại chủ nghĩa quân phiệt đang gia tăng của họ trong khu vực, kể cả chống lại Ấn Độ. Thứ hai, ngay cả khi PLA thất bại trong việc chiếm giữ hàng trăm dặm vuông mà họ đã giành được ở Ladakh, thì chi phí của phía Ấn Độ để giữ không cho PLA lại gần sẽ làm tiêu hao các nguồn lực và ngân sách của Ấn Độ mà đáng lẽ đã có thể được sử dụng vào các cải tiến, nâng cấp, và duy tu quân sự cần thiết,” ông Johns, cũng là đồng sáng lập phong trào Tiệc Trà (Tea Party movement), cho hay.
Ông nói rằng điều này sẽ làm suy yếu khả năng quốc phòng của Ấn Độ bất kể kết quả ở Ladakh như thế nào. Các hoạt động của Trung Cộng ở đó không thể được coi là một nghị trình riêng biệt của nước này, mà nên được nhìn nhận trong bối cảnh các hoạt động lớn hơn của họ trên toàn cầu.
“Thứ ba, cùng với những lời xảo trá và lừa bịp của Trung Cộng về nguồn gốc Vũ Hán của đại dịch, tình trạng họ vi phạm hiệp ước năm 1985 với Anh Quốc về Hồng Kông, tiến hành diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ đã cấu thành cuộc khủng hoảng nhân quyền lớn nhất kể từ thảm họa Holocaust, và sau đó là các phát ngôn khiêu khích và thiếu tôn trọng của ông Dương ‘Hổ’ (biệt danh của ông Dương Khiết Trì) ở Anchorage, điều này phản ánh một kết luận về Trung Cộng rằng họ chẳng mấy quan tâm đến những gì thế giới nghĩ về hành vi của họ,” ông Johns nhận định.
Ông S. Chandrashekhar, một giáo sư thỉnh giảng tại Viện Nghiên cứu Cao cấp Quốc gia Ấn Độ với lĩnh vực quan tâm nghiên cứu về các vấn đề an ninh quốc gia, nói với The Epoch Times trong một email rằng Trung Quốc là mối đe dọa lâu dài đối với sự tồn vong của Ấn Độ với tư cách là một quốc gia.
“Chúng tôi cần một chiến lược tích hợp rõ ràng, được cân nhắc kỹ lưỡng để đối phó với vấn đề này. Đây là thách thức lớn của chúng tôi trên mặt trận quốc tế,” ông Chandrashekhar, trước đây từng là một khoa học gia tại Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ, cho hay.
“Trong bức tranh lớn hơn này, Trung Cộng sẽ sử dụng vấn đề biên giới như một tác nhân gây khó chịu liên tục và bào mòn LAC dần dần để xâm nhập vào lãnh thổ Ấn Độ. [Chế độ này sẽ] sử dụng Pakistan như một đại diện thay mặt cho họ để kìm hãm Ấn Độ. Tìm cách có được ngày càng nhiều đòn bẩy kinh tế và giành quyền kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp đối với các thị trường và chính trị nội bộ của Ấn Độ. Phản công và cuối cùng thống trị Ấn Độ Dương. Đây là điểm mấu chốt.”
Ấn Độ cần nhận ra mối đe dọa từ Trung Quốc và nên xác định một chiến lược rõ ràng để đối phó với mối đe dọa này, ông nói.
“Tăng trưởng kinh tế liên tục, giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, mạnh về nội tại và mô hình phát triển công bằng hơn là những thách thức chính. Những điều này chắc chắn là khó nhưng không nằm ngoài khả năng của Ấn Độ nếu chúng tôi có những nhà lãnh đạo khôn ngoan,” ông nói.
Trùng với làn sóng COVID-19 thứ hai
Thời điểm chế độ Trung Cộng tăng cường binh lính tại các điểm tranh chấp này ở khu vực biên giới xuyên Himalaya trùng với đợt bùng phát đại dịch virus Trung Cộng chết chóc lần thứ hai ở Ấn Độ.
Trung tướng Davar cho biết chính quyền Trung Cộng tin rằng việc gây áp lực lên Ấn Độ sẽ dễ dàng hơn trong khi nước này đang phải đối mặt với đại dịch chết người, và có những lý do đằng sau nỗ lực của họ để gây áp lực như vậy.
Chế độ này muốn “gửi một thông điệp tới chính phủ mới ở Hoa Kỳ: Ấn Độ và quý vị có thể tiếp tục nói về Ấn Độ Dương và trật tự dựa trên các quy tắc quốc tế—nhưng chúng tôi tuân theo các quy tắc của riêng mình,” ông nói.
“Tôi nghĩ rằng họ có một bản thiết kế rộng lớn ở trong đầu, vì họ luôn tìm cách đạt được mục đích, như họ đã làm trong những cơ hội trước đó. Và đó là lý do tại sao Ấn Độ phải rất, rất cẩn thận.”
Ông Davar nói rằng chế độ Trung Cộng luôn chơi trò hai mặt, bằng cả chiến lược công khai và bí mật. Ông chỉ ra rằng một mặt, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đề nghị viện trợ COVID-19 cho Ấn Độ, mặt khác, PLA vẫn tiếp tục tăng viện ở biên giới.
Ông Chandrashekhar cho rằng chế độ này đang tìm cách lợi dụng tính dễ bị tổn thương của Ấn Độ vào thời điểm hiện tại, bằng cách “[đẩy] về phía trước và [chiếm] dần lãnh thổ.”
“Các diễn biến gần đây ở LAC thuộc loại này—thăm dò quyết tâm của Ấn Độ—và cũng là [trong lúc có] các cuộc khủng hoảng khác cần giải quyết như COVID,” ông nói.
Còn ông Johns thì chỉ ra rằng, một mặt chế độ Trung Cộng giả vờ trở thành một “lực lượng hữu dụng” trong việc giải quyết đại dịch trên toàn cầu, trong khi mặt khác, họ “đúng như dự đoán đã làm chính xác điều ngược lại, lợi dụng sự tập trung của Ấn Độ vào dịch bệnh này như một cơ hội để mở rộng và củng cố sự hiện diện quân sự của họ ở Ladakh và các khu vực lân cận.”
Do Venus Upadhayaya thực hiện
Minh Ngọc biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: