Canada thu giữ hàng hóa do lao động nô lệ ở Trung Quốc sản xuất
Lần đầu tiên kể từ khi luật cấm nhập cảng các sản phẩm được cho là do lao động nô lệ sản xuất được ban hành vào năm 2020, một lô hàng từ Trung Quốc đã bị Canada thu giữ.
Lệnh cấm trên được thỏa thuận thương mại USMCA ba bên do Canada ký hồi năm 2018 đưa ra, mặc dù lệnh cấm này chưa có hiệu lực cho đến tháng 07/2020.
Theo các yêu cầu từ The Globe and Mail, Cơ quan Dịch vụ Biên giới Canada (CBSA) hôm 12/11 đã xác nhận rằng họ chỉ thực hiện một vụ thu giữ kể từ giữa năm 2020.
Phát ngôn viên của CBSA nói với Globe rằng các quan chức hải quan đã thu giữ một lô hàng quần áo đến Quebec từ Trung Quốc mà họ tin rằng “được sản xuất theo dây chuyền hay sản xuất toàn bộ hoặc một phần bởi lao động cưỡng bức”.
Cơ quan này không tiết lộ ngày thu giữ, viện dẫn các quy tắc bảo mật khiến họ không thể nêu đích danh nhà nhập cảng.
Hôm 12/01, Canada và Anh Quốc đã công bố một loạt các biện pháp giúp ngăn chặn nguy cơ hàng hóa được sản xuất bởi lao động cưỡng bức ở tỉnh Tân Cương, tây bắc Trung Quốc xâm nhập vào chuỗi cung ứng của Canada và toàn cầu.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khét tiếng với việc ép buộc các nhóm thiểu số làm nô lệ, bao gồm người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc Turk khác ở Tân Cương, khu vực chủ yếu xuất cảng các sản phẩm bông và cà chua.
Nhà cầm quyền này cũng sử dụng các chính sách đàn áp khác đối với người Duy Ngô Nhĩ, bao gồm giam giữ hàng loạt, tra tấn, và các biện pháp kiểm soát sinh đẻ khiến tỷ lệ sinh của người Duy Ngô Nhĩ từ năm 2017 đến năm 2019 giảm gần một nửa, theo một báo cáo của Viện Chính sách Chiến lược Úc.
Hồi tháng Hai, Hạ viện đã thông qua một kiến nghị kêu gọi công nhận việc chính quyền Trung Quốc lạm dụng người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc Hồi Giáo Turk khác là một hành động diệt chủng.
Trước những vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ, nhiều nhóm vận động đã kêu gọi tẩy chay Thế vận hội Olympic Mùa đông 2022 diễn ra tại Bắc Kinh vào tháng Hai sắp tới.
Tuần trước, trong khi tham dự một phiên họp của Đại Hội Duy Ngô Nhĩ Thế Giới đại diện cho người Duy Ngô Nhĩ ở hải ngoại, nghị sĩ Alexis-Brunelle Duceppe của Khối Québécois đã đề nghị một nghị quyết kêu gọi hoãn Thế vận hội cho đến khi Bắc Kinh cho phép một cuộc điều tra độc lập về việc ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Ủy ban Olympic Canada phản đối bất kỳ cuộc tẩy chay nào với lý do rằng họ sẽ không buộc thay đổi lý lịch vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, nhưng nhà phê bình về quan hệ quốc tế thuộc Đảng Bảo Thủ Michael Chong nói với Globe rằng Ottawa ít nhất nên từ chối cử một đại diện ngoại giao tới Thế vận hội.
Ông Chong nói, “Ở mức tối thiểu, chúng ta nên cho thấy một cuộc tẩy chay ngoại giao đối với thế vận hội này: sẽ không có đại diện nào hết từ phía chính phủ Canada.”
Anh Andrew Chen là một phóng viên của The Epoch Times tại Toronto.
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: