Canada: Thách thức tái thiết nền kinh tế có thể ‘sống chung’ với COVID-19
Nền kinh tế của Canada đang lấy lại vị thế sau khi giảm sâu trong thời gian chính phủ yêu cầu đóng cửa nhiều lĩnh vực vào mùa xuân này. GDP thực tăng 4.5% trong tháng 5 và Cơ quan Thống kê Canada dự báo mức tăng 5% nữa trong tháng 6. Điều này đi đôi với việc tăng số lượng việc làm trở lại, bao gồm cả việc làm mới và việc làm được khôi phục – tương đương với khoảng hơn 40% số lượng việc bị mất trước đây.
Tuy nhiên, có những dấu hiệu đáng lo ngại cho thấy việc phục hồi sẽ rất khó khăn và không đồng đều do nhiều ngành phải vật lộn để thích ứng với thực tế mới về việc cùng tồn tại với đại dịch virus Trung Cộng. Phục hồi kinh tế tập trung vào những lĩnh vực có thể thích ứng dễ dàng nhất với các yêu cầu về cách ly xã hội. Các lĩnh vực này bao gồm sản xuất, xây dựng và tài nguyên thiên nhiên, có lợi thế làm việc ngoài trời hoặc phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn để sản xuất. Một số dịch vụ cũng nhanh chóng phục hồi, đáng chú ý là các dịch vụ chuyên môn (nhiều dịch vụ có thể thực hiện trực tuyến) và kinh doanh bán lẻ.
Ngược lại, quá trình hồi phục của các dịch vụ phụ thuộc vào tương tác trực diện với hoặc giữa các khách hàng đã bị chậm lại. Du lịch hàng không vẫn duy trì mức thấp hơn đến 97% so với đỉnh điểm trước đại dịch; dịch vụ lưu trú và thực phẩm, giải trí, nghệ thuật và các dịch vụ cá nhân đang thấp hơn khoảng 1/3 so với mức kinh doanh ở trạng thái bình thường.
Các ngành phụ thuộc vào lượng lớn khán giả như thể thao, rạp chiếu phim và nghệ thuật dường như sẽ không thể phục hồi đáng kể cho đến khi vaccine được công nhận có hiệu quả. Các ngành công nghiệp khác như nhà hàng và chăm sóc sức khỏe sẽ phải cố gắng để tồn tại với chi phí cao hơn cho các thiết bị phòng hộ dịch bệnh và chấp nhận doanh thu thấp hơn do giãn cách xã hội, đặc biệt là sau khi bắt buộc đóng cửa đối với nhà hàng ngoài trời.
Cùng với những khó khăn, trong nhiều lĩnh vực đã tạo ra những doanh nghiệp nhỏ không có khả năng tiếp cận vốn như hầu hết các công ty lớn, để bảo đảm sự sống còn cho đến khi có vaccine.
Việc gần một nửa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường làm giảm áp lực về sự thâm hụt 350 tỷ USD của chính phủ liên bang. Tuy nhiên, với một lượng lớn ngành dịch vụ đang phải vật lộn với đại dịch, nhiều công ty và nhân viên của họ tiếp tục cần chính phủ hỗ trợ. Chính phủ liên bang đang miễn cưỡng thừa nhận rằng khả năng hỗ trợ thu nhập cho người dân Canada không phải là không có giới hạn. Rõ ràng nhất là quyết định cắt giảm chương trình Cứu trợ Phúc lợi Khẩn cấp của Canada (CERB) và chuyển hỗ trợ sang bảo hiểm việc làm hoặc trợ cấp tiền lương là sự thừa nhận rằng chi phí của CERB không bền vững, cho dù chỉ trong vòng một năm (và hãy quên đi việc thu nhập hàng năm được bảo đảm vĩnh viễn).
Tuy nhiên, sự phục hồi ban đầu của tăng trưởng kinh tế và việc giảm các nhu cầu cần chính phủ hỗ trợ cho thấy đây không phải là việc “cầu được ước thấy”. Duy trì tăng trưởng, giảm tỷ lệ thất nghiệp và tạo nguồn thu từ thuế sẽ khó khăn hơn do một số ngành dịch vụ đang nỗ lực để thích nghi và sống sót.
Sự phục hồi không đồng đều này cho thấy kẽ hở trong chính phủ liên bang liên quan đến các khoản thâm hụt kỷ lục để đối phó đại dịch: chính phủ chưa có chiến lược trong việc tìm lối thoát ngoài việc chờ đợi vaccine hay biện pháp điều trị hiệu quả. Mở rộng các chương trình hỗ trợ thu nhập một cách hào phóng cho cá nhân là một giải pháp “chữa cháy” nhưng lại quên mất rằng chắc chắn tiền không phải là vô tận, và nhiều công ty sẽ phải đối mặt với sự phá sản trước khi vaccine chính thức xuất hiện.
Một giải pháp hiệu quả và dài hạn hơn là hợp tác với các công ty dịch vụ nhằm tìm ra những phương cách mới để có thể tương tác một cách an toàn, tin cậy với khách hàng trong khi virus vẫn đang hoành hành, đồng thời đảm bảo sự sống còn của các doanh nghiệp này khi đại dịch kết thúc. Một số công ty đã tìm ra các giải pháp sáng tạo mặc dù họ không nhất thiết phải thực hiện. Tuy nhiên, các cơ quan chính phủ, có hoạt động ngoài lĩnh vực bệnh viện và được bảo hộ khỏi những hậu quả cả về kinh tế lẫn sức khỏe do đại dịch, lại có rất ít hiểu biết về những thách thức này và không có thành tích nào đáng kể trong việc định hướng hoặc phát triển các giải pháp sáng tạo.
Hiện giờ, chúng ta nhìn thấy lợi ích của việc thiết lập ngân sách liên bang hoàn chỉnh chứ không chỉ là một ảnh chụp cắt lớp về tình trạng tài chính của chính phủ (bất ổn) như hiện tại. Việc soạn thảo ngân sách với kế hoạch tài khóa cho năm nay và năm tới sẽ buộc chính phủ phải cân nhắc về chiến lược ứng phó với virus, phương thức chuyển đổi từ hỗ trợ hộ gia đình với chi phí đắt đỏ sang hỗ trợ lâu dài và bền vững cho các doanh nghiệp. Nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp phải đối mặt với viễn cảnh chính phủ hỗ trợ ít hơn khi các chương trình hoãn vay thế chấp và thanh toán tiền thuê nhà kết thúc.
Thách thức lớn trong việc tìm cách làm thế nào để nền kinh tế và COVID-19 có thể cùng tồn tại vẫn đang chờ được giải quyết một cách trọn vẹn.
Ông Philip Cross là cựu phân tích kinh tế trưởng tại Cơ quan Thống kê Canada và thành viên cao cấp tại Viện Macdonald-Laurier.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là quan điểm của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tác giả: Philip Cross