Canada: Mít-tinh kêu gọi ngăn chặn cuộc bức hại Pháp Luân Công của Trung Cộng
Hôm 07/12, các học viên của môn tu luyện Pháp Luân Công (hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp) đã tổ chức một cuộc mít-tinh tại Tòa thị chính Toronto để kêu gọi Thủ tướng Justin Trudeau yêu cầu Đảng Cộng Sản Trung Quốc (Trung Cộng) chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công tàn bạo này, khi ông tham dự Hội nghị thượng đỉnh vì Dân chủ sắp tới.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh vì Dân chủ vào hai ngày 09-10/12. Hội nghị quy tụ các nhà lãnh đạo thế giới và quan chức chính phủ từ 110 quốc gia, trong đó có Canada, trong các cuộc thảo luận trực tuyến về tăng cường dân chủ và nhân quyền cũng như bảo vệ chống lại chủ nghĩa độc tài.
Bà Kacey Cox, một phát ngôn viên của Pháp Luân Công ở Toronto, cho biết tại cuộc mít-tinh rằng các học viên Đại Pháp là một trong những nhóm nạn nhân lớn nhất bị chính quyền Trung Quốc đàn áp. Trong 22 năm, các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã phải đối mặt với vô kể những hành vi vi phạm [nhân quyền], bao gồm bắt giữ, tra tấn tùy tiện, và thu hoạch tạng sống.
Bà Cox nói, “Việc bức hại, tra tấn, tước đoạt mạng sống, và bôi nhọ các học viên Pháp Luân Công chỉ vì đức tin của họ là vô đạo đức. Chính phủ Canada phải kiên quyết phản đối điều này”.
Hội nghị thượng đỉnh này trùng với Ngày Nhân quyền Quốc tế, được kỷ niệm vào ngày 10/12 hàng năm.
Ngày Nhân quyền Quốc tế năm ngoái, Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Canada đã đệ trình lên bộ trưởng ngoại giao danh sách 150 tên của các quan chức Trung Cộng đồng lõa trong cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công. Nhóm này kêu gọi các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức cụ thể dựa trên Đạo luật Chịu trách nhiệm về Nhân quyền Toàn cầu Magnitsky, cho phép các chính phủ áp dụng các biện pháp có mục tiêu đối với công dân ngoại quốc thực hiện các hành vi vi phạm nhân quyền.
Tại cuộc mít-tinh hôm 07/12, ngày được chọn lại một lần nữa trùng với Ngày Nhân quyền, bà Cox đã nhắc lại lời kêu gọi Thủ tướng Trudeau công khai lên án cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công của Trung Cộng, xử phạt 150 quan chức của Trung Cộng, và trả tự do cho 12 tù nhân lương tâm có quan hệ với Canada, những người vẫn bị giam giữ ở Trung Quốc vì tu luyện Pháp Luân Công.
Pháp Luân Công là một môn tu luyện tinh thần bao gồm các bài tập tĩnh tại và các bài giảng đạo đức dựa trên các nguyên lý về chân, thiện, và nhẫn. Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, được hồng truyền ở Trung Quốc năm 1992, nơi môn tu luyện này nhanh chóng trở nên phổ biến rộng rãi do những lợi ích được báo cáo đối với sức khỏe tinh thần và thể chất.
Theo ước tính chính thức của chính phủ Trung Quốc, môn tu luyện này đã thu hút 70 đến 100 triệu người theo học ở Trung Quốc vào năm 1999.
Tuy nhiên, cựu lãnh đạo Trung Cộng Giang Trạch Dân coi sự nổi tiếng đó là mối đe dọa đối với sự cai trị của nhà cầm quyền, và vào ngày 20/07/1999 đã tiến hành một chiến dịch bức hại nhằm xóa sổ môn tu luyện này. Theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, hàng triệu học viên Pháp Luân Công đã bị giam giữ trong những năm qua, với con số ước tính khoảng 1.5 đến 2.5 triệu người bị giam trong các trại lao động trong năm 2010.
Sinh viên Toronto tìm kiếm sự giúp đỡ để cứu mẹ
Cô Lưu Minh Viên (Liu Mingyuan), một sinh viên quốc tế sống ở Toronto, đã kêu gọi giành lại tự do cho mẹ cô, bà Lưu Diễm (Liu Yan), người đã bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ hôm 30/09 tại Côn Minh, Trung Quốc và bị giam giữ ở đại lục kể từ đó.
Bà Lưu Diễm bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1994. Trước khi bị bắt lần gần đây nhất, bà và gia đình đã bị giam cầm vì đức tin của họ. Vào năm 1999, chính quyền đã bắt giữ bà Lưu cùng con gái, khi đó mới 2 tuổi, vì không chịu từ bỏ niềm tin vào Pháp Luân Công.
Năm 2012, chồng của bà Lưu đã bị bắt và bị kết án bốn năm trong một trại lao động vì không chịu từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công; và năm 2015, bà Lưu lại một lần nữa bị bắt giữ và bị kết án ba năm lao động cưỡng bức.
“Hôm nay, tôi đang chia sẻ câu chuyện về tôi và gia đình tôi. Nhưng đây cũng là câu chuyện của vô số học viên Pháp Luân Công trong hơn 20 năm qua,” cô Lưu Minh Viên nói tại cuộc biểu tình, kêu gọi Thủ tướng Trudeau và các lãnh đạo thế giới khác tham dự hội nghị thượng đỉnh trợ giúp để chấm dứt các hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Cộng và giành lại tự do cho các học viên Pháp Luân Công đang bị giam giữ.
Những tiếng nói ủng hộ
Một số người nổi tiếng đã tham dự cuộc mít-tinh để bày tỏ sự ủng hộ đối với Pháp Luân Công, bao gồm cả cựu Nghị sĩ Đảng Bảo Thủ Wladyslaw Lizon, cựu Thượng nghị sĩ Đảng Bảo Thủ Consiglio Di Nino, Chủ tịch Hiệp hội Nhân quyền Đài Loan của Canada Michael Stainton, và Phó Chủ tịch của Liên đoàn vì một Trung Quốc Dân chủ Thịnh Tuyết (Sheng Xue).
Ông Lizon, người sinh ra ở Ba Lan dưới thời nước này bị Liên Xô kiểm soát, nói rằng giống như người Âu Châu cuối cùng đã giành được tự do của họ, các quyền tự do tương tự sẽ đến với các nạn nhân của Trung Cộng ở Trung Quốc. Ông kêu gọi Thủ tướng Trudeau đẩy nhanh tiến trình đó bằng cách gây áp lực lên chính quyền Trung Quốc.
Ông nói: “Chúng ta phải liên tục nhắc nhở các chính phủ, như chính quyền Trung Quốc ngày nay và các chính quyền áp bức khác, rằng họ phải đối xử tôn trọng với người dân và trao cho họ những quyền mà họ xứng đáng được hưởng”.
Ông Di Nino lưu ý rằng nhà cầm quyền Trung Quốc chưa bao giờ cho phép truyền thông phương Tây điều tra và xác minh các tuyên bố chính thức của họ về các hành vi vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc, bao gồm cả các hành vi vi phạm chống lại các học viên Pháp Luân Công, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, và các nhóm bị bức hại khác ở Trung Quốc.
Ông nói: “Không thể tin Đảng Cộng sản Trung Quốc”.
“Chúng tôi ở đây một lần nữa để nhắc nhở không chỉ Đảng Cộng sản Trung Quốc, mà cả người dân Toronto và thế giới, rằng chúng tôi sẽ không bao giờ ngừng cho đến khi dân chủ và tự do được phổ biến trên toàn thế giới, và chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh”.
Ông Stainton cho biết các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đang trải qua cuộc bức hại tương tự như những tín đồ Cơ Đốc ở Đế chế La Mã, nhưng bằng sự kiên trì, thì “công bằng chính nghĩa, dân chủ, và tự do cuối cùng sẽ chiến thắng”.
Bà Thịnh Tuyết cũng ca ngợi sự kiên cường của các học viên Pháp Luân Công.
“Có những chuyện không phải nhìn thấy hy vọng mới tiếp tục kiên trì, mà vì chỉ có tiếp tục kiên trì thì mới có thể nhìn thấy hy vọng,” bà nói. “Ngày nay, khi vẫn còn rất nhiều người ở Trung Quốc Đại lục bị [Trung Cộng] lừa dối, thì các học viên Pháp Luân Công là những ngọn nến rọi sáng trong bóng đêm u tối”.
Anh Andrew Chen là phóng viên của Epoch Times tại Toronto.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: