Canada: Hàng trăm học viên ở Toronto kỷ niệm 30 năm Pháp Luân Công hồng truyền
Hôm 07/05, hàng trăm học viên Pháp Luân Công đã kỷ niệm 30 năm môn tu luyện tinh thần này hồng truyền trên khắp thế giới bằng các tiết mục biểu diễn vũ nhạc và một cuộc diễn hành lớn qua trung tâm thành phố Toronto.
Một số nhà lãnh đạo chính trị và cộng đồng nổi tiếng đã tham gia buổi lễ kỷ niệm và lên tiếng ủng hộ pháp môn tu luyện này, vốn bao hàm các bài tập có động tác khoan thai và các bài giảng đạo đức dựa trên các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn. Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, được truyền ra lần đầu tiên ở Trung Quốc đại lục vào năm 1992, nơi môn tu luyện này đã nhanh chóng trở nên phổ biến rộng rãi do những lợi ích sức khỏe của mình. Theo ước tính của chính quyền, đến năm 1999, Pháp Luân Công đã thu hút từ 70 triệu đến 100 triệu người theo học ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đương thời Giang Trạch Dân đã coi số lượng học viên lớn là một mối đe dọa tiềm tàng đối với chế độ độc tài toàn trị của mình, và vào tháng 07/1999, ông ta đã phát động một chiến dịch đàn áp tàn bạo nhằm “xóa sổ” Pháp Luân Công. Cuộc đàn áp này đang tiếp diễn và đã bị các nền dân chủ trên thế giới chỉ trích.
Trong cuộc tập hợp diễn ra hôm 07/05, ông Joel Etienne, một luật sư nhân quyền, cho biết ông có một tầm nhìn đầy hy vọng về việc Pháp Luân Công được phổ truyền một cách công khai và tự do ở Trung Quốc một lần nữa, đồng thời nói thêm rằng ông đã thấy được sức mạnh to lớn và sự kiên cường của các học viên trong việc phản kháng chống lại sự độc tài bạo ngược này.
Ông Etienne nói: “Tôi mơ về một ngày mà Trung Quốc đại lục, trên toàn quốc và trên khắp các thành phố cũng như trên khắp đất nước này, ngày lễ kỷ niệm Pháp Luân Đại Pháp sẽ được chào đón trong yên bình, chan hòa và cởi mở; khi mà các học viên Pháp Luân Công có thể là chính mình mà không gặp phải khó nạn nào, không phải ưu tư lo lắng, và có một tâm thái bình hòa. Tôi mơ rằng điều này sẽ xảy ra rất sớm, và tất cả chúng ta nên tin vào điều đó.”
Ông cũng lưu ý rằng các Hoa kiều Canada, những người tin vào nền dân chủ và nhân quyền, vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi ngay cả khi họ ở Canada, vì ĐCSTQ tiếp tục sử dụng ảnh hưởng của mình nhắm vào các học viên Pháp Luân Công sống ở ngoại quốc và sách nhiễu gia đình họ ở Trung Quốc.
“Là một luật sư nhân quyền, tôi có thể làm chứng cho những hoàn cảnh khó khăn, những khổ nạn, và gian truân của cộng đồng Pháp Luân Đại Pháp trong nhiều thập niên qua,” ông Etienne nói. “Và tôi nói rằng các học viên Pháp Luân Đại Pháp và Hoa kiều Canada, những người tin vào nhân quyền và tin vào nền dân chủ, đang phải trả một cái giá đắt hơn nhiều so với bất kỳ người dân Canada nào khác. Tại sao? Bởi vì, ngày này qua ngày khác, họ phải lo lắng về sự sách nhiễu trên đất Canada, họ phải lo lắng về việc thân nhân của họ bị ảnh hưởng và bị truy tố ở quê nhà ra sao.”
Ông tiếp tục cho biết, “Tôi cảm nhận được nỗi đau này, tôi cảm nhận được sự đau buồn đó. Khi tôi nhận được cuộc điện thoại vào lúc 2 giờ sáng để nói với tôi rằng một người anh, một người chị, một người em họ, một người bạn thân nhất, đã bị bắt ở Trung Quốc và đã bị mất tích vì đức tin của họ, vì việc giảng rõ chân tướng của họ.”
“Tôi cảm ơn vì lòng dũng cảm mà quý vị mang trong mình, vì đã kiên định, khi luôn nhẫn nại, và tiếp tục lan tỏa những giá trị quan trọng của chân, thiện, và nhẫn, cũng như có dũng khí để tiếp tục thúc đẩy những giá trị quan trọng này của nền dân chủ [và] nhân quyền.”
Cựu nghị viên Đảng Bảo Thủ Wladyslaw Lizon, một người Canada gốc Ba Lan và là bằng hữu lâu năm của các học viên Pháp Luân Công, đã kêu gọi chính phủ Canada và các nền dân chủ khác trên thế giới đứng lên chống lại sự đàn áp của các chế độ độc tài.
Ông nói: “Canada và các quốc gia dân chủ khác trên thế giới, chúng ta với tư cách là các công dân và chính phủ của chúng ta phải bảo vệ quyền lợi của những người bị đàn áp ở Trung Quốc cộng sản và những nơi khác trên thế giới.”
Cựu thượng nghị sĩ Consiglio Di Nino cho biết ông cảm thấy như đang trải qua nhiều “cung bậc cảm xúc” khi nghĩ về nhiều học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc vẫn đang bị đối xử vô nhân đạo, gồm cả tra tấn, lạm dụng tình dục, và thu hoạch nội tạng sống.
Ông Di Nino nói: “Thật sự không thể tin được rằng sau [23 năm], thế giới vẫn đang cho phép điều này xảy ra, và không thực sự mạnh mẽ đứng lên như những gì thế giới này lẽ ra nên làm để nói với Trung Quốc: hãy dừng việc làm vô lý này lại, đừng làm một nhóm người bất nhân, hãy ủng hộ một tổ chức hồng dương những giá trị này, những giá trị căn bản mà chúng ta cần nhất trên thế giới này.”
“Thông điệp của tôi với quý vị hôm nay là: Chúng tôi có mặt ở đây vì chúng tôi cảm nhận được nỗi đau của quý vị. Chúng tôi ở đây vì chúng tôi có thể giúp đỡ, và theo lập trường cá nhân của tôi, tôi sẽ tiếp tục có mặt ở đây miễn là quý vị cần tôi.”
Bà Phùng Ngọc Lan (Gloria Fung), nhà hoạt động dân chủ kiêm chủ tịch của tổ chức Canada-Hong Kong Link, cho biết các học viên Pháp Luân Công đã bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, vốn là “nền tảng” của tất cả các quyền tự do “khiến tất cả chúng ta trở thành người hoàn thiện.”
Bà Phùng nói: “Nhưng giờ đây, những giá trị thường được trân trọng này ở Canada cũng đang bị Đảng Cộng sản Trung Quốc tấn công. Trong thập niên vừa qua, chúng ta đã chứng kiến việc Đảng Cộng sản Trung Quốc gia tăng đe dọa các nhà hoạt động người Canada trên đất Canada, và cả … các cuộc tấn công mạng và chiến dịch thông tin sai lệch nhằm tăng cường sự phân cực xã hội cũng như làm xói mòn nền dân chủ của chúng ta ở đây.”
Phó Thống đốc tỉnh bang Ontario Elizabeth Dowdeswell và Thị trưởng thành phố Toronto John Tory đều đã gửi thư chúc mừng. Lời chúc của họ đã được đọc tại cuộc tập hợp này.
Anh Jordan Schmidt, một nhà nghiên cứu người Đức đã xem các buổi biểu diễn này, cho biết anh đã đến Trung Quốc và các giá trị phổ quát của Pháp Luân Công là “rất quan trọng” đối với người dân Trung Quốc ngày nay.
Bạn của anh Schmidt, người chỉ muốn được gọi là Jason, cho biết anh đã xem nhiều bản tin về những vi phạm nhân quyền của chế độ cộng sản này, trong đó có việc bỏ tù người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở tây bắc Trung Quốc.
Anh Jason nói: “Họ có các trại giam nơi mà mọi người đang bị nhốt vào tù chỉ vì họ có các đức tin khác nhau và họ không tuân theo Đảng lớn và chính quyền lớn. Khi cân nhắc cả điều này, tôi tin rằng các dân tộc khác, cũng như các hình thức tôn giáo khác đang bị phân biệt đối xử và bị bỏ tù. Và tất nhiên đây là một điều vô cùng tồi tệ.”
“Chính quyền Trung Quốc không hợp tác cho lắm và họ thích giữ bí mật cho riêng mình. Và báo chí cũng không được tự do ở Trung Quốc. Điều đó là hiển nhiên. Điều đó không tốt cho những người dân sống ở đó và cũng không tốt cho phần còn lại của thế giới.”
Sau cuộc tập hợp này, các học viên Pháp Luân Công đã diễn hành qua trung tâm thành phố Toronto, bắt đầu từ Quảng trường Nathan Phillips và xuống đường Queen Street West, rẽ qua đại lộ Spadina Avenue, sau đó đến đường Dundas Street West, và trở lại Tòa thị chính Toronto.
Cuộc diễn hành này gồm các buổi biểu diễn của đoàn nhạc, biểu diễn trống lưng truyền thống của Trung Hoa, và màn trình diễn các bài công pháp của Pháp Luân Công.
Falun Gong adherents commemorate the 30th anniversary of the practice's introduction with a parade at Toronto City Hall https://t.co/EQbnDgaTcB
— Andrew Chen (@AndrewChen55) May 7, 2022
Falun Gong adherents commemorate the 30th anniversary of the practice's introduction with a parade through downtown Toronto on May 7, 2022. https://t.co/LHIDm5Gtyd
— Andrew Chen (@AndrewChen55) May 7, 2022
Một người dân Toronto, chỉ cho biết tên của mình là John, cho biết ông đã xem buổi diễn hành của Pháp Luân Đại Pháp nhiều lần tại thành phố này, và lần này ông đã theo dõi cuộc diễn hành này đến tận điểm kết thúc.
Ông nói: “Tôi rất ngưỡng mộ họ bởi vì tôi biết họ là một nhóm bị đàn áp, nhưng họ vẫn trụ vững, và họ cất cao giọng hát hoặc ngân vang tiếng kèn, và họ đang đứng lên chống lại chế độ toàn trị đó. Vì vậy, tôi cho rằng họ rất mạnh mẽ.”
Anh Andrew Chen là một phóng viên của The Epoch Times tại Toronto.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: