Canada: Dự luật chống thu hoạch nội tạng cưỡng bức được trình bày để đọc lần thứ hai tại Hạ viện
Một dự luật chống buôn bán nội tạng đã được trình bày để đọc lần thứ hai tại Hạ viện Canada hôm 13/05, với việc các nghị viên nói rằng họ đồng ý với dự luật, và các thành viên Đảng Tự Do yêu cầu dự luật được bỏ phiếu vào tuần tới để chuyển sang giai đoạn tiếp theo.
“Ông tôi có câu nói ‘không nên thếp vàng cho hoa huệ’, nghĩa là khi thứ gì đó đã đẹp rồi thì không cần phải chỉnh trang thêm nữa. Tôi nghĩ chúng ta đã đồng thuận được với nhau, và tôi cũng mong được thấy dự luật này cuối cùng sẽ trở thành luật,” nghị viên Đảng Bảo Thủ Garnett Genuis, người bảo trợ cho dự luật, cho biết.
Dự luật Thượng viện S-223 đã được thông qua tại Thượng viện, và hoàn thành lần đọc đầu tiên tại Hạ viện hôm 16/12/2021. Các dự luật tương tự được đề xướng đã được đệ trình trong các kỳ họp quốc hội trước đây dưới dạng dự luật của các thành viên không nắm giữ chức vụ trong nội các, nhưng chưa bao giờ được thông qua thành luật trước khi các phiên họp kết thúc do các cuộc bầu cử sắp tới.
Dự luật – được Thượng nghị sĩ Salma Ataullahjan bảo trợ tại Thượng viện – tìm cách sửa đổi bộ luật hình sự để cấm người Canada ở bất kỳ đâu trên thế giới nhận nội tạng cấy ghép mà không có sự đồng ý của người hiến tặng, và sẽ ngăn không cho những người liên quan đến các hoạt động cấy ghép và buôn người như vậy nhập cảnh Canada.
Các nghị viên vốn đang chuẩn bị tranh luận về một kiến nghị được ông Genuis trình bày và được nghị viên Đảng Tự Do Sameer Zuberi đồng bảo trợ, xem liệu dự luật này có được đọc lần thứ hai và được chuyển đến Ủy ban Thường vụ về Ngoại giao và Phát triển Quốc tế (FAAE) hay không.
Đây là một dịp hiếm có khi không có gì phải tranh luận.
“Tôi nên có mặt ở đây thường xuyên hơn vào các ngày thứ Sáu vì tôi không thể tin rằng mình hoàn toàn đồng ý với mọi thứ mà [ông Genuis] đã đưa ra,” nghị viên Đảng Tự Do Mark Gerretsen, thư ký quốc hội của lãnh đạo chính phủ tại Hạ viện, cho biết.
Sau những can thiệp hỗ trợ ngắn gọn của các nghị viên Khối Québécois và NDP, ông Genuis bày tỏ lòng kính trọng đối với cựu nghị viên kiêm bộ trưởng nội các David Kilgour vừa qua đời, người cùng với luật sư David Matas là người tiên phong trong vấn đề thu hoạch nội tạng cưỡng bức các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc.
Ông Kilgour và ông Matas đã công bố báo cáo của họ về vấn đề này hồi năm 2006, báo cáo có nhan đề “Thu Hoạch Đẫm Máu”, sau khi điều tra những cáo buộc rằng nhà cầm quyền Trung Quốc đã sát hại các học viên của môn tu luyện tinh thần này để lấy nội tạng của họ và bán cho các bệnh nhân cần cấy ghép. Báo cáo này đã xác nhận rằng Bắc Kinh đang tiến hành hoạt động này.
Ông Genuis cho biết công việc của họ đã dẫn đến việc các quốc gia khác thông qua luật về thu hoạch và buôn bán nội tạng cưỡng bức, và ông Kilgour có khả năng sẽ thấy hơi “bối rối” khi chính đất nước của ông đang chậm trễ trong vấn đề này.
“Ông David đã qua đời hồi đầu năm nay, do đó tôi rất tiếc vì ông ấy sẽ không có cơ hội, ít ra là khi còn ở trên mặt Đất này, để chứng kiến điều gì đang diễn ra, nhưng tôi tin và tôi biết một số thành viên khác cũng vậy, rằng ông vẫn biết những gì đang diễn ra và thực sự hài lòng về điều đó,” ông Genuis nói.
Ông cũng nói rằng điều quan trọng là phải “ghi nhận những cộng đồng đã thúc đẩy điều này”.
“Tôi biết cộng đồng Pháp Luân Công … đã rất tích cực thúc đẩy điều này, các học viên Pháp Luân Công ở Canada đồng tâm hiệp lực với các thành viên trong cộng đồng của họ, những người đối mặt với nạn thu hoạch và buôn bán nội tạng ở Trung Quốc.”
Mặc dù đồng thuận về dự luật, nhưng kiến nghị này đã không được thông qua ngay lập tức, với việc ông Gerretsen yêu cầu nghi thức bỏ phiếu có ghi chép chính thức, được ấn định vào ngày 18/05.
Sau khi dự luật này đến được ủy ban, nó sẽ được đưa trở lại Hạ viện để đọc lần thứ ba. (Một dự luật phải trải qua ba lần đọc trước khi chính thức được thông qua thành luật — dịch giả). Nếu có các sửa đổi từ các nghị viên, thì dự luật sẽ phải quay trở lại Thượng viện để các thượng nghị sĩ xem xét lại trước khi có thể trở thành luật.
Ông Noé Chartier là một phóng viên của The Epoch Times tại Montreal.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: