Canada cứng rắn đáp trả Hoa Kỳ, nhưng lại e dè trước sự hung hăng của Bắc Kinh
Việc Canada nhanh chóng trả đũa các mức thuế nhập khẩu nhôm của Hoa Kỳ cho thấy họ sẵn sàng đứng lên chống lại một quốc gia lớn hơn nhiều.
Tuy nhiên, phản ứng của Ottawa đối với đồng minh quan trọng nhất của mình làm dấy lên câu hỏi về lý do vì sao họ không có hành động tương tự để chống lại Bắc Kinh, một chế độ thù địch đã làm những việc còn tồi tệ hơn nhiều so với việc đánh thuế nhôm.
Ông Brian Lee Crowley nói rằng đó là do nỗi sợ hãi.
“Đại diện của chúng tôi thực sự sợ làm bất cứ điều gì có thể khiến Trung Quốc không hài lòng”, ông Crowley, giám đốc điều hành của Macdonald-Laurier Institute, nói với The Epoch Times.
Phó Thủ tướng Chrystia Freeland gọi việc đánh thuế là “không chính đáng và không thể chấp nhận được” đối với những lo ngại về an ninh quốc gia. Canada và các nhà sản xuất nhôm của nước này đã bác bỏ cáo buộc rằng nhôm của họ tràn ngập thị trường Hoa Kỳ.
Canada sẽ đánh trả 3.6 tỷ USD thuế quan để cân xứng với tác động bởi thuế quan của Hoa Kỳ, bắt đầu từ ngày 16/8. Ông Freeland cho biết mục tiêu là gây ra tác động mạnh nhất có thể tới Hoa Kỳ bằng các mức thuế trả đũa.
Tuy nhiên, ông Crowley nói rằng người Canada cũng cần phải suy nghĩ nhiều hơn về việc tại sao chính phủ của họ lại đối đầu trực tiếp với đối tác thương mại lớn nhất của mình, đối tác mà họ đáp trả mạnh mẽ hơn nhiều so với Trung Quốc.
Ông nói Ottawa cho rằng việc chống lại Hoa Kỳ là an toàn vì Hoa Kỳ có giới hạn rõ ràng trong việc đáp trả, nhưng với Trung Quốc thì lại là câu chuyện khác. “Chúng tôi không tin rằng Trung Quốc sẽ làm gì đó với lý do chính đáng; biết rõ rằng họ hoàn toàn không quan tâm tới luật pháp, truyền thống, hay các tiêu chuẩn của cộng đồng quốc tế”.
Bắc Kinh đã tùy tiện bắt giữ 2 công dân Canada là Michael Kovrig và Michael Spavor hai năm trước và kết án tử hình 4 công dân Canada, trong hành động được nhiều người coi là sự trả đũa cho vụ bắt giữ Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu hồi tháng 12/2018. Ngoài ra, Trung Cộng đã chặn các chuyến hàng cải dầu của hai nhà xuất khẩu Canada kể từ tháng 3/2019, và các mặt hàng xuất khẩu khác như thịt lợn và đậu nành cũng phải đối mặt với các hạn chế.
Việc này chưa bao gồm các hành động chống đối của Bắc Kinh như các hoạt động ép buộc và gây ảnh hưởng tại Canada. Các hoạt động này nhằm mục đích ngăn chặn những lời chỉ trích đối với Trung Cộng và khiến các chính trị gia và chủ doanh nghiệp của Canada có quan điểm tích cực hơn đối với tham vọng của Trung Cộng, chẳng hạn như lắp đặt thiết bị Huawei 5G trong các mạng viễn thông quốc gia.
Quan điểm thích hợp
Ông Crowley nói rằng Canada cần giữ mối quan hệ của mình với Hoa Kỳ và Trung Quốc theo quan điểm thích hợp. Những gì Canada bán cho Trung Quốc chỉ là một phần nhỏ so với những gì họ bán ở phía nam biên giới.
Canada là một thành viên của nền kinh tế tích hợp Bắc Mỹ được thúc đẩy chủ yếu bởi Hoa Kỳ. Vì vậy, ông Crowley cho rằng, quản lý tốt mối quan hệ với Washington là việc quan trọng nhất của Ottawa.
“Trên thực tế, Ottawa phải là tiếng nói đại diện cho chúng tôi trong Quốc hội để bảo vệ lợi ích kinh tế của mình”, ông nói.
Ông David Mulroney, cựu đại sứ Canada tại Trung Quốc, đã viết trên Twitter rằng Thủ tướng Justin Trudeau và Phó Thủ tướng Freeland “cho thấy sự coi thường rất lớn đối với POTUS [TT Hoa Kỳ Donald Trump] như thể họ có thể thoát khỏi hình phạt.”
Ông Trudeau và ông Freeland đang dựa vào cử tri Hoa Kỳ để “giải quyết vấn đề ‘chính sách đối ngoại’ của họ ở D.C.”, ông Mulroney viết.
Ông Mulroney đã đối chiếu chiến thuật này với giải pháp được áp dụng đối với Trung Quốc, mà ông cho rằng không có giải pháp nào tương tự để đối phó với Bắc Kinh.
“Nhưng đối với Trung Quốc, một mối đe dọa thực sự, thì lại là sự tâng bốc, im lặng hoặc những lời chỉ trích yếu ớt nhất để họ có thể thoát khỏi trừng phạt”, ông viết.
“Thực tế là Canada có những gì Trung Quốc cần”, ông Mulroney nói với Ủy ban đặc biệt của quốc hội về Quan hệ Canada-Trung Quốc vào ngày 6/8. Sự tàn phá môi trường của Trung Quốc đã làm thiệt hại rất nhiều năng lực sản xuất của nước này và Bắc Kinh đang rất thiếu các sản phẩm nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên, vốn là sở trường của Canada.
Phân biệt bạn hay thù
“Các cách tiếp cận cũ rất khó bỏ. Có thể thấy chính phủ chưa hoàn toàn từ bỏ giả thuyết rằng Trung Quốc là bạn của chúng ta”, ông Mulroney nói trong bài phát biểu khai mạc trước các nghị sĩ. “Mà họ cũng không có đủ sự can đảm cần thiết để nói và làm một cách nhất quán. Những quan chức Canada vẫn tiếp tục tranh luận rằng nếu chúng ta xoa dịu Trung Quốc thêm một lần nữa thì tất cả sẽ tốt đẹp”.
Phải đến vài tháng sau khi công bố các hạn chế thương mại đối với hạt cải dầu, Canada mới yêu cầu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tham vấn về tranh chấp với Trung Quốc.
Các biện pháp trừng phạt khác vẫn chưa được thực hiện. Một là cắt tài trợ cho Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á do Bắc Kinh đứng đầu, mà Ottawa đã cam kết 256 triệu USD trong 5 năm. Cách khác là sử dụng các biện pháp trừng phạt của Đạo luật Magnitsky đối với các quan chức Trung Quốc vi phạm [nhân] quyền. Ví dụ, Canada đã áp đặt các lệnh trừng phạt này đối với các quan chức của Nga, Venezuela, Saudi Arabia và Nam Sudan.
Ông Brian Giesbrecht, thành viên cao cấp của Frontier Centre for Public Policy, đề xuất một lập trường cứng rắn hơn chống lại chính quyền Bắc Kinh.
“Chia tay với hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc là một cái giá phải trả không đáng kể để bảo vệ các quyền tự do của chúng ta”, ông viết trong một bức thư gửi tòa soạn The Epoch Times.
Nguyên nhân của phản ứng
Không nghi ngờ gì nữa, thời điểm áp dụng mức thuế 10% của Hoa Kỳ đối với nhôm Canada đã gây ra sự khó chịu. Nó được áp đặt ngay sau khi Hiệp định Hoa Kỳ-Mexico-Canada, Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ cập nhật, có hiệu lực vào ngày 1/7/2020. Khoảng 76% sản lượng nhôm chính của Canada được xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
“Sẽ có một số hành động qua lại và một số quan điểm chính trị, và nó sẽ kết thúc ở đó”, ông Crowley nói. “Chúng tôi không có chút tự tin nào trong mối quan hệ với Trung Quốc”.
Năm 2018, Hoa Kỳ đánh thuế nhập khẩu thép của Canada với mức 25% và nhôm với mức thuế 10%. Các mức thuế này đã được gỡ bỏ 1 năm sau đó.
Thuế quan làm tăng chi phí cho các nhà sản xuất, do đó làm tăng chi phí cho người tiêu dùng. Các kim loại này được sử dụng rộng rãi trong sản xuất xe hơi, thiết bị gia dụng và đồ hộp.
Nhiều nhà kinh tế và nhà phân tích chính sách đã nói rằng Canada đang làm đúng khi đánh trả Hoa Kỳ. 90% công dân Canada tham gia một cuộc khảo sát trên web đã phản đối mức thuế của Tòa Bạch Ốc và 70% nói rằng Ottawa nên trả đũa bằng cách áp đặt thuế quan của mình đối với các sản phẩm của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, thuế quan tính theo USD đối với một nền kinh tế lớn gấp 10 lần quy mô của Canada “sẽ không hơn gì một sự khó chịu”, chiến lược gia của BMO, ông Benjamin Reitzes cho biết trong một lưu ý. Xuất khẩu nhôm của Hoa Kỳ sang Canada chỉ bằng khoảng một phần ba so với lượng mà Canada gửi sang phía nam biên giới.
“TT Donald Trump đã tỏ ra rất khiêu khích … và tôi nghĩ chúng tôi thường làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn, thay vì tốt hơn lên. Tôi nghĩ Ottawa cần phải suy ngẫm một chút về điều đó”, ông Crowley nói.
Tác giả: Rahul vaidyanath