Chuyên gia: Cần tiếp tục điều tra về nguồn gốc COVID-19 sau khi báo cáo của cộng đồng tình báo Hoa Kỳ không đưa ra kết luận chắc chắn
Ông Thomas Wright, một thành viên cao cấp về chính sách ngoại giao tại Viện Brookings có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, cho biết cuộc điều tra về nguồn gốc của đại dịch COVID-19 cần được tiếp tục, sau khi các cơ quan tình báo Hoa Kỳ đưa ra đánh giá không có kết luận chắc chắn về vấn đề này cho Tổng thống Joe Biden.
Ông Wright nói với The Epoch Times rằng, “Điều quan trọng là phải đi đến tận cùng của vấn đề. Để tìm hiểu xem điều gì đang thực sự xảy ra.”
Ông Wright, đồng tác giả của cuốn sách mới “Aftershocks: Pandemic Politics and the End of the Old International Order” (“Dư chấn: Chính trị Đại dịch và Kết thúc của Trật tự Quốc tế Cũ”), mà ông đã viết cùng Thứ trưởng Quốc phòng về Chính sách đương nhiệm Colin Kahl, nói rằng ông “không ngạc nhiên” khi báo cáo gần đây nhất về nguồn gốc của đại dịch là không có kết luận chắc chắn, do Trung Cộng cản trở và từ chối hợp tác.
“Để có một cuộc điều tra thích hợp, quý vị cần có sự hợp tác của Trung Quốc, và rõ ràng là họ đã từ chối làm thế, vì vậy điều đó chỉ gây ra khó khăn rất nhiều,” ông nói, và cho biết thêm rằng trong khi vẫn còn nghi vấn về việc liệu đại dịch khởi phát từ một vụ rò rỉ phòng thí nghiệm của Viện Virus Học Vũ Hán hay là từ một khu chợ thực phẩm tươi sống ở Vũ Hán, vì nguồn gốc của đại dịch đã rõ.
“Nhiều bằng chứng cho thấy [đại dịch] bắt nguồn từ Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng rất ít ai khác ngoài chính quyền Trung Quốc … sẽ phản đối điều đó bằng mọi cách.”
Các hành động của Trung Cộng ‘gây phản tác dụng’ đối với họ
Trong “Aftershocks,” ông Wright và ông Kahl trình bày chi tiết việc Trung Cộng che đậy sự bùng phát COVID-19 sau khi đại dịch này xuất hiện ở Vũ Hán, cũng như các nỗ lực tận dụng đại dịch như một cách để nâng cao vị thế quốc tế của mình và quyền lực đối với các quốc gia khác.
Ông Wright và ông Kahl lưu ý rằng phản ứng đầu tiên của Trung Cộng đối với COVID-19 là sự sợ hãi và dập tắt các thông tin liên quan. Các tác giả viết rằng, “một quan chức đại sứ quán Hoa Kỳ nói với chúng tôi rằng họ chưa bao giờ thấy các quan chức Trung Quốc ‘thiếu tự tin, sợ hãi và lo lắng’ như [hồi đầu đại dịch] … Bắc Kinh nhận ra rằng nếu tin tức về sự thất bại trong phản ứng ban đầu của họ bị rò rỉ ra ngoài, nó có thể gây thiệt hại cho Đảng Cộng sản Trung Quốc. Vì vậy, ông Tập [Cận Bình] đã quyết tâm hành động nhanh chóng để chống lại bất kỳ tiếng nói bất đồng nào bên trong Trung Quốc đặt nghi vấn về thông tin chính thức.”
Ông Wright nói, “Không nghi ngờ gì nữa, hồi tháng 01/2020 [các quan chức Trung Quốc] đã … vô cùng lo lắng. Nỗi lo đó khiến chính quyền này trở nên hà khắc và phong bế hơn về điều đó.”
Bất chấp các hành động bưng bít của Trung Cộng – vốn tạo điều kiện cho COVID-19 lây lan ra khắp thế giới và cản trở các biện pháp ngăn ngừa hữu hiệu chống lại đại dịch – các quốc gia khác, đặc biệt là ở Âu Châu, ban đầu đã thể hiện thiện chí thông qua việc cung cấp viện trợ đáng kể cho Trung Quốc. Nhiều tháng sau, khi đại dịch hoành hành ở Âu Châu, Trung Cộng đã đáp lại ân huệ này bằng cách tiếp cận mang tính giao dịch của riêng mình đối với việc viện trợ, vốn cũng được tận dụng như một sự kiện tuyên truyền cho chính quyền này.
Ông Wright và ông Kahl lưu ý trong cuốn sách của họ rằng vào thời kỳ đầu của đại dịch, Liên minh Âu Châu đã kín đáo gửi viện trợ nhân đạo cho Trung Quốc, với sự chu đáo đặc biệt để tránh làm Trung Cộng mất thể diện. Họ viết rằng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nói với một phụ tá rằng Trung Quốc sẽ ghi nhớ hành động thiện chí này.
Tuy nhiên, vào thời điểm chính Âu Châu phải chống chọi với đại dịch, thì “Trung Quốc dường như đã đáp lại và bắt đầu gửi viện trợ – nhưng các nhà chức trách Trung Quốc khẳng định rằng sự xuất hiện của họ cần phải có một chút phô trương thanh thế và các tuyên bố công khai về sự viện trợ này từ các quốc gia nhận viện trợ, khiến toàn bộ sự việc có vẻ mang tính giao dịch rõ ràng,” cuốn sách viết.
“Trong một ví dụ, Ý đã quyên tặng ba mươi tấn thiết bị cho Trung Quốc, mà sau đó người dân Trung Quốc đã trả lại – rồi sau đó đòi chính phủ Ý trả tiền cho số thiết bị đó.”
Ông Wright sinh ra và lớn lên ở Dublin, Ireland. Ông nói rằng các hành động ích kỷ của Trung Cộng trong viện trợ liên quan đến đại dịch là “khá chấn động” đối với các quốc gia Âu Châu.
“Các hành động này gây phản tác dụng đối với họ,” ông cho biết, khi đề cập đến Trung Cộng. “Điều đó làm dấy lên sự phẫn nộ, và các quốc gia khác đã nhìn thấy những gì mà họ đang làm.”
“Đặc biệt là ở Âu Châu, việc này dẫn đến một sự thay đổi lớn về thái độ và ngay cả trong chính sách đối với Trung Quốc.”
Những thay đổi về chính sách của Âu Châu được ông Wright và ông Kahl trích dẫn bao gồm các biện pháp ngăn chặn các công ty Trung Quốc hoặc các tổ chức được nhà nước hậu thuẫn khai thác thị trường Âu Châu và mua tài sản Âu Châu với giá thấp, đẩy công ty viễn thông Trung Quốc Huawei ra khỏi cơ sở hạ tầng 5G của Âu Châu, và đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế để giảm sự phụ thuộc kinh tế của Liên minh Âu Châu vào Trung Quốc.
“[Người Âu Châu] bắt đầu tự tin hơn khi lên tiếng về sự hung hăng của Trung Quốc, đặc biệt là cuộc đàn áp sinh viên biểu tình ở Hồng Kông và đàn áp hàng loạt người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương,” các tác giả viết.
Thành công của Đài Loan trở thành tiêu điểm
Mặc dù thường chỉ trích cựu Tổng thống Donald Trump trong “Aftershocks,” ông Wright và ông Kahl ghi nhận thành tựu của Chiến dịch Thần tốc của chính phủ này, vốn được khai triển hồi tháng 05/2020, kết quả là đã sản xuất vaccine COVID-19 trong vòng chưa đầy một năm. Họ cũng lưu ý, “Trái ngược với tường thuật thường được đưa ra, một số quan chức cao cấp của chính phủ cựu Tổng thống Trump, vốn đã nghi ngờ Trung Quốc, đã nhận ra tầm quan trọng của những gì đang xảy ra ở Vũ Hán nhanh hơn bất kỳ chính phủ nào khác ngoại trừ Đài Loan.”
Ông Wright, người đã có mặt tại Đài Loan trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 01/2020 của nước này, đã chỉ ra rằng hòn đảo dân chủ, nơi có ít hơn 900 ca tử vong do COVID-19 cho đến nay, là một mô hình quản lý đại dịch thành công, nói rằng quốc gia này đã sử dụng các bài học kinh nghiệm từ kinh nghiệm dịch SARS năm 2003, vốn cũng bắt nguồn từ Trung Quốc.
Ông Wright nói, “Những gì mà Đài Loan đã làm trong giai đoạn đầu thật phi thường.”
Các tác giả lưu ý rằng Đài Loan là cơ quan đầu tiên cảnh báo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về “bệnh viêm phổi không điển hình” ở Vũ Hán ngày 31/12/2019. “Thật không may, không ai chú ý đến cảnh báo của Đài Bắc,” cuốn sách viết.
Họ cũng kêu gọi cho Đài Loan được thừa nhận là quan sát viên của WHO, vị thế mà quốc gia này đã có từ năm 2009 đến năm 2016 cho đến khi bị Bắc Kinh ngăn lại vào năm 2017 sau khi Tổng thống Thái Anh Văn, người được biết đến với lập trường cứng rắn với Trung Quốc, đắc cử.
Ông Wright coi việc Đài Loan được phép tham gia vào WHO với tư cách là quan sát viên là “điều mang tính quyết định” “vì hiển nhiên, đại dịch không tôn trọng biên giới.”
“Đài Loan là một phần của thế giới … và họ bị ảnh hưởng bởi những mối đe dọa xuyên quốc gia này, nhưng họ cũng có rất nhiều thứ để cung cấp,” ông nói thêm.
Các xã hội tự do ‘là mối đe doạ cố hữu’ đối với Trung Cộng
Ông Wright thảo luận sâu hơn về cuộc đối đầu toàn diện không ngừng nghỉ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cộng sản.
Ông nói, “Có hai ý tưởng rất khác nhau về cách tổ chức thế giới. Trung Quốc, chính quyền Trung Quốc về cơ bản muốn thế giới an toàn cho Trung Cộng và cho chế độ của họ.”
Ngược lại, Hoa Kỳ và các đồng minh “muốn một thế giới an toàn cho nền dân chủ và các xã hội tự do,” ông Wright nói, mô tả tầm nhìn này là “mối đe dọa cố hữu” đối với Trung Cộng.
Ông Wright nói, trong khi thế giới ngày càng theo chủ nghĩa dân tộc, với ít sự đồng thuận hơn về “cách giải quyết các xu hướng xuyên quốc gia,” thì Hoa Kỳ có thể nỗ lực để “làm việc với các quốc gia và nền dân chủ cùng chung chí hướng.”
Bên trong nội bộ Hoa Kỳ, đối mặt với các mối đe dọa đặt ra bởi một đất nước Trung Quốc toàn trị là một trong số ít các vấn đề lưỡng đảng trong chính trường, ông Wright lưu ý.
Ông nói, “Tôi tin rằng có điểm chung đáng kể trong một số vấn đề, đặc biệt là trong quan hệ lâu dài với Trung Quốc. Chúng ta đã thành công trong một số lĩnh vực xung quanh chính sách đối với Trung Quốc.”
Ông Wright tin rằng Hoa Kỳ sẽ chỉ tiếp tục tăng cường các biện pháp chống lại chính quyền Trung Quốc.
Ông nói, “Tôi nghĩ rằng bất kỳ quốc gia nào, đặc biệt là Trung Quốc, mà cho rằng Hoa Kỳ đang sa sút đều đang mắc sai lầm,” ông nói thêm rằng Hoa Kỳ có ‘sức mạnh trường tồn.’ “Tôi không nghĩ chính quyền Trung Quốc sẽ thành công với mục tiêu của họ.”
Ông Adam Michael Molon là một nhà văn kiêm ký giả người Mỹ. Ông có bằng thạc sĩ báo chí của Đại học Columbia và bằng đại học về tài chính và ngôn ngữ tiếng Hoa của Đại học Indiana-Bloomington.
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: