Cận cảnh một con bạch tuộc ‘thủy tinh’ từ đại dương sâu thẳm
Trong một chuyến thám hiểm đại dương gần đây, bên cạnh những điều kỳ lạ khác ở trung tâm Thái Bình Dương, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một mẫu vật ở biển sâu cực kỳ quý hiếm với làn da trong suốt và 8 xúc tu.
Theo thông cáo báo chí từ Viện Đại dương Schmidt (do cựu Giám đốc điều hành Google Eric Schmidt và vợ ông Wendy thành lập), vào ngày 08/07, tàu thăm dò Falkor đã hoàn thành chuyến hải hành 34 ngày đến một quần đảo độc lập trong hệ thống Quần đảo Phoenix.
Nhóm nghiên cứu đã hoàn thành 21 lần lặn trong nhiệm vụ này, với tổng cộng khoảng 182 giờ khám phá và thu thập “bộ sưu tập lớn nhất về các nền văn hóa vi sinh vật” ở khu vực này trên thế giới. Họ đã lập bản đồ đáy đại dương có diện tích khoảng 30,000 km² ở độ phân giải cao. Cuộc thám hiểm cũng khám phá ra một số điều kỳ lạ dưới biển sâu, đã được chụp ảnh và quay phim, bao gồm hình ảnh đáng kinh ngạc về loài bạch tuộc “thủy tinh” (Vitreledonella alberti) còn sống trong môi trường của nó.
Bức ảnh dưới biển được chụp bởi thiết bị lặn điều khiển từ xa bằng robot SuBastian.
Như những hình ảnh cho thấy, loài nhuyễn thể trong suốt này cũng đáng để tò mò khi gặp chúng. Với lớp da trong suốt và không màu, tương tự như thủy tinh, chỉ có thể nhìn thấy các dây thần kinh thị giác, mắt và đường tiêu hóa của con vật. Rất hiếm khi người ta nhìn thấy những mẫu vật sống như vậy của bạch tuộc thủy tinh. Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn phải bằng lòng với việc nghiên cứu chúng chỉ bằng cách phân loại các chất tìm thấy trong ruột của các loài săn mồi đại dương.
Ngoài con bạch tuộc thủy tinh, robot SubBastian còn chụp được hình ảnh một loài cá lớn nhất thế giới, một con cá mập voi quý hiếm có thể dài tới 12 mét, và robot này thậm chí còn chứng kiến cảnh tượng hài hước khi một con cua đánh cắp một cá từ một con cua khác trong đại dương, cũng theo bản báo cáo này.
Trong chuyến thám hiểm, nhóm các nhà khoa học cũng phát hiện ra các loài sinh vật biển và sinh vật nước sâu mới trên chín núi ngầm [núi ngầm hay núi dưới biển thường là núi lửa cổ đại nhô lên từ đáy biển nhưng không trồi lên bề mặt nước] lần đầu tiên được khám phá. Năm núi ngầm khác đã được thăm dò thông qua video trinh sát.
“Phạm vi bao phủ cho chuyến thám hiểm này rất lớn. Chúng tôi nhận thấy các loài thay đổi theo độ sâu và địa lý xung quanh của vùng xích đạo Thái Bình Dương và các sinh vật sống trong san hô,” Tiến sĩ Tim Shank, nhà sinh vật học tại Viện Hải dương học Woods Hole cho biết.
“Việc nghiên cứu các cộng đồng biển sâu này đã thay đổi sự hiểu biết của chúng ta về cách các sinh vật sống và tương tác trên các núi ngầm và cách chúng duy trì sự đa dạng của sự sống ở đại dương sâu thẳm.”
Bảy trong số hai mươi mốt lần lặn của đoàn thám hiểm được thực hiện tại Đài tưởng niệm Quốc gia Biển Đảo Thái Bình Dương của Hoa Kỳ (U.S. Pacific Remote Islands Marine National Monument, PRIMNM), một khu bảo tồn biển ở trung tâm Thái Bình Dương, nơi cấm khai thác hải sản.
Hồi năm 2017, tàu Falkor đã khảo sát Khu bảo tồn Quần đảo Phoenix, nơi các nhà khoa học nghiên cứu đặc tính tái sinh của san hô biển sâu, một số kết quả đã được công bố gần đây. Nghiên cứu này có thể cung cấp ý tưởng cho những nghiên cứu và công nghệ y tế hiện đại, báo cáo cho biết.
Tiến sĩ Jyotika Virmani, Giám đốc Điều hành của Viện Đại dương Schmidt cho biết, “Bằng cách làm việc với các nhà khoa học và nhà nghiên cứu địa phương, chuyến thám hiểm này là một ví dụ nổi bật về các ranh giới của khoa học và thám hiểm mà chúng tôi có thể hỗ trợ.”
“Việc truyền hình trực tiếp các cuộc lặn cho phép chúng tôi phát hiện những sinh vật thú vị và quý hiếm, chẳng hạn như bạch tuộc thủy tinh trong suốt. Bằng cách sử dụng nền tảng này để hiểu sâu hơn về đại dương, gợi mở trí tưởng tượng và đồng thời giúp nâng cao kiến thức khoa học và bảo vệ thế giới dưới nước của chúng ta.”
Ngọc Quỳnh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Pháp ngữ
Xem thêm: