Cân bằng giữa nghệ thuật và học thuật trong trường học
Nghệ thuật là một yếu tố cần thiết trong nền giáo dục học thuật. Cân bằng giữa nghệ thuật và học thuật giúp học sinh thêm tự tin và nâng cao tinh thần làm việc nhóm.
Những em học sinh của các ngôi trường truyền thống được xây bằng gạch và vữa – đang tiêu tốn rất nhiều thời gian vào các kỳ thi đầy may rủi. Từ khi bước vào trường mẫu giáo, những đứa trẻ đã bị thúc đẩy để phải luôn sẵn sàng cho việc học đại học. Các lớp học thì nghiêm ngặt. Các kỳ thi thì nối tiếp nhau không ngừng nghỉ. Thôi thúc, thôi thúc, thôi thúc.
Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta khuyến khích những người trẻ tuổi cân bằng cuộc sống của mình bằng cách tham gia học các môn nghệ thuật như âm nhạc, hội họa, diễn kịch, và múa thay vì gây áp lực để các em theo đuổi con đường học thuật? Ngoài việc dạy một số kỹ năng vận động cơ bản, nghệ thuật còn dạy cho các em những điều gì khác?
Làm việc nhóm vì mục đích nghệ thuật
Hóa ra, những lớp học nghệ thuật lại là một nơi tuyệt vời để học cách phối hợp nhóm và những kỹ năng giao tiếp. Một giáo viên nghệ thuật đã về hưu, bà Michelle Michaelson-Gard nói rằng: “Những em học sinh phải chia sẻ với nhau các món dụng cụ và vật liệu cũng như phải học cách để làm việc cùng nhau và hỗ trợ lẫn nhau. Các lớp học nghệ thuật thường khá ồn ào, tuy nhiên điều đáng ngạc nhiên là có rất nhiều cuộc trao đổi liên quan đến việc chia sẻ các ý tưởng, đưa ra các đề xuất, bộc lộ các mâu thuẫn, chúc mừng thành quả đạt được…Tất cả những ồn ào ấy thật ra đều đem đến sự tích cực.”
“Qua nhiều thập kỷ làm công việc giáo viên của ban nhạc, tôi nhận thấy rằng ban nhạc dạy cho học sinh làm thế nào để trở thành một phần của nhóm và học hỏi cách làm việc cùng nhau. Đôi khi, tôi nghĩ rằng ban nhạc chính là một gia đình lớn làm việc cùng nhau để đạt được một mục tiêu chung là tạo ra âm nhạc,” Kate Metzger, một giáo viên dạy nhạc ở Aurora, tiểu bang Nebraska, chia sẻ.
Cũng có trở ngại tương tự trong lĩnh vực tư nhân. Jennifer Winkelman, chủ nhân của Midmo Conservatory of Dance, nói rằng, “Múa là một hình thức nghệ thuật hoạt động nhóm. Mọi người làm việc cùng nhau để trình diễn phần của mình trong bài biểu diễn và làm thành quả của họ trở nên tốt nhất có thể. Múa khuyến khích trẻ em giao tiếp với nhau khi các em cùng nhau tập luyện hướng về một mục tiêu chung.”
Amy Brix, giám đốc Nhà Hát JCHE Teen/j.xi.ây.chi-thìn/, nói rằng: “Những đứa trẻ trong chương trình nhà hát của chúng tôi bắt đầu với những vai diễn rất nhỏ, và dần dần các em tập luyện nâng cao để được giao các vai diễn chính khi trở thành các thành viên có kinh nghiệm. Nhà hát dạy cho các em rằng không có bất kỳ vai diễn nào là nhỏ bé và không quan trọng cả, mỗi thành viên biểu diễn trên sân khấu và cả hỗ trợ ở phía sau hậu trường đều góp phần quan trọng trong mỗi tiết mục được trình diễn.”
Một người mẹ giáo dục con tại gia là chị Jacklyn Korte nói rằng việc tập trung vào các môn nghệ thuật đã tạo nên khác biệt đáng kể đối với sự năng động của gia đình mình. Chị chia sẻ thêm, “Các con của tôi, 11 tuổi, 9 tuổi và 6 tuổi đều tham gia lớp học làm gốm, và điều này rất tuyệt vời. Đôi khi, những đứa trẻ lớn hơn thường có nhiều cơ hội hơn, tuy nhiên với việc làm đồ gốm, mọi lứa tuổi đều bắt đầu từ một trình độ như nhau, rồi cùng nhau học tập và cùng nhau phát triển. Thật là tuyệt vời khi cháu bé 6 tuổi con tôi được học cùng các anh trai môn học mà các anh yêu thích. Chính điều này đã đem đến sự gắn kết và mối quan hệ sâu sắc hơn giữa các anh chị em.”
Kiên trì vượt qua thử thách
Những nhà giáo dục nghệ thuật cũng nhanh chóng nhấn mạnh việc các bộ môn nghệ thuật đã dạy cho chúng ta về giá trị của việc thực hành và sự cần thiết kiên trì vượt qua thử thách như thế nào.
“Nếu mà việc thuần thục kỹ thuật của các môn nghệ thuật khác nhau là dễ dàng, thì sẽ không có bất kỳ thách thức nào cả. Các em học sinh thường trở nên chán nản và mất kiên nhẫn, tuy nhiên những giáo viên giỏi xem những việc này là một phần tự nhiên của cả quá trình rèn luyện. Các em sẽ học được cách kiên trì và tận hưởng sự tiến bộ, và sẽ hiểu được rằng quá trình này quan trọng như thế nào,” Michael-Gard chia sẻ.
Những điều tương tự cũng áp dụng với âm nhạc. “Âm nhạc – bất kể là biểu diễn nhạc cụ hay thanh nhạc – đều sẽ dạy cho trẻ em tìm thấy động lực cho mình và thấy được giá trị của việc rèn luyện thường xuyên. Những đứa trẻ sẽ học được cách chịu trách nhiệm với người khác, cho dù chỉ là việc có mặt đúng giờ và chuẩn bị kỹ lưỡng việc diễn thử hay tham gia biểu diễn hoặc học tập,” ông Jim Jordan, một giáo viên âm nhạc về hưu ở Onawa, tiểu bang Iowa chia sẻ.
“Luôn luôn có một lần tổng dợt mà mọi người cảm thấy vở kịch sẽ trở thành thảm họa,” Brix vừa cười vừa nói. “Tuy nhiên bằng cách nào đó, mọi người sẽ cùng thảo luận với nhau và đào sâu vấn đề. Các em sẽ làm việc chăm chỉ hơn và ghi nhớ kỹ lời thoại của mình, cũng như hiểu rõ các dấu hiệu và vị trí đặt đạo cụ. Bằng cách vượt qua tất cả những khó khăn ấy, các em sẽ nhận được sự tưởng thưởng – những tràng pháo tay của khán giả. Và các em đạt được rất nhiều sự tự tin sau cả quá trình khổ luyện ấy.”
Nghệ thuật thay đổi cuộc sống
Michaelson-Gard kể rằng “Một trong số những câu chuyện yêu thích của tôi đã xuất hiện từ rất sớm trong sự nghiệp. Một cậu bé trong lớp mỹ thuật cấp bảy của tôi rất thích vẽ, tuy nhiên cậu lại cúi đầu lên bàn và che giấu khuôn mặt cũng như tác phẩm của mình bên dưới chiếc mũ trùm đầu. Tôi đã chú ý đến kỹ năng nghệ thuật xuất sắc của cậu bé và sử dụng một số tác phẩm của cậu để làm ví dụ cho lớp học. Các bạn học của cậu vô cùng ấn tượng và bắt đầu hỏi xem ai đã sáng tác ra chúng. Từng ngày trôi qua, chiếc mũ trùm đầu kia được kéo lên cao từng chút, từng chút một, và rồi cậu đã bắt đầu ngồi ngay ngắn trên ghế của mình. Nhiều năm sau đó, một ngày nọ, sau giờ dạy học, có một cậu thanh niên cao lớn, vạm vỡ bước vào lớp, cậu mặc một bộ quần áo hào nhoáng và sang trọng. Tôi không biết đó là ai, tuy nhiên cậu giải thích rằng mình đang có một bài luận văn cho lớp Anh ngữ có chủ đề phỏng vấn một người đã tạo ra sự thay đổi tích cực trong cuộc sống của cậu. Ngay lập tức tôi biết chính xác đó là cậu bé đội mũ trùm đầu. Cậu thậm chí đã tự thiết kế bộ trang phục mình đang mặc! Tôi không thể tưởng tượng được ngày hôm nay cậu sẽ như thế nào nếu không có nghệ thuật trong cuộc sống của mình và cơ hội chia sẻ năng lực nghệ thuật của mình với những người khác.”
Còn Metzger thì nhớ đến một cô bé đã từng chuẩn bị bỏ học hoàn toàn khi trường học thông báo rằng điểm số của cô quá thấp để có thể đủ điều kiện tham gia Ban Nhạc Danh Dự. Metzger đã giúp đỡ cô bé, và thay vì bỏ học, cô bé đã nâng cao điểm số của mình. Không chỉ là đã được tham gia vào Ban Nhạc Danh Dự, cô bé đã tốt nghiệp, vào đại học, lấy được bằng cấp âm nhạc, và hiện tại đang tự mình dạy học cho ban nhạc. “Cô bé đã sẵn sàng bỏ học. Tuy nhiên, hãy nhìn cô ấy ngày hôm nay! Thành công, hạnh phúc và cống hiến kiến thức cho các học sinh của mình.”
Winkelman nói, “Tôi biết có nhiều học sinh “nhút nhát” đã đạt được lợi ích từ bộ môn nghệ thuật múa. Một trong số các học viên của tôi vô cùng nhút nhát, cô bé thường trốn trong nhà vệ sinh ở trường thay vì đi ăn trưa. Tuy nhiên, trong thế giới nghệ thuật của mình, cô vô cùng mạnh mẽ. Cô biểu diễn trước hàng ngàn người. Hiện tại, cô đang biên đạo các vũ điệu và bắt đầu dạy múa cho nhiều người khác. Điều đó thật tuyệt vời khi nghĩ đến việc cô từng không nói chuyện với ai. Nghệ thuật múa đã đem đến cho cô sự tự tin và nền tảng chung để có thể chia sẻ với mọi người.”
Tham gia vào một bộ môn nghệ thuật
Tất cả những thảo luận, thực hành, làm việc nhóm và nhận ra những phương thức phi học thuật sẽ tạo ra sự khác biệt tích cực trong thành công lâu dài của trẻ em.
Nếu trường học công hay trường tư ở địa phương của bạn không hỗ trợ cho các môn nghệ thuật mà bạn yêu thích, hãy tìm kiếm ra bên ngoài phạm vi trường học. Có hàng triệu gia đình tự giáo dục tại gia đều đưa nghệ thuật vào chương trình dạy học của mình bằng cách tham gia các bài học nghệ thuật, múa hoặc âm nhạc tại địa phương cũng như tham gia vào sân khấu cộng đồng. Những cơ hội để khuyến khích con cái bạn tham gia các môn nghệ thuật luôn sẵn sàng ngoài kia nếu bạn tìm kiếm chúng cho con mình.
Cuối cùng, giáo dục nghệ thuật không phải là nghệ thuật vì lợi ích của nghệ thuật, mà đó là nghệ thuật vì sự phát triển của con cái chúng ta.
Hoàng Long biên dịch
Quý vị xem bản gốc tại The Epoch Times.