Cẩm nang nuôi dạy con cái: Biến những khoảnh khắc tầm thường thành vĩ đại
Cách nuôi dạy con vĩ đại (magnanimous) theo nguồn gốc trong tiếng Latinh: “Magnus” có nghĩa là “vĩ đại”, “animus” nghĩa là “tinh thần”, được kết hợp để miêu tả một ý chí mạnh mẽ, người thực sự hiện diện và thấu hiểu trái tim những đứa con của mình. Cha mẹ vĩ đại không phải ở tiền bạc hay của cải mà là ở sự hiện diện trong những chi tiết quan trọng nhất; ngay cả khi cuộc sống vô cùng hỗn loạn.
Một số người có thể không tin rằng những khoảnh khắc bình thường của cuộc sống lại quan trọng trong việc giáo dục con cái…
Bữa tối thường nhật trong một ngôi nhà điển hình vào một ngày điển hình ở Mỹ. Bàn tay người mẹ đang ngập sâu trong nước rửa bát thì nghe thấy tiếng thở gấp của đứa con 6 tuổi khi đóng tủ lạnh. Các bà mẹ biết những âm thanh nhỏ nhưng tiềm ẩn nguy cơ này. Cô tắt nước quay lại để kiểm tra thiệt hại và lắng nghe xem nước sôi có tràn từ một cái nồi trên bếp hay không.
“Chuyện gì thế, con yêu?”
“Không có gì ạ,” đứa trẻ 6 tuổi nói.
Mẹ bước đến và nhìn chăm chăm vào đứa con bé bỏng giờ đang gồng mình ép lưng vào tủ lạnh như thể giấu một quả bom sắp nổ.
Sự gián đoạn
Khi tôi sinh hai đứa con đầu tiên, những cảnh tượng như thế này vẫn còn mới mẻ đối với tôi. Và chân thành mà nói, tôi đã không dàn xếp tốt trong nội tâm mình ngay cả khi tôi có thể đã giải quyết tình huống tốt trên bề mặt. Những sai lầm của con khiến tôi cảm thấy phân tâm như thể việc nuôi dạy chúng không phải là mục đích chính của tôi vậy. Tôi đã không chuẩn bị cho những điều bất ngờ. Tất nhiên, cuộc sống khi có con là một chuỗi gián đoạn liên tục giống như đại dương là hàng chuỗi những con sóng nối tiếp nhau. Là cha mẹ, chúng ta hoặc điều hướng từng con sóng, bình tĩnh và giữ thăng bằng vượt qua nó, hoặc chúng ta bị cuốn đi.
S. Lewis đã từng tuyên bố rất chắc chắn: “Điều tuyệt vời, nếu người ta có thể, là ngừng coi tất cả những điều khó chịu như là sự gián đoạn của cuộc sống. Tất nhiên, sự thật cái mà người ta gọi là sự gián đoạn ấy mới chính là cuộc sống thực của một người — cuộc sống mà Chúa đang gửi đến cho chúng ta mỗi ngày.”
Tôi không chắc rằng Lewis có ám chỉ cụ thể về việc nuôi dạy con cái hay không, nhưng chắc chắn nó áp dụng cho tất cả những gián đoạn do các con tôi gây ra. Hàng tá cuộc đụng độ được an bài giữa cái tôi của chúng và cái tôi của bản thân tôi. Khi sự cố xảy đến, ta có thể thấy rõ mái ấm này bền vững đến đâu.
Thực sự hiện diện
Cha mẹ nên dành cho mình những khoảng thời gian nghỉ và đây không phải là một điều tội lỗi. Tất cả chúng ta đều là những con người đầy khiếm khuyết nên sẽ có lúc nóng nảy, lười nhác hay thờ ơ. Cha mẹ không bao giờ được đánh giá thấp những khoảnh khắc tưởng như không quan trọng này và cho rằng chỉ chương trình học tuyệt vời nào đó ở trường, nhà thờ hay khoảng thời gian đã lên kế hoạch dành cho gia đình mới giáo dục đứa trẻ theo cách mà cha mẹ muốn.
Chúng ta có thể tin rằng ta đã định hướng con cái tốt rồi, vì ta chọn cho chúng môi trường học tập, nhóm nhà thờ, hoặc các điểm vui chơi tốt nhất. Tuy nhiên, chính những khoảnh khắc lúng túng, bình thường nhất, lại rất quan trọng đối với các mối quan hệ và mở ra vũ khí mạnh mẽ nhất của cha mẹ trong giáo dục con cái: lòng vị tha.
Để hiểu về cách nuôi dạy con vĩ đại (magnanimous), hãy nhìn vào nguồn gốc tiếng Latinh của nó. “Magnus” có nghĩa là “vĩ đại”, “animus” nghĩa là “tinh thần”, được kết hợp để miêu tả một ý chí mạnh mẽ, người thực sự hiện diện và thấu hiểu trái tim những đứa con của mình. Cha mẹ vĩ đại không phải ở tiền bạc hay của cải mà là ở sự hiện diện trong những chi tiết quan trọng nhất; ngay cả khi cuộc sống vô cùng hỗn loạn.
Những khoảnh khắc vĩ đại
Một số người có thể không tin rằng những khoảnh khắc bình thường lại có tầm quan trọng như vậy. Trong những năm làm cha mẹ trước đây, sự cố tủ lạnh ở trên có nghĩa là tôi phải dọn dẹp một mớ hỗn độn và một lần nữa con tôi lại làm sai. Bây giờ, tôi rất tỉnh táo và nhìn thấy tiềm năng trong những cuộc trò chuyện này. Hiểu được tâm tình của con, đặc biệt là cách chúng phản ứng với thái độ của người lớn nên là mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất của chúng ta với tư cách làm cha mẹ.
Sự hiện diện và ân cần là chìa khóa. Qua câu chuyện về chiếc tủ lạnh, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy điều gì quan trọng nhất. Người mẹ có thể suy đoán từ tiếng thở hổn hển là một sự cố đã xảy ra. Cha mẹ nên phản ứng như thể sự cố xảy đến không phải do sự bướng bỉnh không nghe lời của con. Phương thức kỷ luật nên tùy thuộc vào tần suất của sự bất cẩn, và tất nhiên cả sự trưởng thành của con nữa.
Quan trọng hơn, cô bé 6 tuổi đang cố gắng che giấu điều gì đó mà bé thấy không ổn. Che giấu và nói dối thường đi cùng nhau, điều này chắc chắn đáng quan tâm hơn bất kỳ sự cố nào đang diễn ra trong tủ lạnh. Đứa trẻ này rõ ràng biết mẹ mình nhận ra vấn đề nhưng vẫn cố gắng che giấu. Đứa trẻ đã bộc lộ một cách tự nhiên xu hướng đánh lạc hướng người mẹ khỏi sự thật. Chẳng người mẹ nào muốn thấy con mình che giấu sự thật, nhưng cô ấy thật may mắn. Cô đã được trao cơ hội để dạy con mình chuyển từ che giấu và nói dối sang minh bạch và sự thật.
Kỷ luật một cách rộng lượng
Điều gì sẽ xảy ra nếu cha mẹ coi trọng, lập kế hoạch và thực hành kỷ luật một cách rộng lượng trong những thời điểm con cái không hành động như mong đợi? Con cái của chúng ta cần những bậc cha mẹ mạnh mẽ, vĩ đại hơn bao giờ hết. Nó có thể đơn giản đến mức biết phân biệt điều quan trọng với điều không quan trọng, và điều khẩn cấp với những thứ có thể chờ đợi? Khi cha mẹ kiểm tra hành trang giáo dục, họ nên hiểu rằng nhiều hoạt động và chương trình mà họ tin tưởng để nuôi dạy thế hệ tiếp theo, như những cuốn sách nuôi dạy con cái và xu hướng mới nhất về kỷ luật trẻ em không thể sánh với những khoảnh khắc vĩ đại này.
Ngân Hà biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times