Cam kết vô trách nhiệm của nhóm G-7 với nợ nần chồng chất
Trong lịch sử, những cuộc họp của lãnh đạo các nền kinh tế lớn nhất trên thế giới là điều cần thiết để đạt được các thỏa thuận nhằm khuyến khích sự thịnh vượng và tăng trưởng. Tuy nhiên, lần này thì không phải vậy.
Các thỏa thuận của cuộc họp G-7 đều dựa trên các quyết định kinh tế chi tiết, ngoại trừ điều gây thiệt hại nhất trong số đó: mức thuế doanh nghiệp tối thiểu trên toàn cầu. Tại sao không phải là một thỏa thuận về chi tiêu công tối đa trên toàn cầu?
Việc áp đặt mức thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu là 15% mà không giải quyết tất cả các loại thuế khác đã được các chính phủ áp đặt trước khi một doanh nghiệp đạt được lợi tức ròng là rất nguy hiểm. Tại sao lại có mức thuế doanh nghiệp tối thiểu trên toàn cầu khi các khoản trợ cấp khác nhau, một số quốc gia có thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) khác nhau hoặc không, và danh sách vô số các loại thuế gián thu lại hoàn toàn khác nhau?
G-7 tuyên bố rằng họ “cam kết đạt được một giải pháp công bằng về phân bổ quyền đánh thuế, với các quốc gia theo [kinh tế] thị trường được trao quyền đánh thuế đối với ít nhất 20% lợi tức vượt quá biên độ 10% cho các doanh nghiệp đa quốc gia lớn nhất và có lợi nhuận cao nhất.”
Toàn bộ câu này không có ý nghĩa gì, mở ra cánh cửa cho việc đánh thuế hai lần, và trừng phạt các công ty cạnh tranh nhất và có lợi tức trong khi không có tác động đến các tập đoàn khủng long kinh doanh thua lỗ hoặc có tỷ suất lợi tức kém mà hầu hết các chính phủ gọi là “lĩnh vực chiến lược.”
Thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu cũng là một biện pháp bảo hộ và khai thác. Các quốc gia giàu có sẽ ít thấy tác động tiêu cực từ điều này, vì họ đã có chính phủ của họ bao quanh bởi các công ty đa quốc gia lớn mà sẽ không phải chịu đòn đánh thuế lớn vì trợ cấp và ưu đãi thuế trước lợi tức ròng là lớn và hào phóng.
Theo báo cáo “Nộp thuế năm 2020” (pdf) của PwC, thuế lợi tức ở Bắc Mỹ đã ở mức 18.6% nhưng đáng lo ngại hơn, tổng đóng góp thuế bao gồm lao động và các loại thuế khác đạt 40% doanh thu. Trong Liên minh Âu Châu và Hiệp hội Thương mại Tự do Âu Châu, thuế lợi tức có thể nhỏ hơn một chút so với Bắc Mỹ, nhưng tổng số thuế vẫn trên 39% doanh thu.
Một số chính trị gia đề cập đến các đại công ty công nghệ (Big Tech) là những công ty không phải trả thuế và sử dụng thuế suất thực tế, bằng cách họ gộp các công ty thua lỗ với những công ty có lãi, do đó đạt mức thuế thực tế thấp một cách giả tạo. Các Big Tech sẽ không trả nhiều hơn theo thỏa thuận mới này, bởi vì cơ sở tính thuế của họ sẽ không thay đổi, các tài khoản lãi và lỗ của họ sẽ vẫn tương tự, và quan trọng hơn, các khoản khấu trừ trên các khoản đầu tư lớn, vốn là nguyên nhân dẫn đến các khoản thanh toán thuế dường như nhỏ của họ, cũng sẽ không thay đổi.
Mức thuế tối thiểu toàn cầu sẽ không làm ảnh hưởng đến các thành viên G-7 hoặc những Big Tech, nhưng nó sẽ tàn phá các quốc gia nhỏ và năng động cần thu hút vốn và đầu tư và không đủ khả năng để có mức thuế của các quốc gia hàng đầu thế giới. Mất vốn và đầu tư sẽ làm tê liệt nền kinh tế của họ, và “lợi ích thu được từ thuế” của việc tăng thuế doanh nghiệp tối thiểu sẽ biến mất.
Không chỉ các quốc gia nhỏ và năng động sẽ bị ảnh hưởng bởi biện pháp này, mà cả các tập đoàn nhỏ và năng động, vì họ sẽ có ít dự trữ hơn để đầu tư và phát triển trong tương lai ngay khi họ tạo ra lợi nhuận, khiến họ trở nên yếu hơn. Do đó, đó là một biện pháp bảo hộ và khai thác có lợi cho các quốc gia vốn đã giàu có và các công ty đa quốc gia lớn nhưng lại gây hại cho các quốc gia và doanh nghiệp nhỏ và đang phát triển.
Bản thân Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã cảnh báo rằng thuế doanh nghiệp có hại nhất cho tăng trưởng. Bằng chứng từ nghiên cứu của OECD (pdf) cho thấy “đầu tư bị ảnh hưởng bất lợi bởi việc đánh thuế doanh nghiệp thông qua chi phí sử dụng vốn của người dùng vốn.” Nghiên cứu của OECD cũng cảnh báo rằng thuế doanh nghiệp có tác động tiêu cực đến “các công ty đang trong quá trình bắt kịp hiệu suất năng suất của các công ty tốt nhất [trên thực tế]” và kết luận rằng “việc giảm thuế suất doanh nghiệp theo luật định có thể dẫn đến mức tăng năng suất đặc biệt lớn trong các công ty năng động và có lợi tức, tức là những công ty có thể đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng GDP.”
Tăng thuế doanh nghiệp sẽ không làm giảm gánh nặng nợ. Thực tế ngân sách và tình hình tài chính của hầu hết các nước G-7 và G-20 cho thấy thâm hụt tiếp tục gia tăng ngay cả trong các giai đoạn tăng trưởng và sau các giai đoạn tăng thuế, do chi tiêu của chính phủ tăng cao hơn tất cả các mức tăng thu.
Tăng thuế doanh nghiệp không những không cải thiện tăng trưởng, việc làm hoặc năng suất như được thể hiện trong các ví dụ nêu trên, mà còn không tạo ra sự cải thiện đáng kể về thu nhập từ thuế trong mọi trường hợp thậm chí không mảy may ảnh hưởng đến các khoản nợ hiện có, chiểu theo theo lịch sử gần đây của chúng ta mà cụ thể là ở EU.
Phần khó khăn của các cam kết G-7 là một mặt, họ đạt được đồng thuận về tăng thuế đối với các lĩnh vực sản xuất, mặt khác họ đạt được một đồng thuận khác là tiếp tục chi tiêu ngay cả trong quá trình phục hồi “để tạo ra công việc chất lượng cao.” Làm thế nào họ tạo ra việc làm chất lượng cao nếu họ đánh thuế các lĩnh vực năng suất cao và trợ cấp cho các lĩnh vực năng suất thấp? G-7 dường như không giải quyết được tình trạng mất cân bằng cấu trúc ngày càng tăng, chi tiêu chính phủ tăng quá mức hoặc sự không hiệu quả của các chương trình phúc lợi lớn.
Một ý tưởng cực kỳ nguy hiểm đang trở thành xu hướng chủ đạo: rằng mọi chi tiêu công đều tốt và khi các kế hoạch kích cầu không thực hiện được, tất cả những gì quý vị phải làm là chi tiêu nhiều hơn. Tất cả những gì chúng tôi nghe là: trước đây không đủ; lần này sẽ khác; và tiếp tục lặp lại.
G-7 kết luận: “Một khi sự phục hồi được thiết lập vững chắc, chúng ta cần bảo đảm tính bền vững lâu dài của tài chính công để cho phép chúng ta ứng phó với các cuộc khủng hoảng trong tương lai và giải quyết các thách thức về cấu trúc lâu dài hơn, bao gồm cả mục tiêu vì lợi ích của các thế hệ tương lai.”
Nói rất hay. Vấn đề là gì? Nó không bao giờ xảy ra. Như chúng ta đã thấy trong giai đoạn tăng trưởng vừa qua, các chính phủ chi tiêu nhiều hơn khi nền kinh tế phát triển và thậm chí nhiều hơn khi nền kinh tế suy thoái. Con đường dẫn đến bền vững tài chính công không thể đến từ việc liên tục tăng thuế trực thu và thuế gián thu đối với các lĩnh vực sản xuất và luôn tăng chi tiêu bắt buộc.
Thật đáng buồn, nhưng các cam kết G-7 giống như công thức cho một cuộc khủng hoảng sâu sắc trong tương lai không xa.
Tiến sĩ Daniel Lacalle, nhà kinh tế trưởng tại quỹ đầu cơ Tressis và là tác giả của các cuốn sách “Tự Do hoặc Bình Đẳng,” “Thoát Khỏi Bẫy Ngân Hàng Trung Ương,” và “Cuộc Sống Trong Thị Trường Tài Chính.”
Do Tiến sĩ Daniel Lacalle thực hiện
Chánh Tín biên dịch
Tham khảo bản gốc từ the Epoch Times
Xem thêm: