Cam kết nửa chừng…
Thành thật mà nói, đa số chúng ta chỉ thực hiện nửa chừng hầu hết những lời cam kết, thậm chí trong nhiều trường hợp lời cam kết đó còn không thực hiện được một nửa.
Chúng ta có thực sự thực hiện cam kết khi nói rằng chúng ta sẽ thay đổi chế độ ăn uống của mình không? Chúng ta có thiết lập chế độ ăn uống hợp lý, mua nguyên liệu, dọn sạch đồ ăn vặt, lên lịch để chuẩn bị các bữa ăn trong tuần và thay đổi thói quen ăn ngoài giờ của chúng ta không?
Chúng ta có cảm thấy tận tâm đến mức đánh cược mạng sống của mình vào đó không?
Trong công việc những cam kết của chúng ta đối với nhóm, khách hàng và đối tác của mình đã không được thể hiện đầy đủ. Chúng ta bị phân tâm, trì hoãn và chỉ làm được một nửa thời gian. Chúng ta làm điều tương tự với những người mình yêu quý
Khi nào thì chúng ta mới thực hiện cam kết một cách mạnh mẽ?
Nói ra điều này không phải là để đổ lỗi hay xấu hổ, cũng không phải để phán xét hay chỉ trích bản thân. Mục đích của việc này là làm rõ liệu chúng ta có cam kết hoàn toàn với bất cứ điều gì hay không và để hiểu thật sự rõ về tác động của điều đó trong cuộc sống của chúng ta.
Bao lâu chúng ta lại khiến người khác thất vọng, lỡ hẹn như chúng ta đã hứa, không thực hiện như chúng ta đã cam kết? Bao lâu chúng ta lại khiến chính bản thân mình thất vọng? Bao lâu chúng ta không thể rời mắt khỏi chiếc điện thoại trong khi những người thân yêu của chúng ta đang mong muốn được quan tâm?
Và nó ảnh hưởng như thế nào đến những người xung quanh, đến bản thân chúng ta và công việc của chúng ta?
Thật đau lòng.
Chúng ta mất niềm tin vào chính mình. Chúng ta tự trách mình vì thất bại một lần nữa và tạo ra một hình ảnh tiêu cực về bản thân ảnh hưởng đến mọi thứ.
Chúng ta hình thành thói quen thu mình trước những điều đáng sợ và khó khăn. Chúng ta ở trong vùng an toàn của mình với những cuộc chơi nhỏ bé hơn.
Chúng ta đánh mất lòng tin của người khác, và làm tan vỡ trái tim của họ. Họ vẫn hy vọng chúng ta sẽ thật sự vì họ.
Mọi người nhìn nhận chúng ta là một người khôn lỏi, trễ hẹn, và không đáng tin cậy. Còn chúng ta, chính chúng ta cảm thấy bị tổn thương vì không được tin tưởng.
Một lần nữa, điều này không có gì đáng để cảm thấy xấu hổ, tội lỗi, hoặc giày vò bản thân. Trái tim chúng ta tan nát bởi cách chúng ta khiến người khác thất vọng và khiến bản thân thất vọng.
Vậy thì vấn đề chính là chúng ta nên làm gì để thực hiện các cam kết một cách mạnh mẽ và hết mình với nó. Chúng ta làm điều đó như thế nào ? Dưới đây là vài cách thực hành:
- Trước khi bắt đầu hãy dừng lại một chút và nhận ra rằng bạn cần kiểm tra mức độ cam kết của mình.
- Tự hỏi lòng mình xem liệu bạn có thực sự muốn cam kết điều này hay không. Bạn có cảm thấy một khát vọng mạnh mẽ để cam kết điều này? Nó có đúng đắn không? Bạn có không gian và năng lượng trong cuộc sống để duy trì cam kết này không?
- Hãy tự hỏi bản thân, “Tôi có đặt cược 10.000 đô la để có thể thực hiện cam kết này không? Nếu không, tai sao không?” Tất nhiên, có thể có những điều hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn (thiên tai, nhân họa bệnh tật trong gia đình), nhưng trừ những điều đó, bạn có sẵn sàng đánh cược tài sản hoặc mạng sống của mình cho cam kết này không?
- Nếu bạn hoàn toàn cam kết, thì hãy hành động ngay bây giờ. Cam kết xuất phát từ hành động: Chia sẻ với ai đó về điều đó và yêu cầu họ giữ cam kết của bạn. Đặt cược vào cuộc chơi. Nói với thế giới. Lên kế hoạch. Thực hiện bước tiếp theo. Tạo một môi trường mà bạn sẽ không thất bại. Thiết lập những lời nhắc nhở. Hãy làm bất cứ điều gì cần thiết để bạn không khiến bản thân hoặc người khác thất vọng.
- Và nhân tiện, ban đầu chỉ nên bắt đầu việc này với những cam kết nhỏ nếu bạn đang luyện tập. Không có gì quá lớn. Một cam kết có thể đạt được dễ dàng mà bạn hoàn toàn cam kết, nơi bạn sẽ đặt cược cuộc đời mình vào đó. Ví dụ: “Tôi tự hứa với bản thân rằng tôi sẽ đi đến cuối dãy nhà này, bất kể điều gì”. Tiếp đó, thực hiện điều này. Sau một thời gian, hãy xây dựng lòng tin bằng cách thực hiện những cam kết ngày càng khó hơn.
- Sau đó, hãy làm bất cứ điều gì cần thiết để không bao giờ thất hứa với bản thân một lần nữa và luôn thể hiện đầy đủ nhất có thể.
Bạn có thể đi sâu vào thực hành này, loại bỏ sự xấu hổ và tự phán xét bản thân để thay đổi cách bạn thể hiện không?
Leo Babauta là tác giả của sáu cuốn sách hay, là người sáng lập Zen Habits, một blog với hơn 2 triệu người đăng ký và là tác giả của một số chương trình trực tuyến giúp bạn làm chủ thói quen của mình.
Leo Babauta
Tiên Tiên biên dịch
Xem thêm: