Cảm giác tội lỗi, sự hối hận và trách nhiệm vãn hồi
Cố tình lảng tránh những sai lầm trong quá khứ khiến tâm ta được cởi trói khỏi xiềng xích ăn năn? Hay cảm giác tội lỗi sẽ mang lại những bài học đắt giá giúp ta tránh khỏi những va vấp trên con đường mênh mông phía trước?
Cô Edith Piaf, danh ca người Pháp với thân hình nhỏ nhắn và phong cách trình diễn dị biệt – đã trở nên nổi tiếng với tác phẩm “Non, Je Ne Regrette Rien”, tạm dịch là “Không, tôi không hối tiếc điều gì cả”.
Hầu hết chúng ta, khi bước vào độ tuổi trung niên, đều không tán thành với quan điểm trên. Ngược lại, niềm ân hận mà ta mang trên vai, khi đó, có thể ví như một chiếc balo của anh lính dù, khiến lòng ta nặng trĩu với những hoài niệm về những cơ hội đã bị bỏ qua và những mong ước không bao giờ có thể trở thành hiện thực. Và khi ta bước qua tuổi 35, ta tự hỏi liệu việc chỉ toàn tâm theo đuổi sự nghiệp có phải là thứ khiến ta dang dở chuyện hôn nhân. Hoặc khi ta nhìn quanh và nhận ra rằng nhiều người bạn của chúng ta đã thành công trên bước đường sự nghiệp trong khi ta, dường như, bị mắc kẹt với một công việc vừa không mang đến sự giàu có, vừa không khiến ta hài lòng.
Nhìn về quá khứ, một người có lẽ phải thở dài về những hệ lụy do chính anh ta gây ra. Có lẽ đó là việc chè chén quá mức đã khiến đời sống hôn nhân của anh không còn êm ả. Hoặc có thể chứng nghiện cờ bạc đã khiến anh lâm vào cảnh túng quẫn hệt như những người cùng khổ được khắc họa trong những câu chuyện của tác giả Charles Dickens. Hay chính tính cách nóng nảy và hành vi nông nổi của chính anh đã khiến anh bị sa thải khỏi các vị trí điều hành ở bốn công ty luật.
Thật ra, ngay cả những sự hối tiếc, dù là nhỏ nhất cũng có thể mãi dày vò chúng ta, như khi ta thóa mạ nặng nề một người bạn thời trung học, hoặc như cách ta rũ bỏ cô bạn gái thời đại học, hay như một cuộc cãi vã xoay quanh vấn đề chính trị với chú Buck, và nó đã phá hỏng bữa tối dịp Lễ Tạ Ơn 5 năm trước.
Sự hối hận thường kéo theo cảm giác tội lỗi. Ví như có người xem nhẹ việc chăm sóc mẹ già trong những năm tháng cuối đời của bà, và cái chết của người mẹ khiến anh cảm thấy đau khổ và vô cùng tội lỗi. Ngược lại có người nhìn về những tháng ngày nuôi dạy con cái và tự hỏi tại sao họ lại không dành thời gian để đến xem các trận đấu bóng chày và hay những tiết mục nhảy của của con họ thực hiện.
Trong khi đó, nỗi hối hận và sự xấu hổ đã trở thành chủ đề cấm kỵ trong văn hóa của chúng ta. Điều này biểu hiện khá rõ ràng ở nhiều nhà lãnh đạo thời nay, những người mà dường như người dân không thể mong chờ những câu nói như: “Ôi trời, tôi đã sai”. Mặt khác, xét về khái niệm “văn hóa trị liệu” ngày nay (thuật ngữ chung để nói về những điều đáng lưu tâm mang tính xã hội và sự ghi nhận về các hàm ý chính trị – xã hội ở tầm vĩ mô của tâm lý học), nơi những chuyên gia luôn tìm cách trấn an thân chủ bằng cách bao biện cho những lỗi lầm mà chính họ đã gây ra.
Trong chính bài hát mà mình trình bày, nữ ca sĩ Piaf đã hát rằng: “Đã trả xong cái giá của sự hối tiếc, nó đã bị cuốn trôi, đã bị quên lãng”, thêm vào đó, cô đã: “đốt cháy những ký ức của chính mình”. Ở cuối bài hát, cô giải thích lý do tại sao cô có thể ném sự hối tiếc của mình vào thùng rác: “Vì cuộc sống của tôi, vì niềm vui của tôi / Hôm nay … bắt đầu với bạn!”
Liệu đó có phải là cách sống mang đến sự nhẹ nhõm khi mọi sự ân hận đã được dễ dàng trút bỏ? Nếu chàng trai nào có thể xóa sạch, có thể làm ngơ trước quá khứ của một người phụ nữ, và có thể cho qua “những rắc rối của tôi, những thú vui của tôi” – anh ta quả là một siêu anh hùng lãng mạn.
Vậy liệu sự hối hận và cảm giác tội lỗi sẽ mang đến điều tích cực gì?
Nếu những xúc cảm này đang đè nặng lên tâm hồn ta và đang bóp nghẹt những ước mơ của ta, thì câu trả lời là không. Chúng ta phải tìm kiếm sự giúp đỡ.
Nhưng sự hối hận cũng có thể đóng vai trò như một người thầy tốt.
Ví như, nếu bên trong tôi là một căn phòng, thì nó phải chứa đầy những bóng ma đến từ quá khứ, những bóng ma của sự ăn năn và cả những bóng ma của sự hổ thẹn. Chúng mỗi ngày đều lởn vởn quanh tôi, nhắc tôi về những lỗi lầm và bất công mà tôi đã phạm phải trong cuộc sống, và chúng ngày ngày to nhỏ chỉ ra những tổn thương mà tôi đã gây ra cho người khác và cho chính bản thân mình.
Nhưng điều tích cực là tôi đã có được những bài học từ những bóng ma này. Vâng, tôi vẫn cúi đầu và cảm thấy hổ thẹn vì những gì mà tôi đã gây ra hoặc những việc mà tôi chưa thể hoàn thành. Nhưng trên tất cả, sự hối hận này khiến tôi muốn trở thành một người tốt hơn, nỗ lực để mang lại niềm vui và năng lượng tích cực cho các con, các cháu và bạn bè của tôi, để tôi có thể tránh việc lặp lại những sai lầm đáng tiếc trên.
Sự hối hận, như tôi đã nói, luôn song hành với cảm giác tội lỗi, nhưng cũng thúc giục chúng ta nhận lãnh những trách nhiệm về những hành động của mình.
Ông Jeff Minick có bốn người con và rất nhiều cháu đang ở tuổi lớn. Trong 20 năm, ông đã dạy lịch sử, văn học, và ngôn ngữ Latin cho các học sinh tại Asheville, North Carolina. Ông là tác giả của hai cuốn tiểu thuyết có nhan đề “Amanda Bell” và “Dust On Their Wings,” và hai tác phẩm hiện thực có nhan đề “Learning As I Go” and “Movies Make The Man.” Hiện tại, ông sống và làm việc tại Front Royal, Virginia. Quý vị có thể theo dõi ông tại trang JeffMinick.com.
Song Ngư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: