California: Hội đồng quản lý chuỗi thức ăn nhanh đầu tiên có thể được thành lập theo dự luật mới
SACRAMENTO – Hơn 500,000 nhân viên trong ngành thức ăn nhanh của California sẽ có thể sớm đủ điều kiện để thương lượng các điều kiện làm việc và tiền lương của họ, sau khi một dự luật đầu tiên do nghiệp đoàn ủng hộ đã vượt qua một rào cản lớn trong tuần này.
Dự luật Hạ viện 257 (AB 257), hay Đạo luật Phục hồi Thức ăn Nhanh (FAST Food Recovery Act), đã được thông qua tại Hạ viện tiểu bang trong một cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ 41–19 hôm 31/01, bất chấp sự phản đối gay gắt từ một số nhóm vận động kinh doanh và Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện.
Một số thành viên Đảng Dân Chủ và các nghiệp đoàn đang ca ngợi dự luật này, trong khi một số thành viên Đảng Cộng Hòa và các nhóm vận động kinh doanh thì phản đối nó mạnh mẽ.
Chủ yếu do Dân biểu Chris Holden (Dân Chủ-Pasadena) viết và Liên đoàn Nhân công Dịch vụ Quốc tế ủng hộ, dự luật này sẽ thành lập một Hội đồng Ngành Thức ăn Nhanh gồm 11 thành viên — do thống đốc, chủ tịch Hạ viện, và Ủy ban Quy tắc của Thượng viện bổ nhiệm – để quản lý các chuỗi thức ăn nhanh độc lập và chuỗi được nhượng quyền có hơn 30 cơ sở trên toàn quốc.
Theo AB 257, các nhà nhượng quyền sẽ phải bảo đảm các chuỗi nhà hàng của họ tuân thủ các luật về lao động, sức khỏe cộng đồng, và an toàn, mà theo đó họ sẽ phải chịu trách nhiệm chung về các hình phạt nếu có vi phạm trong doanh nghiệp của họ. Điều này có nghĩa là các chuỗi riêng lẻ sẽ được phép đệ đơn kiện các nhà nhượng quyền của họ nếu họ cảm thấy bất kỳ luật mới nào bị vi phạm.
Những chuỗi cửa hàng ăn uống lớn nhất ở California sẽ bị ảnh hưởng bởi dự luật mới này sẽ là McDonald’s, Starbucks, Subway, Burger King, Taco Bell, Wendy’s, Dunkin’ Donuts, Chick-fil-A, Domino’s, và Pizza Hut.
“Mặc dù ngành công nghiệp thức ăn nhanh tăng trưởng mau chóng trong khu vực tư nhân của California, nhưng lương của nhân viên tiếp tục phản ánh một số mức thấp nhất trong tiểu bang,” ông Holden nói tại Hạ viện. “Ngoài ra, những nhân viên trong ngành này thường bị quịt tiền lương, bị quấy rối, và phải chịu điều kiện làm việc không an toàn ngày càng trầm trọng hơn do đại dịch.”
Một số người phản đối dự luật này, bao gồm cả các nhóm vận động kinh doanh và Hiệp hội Nhượng quyền Thương mại Quốc tế, cảnh báo rằng AB 257 sẽ có những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với một ngành công nghiệp vẫn đang phục hồi sau những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
“[Dự luật này là] một trong những đạo luật gây thiệt hại nhất từng tác động đến mô hình kinh doanh nhượng quyền thương mại,” ông Jeff Hanscom, Phó chủ tịch phụ trách các Vấn đề Chính quyền Địa phương và Tiểu bang của Hiệp hội Nhượng quyền Thương mại Quốc tế nói với The Epoch Times trong một tuyên bố qua email.
“Dự luật sẽ có những tác động tai hại đến hàng ngàn nhà hàng nhượng quyền trên toàn tiểu bang và phá hủy mô hình kinh doanh này một cách hiệu quả,” tuyên bố viết. “Nhượng quyền kinh doanh mang lại cơ hội chưa từng có cho các doanh nhân ở California, và tiền lương, giờ làm, lợi ích tốt hơn cho người lao động của họ, còn đề xướng sai lầm này thì đe dọa hàng ngàn doanh nhân và nhân viên ở California.”
Hiện tại, hoạt động nhượng quyền đã có các quy định theo Quy tắc Nhượng quyền Thương mại của Ủy ban Thương mại Liên bang, cấm các hành vi lừa dối và không công bằng trong việc bán nhượng quyền. Ngoài một loạt luật việc làm liên quan đến an toàn công cộng, tiền lương, và các loại bảo vệ khác, California đã có luật lao động nghiêm ngặt nhất trong cả nước.
Trong phiên điều trần tại Hạ viện, Dân biểu Kelly Seyarto (Cộng Hòa-Murrieta) đã phản đối dự luật và nói rằng “các nhà nhượng quyền chỉ đơn giản là sẽ không cấp quyền cho các doanh nghiệp xin nhượng quyền ở California.”
“Và quý vị sẽ thấy một số thương hiệu nhượng quyền thương mại phổ biến nhất phát triển ở các khu vực khác và tự hỏi tại sao California không có được những điều đó, vì vậy việc này chỉ đẩy toàn bộ các doanh nghiệp được nhượng quyền và thương hiệu nhượng quyền ra khỏi California,” ông nói.
Dân biểu Bill Quirk (Dân Chủ-Hayward) cũng phản đối dự luật, nói rằng “rõ ràng có một vấn đề trong ngành công nghiệp thức ăn nhanh. Nhưng tôi không nghĩ rằng đặt ra một bộ quy định riêng cho ngành công nghiệp thức ăn nhanh là cách để giải quyết vấn đề đó.”
Ông nói rằng các nhà nhượng quyền nên làm tốt hơn nữa việc thực thi các luật hiện có để ngăn chặn hành vi quấy rối tình dục và các điều kiện làm việc khắc nghiệt khác.
“Tôi đã nhận được những câu chuyện trên báo than phiền về hành vi quấy rối tình dục – điều đó phải được giải quyết. Điều đó đã là bất hợp pháp. Chúng ta không cần các quy định mới,” ông nói.
Những người phản đối khác nói rằng các nhà hàng thức ăn nhanh sẽ buộc phải cắt giảm lao động và viện đến tự động hóa với lớp quy định bổ sung buộc họ phải cắt giảm quy mô.
“Kết quả là giá đồ ăn của họ sẽ tăng lên”, Chủ tịch Trung tâm Chính sách California theo xu hướng bảo tồn truyền thống Will Swaim nói với The Epoch Times. “Vì vậy, điều này sẽ khiến người lao động làm việc tốn kém hơn, họ sẽ phải đóng phí cho nghiệp đoàn. Cuối cùng, nó sẽ làm cho chi phí lao động đắt hơn trong ngành công nghiệp thức ăn nhanh vốn đã là một hoạt động kinh doanh thực sự cận biên khi xét về tỷ suất lợi nhuận.”
“Các chuỗi nhà hàng thậm chí có thể chuyển sang chế biến thực phẩm tự động, chỉ để cắt giảm lao động vì vậy số việc làm bị mất thực tế sẽ là đáng kể.”
Chủ tịch Phòng Thương mại Tây Los Angeles Roozbeh Farahanipour nói với The Epoch Times rằng dự luật này sẽ tạo thêm gánh nặng cho nền kinh tế Los Angeles, nơi mà ông gọi là “thành phố kinh doanh không thân thiện nhất trên toàn quốc”.
“Vấn đề chính là nếu những người này trải nghiệm việc điều hành kinh doanh, hoặc họ có một doanh nghiệp nhỏ, ít nhất họ có thể hiểu được mức độ khó khăn như thế nào để điều hành doanh nghiệp khi có dự luật điên rồ này, và họ sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân như thế nào và họ sẽ làm tăng tỷ lệ thất nghiệp ở tiểu bang California đến mức nào,” ông nói.
Trong khi đó, các nghiệp đoàn và những người ủng hộ vui mừng khi dự luật này được thông qua, vì nó đã trải qua một chặng đường khá dài để đạt được sự chấp thuận. Ban đầu, dự luật được cựu Dân biểu Lorena Gonzalez (Dân Chủ-San Diego) giới thiệu hồi tháng 01/2021, được thông qua vào tháng 04/2021, nhưng không được thông qua trong cuộc họp toàn thể Hạ viện hồi tháng 06/2021.
Nhóm nghiệp đoàn Fight for 15 cho biết trong một tuyên bố, AB 257 “sẽ trao cho người lao động một cơ hội thương lượng để tăng trách nhiệm của công ty trong ngành công nghiệp thức ăn nhanh.”
Hiện tại, dự luật này sẽ được chuyển đến Thượng viện. Nếu được chấp thuận, nó sẽ được gửi đến bàn của thống đốc để xin chữ ký.
Cô Jamie Joseph là một phóng viên của The Epoch Times tại California. Cô là một người thích uống trà, thưởng thức các món ăn, và là độc giả lâu năm của thể loại tiểu thuyết trinh thám.
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: