Cải thiện tình trạng đường ruột có thể điều trị chứng sương mù não
Chứng “sương mù não” là một triệu chứng thường được đề cập trong những năm gần đây, mô tả tình trạng suy giảm trí nhớ, kém tập trung và suy nghĩ chậm chạp. Ngoài việc COVID-19 có liên quan đến triệu chứng này, vấn đề đường ruột cũng là yếu tố kích thích gây ra chứng sương mù não. Vậy, làm thế nào để điều trị chứng sương mù não thông qua cải thiện đường ruột và bộ não?
Theo Tiến sĩ Chih Hao Lin, một nhà thần kinh học và giám đốc Trung Tâm Đột quỵ Não tại Bệnh viện Lâm Tân, Đài Loan, chứng sương mù não có thể coi là một rối loạn nhận thức. Trí nhớ, khả năng phán đoán, hành vi, cảm xúc, ngôn ngữ, khả năng cảm nhận không gian và các chức năng nhận thức khác đều là một phần hoạt động của bộ não.
Chứng sương mù não không phải là một bệnh lý, mà là một triệu chứng. Mặc dù biểu hiện ở não, triệu chứng này cũng có thể xảy ra do sức khỏe đường ruột yếu kém.
Đường ruột vốn được biết đến là “bộ não thứ hai” của cơ thể, chứa đựng vô số các dây thần kinh trong ruột. Đường ruột cũng có rất nhiều kết nối thần kinh với bộ não thông qua mạng lưới thần kinh dày đặc. Tiến sĩ Lin cho biết trên thực tế, sự liên kết này có thể quan sát thấy ở trên lâm sàng, ở nhiều bệnh nhân bị thoái hóa não. Lấy ví dụ, một số người có các triệu chứng về đường tiêu hóa như bụng dạ yếu và táo bón từ 5 đến 10 năm trước, sau đó bắt đầu khởi phát các bệnh của bộ não.
Một ví dụ khác là hội chứng ruột kích thích (IBS), một tình trạng gây ra phiền toái cho khá nhiều người hiện nay, thường xuất hiện ở những người dễ bị chứng sương mù não, lo lắng, hoặc các triệu chứng khác không liên quan đến đường ruột.
IBS là một tình trạng kinh niên gây ra đau bụng, tiêu chảy, hoặc táo bón, khi bệnh nhân cảm thấy căng thẳng hoặc lo lắng. Hiện nay, nhiều người tin rằng cảm xúc và tình trạng căng thẳng là các yếu tố kích thích làm cho IBS trở nên nặng hơn.
Hiện nay, một quan điểm mới cho rằng các vấn đề về đường ruột có thể có ảnh hưởng ngược lại đến bộ não. Ông Jay Pasricha, giám đốc Trung tâm Tiêu hóa-Thần kinh John Hopkins, cho biết những người bị IBS, cũng như gặp các vấn đề khác về đường ruột, chẳng hạn như táo bón, tiêu chảy, đầy hơi và đau bụng, có tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm và lo lắng cao hơn bình thường, do các dây thần kinh trong ruột có thể gửi tín hiệu đến hệ thần kinh trung ương và làm biến đổi tâm trạng.
Căng thẳng, lo lắng, và trầm cảm cũng có xu hướng tạo ra các chất gây viêm dẫn đến chứng sương mù não.
Ngoài IBS, một số rối loạn đường ruột khác cũng có thể gây ra chứng sương mù não, gồm bệnh celiac, hội chứng rò rỉ ruột, bệnh viêm ruột, và hội chứng loạn khuẩn ở ruột non.
Một nguyên nhân khác gây ra chứng sương mù não có liên quan đến tình trạng sản sinh quá mức acid lactic-D của vi khuẩn đường ruột.
Trong một nghiên cứu quy mô nhỏ được thực hiện vào năm 2018, 30 bệnh nhân bị sương mù não và chướng bụng được quan sát sử dụng thực phẩm bổ sung men vi sinh. Trong số đó, 63.3% mắc hội chứng loạn khuẩn ở ruột non, và 77% bị nhiễm độc acid D-lactic.
Nghiên cứu kết luận rằng hiệu quả của men vi sinh chỉ xảy ra ở ruột kết hoặc trực tràng.
Tuy nhiên, việc bổ sung quá nhiều men vi sinh có thể dẫn đến chứng sương mù não với nhiều nguyên nhân khác nhau, như tiểu đường, phẫu thuật cắt một phần ruột non hoặc nhu động ruột kém, khiến cho carbohydrate dễ bị phân hủy bởi chế phẩm vi sinh có trong ruột non và tạo ra nhiều acid D-lactic.
Bên cạnh gây ra vấn đề về đường ruột, vi khuẩn Helicobacter pylori, loại vi khuẩn có thể sống sót trong dạ dày và gây bệnh ung thư dạ dày, cũng có thể dẫn đến chứng sương mù não.
Tiến sĩ Lin giải thích rằng vi khuẩn Helicobacter pylori có thể ảnh hưởng đến sự hấp thụ dưỡng chất, gây ra thiếu hụt vitamin B12, dẫn đến chứng sương mù não, do vitamin B12 có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì ổn định các dây thần kinh. Tình trạng thiếu vitamin B12 cũng phổ biến ở những người có đường tiêu hóa hấp thu kém, cách ăn uống không cân bằng, người ăn chay, và những bệnh nhân thường xuyên dùng thuốc dạ dày.
Ngoài những triệu chứng về đường tiêu hóa, các yếu tố khác như nhiễm virus, chất lượng giấc ngủ kém và sự thay đổi hormone ở phụ nữ (trong thời kỳ kinh nguyệt, hoặc trong và sau thời kỳ thai nghén) cũng có thể gây ra chứng sương mù não.
Ba phương pháp giúp bộ não và đường ruột khỏe mạnh và trị dứt chứng sương mù não
Chúng ta thường thấy nhiều bài báo trực tuyến nói về những thực phẩm giúp loại bỏ chứng sương mù não. Tuy nhiên, Tiến sĩ Lin tin rằng vấn đề sương mù não không thể được cải thiện chỉ bằng việc tiêu thụ một số loại thực phẩm nhất định, do mối liên quan giữa đường ruột và bộ não là rất phức tạp. Thay vào đó, ông khuyến nghị nên kết hợp ăn uống, luyện tập, và thực hành thói quen sinh hoạt lành mạnh.
Dù điều này là để cải thiện chứng sương mù não, phòng ngừa sa sút trí tuệ, hoặc bảo vệ bộ não, chế độ ăn cân bằng cũng là điều rất cần thiết. Tiến sĩ Lin khuyến nghị nên thực hiện chế độ ăn theo phong cách Địa Trung Hải, gồm nhiều rau xanh và trái cây, các loại hạt, đậu, ngũ cốc nguyên hạt, cá, sản phẩm từ sữa, và dầu ô liu. Nhiều nghiên cứu cho thấy cách ăn kiểu Địa Trung Hải có thể cải thiện tư duy, trí nhớ và sức khỏe bộ não.
Một nghiên cứu gần đây phát hiện cách ăn kiểu Địa Trung Hải có thể thay đổi vi hệ của đường ruột, làm cải thiện chức năng nhận thức, trí nhớ, khả năng miễn dịch, và giúp xương chắc khỏe.
Tiến sĩ Lin cảnh báo rượu vang đỏ vốn là một phần của các món ăn kiểu Địa Trung Hải, nhưng ông không khuyến nghị dùng rượu, dù là rượu vang đỏ, bia, hoặc đồ uống có cồn. Đặc biệt, những người trên 50 tuổi không nên uống rượu. Rượu không có lợi đối với sức khỏe, ảnh hưởng không tốt đến sự hấp thụ dưỡng chất và cũng làm giảm chất lượng giấc ngủ.
Một nghiên cứu được công bố tại trường Đại học Oxford vào năm 2017 cho thấy vùng hải mã trong bộ não sẽ bị teo đi khi uống nhiều rượu. Ngay cả với những người chỉ tiêu thụ lượng rượu ở mức ít hoặc vừa, vùng hải mã cũng bị teo nhỏ nghiêm trọng so với những người không uống. Vùng hải mã đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành trí nhớ và định hướng không gian.
Cách ăn kiểu Địa Trung Hải cũng bao gồm ngũ cốc và sữa, nhưng không nên tiêu thụ những thực phẩm này quá nhiều, tùy vào tình trạng sức khỏe của mỗi cá nhân. Những người có bụng dạ yếu nên tránh hấp thu carbohydrate quá mức, và người mắc chứng không dung nạp lactose nên hạn chế uống sữa để giảm xuất hiện các vấn đề đường ruột.
Các sản phẩm từ sữa lên men, như sữa chua và đồ uống từ sữa chua, thường ít gây ra các tình trạng không dung nạp lactose, và cũng có chứa men vi sinh. Men vi sinh từ thực phẩm được xem là an toàn do chỉ chứa một lượng vừa đủ.
Dùng kháng sinh hoặc một số yếu tố khác có thể làm thay đổi vi hệ đường ruột, nên việc bổ sung chế phẩm men vi sinh là điều cần thiết. Tuy nhiên, mặc dù thực phẩm bổ sung men vi sinh có thể có lợi cho đường ruột, nhưng sử dụng quá nhiều hoặc dùng bừa bãi không được khuyến nghị với tất cả mọi người. Nếu bị đầy hơi sau khi dùng thực phẩm bổ sung men vi sinh, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ.
Tiến sĩ Lin cảnh báo rằng nhiều người có đường ruột yếu kém là do lối sống ít khi vận động, đặc biệt khi các cơ không khỏe, khả năng nhu động ruột sẽ giảm, dẫn đến tình trạng vi khuẩn tăng sinh. Do vậy, bạn nên tăng sức mạnh cơ bắp thông qua tập tạ.
Việc tập luyện cũng có thể cải thiện tâm trạng và chất lượng giấc ngủ, giúp giảm căng thẳng và lo lắng, trực tiếp hoặc gián tiếp cải thiện trí nhớ và tư duy. Một bài báo từ Trường Y khoa Harvard cho thấy, khi so sánh những người không tập với những người có tập thể dục, những người có tập có vỏ não trước trán và vỏ não thái dương giữa lớn hơn, vốn là những phần của bộ não kiểm soát suy nghĩ và trí nhớ.
Cải thiện tình trạng đường ruột có thể chữa lành bộ não, cũng như chữa lành bộ não có thể cải thiện đường ruột. Tiến sĩ Lin cho biết: “Tôi tin rằng một bộ não khỏe mạnh là điều cần thiết cho sức khỏe đường ruột.” Vậy chúng ta có thể làm gì? Ngoài việc thực hiện cách ăn uống kiểu Địa Trung Hải và tập thể dục, điều quan trọng là cần bảo đảm chất lượng giấc ngủ, tiến sĩ Lin đưa ra lời khuyên.
Theo Tiến sĩ Lin, có hai cơ chế quan trọng có trong giấc ngủ: một là hỗ trợ trí nhớ; hai là loại bỏ độc tố và các chất thải do bộ não tiết ra ban ngày. Nếu bạn thường xuyên thức khuya hoặc bị mất ngủ, cơ thể không thể loại bỏ chất thải, dẫn đến cản trở hoạt động bộ não.
Giấc ngủ cũng giúp các cơ quan trong cơ thể có thể hoạt động bình thường, gồm hệ miễn dịch, tim mạch, bộ não, và thậm chí cả hệ tiêu hóa. Ngược lại, chất lượng giấc ngủ kém có thể gây hại cho sức khỏe đường ruột theo nhiều cách khác nhau.
Đồng thời, điều quan trọng là cần học cách giải quyết nguyên nhân gây ra căng thẳng, duy trì lối suy nghĩ tích cực và thư giãn đúng lúc để tránh rối loạn điều hòa bộ não và gây ra chứng sương mù não.
Lấy ví dụ, bạn có thể tham gia các hoạt động xã hội, học nhiều điều mới, hoặc chơi trò chơi. Những điều này không chỉ giúp bạn giải tỏa căng thẳng, mà còn giúp cho bộ não trở nên nhạy bén và duy trì trí nhớ tốt.
Vân Hi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times