Cách Trung Quốc đang định hình suy nghĩ của người Mỹ
Hoa Kỳ chi khoảng 700 tỷ USD mỗi năm cho quân sự và quốc phòng để giữ cho đất nước được an toàn. Với một phần nhỏ của số tiền đó, Trung Quốc đã đang thực hiện một cuộc chiến khác rất thành công: một cuộc chiến nhằm cải biến tư tưởng của người Mỹ từ bên trong.
Ngày nay, truyền thông và giải trí là hai lực lượng chính hình thành nên tinh thần của một xã hội. Chúng không chỉ quyết định những gì chúng ta biết mà còn cả cách chúng ta nghĩ. Theo một nghĩa nào đó, truyền thông và giải trí quyết định chúng ta là ai với tư cách là người Mỹ và với tư cách là nước Mỹ.
Nhưng chúng ta có rất ít hoặc không có sự phòng thủ trong những lĩnh vực này. Trên thực tế, nếu quý vị quan sát đủ kỹ, quý vị sẽ thấy sự thâm nhập sâu rộng của chế độ cộng sản Trung Quốc. Thông qua giới truyền thông và Hollywood, Trung Quốc đã tiêm nhiễm các tiêu chuẩn và bộ lọc của họ vào những tư tưởng không phòng bị của người Mỹ và tâm trí của con em chúng ta.
Hollywood hay China-wood?
Đoạn video về lời xin lỗi khúm núm của diễn viên John Cena vì đã gọi Đài Loan là một quốc gia là một hiện thân hoàn hảo cho vị thế của Hollywood trước sự kiểm duyệt của Bắc Kinh.
Hai thập kỷ trước, người ta không thể tưởng tượng nổi việc một người Mỹ nổi tiếng sẽ cúi đầu trước Trung Quốc vì một bình luận như thế này. Mọi thứ bắt đầu thay đổi vào năm 1997 khi Hollywood phát hành 3 bộ phim giẫm lên lằn ranh đỏ của Bắc Kinh: “Kundun” của hãng phim Touchstone và “Bảy năm ở Tây Tạng” của hãng Mandalay Entertainment đều khắc họa chân dung Đức Đạt Lai Lạt Ma và cuộc xâm lược Tây Tạng vào những năm 1950 của Trung Cộng. “Red Corner” (tạm dịch: “Góc đỏ”) của hãng phim MGM với sự tham gia của diễn viên Richard Gere đã thể hiện một bức tranh không mấy đẹp đẽ về hệ thống tư pháp của Trung Quốc.
Những phản ứng tiếp theo của Bắc Kinh đã khiến Hollywood mở rộng tầm mắt về việc Bắc Kinh có thể trả đũa quyết liệt như thế nào: Không chỉ tất cả các diễn viên chính và đạo diễn của ba bộ phim trên đều bị đưa vào danh sách đen, mà các hãng phim và công ty mẹ của họ còn bị cấm kinh doanh tại Trung Quốc trong 5 năm tiếp theo.
Hai bộ phim về Tây Tạng kể trên đã thu hút sự ủng hộ to lớn và mạnh mẽ đối với Tây Tạng ở Hoa Kỳ. Lần lượt, những người nổi tiếng như Brad Pitt và Selena Gomez bị Bắc Kinh cấm vì công khai ủng hộ Tây Tạng hoặc gặp gỡ Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Nhưng ngày nay, sẽ không thể có một bộ phim kiểu như “Bảy năm ở Tây Tạng” do Hollywood thực hiện. Tại sao? Bởi vì nhiều thứ đã thay đổi trong hai thập kỷ qua. Về sau, từ một thị trường phim ảnh nhỏ bé, hiện Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ để trở thành thị trường điện ảnh lớn nhất thế giới. Với doanh thu phòng vé trong năm 2019 là 9.2 tỷ USD từ 69,787 rạp chiếu phim, con số có quy mô tương đương với Hoa Kỳ và Canada cộng lại.
Tuy nhiên, việc tiếp cận thị trường này không hề miễn phí mà cũng chẳng dễ dàng gì. Trung Quốc giới hạn số lượng phim ảnh nhập cảng là 34 phim mỗi năm. Ban Tuyên truyền Trung ương của Trung Cộng kiểm duyệt và xác định những phim nào được chấp nhận đưa vào hạn ngạch đó, và những thay đổi nào là cần thiết. Việc ra quyết định thì không rõ ràng, không xuyên suốt, và có thể thay đổi vào phút cuối. Người kiểm duyệt có thể chấp thuận một bộ phim chỉ để sau này đảo ngược quyết định đó. Các quan chức cao cấp trong hoặc ngoài Ban Tuyên truyền phủ quyết một quyết định trước đó mà không cần giải thích cũng là chuyện bình thường. Theo một báo cáo của tổ chức PEN America, kiểu mơ hồ này chính xác là điều mà Bắc Kinh muốn, bởi vì các hãng phim sẽ phải tự kiểm duyệt mình thậm chí nghiêm ngặt hơn để tránh xa ranh giới vô hình đó.
Hollywood sẵn sàng cố gắng hết sức để tuân thủ quy tắc. Năm công ty hàng đầu thống lĩnh thị trường phim ngoại quốc của Trung Quốc là các tập đoàn đa quốc gia có lợi ích kinh doanh vượt khỏi lĩnh vực phim ảnh. Chẳng hạn như, Disney có 43% cổ phần trong Công viên Disneyland Thượng Hải, công viên này có chi phí xây dựng hơn 5.5 tỷ USD. “Vậy tại sao lại gây rủi ro cho các dự án kinh doanh lớn chỉ vì 90 giây nội dung có thể dễ dàng bị cắt bỏ?” Giáo sư Michael Berry của UCLA cho biết trong một cuộc phỏng vấn với PEN America.
Cắt và thay đổi cảnh để xoa dịu Bắc Kinh hiện là thông lệ tiêu chuẩn. Đây chỉ là hai ví dụ gần đây: Trong bộ phim “Top Gun” năm 2019, một miếng dán cờ Đài Loan đã được gỡ khỏi áo khoác của diễn viên Tom Cruise; Trung Quốc đã yêu cầu dự án phim Mission Impossible 3 (tạm dịch: “Nhiệm vụ bất khả thi 3”) loại bỏ những cảnh quay ở Thượng Hải cho thấy quần áo phơi trên dây và những người chơi mạt chược trong một tòa nhà tồi tàn. Những diện mạo này không phù hợp với hình ảnh “Trung Quốc hiện đại” giàu có mà Trung Cộng muốn quảng bá, và bị một số phương tiện truyền thông Trung Quốc cho rằng đó là một sự sỉ nhục và làm xấu mặt Trung Quốc.
Sự tuân thủ như vậy phổ biến đến mức việc từ chối chỉnh sửa theo lệnh của Bắc Kinh trở thành tin tức đáng chú ý. Đạo diễn Quentin Tarantino đã trở thành nhan đề giải trí vào năm 2019 khi ông từ chối cắt ghép lại bộ phim “Once Upon a Time in Hollywood” (tạm dịch: “Chuyện ngày xưa ở Hollywood”) theo yêu cầu của Trung Quốc. Nhưng hầu hết những người khác sẽ không mạo hiểm. Như một nhà sản xuất phim đã nói với PEN America rằng, “Hầu hết mọi người không chọc giận Trung Quốc, bởi vì có khả năng là ‘Tôi sẽ không bao giờ làm việc nữa.’” Rốt cuộc, ngay cả diễn viên Richard Gere đã phải trả một cái giá đáng kể cho sự nghiệp vì ủng hộ Tây Tạng. “Chắc chắn có những bộ phim mà tôi không thể tham gia vì người Trung Quốc sẽ nói: ‘Không được có ông ta,’” ông nói với The Hollywood Reporter vào năm 2017.
Điều này sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn khi Hollywood khai thác việc sản xuất chung với các doanh nghiệp Trung Quốc. Phương thức này mang lại cho các hãng phim phương Tây cơ hội cao hơn trong việc nhận được sự chấp thuận, nhưng điều này cũng cho phép Trung Quốc trực tiếp điều khiển các hãng phim áp dụng các câu chuyện ưa thích của Bắc Kinh, và gián tiếp gây áp lực với họ thông qua những doanh nghiệp Trung Quốc tài trợ cho các bộ phim. Bộ phim “Transformers: Age of Extinction” năm 2014, do hãng Paramount và Trung Quốc hợp tác sản xuất, đã khắc họa các quan chức Hoa Kỳ bằng những tông màu không mấy hay ho trong khi tâng bốc lòng vị tha của các nhân vật Trung Quốc, đặc biệt là họ sẵn sàng bảo vệ Hồng Kông khỏi mối đe dọa từ người ngoài hành tinh. Điều này khiến nhiều người lo lắng vì các cuộc biểu tình “Phong trào Ô dù” ở Hồng Kông đã diễn ra trong cùng năm đó. Ký giả kiêm biên tập viên David Cohen đã viết một bài bình luận gọi bộ phim này là “Một Bộ phim Yêu nước Tuyệt vời, Nếu Quý vị vừa khéo là Người Trung Quốc.”
Ngày càng [có] nhiều các nhà điều hành hãng phim thích xây dựng các cốt truyện tâng bốc Trung Quốc hơn trong các phiên bản phim phổ thông, nên sự xu nịnh ít lộ liễu hơn, hoặc cắt cảnh và thay đổi cốt truyện để không nhìn thấy được sự kiểm duyệt. Điều này có nghĩa là sự kiểm duyệt của Trung Quốc không chỉ quyết định những gì người dân Trung Quốc có thể xem mà còn có ảnh hưởng lớn đến những gì phần còn lại của thế giới có thể xem.
Sự kiểm duyệt như vậy đang tước đi thông tin và những thông điệp quan trọng của khán giả Mỹ. Vào năm 2013, để vượt qua sự kiểm duyệt của Trung Quốc, các nhà điều hành của Paramount Studios đã yêu cầu bộ phim “World War Z” thay đổi cốt truyện ban đầu mà trong đó virus xác sống (zombie) có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tuy nhiên, tác giả của cuốn tiểu thuyết nguyên bản, ông Max Brooks, đã đang cố gắng gửi một thông điệp bằng cốt truyện này. Sau khi virus Trung Cộng bùng phát, ông Brooks giải thích trong một cuộc phỏng vấn với Bill Maher hồi tháng 04/2020 rằng ông đã chủ ý chọn Trung Quốc làm tâm điểm cho loại virus hư cấu của mình vì sự lây lan không bị phát hiện đó của virus chỉ có thể xảy ra “ở một quốc gia không có tự do báo chí. … ở một quốc gia như Trung Quốc, nơi kiểm duyệt báo chí và cũng kiểm duyệt chính công dân của mình trên mạng xã hội, điều đó tạo ra một khoảng tối chín muồi cho các thuyết âm mưu.” Liệu người Mỹ có thể nhận được những thông điệp sâu sắc như vậy hay không hiện nay phụ thuộc phần lớn vào ân huệ của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, tác động lớn hơn đến ngành công nghiệp phim ảnh thậm chí không phải là những gì đang được thay đổi, mà là những gì đã không xảy ra. Những bộ phim khiến Trung Cộng không bằng lòng thì có rất ít cơ hội để đi đến thành công. Danh sách dài “các chủ đề nhạy cảm” của Trung Cộng đang ngày càng dài hơn. Khi Hollywood ngày càng đồng hóa với sự tuyên truyền của Trung Quốc, thì ngành công nghiệp phim ảnh sẽ càng có ít lựa chọn hơn, và thêm nhiều câu chuyện sẽ không được kể.
Người Mỹ có thể chấp nhận việc Trung Cộng sai khiến cách kể những câu chuyện ở Mỹ không? Các chuẩn mực, các câu chuyện, và hệ tư tưởng của Trung Cộng được lồng trong các bộ phim do Mỹ sản xuất sẽ thay đổi đất nước chúng ta và phần còn lại của thế giới như thế nào? Khi mối đe dọa từ Trung Quốc ngày càng trở nên rõ ràng hơn, thì người Mỹ nên hỏi những câu hỏi này với một tinh thần cấp bách.
Ai kiểm soát những gì quý vị nghe thấy?
Truyền thông thường được cho là lương tâm của xã hội. Truyền thông có nhiệm vụ là một chiếc gương phản chiếu hiện thực về thế giới của chúng ta và cung cấp một loạt các sự kiện chung mà dựa trên đó các thành viên trong xã hội có thể hình thành quan điểm của riêng họ.
Quý vị không thể mua được lương tâm, nhưng quý vị chắc chắn có thể chi đủ để giành được thiện ý của một số ký giả. Trung Cộng đã sử dụng nhiều ưu đãi nhỏ như các chuyến đi miễn phí đến Trung Quốc và các bữa dạ tiệc xa hoa để biến chuyển và để dành được thiện cảm của các ký giả Mỹ.
Một báo cáo gần đây của National Pulse tiết lộ rằng ít nhất một nhóm tuyên truyền hàng đầu của Trung Cộng đã mời hơn 120 ký giả từ khoảng 50 hãng thông tấn Hoa Kỳ tham gia các chuyến du lịch trả bằng tiền công quỹ đến Trung Quốc để đổi lấy các bản tin có lợi. Khi ở Trung Quốc, các ký giả này được sắp xếp đến thăm các thành phố chủ chốt để “tham quan văn hóa,” gặp gỡ các quan chức chính phủ, và thăm các doanh nghiệp để “tận mắt chứng kiến sự phát triển (của Trung Quốc) trong các lĩnh vực khác nhau.”
Theo một báo cáo điều tra (pdf) của Ủy ban Đánh giá An ninh Hoa Kỳ-Trung Quốc, cơ quan sắp xếp các chuyến đi này là Tổ chức Giao lưu Hoa Kỳ-Trung Quốc (CUSEF). CUSEF được thành lập và tài trợ bởi ông Đổng Kiến Hoa (Tung Chee-hwa), Đặc khu trưởng đầu tiên của Hồng Kông dưới thời Trung Cộng. Ông Đổng hiện là phó chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC), cơ quan trung ương của hệ thống Mặt trận Thống nhất của Đảng này.
Mặt trận Thống nhất đứng sau nhiều vụ án hoạt động gián điệp bị phanh phui. Theo báo cáo, nhiệm vụ của Mặt trận Thống nhất là “kết nạp và vô hiệu hóa các nguồn có khả năng chống đối các chính sách và thẩm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) cầm quyền.” Nói một cách rõ ràng dễ hiểu, họ tồn tại để cải biến các quốc gia tự do thành các đồng minh của họ, hoặc thành như họ.
Ai đã chấp nhận những chuyến đi này? Một bản thông tin của CUSEF (pdf) từ năm 2009 và 2010 cho thấy một danh sách dài, bao gồm các giám đốc điều hành cao cấp đương nhiệm và tiền nhiệm, các biên tập viên, các ký giả, và các nhà phân tích đến từ CNN, The New York Times, Associated Press, NPR, Chicago Tribune, Vox, và từ nhiều hãng thông tấn lớn khác.
Trung Quốc có vẻ hài lòng về khoản đầu tư này (ít nhất một vài ngàn dollar cho mỗi người). Chỉ trong năm 2009, ít nhất 28 quảng cáo truyền thông có lợi đã được tạo ra từ kết quả của các chuyến thăm viếng này. CUSEF tự hào đưa vào bản thông tin của họ một ví dụ để hiển thị những thành tựu của mình.
Kể từ đó, những chuyến đi này tiếp tục được tổ chức. Vào năm 2019, cũng chính công ty quảng cáo (PR) đó đã tổ chức các chuyến đi đến Trung Quốc cho Vox, Slate, Boston Herald, The Boston Globe, và Huffington Post.
Tất cả điều này sẽ dẫn đến đâu?
Nhiều tình tiết trong lịch sử có thể cung cấp những hiểu biết sâu sắc về tương lai. Ví dụ, hơn 2,000 năm trước, nước Tần đã chi 300,000 khối vàng, tương đương gần 2.5 triệu USD tính theo quy đổi hiện nay, để hối lộ các quan lại cao cấp và những người có ảnh hưởng chủ chốt của sáu quốc gia đối địch của nước này. Chiến lược này cho phép nhà Tần đánh bại 6 quốc gia hùng mạnh chỉ trong 10 năm, nếu không thì không có cách nào đạt được. Các vị vua và quan lại của 6 quốc gia đó hầu hết đều bị lưu đày hoặc bị sát hại. Vua nhà Tần, Doanh Chính, trở thành vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc.
Hoa Kỳ đã xây dựng lực lượng đủ hùng mạnh để chống lại bất kỳ cuộc tấn công nào từ bên ngoài, nhưng virus của lòng tham và sự tham nhũng sẽ tàn phá chúng ta từ bên trong. Đất nước này sẽ rất dễ bị tổn thương cho đến khi chúng ta với tư cách là những cá nhân và doanh nghiệp tìm lại các giá trị đạo đức và nghị lực để chống lại đồng tiền của Trung Cộng.
Tác giả Pingping Yu là một nhà văn, dịch giả, và là nhà nghiên cứu cho The Epoch Times từ năm 2007. Bài viết của bà bao gồm nhiều chủ đề khác nhau liên quan tới Trung Quốc, tập trung chính vào nhân quyền, kinh tế, và kinh doanh.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Pingping Yu thực hiện
Nguyễn Lê biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: