Cách Trung Cộng đối xử với giáo viên: ‘Điều đó đang giết chết nhân tính’
Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) có thêm một chiếc lông vũ màu đỏ như máu trên chiếc mũ chủ nghĩa Marx vì đã không ngần ngại đàn áp — giam giữ vô thời hạn và thậm chí giết hại — những giáo viên từ chối tuân theo các hệ tư tưởng độc tài của chế độ này.
Thông thường, nghĩa vụ của công dân và nhà cầm quyền là tôn vinh phẩm hạnh của giáo viên, những người đã và đang làm việc chăm chỉ để đặt nền móng cho một xã hội thịnh vượng. Tuy nhiên, Trung Cộng đã không thể khách quan trước đức tin tôn giáo của các nhà giáo dục.
Trong khi các giáo viên trên toàn cầu đang nỗ lực hướng học sinh tới la bàn đạo đức bên trong chúng – thường bằng cách trở thành một tấm gương với đức tin và giá trị của riêng họ – thì các đồng nghiệp Trung Quốc của họ bị từ chối quyền đảm đương vai trò này bởi vì họ sẽ bị cấm nếu họ muốn dạy về đức tin.
Chế độ cộng sản đang theo đuổi các biện pháp nghiêm ngặt để kiểm duyệt bất kỳ ảnh hưởng tôn giáo hoặc ý thức hệ nào trong các lớp học, tạp chí Bitter Winter đưa tin. Mục tiêu của chế độ này là “bảo đảm rằng giáo dục và giảng dạy phải tuân theo định hướng chính trị đúng đắn,” báo cáo cho biết.
Cuộc đàn áp dai dẳng
Tổ chức Mối quan tâm Cơ Đốc Giáo Quốc tế (ICC) báo cáo vào tháng 05/2020 rằng thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, đã yêu cầu các giáo viên trong trường “ký cam kết không tin vào bất kỳ tôn giáo nào.”
Một số yêu cầu chính ở trong tài liệu, có tiêu đề “Cam kết của giáo viên không tin bất kỳ tôn giáo nào”, bao gồm những điều sau: “Kiên định quan điểm tôn giáo Marxist, tăng cường giáo dục chủ nghĩa vô thần, không tin vào bất kỳ tôn giáo nào, không tham gia vào bất kỳ tôn giáo nào, không được thuyết giáo và truyền bá tôn giáo ở bất kỳ nơi nào.”
Một giáo viên theo Cơ Đốc Giáo ở Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, đã bị buộc thôi việc vào tháng 08/2019, theo Bitter Winter. Một giáo viên mẫu giáo khác là thành viên của nhà thờ Công Giáo do nhà nước điều hành nói với tạp chí này rằng có người được chỉ định nhiệm vụ đặc biệt để “giám sát và báo cáo về các giáo viên và học sinh theo tôn giáo.”
“Họ được yêu cầu từ bỏ đức tin của mình, và một số được chỉ định là mục tiêu giám sát chính, chính quyền lo ngại rằng họ sẽ phát triển ‘ảnh hưởng phản cách mạng’, cấu kết với các lực lượng nước ngoài và gây ra hỗn loạn,” giáo viên giấu tên nói với Bitter Winter.
Trong vô số các trường hợp khác, cô Triệu Hân (Zhao Xin), một giáo viên tại Trường Kinh tế thuộc Đại học Kinh doanh và Công nghệ Bắc Kinh, đã bị bắt và giam giữ bất hợp pháp vào tháng 06/2000 khi cô đang thực hiện các bài tập thiền của môn Pháp Luân Đại Pháp trong một công viên ở Bắc Kinh.
Mặc dù được biết đến là một người có lương tâm và được đồng nghiệp cũng như học sinh ngưỡng mộ vì sự liêm chính về đạo đức của mình, cô Triệu, 32 tuổi đã bị đánh đập dã man ba ngày sau khi cô bị bắt. Cô bị tra tấn nghiêm trọng tới mức gãy đốt sống cổ thứ tư, năm và sáu và bị mù mắt trái. Chịu đựng những chấn thương nguy hiểm đến tính mạng, cô đã bị liệt nửa người và qua đời 6 tháng sau đó, Minghui.org đưa tin.
Trong một trường hợp khác, cô Trương Yến (Zhang Yan), một giáo viên dạy nhạc cấp hai ở thành phố Miên Dương, tỉnh Tứ Xuyên, đã bị giam giữ tổng cộng 2,208 ngày trong các trung tâm giam giữ, nhà tù, trại lao động cưỡng bức và trung tâm tẩy não trước khi cô mất đi tính mạng ở tuổi 46 vào tháng 02/2020. Cô cũng là một học viên Pháp Luân Công.
Cô Trương đã giúp đỡ học sinh ngoài giờ học mà không lấy tiền và cô nhận được sự kính trọng và ngưỡng mộ của phụ huynh vì không nhận tiền đút lót. Tuy nhiên, Trung Cộng đã gán mác cho cô ấy, như họ đã làm với vô vàn những người khác, là “kẻ thù của nhà nước” vì đã từ chối từ bỏ đức tin.
Hơn nữa, hai câu chuyện kể trên của cô Triệu và cô Trương không phải là trường hợp cá biệt. Vào tháng 7 năm 1999, kể từ khi Trung Cộng bắt đầu cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công, chế độ cộng sản này đã ra lệnh cho các trường học ở tất cả các cấp, từ tiểu học đến đại học, phải công khai bôi nhọ môn tu luyện này.
Các hoạt động trong trường của những vị giáo viên và học sinh là học viên Pháp Luân Công đều được giám sát chặt chẽ. Các nhà chức trách thậm chí còn buộc họ xem các video tẩy não, bôi nhọ các nguyên tắc phổ quát Chân, Thiện và Nhẫn. Điều kỳ lạ là, Pháp Luân Công lại được thực hành tự do ở hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới.
Giáo viên trên toàn thế giới
Hoàn toàn ngược lại với Trung Quốc, giáo viên ở các quốc gia khác được tôn vinh vì họ là những bậc trí thức với đạo đức cao quý.
Erik Fehér, là một giáo viên mỹ thuật 39 tuổi tại một trường nghệ thuật ở Nitra, Slovakia, nói với The Epoch Times rằng điều quan trọng là phải vạch trần “cuộc đàn áp dai dẳng” đức tin ở Trung Quốc.
Thầy giáo Erik nói: “Không phải là chúng tôi không bị ảnh hưởng. Mọi thứ đều liên quan với nhau. Chúng tôi cũng là một đất nước đã từng bị chế độ cộng sản cai trị. Ở Trung Quốc, người dân bị bức hại, tra tấn, bỏ tù một cách tàn nhẫn và nội tạng của họ bị mổ cướp cho mục đích cấy ghép. Tất cả đều này là không đúng đắn.”
Anh Erik đã bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp được bốn năm. Anh cho biết bằng cách tu luyện tâm tính theo các nguyên lý cốt lõi là “Chân, Thiện” và “Nhẫn”, anh ấy đã trở nên vị tha hơn. “Tôi thấy việc giải quyết các tình huống mâu thuẫn sẽ dễ dàng hơn khi hạ bớt cái tôi xuống. Tôi đang trở thành một người bình tĩnh và ôn hòa hơn,” anh nói.
May mắn thay, có cơ hội sống trong một xã hội tự do, anh Erik cố gắng tác động tích cực đến quá trình dạy-học của mình bằng cách giúp học sinh trân trọng “bản chất của các giá trị đạo đức và tinh thần” và hiểu tầm quan trọng của việc tôn trọng quyền con người.
Trong khi đó, cách Trung Quốc không xa, một hiệu trưởng 51 tuổi và cán bộ giáo dục ở Ấn Độ, C.N. Pradeep Kumar, cho biết ông “may mắn được sinh ra ở một quốc gia dân chủ,” nơi ông có thể thực hành đức tin của mình mà không lo bị bức hại.
Với hơn hai thập niên kinh nghiệm trong giảng dạy, ông Pradeep khẳng định rằng giáo viên là “trụ cột chính” hỗ trợ tương lai của học sinh. Ông lên án cách chế độ cộng sản khai thác và tẩy não các học sinh vô tội để theo dõi các giáo viên có đức tin, và sau đó báo cáo về họ, khiến họ bị bắt giữ và đàn áp.
“Học sinh chưa đủ trưởng thành để quyết định xem môn tập này là tốt hay xấu. Các em học sinh có thể không hiểu được bộ mặt xảo trá của Trung Cộng,” ông Pradeep nói.
Ông cho biết cách chế độ cộng sản đang bức hại các giáo viên và nhà giáo dục vì thực hành “Chân, Thiện và Nhẫn” thật đáng kinh hãi. “Điều đó đang giết chết nhân tính,” ông nói.
Ông Pradeep, đến từ thị trấn Kolar ở bang Karnataka, miền nam Ấn Độ, tin tưởng mạnh mẽ rằng đức tin của ông đã khiến nghề giáo viên trở thành “một điều tuyệt vời.”
“Tôi có thể hiểu các yếu tố giáo dục như chương trình giảng dạy, sách giáo khoa, giáo trình và nhiều hoạt động khác liên hệ với việc dạy và học một cách rõ hơn bằng cách nhìn chúng từ góc độ đạo đức,” ông nói và nói thêm rằng nếu các giá trị đạo đức được giới thiệu cho trẻ em một cách đúng đắn và trong một môi trường thích hợp, chúng có thể dẫn đến những thay đổi tích cực về hành vi.
Trên mảnh đất Việt Nam, một giáo viên 50 tuổi ở thủ đô Hà Nội cất lên tiếng lòng đồng cảm với anh Erik và ông Pradeep.
Cô Vi Minh cho rằng sứ mệnh của giáo viên là dạy cho cho học sinh trí tuệ để phân biệt được đúng sai; một giáo viên có được tính cách hiền từ và thấu hiểu do thực hành đạo đức chân chính sẽ dạy dỗ học sinh một cách hiệu quả.
Cô nói: “Chân – Thiện – Nhẫn là tốt, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Thật buồn và thất vọng khi những giá trị đạo đức đó bị chà đạp.”
Với sự đóng góp của Arshdeep Sarao
Do Daksha Devnani thực hiện
Hồng Ân biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: