Cách Tối cao Pháp viện viết lại Hiến Pháp: 1937–1944 (Phần 1)
Phần I: Chính phủ nhỏ và đơn giản.
Hiến Pháp đã tạo ra một chính phủ liên bang nhỏ gọn, với quyền hành được giới hạn trong một số lĩnh vực xác định rõ ràng. Đó là một tổ chức tinh giản, được thiết kế để “bảo tồn các phước lành mà thần Tự Do ban tặng” và đem lại những điều tốt đẹp nhất cho con người.
Vậy làm thế nào mà bây giờ các cơ quan của liên bang lại chi phối gần như mọi khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta? Làm thế nào mà một chính phủ được thiết kế để bảo vệ tự do lại trở nên độc đoán và chuyên chế? Từ khi nào chính phủ bắt đầu khuyến khích các hành vi xấu, cả trong giới chức và trong nhân dân nói chung? Tại sao hàng năm lại có việc thâm hụt ngân sách, và tại sao những khoản thâm hụt đó ngày càng lớn hơn?
Những thay đổi lớn luôn có nhiều nguyên nhân. Loạt bài này tập trung vào một nguyên nhân trung tâm — mà nguyên nhân trung tâm đó có lẽ là: sự thoái thác trách nhiệm một cách có ý thức của một số thẩm phán Tối cao Pháp viện, chủ yếu trong khoảng thời gian từ những năm 1937 đến 1944.
Sự thay đổi diễn ra trong bối cảnh suy thoái kinh tế và chiến tranh thế giới. Nhưng Hoa Kỳ trước đây cũng đã trải qua những cuộc khủng hoảng tương tự mà không hề thay đổi hình thức chính phủ của mình. Lần này thì kết quả là khác hẳn, phần lớn là do Tối cao Pháp viện từ chối bảo vệ Hiến Pháp.
Như nhiều học giả đã công nhận, các thẩm phán không làm tròn bổn phận trách nhiệm của mình về căn bản đã để việc sửa đổi/tu chính Hiến Pháp không tuân theo các thủ tục sửa đổi. Ngoài chín thẩm phán, thì không còn ai khác bỏ phiếu cho sự thay đổi này. Điều đáng nói nhất là mọi người đã bỏ phiếu cho các ứng cử viên mà một số người trong số họ đã tìm kiếm sự thay đổi [Hiến Pháp]. Các cuộc khủng hoảng suy thoái kinh tế và chiến tranh thế giới có thể khiến người dân Mỹ ủng hộ một số thay đổi hiến pháp nếu họ được yêu cầu.
Nhưng chúng ta sẽ không bao giờ biết người dân Mỹ sẽ ủng hộ điều gì, bởi vì họ chưa bao giờ được hỏi.
Trong giai đoạn này, người dân Mỹ trở nên kém tự tin hơn đối với quyền tự quản của họ tại địa phương. Họ bị mất thu nhập và quyền tự do theo đuổi sinh kế của mình. Hàng ngàn người đã bị bỏ tù mà không có văn bản buộc tội hoặc xét xử bởi bồi thẩm đoàn, và ít nhất một người đã bị hành quyết bí mật.
Cuối cùng, tòa án bắt đầu sửa sai. Một số thẩm phán nhận ra rằng họ đã đi quá xa. Nhưng thiệt hại căn bản đã xảy ra: Phần lớn Hiến Pháp nguyên gốc đã bị mất và chưa bao giờ được phục hồi.
Loạt bài tiểu luận này giải thích điều đó đã xảy ra như thế nào.
Chính phủ Liên bang có Giới hạn ở nước Mỹ tự do
Cha tôi sinh năm 1911 và lớn lên trong khu ổ chuột ở Brooklyn, New York. Khi ông còn là thiếu niên trong những năm sau Đệ nhất Thế chiến, chính phủ liên bang lúc đó được ghi nhận giống như chính phủ liên bang sau khi Tuyên ngôn Nhân quyền được phê chuẩn vào năm 1791.
Vâng, tất nhiên là đã có một số thay đổi. Chế độ nô lệ không còn nữa, và các tu chính án thứ Mười Ba, Mười Bốn và Mười Lăm đã trao cho Quốc Hội quyền lực để bảo vệ các nhóm thiểu số. Tu chính án thứ Mười Sáu đã tạo cơ sở cho một loại thuế thu nhập nhỏ chỉ ảnh hưởng đến một số ít người. Tu chính án số Mười Bảy cho phép người dân bầu trực tiếp các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, và Tu chính án Mười Chín bảo đảm quyền bầu cử cho phụ nữ.
Nhưng như tôi đã chỉ ra trong các bài tiểu luận trước đây, những thay đổi này không có tác dụng mang tính cách mạng như một số người đã gán cho chúng. Cũng có Hệ thống Dự trữ Liên bang mới, nhưng đó chỉ là một ngân hàng quốc gia và chúng ta đã có các ngân hàng quốc gia kể từ khi thành lập nước cộng hòa.
Một thay đổi quan trọng hơn là liên quan đến [luật] Cấm [rượu] tại Tu chính án thứ Mười Tám. Vậy nên, cứ hai người đàn ông trong cộng đồng Do Thái của cha tôi thì một người trở thành “giáo sĩ Do Thái” – một cách hay để kiếm được rượu thánh. (Các cộng đồng tôn giáo khác cũng có những cách lách luật tương tự.) Nhưng luật Cấm này đã bị hủy bỏ và nhanh chóng biến mất.
Ở các khía cạnh khác, chính phủ liên bang vẫn như mọi khi: chính phủ sản xuất tiền tệ. Chính phủ điều hành bưu điện, văn phòng cấp bằng sáng chế, và quân đội. Nhưng đối với hầu hết người dân, hầu hết thời gian, họ không nhìn thấy và không cảm nhận thấy sự tồn tại của chính phủ ở đó.
Chi tiêu liên bang thời hòa bình đạt mức trung bình dưới 5% tổng sản phẩm quốc nội. Ngân sách thời hòa bình được cân đối hoặc là có thặng dư. Trường học và gần như tất cả các định chế khác được các địa phương và tiểu bang kiểm soát và tài trợ. Không có các chương trình phúc lợi hoặc quyền lợi liên bang khổng lồ. Nhưng người nghèo và người tàn tật không chết trên đường phố: Chính quyền tiểu bang và địa phương duy trì mạng lưới an toàn xã hội, được bổ sung thêm bởi mạng lưới các nhà thờ tôn giáo, tổ chức từ thiện tư nhân và các tổ chức xã hội cùng chung lợi ích.
Ngày nay, chúng ta nghe nhiều về những điều sai trái được áp đặt cho các nhóm thiểu số. Tuy nhiên, đối với hầu hết mọi người, hệ thống phi tập trung của Mỹ hoạt động rất hiệu quả. Phi tập trung có xu hướng thúc đẩy sự đổi mới, thịnh vượng và tăng trưởng. Quốc gia phi tập trung của chúng ta đã tận hưởng sự đổi mới, thịnh vượng và tăng trưởng mà chưa quốc gia nào từng có được. Đó là lý do tại sao rất nhiều người nhập cư — bao gồm cả bốn ông bà của tôi — đã rời quê hương để đến đây. Trở thành một bộ phận của dân tộc thiểu số ở Mỹ còn tốt hơn cuộc sống chủ lưu ở hầu hết những nơi khác.
Bảo vệ Chính phủ Liên bang có Giới hạn
Trong 140 năm đầu tiên sau khi thành lập Hoa Kỳ, hai định chế đã giúp giữ cho phạm vi của liên bang nhỏ và phạm vi của tự do cá nhân lớn. Định chế đầu tiên là Hiến Pháp Hoa Kỳ. Hiến Pháp giới hạn quyền hạn của liên bang trong những điều đã được liệt kê tại văn bản. Định chế thứ hai là Tối cao Pháp viện.
Các Nhà Sáng Lập Hoa Kỳ tôn trọng tính chuyên nghiệp và độc lập của cơ quan tư pháp Anh, và họ mong muốn các thẩm phán Hoa Kỳ đạt các tiêu chuẩn tương tự. Một công việc mà các thẩm phán Mỹ phải làm là xem xét lại [hệ thống] tư pháp — từ chối thực thi các quyết định của chính phủ vượt quá thẩm quyền hiến định.
Nguyên tắc phản biện tư pháp đã được thiết lập ở cấp tiểu bang trước khi Hiến Pháp ra đời. Những Nhà Sáng Lập Hiến Pháp giải thích rằng nó cũng được áp dụng ở cấp liên bang. Trong số họ có ông Alexander Hamilton (trong tờ “Người liên bang” số 16, 78 và 81) và một luật sư trẻ người Virginia tên là John Marshall, đã phát biểu tại đại hội phê chuẩn của tiểu bang anh ta.
Năm 1803, ông Marshall, lúc đó là chánh án [Tối cao Pháp viện], đã viết thư cho tòa [Madison] trong phiên tòa xử vụ Marbury kiện Madison, phiên tòa đã tuyên bố hủy bỏ một phần của luật liên bang là [quyết định] vi hiến. Mười sáu năm sau, ông Marshall lại viết thư cho tòa [Maryland], lần này là phiên tòa xử đồng thuận vụ McCulloch kiện Maryland:
“Nếu Quốc Hội, khi thực thi quyền hạn của mình, phê chuẩn các biện pháp mà hiến pháp cấm; hoặc Quốc Hội, với lý do thực thi quyền hạn của mình, phê chuẩn luật để thực hiện các điều không được ủy quyền cho chính phủ; thì điều đó trở thành nhiệm vụ khó khăn của tòa án này [Tối cao Pháp viện], nếu vụ việc đòi hỏi cần phải ra quyết định, thì nói rằng, hành vi như vậy không phải là [đúng] luật của đất nước này.”
Trong những năm sau đó [sau 1803], Tối cao Pháp viện đôi khi cũng mắc sai lầm. Nhưng sự can thiệp của Tối cao Pháp viện là thường xuyên và đủ thích hợp để giữ cho chính phủ liên bang nằm trong phạm vi giới hạn. Nhưng trong những năm 1930 và 1940, điều này đã bị thay đổi.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Robert G. Natelson là cựu giáo sư luật hiến pháp và là nhà sử học hiến pháp. Ông là chuyên gia cao cấp về Luật Hiến Pháp tại Viện Độc lập ở Denver. Ông là tác giả của “Bản Hiến Pháp Gốc: Những Gì Hiến Pháp Thực Sự Nói Lên Và Hàm Nghĩa” (xuất bản lần thứ 3, 2015).
Vui lòng đón xem Phần 2 “Các giai đoạn được thiết lập” trong loạt bài “Cách Tối cao Pháp viện viết lại Hiến Pháp”.
Minh Khanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: