Cách sống văn minh: Một số lời khuyên trong quá khứ và hiện tại
Cách sống văn minh.
Chúng ta không còn nghe nhiều về từ đó ngày nay. Từ điển trực tuyến của tôi định nghĩa văn minh có nghĩa là “hành vi hoặc lời nói lịch sự trang trọng và nhã nhặn.” Nghĩ ngợi về điều này, chúng ta không chỉ không nghe nhiều về văn minh mà chúng ta còn không thấy nhiều những hành vi nhã nhặn trang trọng từ phần lớn những người của công chúng hay thậm chí từ một số người chúng ta gặp hằng ngày.
Thay vào đó, “Làm những gì mình muốn” và “Hãy là chính mình” dường như là những khẩu hiệu của thời đại này.
Ví dụ, bạn hãy xem cách chúng ta sử dụng ngôn ngữ đời thường ra sao. Trong một số trường hợp nghiêm túc, vào lúc bắt đầu cuộc chuyện trò, chúng ta được gọi bằng tên (chứ không phải bằng họ theo như phép lịch sự). Bác sĩ hoặc nha sĩ thì gọi chúng ta là “Bob” hoặc “Sally”, mặc dù hầu hết chúng ta đều cẩn thận sử dụng kính ngữ “bác sĩ” mà gọi họ. Cách xưng hô này dù vô tình hay hữu ý thì đều đặt chúng ta vào vị thế kém quan trọng hơn.
Thậm chí tệ hơn là chúng ta thường xuyên có những lời nói khiếm nhã. Những cuộc trò chuyện thông thường, những bài phát biểu trước công chúng, những quyển sách, và những bản nhạc ráp đều khiến cha mẹ tôi và bạn bè của bà cảm thấy sửng sốt vì quá nhiều những từ ngữ loại này. Trong thời thơ ấu của tôi và thậm chí sau này tại trường trung học, tôi nhớ rằng chưa bao giờ nghe ai đó nói từ ngữ khiếm nhã.
Có rất nhiều ví dụ về những hành vi thiếu văn minh. Chúng ta có thể không cho rằng phục trang cũng là biểu hiện của văn minh, nhưng nhiều người ngày nay xuất hiện nơi công cộng trong bộ dạng mà nếu vào 60 năm trước đây sẽ khiến mẹ tôi và bạn bè của bà cảm thấy bàng hoàng. Rất nhiều hình xăm trên cơ thể, mái tóc nhuộm màu tím, những chiếc quần hở rốn, những bộ đồ ngủ pijama trong cửa hàng tạp hóa, và những chiếc áo phông thiếu đứng đắn, tất cả đều gửi ra những thông điệp rằng chúng ta có nền văn hóa cổ xúy cho việc mọi người tùy tiện làm những gì mình muốn. Và cuộc sống văn minh không phải là một phần của nền văn hóa đó.
Cho dù chuyện gì đã xảy ra, “hành vi hoặc lời nói lịch sự trang trọng và nhã nhặn” dường như bị bỏ quên. Tuy nhiên, tôi tự hỏi: Nếu chúng ta từ bỏ lễ nghi và phép lịch sự, chúng ta có đang hủy hoại một số thành tố sống còn trong đời sống nội tâm của chúng ta, hoặc thậm chí trong chính nền văn minh của chúng ta không?
Phong thái lịch thiệp
Khi chúng ta nghe những từ như phép lịch sự hoặc phong thái lịch thiệp, hầu hết chúng ta có lẽ sẽ nghĩ về những quy tắc được dạy từ thuở ấu thơ như: Đừng mở miệng khi nhai thức ăn, đặt khăn ăn trong lòng, nói xin vui lòng và cảm ơn, không ngắt lời người khác trong cuộc chuyện trò. Thực hành những quy tắc này là một số biểu hiện của hành vi văn minh, là dấu hiệu của những người có giáo dưỡng.
Mặc dù cách nhìn nhận về phong thái này khá ổn nhưng những hành vi được mô tả bên trên chỉ dừng lại ở ý nghĩa bề mặt của lối sống văn minh. Văn minh, thực ra chính là phẩm hạnh của một cá nhân. Chúng ta có thể biết cách dùng nĩa nào để ăn salad hoặc biết cách phù hợp để giới thiệu một người bạn với ông của mình, nhưng chúng ta lại đối xử thô lỗ hoặc khinh thường người khác. Nói cách khác, chúng ta có thể biết và thực hành các quy tắc về xã giao nhưng chúng ta thiếu mất nền tảng văn minh [nếu những hành vi đó không khởi nguồn từ chính phẩm hạnh của chúng ta.]
Phẩm hạnh của chúng ta
Trong phần giới thiệu về “Cách sống văn minh: 110 nguyên tắc hướng dẫn vị tổng thống đầu tiên của chúng ta trong thời chiến tranh và thời bình,” nhà báo và nhà sử học Richard Brookhiser đã giải thích cách mà tổng thống George Washington ngay từ khi còn là một cậu bé đã phát triển một danh sách các quy tắc – một số ông có được từ những nhà văn khác – hướng dẫn ông trong suốt cuộc đời, ít nhất là về mặt hành xử của ông như thế nào. Nhiều hướng dẫn trong số đó, ví dụ như “Đừng cười quá to hoặc quá nhiều tại bất kỳ sự kiện nào nơi công cộng,” khá cụ thể và nhắm vào hành vi bề ngoài hơn là các nguyên lý đạo đức.
Nhưng tác giả Brookhiser đã mô tả một cách thông tuệ rằng, “Những nguyên tắc này nhằm vun bồi đức hạnh của người đàn ông (hay cậu bé trai) thông qua việc rèn luyện những hành vi bề mặt … Vì thế mà những hành vi bề mặt gắn liền với nền tảng đức hạnh mới thực sự mang lại phong thái lịch thiệp của một con người có lối sống văn minh. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng, bạn không nên chỉ làm những gì bạn cảm thấy đúng, hoặc thực hiện chóng vánh ý tưởng đầu tiên phát sinh trong đầu bạn; thay vào đó, bạn nên luôn nghĩ đến người khác, và ghi nhớ rằng họ cũng có nhạy cảm và lòng tự tôn, rằng họ xứng đáng để được bạn tôn trọng.”
Ý tưởng hành vi bề mặt và phẩm hạnh quán xuyến lẫn nhau đã in sâu suốt quãng đời còn lại của Washington. Mặc dù đôi lúc ông có chút nóng nảy, nhưng hầu hết những người cùng thời với ông đều trân trọng sự điềm tĩnh và nhân phẩm tuyệt vời của ông. Tác giả Brookhiser dẫn chúng cho chúng ta một ví dụ về tầm ảnh hưởng của ngài tổng Thống đối với những người khác như sau: “Khi Ngài Washington tại vị Tổng thống được bảy năm, phu nhân của một nhà ngoại giao hải ngoại đã nhận xét rằng “ngài Tổng thống được giáo dưỡng tốt và rất am tường về phép tắc, kể cả nghi thức của một tòa án,” mặc dù làm thế nào mà Ngài có được điều đó, thì “chỉ có Thượng Đế mới biết được.”
Washington sở hữu đức tính này bởi vì ông luôn hướng đến ấn tượng về giáo dưỡng tốt và tuân thủ phép tắc xã giao trong suốt cuộc đời mình. Ông đã trở thành vị tổng thống được nhớ đến nhiều nhất vì tầm ảnh hưởng sâu rộng với những vị Tổ phụ lập quốc khác và phần nào có lẽ vì sự nhẫn chịu và đức tính trầm tĩnh của ông.
Cách sống văn minh
Quy tắc đầu tiên của Washington là nguyên lý về hành vi phù hợp: “Mỗi từng hành động trong cộng đồng cần được thực hiện với sự tôn trọng những người hiện diện.” Quy tắc cuối cùng của ông, số 110, có nội dung như sau: “Hoạt động để giữ cho tia sáng nhỏ bé của ngọn lửa thiên đường nơi lồng ngực của quý vị sống mãi được gọi là lương tâm.”
Cả hai quy tắc trên đều đưa chúng ta đến với văn minh, triết lý đằng sau những phép xã giao lịch sự.
Trong quyển sách “Chọn lựa cách sống văn minh: 25 cách tôn trọng mình và tôn trọng người khác,” giáo sư P.M. Forni của Đại học Johns Hopkins liệt kê quy tắc đầu tiên của ông là, “Hãy tập trung chú ý.”
Ở đây, tôi nghĩ, giáo sư Forni không chỉ đã tìm được chính xác câu trả lời mà còn hoàn thiện ý tưởng này. Trong thế giới quay cuồng như cơn gió lốc mà chúng ta đang sống, quan tâm đến người khác dường như là một đức tính đã bị quên lãng. Hàng ngày, chúng ta bị thói quen và những điều khiển tự động dẫn dắt, chúng ta hiếm khi nhìn thấy nhân viên cửa hàng, chúng ta hiếm khi nhìn thấy đồng nghiệp của mình, và thậm chí các thành viên gia đình, chúng ta chỉ chăm chăm vào các tiêu đề bài viết trên mạng internet, những vấn đề trong công việc, hay số tiền trong tài khoản ngân hàng đang bị giảm sút.
Dưới đây là lời nhắc nhở từ giáo sư Forni về việc chúng ta nên chú ý nhiều hơn đến những người xung quanh mình như thế nào:
“Tôi không chỉ đang nói chuyện với một đồng nghiệp nào đó mà tôi đang nói chuyện với chính đồng nghiệp này, người đã kể với tôi vài tuần trước rằng anh ấy đang bận tâm về sức khỏe của con mình và ngày càng trở nên lo lắng hơn trong vài ngày qua. Tôi sẽ ghi nhớ điều này khi chúng tôi lên kế hoạch làm việc nhóm vào tháng tới.”
Bạn quan tâm đến người khác bằng nhiều cách như nói chuyện với họ, cười cùng họ, và lắng nghe họ một cách chân thành. Những điều này chắc chắn là nền tảng của cách sống văn minh.
Một ví dụ nhỏ
Cách đây vài năm, một người đàn ông mà tôi biết đã kể về cuộc gặp gỡ với một người lái xe khác trên đoạn đường dốc dẫn vào đường cao tốc. Anh ấy đi vào đoạn đường dốc và thấy mình ở phía sau một người lái xe không tăng tốc lên trên 45 dặm một giờ. Anh không thô lỗ đến mức bóp còi, nhưng anh đã buông ra những lời thô tục, và khi họ đến đường cao tốc, anh đã nhấn ga và phóng nhanh qua chiếc xe đó. Khi ấy, anh liếc nhìn và thấy trong xe là một phụ nữ lớn tuổi trông rất giống mẹ của anh. Ngay lúc đó, anh ấy dừng lại câu chuyện của mình.
“Và chuyện gì đã xảy ra sau đó?” Tôi hỏi anh ấy.
“Tôi thấy mình như một kẻ ngốc,” anh ấy nói với vẻ mặt xấu hổ.
Ví dụ này dẫn chúng ta quay trở lại quy tắc cuối cùng của ngài Washington về sự tuyệt vời tiềm ẩn trong tâm hồn chúng ta được gọi là lương tâm.
Lối sống văn minh tỏa sáng
Ở phần cuối của cuốn sách “Chọn lựa cách sống văn minh”, giáo sư Forni viết: “Văn minh là gì nếu không phải là một nhận thức thường xuyên rằng không có cuộc gặp gỡ nào giữa con người mà không đem lại hệ quả? Văn minh là gì nếu chúng ta không chia sẻ với ý định tốt đẹp nhất trong mỗi chúng ta? Hãy chia sẻ một lần nữa và một lần nữa, hãy mang những tươi sáng cho ngày mới.”
Thượng đế biết rằng chúng ta cần sự tươi sáng đó cho ngày hôm nay.
Ông Jeff Minick có bốn người con và rất nhiều cháu đang ở tuổi lớn. Trong 20 năm, ông đã dạy lịch sử, văn học, và ngôn ngữ Latin cho các học sinh tại Asheville, Bắc Carolina. Ông là tác giả của hai cuốn tiểu thuyết có nhan đề “Amanda Bell” và “Dust On Their Wings,” và hai tác phẩm hiện thực có nhan đề “Learning As I Go” and “Movies Make The Man.” Hiện tại, ông sống và làm việc tại Front Royal, Virginia. Quý vị có thể theo dõi ông tại trang JeffMinick.com.