Cách một tỉnh ‘phản bội’ ở Thái Bình Dương đứng vững trước áp lực, hối lộ, vành đai và con đường của Bắc Kinh
Tháng 09/2019, hai quốc gia Thái Bình Dương—Quần đảo Solomon và Kiribati—đã quyết định từ bỏ công nhận Đài Loan về mặt ngoại giao để chuyển sang ủng hộ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc). Hành động này là bước đi mới nhất trong nỗ lực không ngừng của nhà cầm quyền Bắc Kinh nhằm loại bỏ địa vị quốc tế của Đài Loan.
Đứng trước quyết định của chính phủ quốc gia Quần đảo Solomon, ông Daniel Suidani, người đứng đầu khu vực đông dân nhất của Quần đảo, thuộc tỉnh Malaita, vẫn tiếp tục giữ vững lập trường ủng hộ Đài Loan, bất chấp áp lực từ các đồng sự liên bang và từ Bắc Kinh.
“Những gì chúng tôi đã chứng kiến khi các nước khác trong khu vực dính dáng đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là mới đầu mọi thứ trông có vẻ khá ổn, nhưng rốt cuộc thì các quốc gia này cuối cùng lại gặp khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến giao dịch với Trung Quốc,” ông nói với tờ The Australian.
“Về phía Malaita, chúng tôi không muốn có bất kỳ sự trợ giúp nào từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, vì chúng tôi không muốn có bất kỳ sự bó buộc nào lên nền độc lập của chúng tôi.”
Sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử cấp tỉnh vào tháng 06/2019, ông Suidani cho biết các đặc vụ đại diện cho Bắc Kinh đã tiếp cận và đề nghị chi cho ông 1 triệu SBD (125,200USD) để chuyển từ [bang giao với] Đài Loan sang trung thành với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Ông nói: “Tôi nhận được lời đề nghị này qua điện thoại, và họ cho tôi biết họ đang ở đâu và nói rằng họ muốn gặp tôi để thảo luận về điều đó. Tôi biết mình cần phải giữ lập trường mạnh mẽ trước một lời đề nghị như vậy, và tôi đã lái xe đến chỗ của họ để có thể nói với họ rằng tôi không chấp nhận [điều đó].”
“Khi tôi đến nơi, tôi đã quyết định rằng ngay cả việc tôi đi tới đó và gặp họ cũng không đúng. [Vì vậy,] tôi đã gọi điện và nói rằng tôi không bán mình và họ nên giữ lấy tiền của họ.”
Ông Suidani cho biết ông không thể bình luận về việc liệu các chính trị gia khác có nhận được lời đề nghị hối lộ hay không, nhưng nếu Bắc Kinh sẵn sàng tiếp cận ông, thì có khả năng các nhà lãnh đạo khác cũng đang được đề nghị như vậy. Ông tin rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có thể đã giúp tài trợ cho các chiến dịch bầu cử của các nghị sĩ, điều này có thể đã thúc đẩy Nghị viện quốc gia quyết định chuyển đổi việc công nhận ngoại giao.
Viễn cảnh Bắc Kinh can thiệp vào nền dân chủ của Quần đảo Solomon không làm ông Suidani nhụt chí trong việc phản kháng.
Chỉ một tháng sau khi vụ việc chuyển hướng ngoại giao xảy ra, với sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo cùng phe, ông Suidani đã đưa ra thông cáo Auki (Auki Communique), bác bỏ hệ tư tưởng của Trung Cộng cùng Sáng kiến Vành đai và Con đường của đảng này.
“Chúng ta hãy tự nhắc nhở bản thân rằng Trung Quốc hay Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không phải là một quốc gia bình thường như nhiều quốc gia khác trên thế giới. Họ có một tham vọng toàn cầu nhằm thống trị thế giới,” ông nói trước đám đông tại hội nghị cấp tỉnh.
“Chẳng hạn, Trung Quốc toàn diện nhắm mục tiêu vào các quốc gia nghèo khổ như Quần đảo Solomon vốn không thể trả nợ và các khoản vay của họ. Trung Quốc đã tịch thu các phần hoặc toàn bộ cảng biển từ các quốc gia không có khả năng trả nợ.”
Hồi tháng 06/2020, trong đợt bùng phát đầu tiên của COVID-19, ông Suidani đã tìm đến Đài Loan để được hỗ trợ trong việc ứng phó với đại dịch.
Hành động này đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ Bộ trưởng Ngoại giao Quần đảo Solomon và Đại sứ quán Trung Quốc tại địa phương này, đặc biệt vì đã gọi Đài Loan là Trung Hoa Dân Quốc, ngụ ý rằng hòn đảo này là một nhà nước tự trị tách biệt với Bắc Kinh.
“Tuyên bố mang tính chia rẽ như vậy từ một tỉnh trưởng cấp tỉnh đe dọa đến tính thống nhất của đất nước vào thời điểm mà chúng ta cần hợp tác để ngăn chặn COVID-19 xâm nhập vào biên giới của chúng ta và không chính trị hóa virus,” Bộ trưởng Ngoại giao Solomon Jeremiah Manele cho biết trong một tuyên bố.
Phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc đã hồi âm bằng tuyên bố: “Các tuyên bố và hành động của lãnh đạo tỉnh Malaita là bất hợp pháp, không phù hợp và hoàn toàn sai trái. Điều đó vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc và làm tổn thương đến tình cảm dân tộc của người dân Trung Quốc.”
Vài ngày sau, ông Suidani nói với tờ The Australian rằng chính phủ liên bang đã bắt giữ một lô hàng vật tư y tế từ Đài Loan, gọi đó là “hành động thách thức.”
Với việc Quần đảo Solomon và Kiribati lựa chọn liên kết với Bắc Kinh, các quốc đảo Nam Thái Bình Dương còn giữ mối bang giao với Đài Loan là Tuvalu, Nauru, Marshall Islands và Palau.
Các nỗ lực nhằm cô lập Đài Loan trên trường ngoại giao thế giới diễn ra khi Bắc Kinh tiếp tục thúc đẩy quyền lực mềm nhắm vào khu vực này thông qua tuyên truyền, viện trợ nước ngoài và đầu tư cơ sở hạ tầng theo Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).
BRI là chương trình tài trợ cơ sở hạ tầng toàn cầu trị giá hàng nghìn tỷ USD của Bắc Kinh, đã bị chỉ trích vì khiến các nước đang phát triển ngập trong nợ nần.
Chính phủ Hoa Kỳ và Úc đã đáp lại những nỗ lực của Bắc Kinh ở Thái Bình Dương bằng các sáng kiến đối phó của riêng họ.
Ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp (Joseph Wu) đã cảnh báo rằng vượt xa việc viện trợ nước ngoài và quan hệ ngoại giao, cuối cùng thì Bắc Kinh có thể quân sự hóa Nam Thái Bình Dương, biến nơi này thành “một Biển Đông khác.”
“Chúng tôi đã thấy các báo cáo cho thấy Trung Quốc quan tâm đến việc mở lại trạm radar ở Kiribati và xây dựng một căn cứ hải quân ở Tỉnh phía Tây của Quần đảo Solomon,” ông Ngô nói trong sự kiện Đối thoại Quần đảo Thái Bình Dương năm 2019.
“Tôi chắc chắn không muốn thấy Thái Bình Dương biến thành một Biển Đông khác, khi một ngày nào đó, tất cả chúng ta đều thở dài nói rằng đã quá muộn để làm bất cứ điều gì.”
Do Daniel Y. Teng thực hiện
Hạo Văn biên dịch
Xem thêm: