Cách mạng Văn hóa Trung Quốc 2.0: Người Mỹ có nên lo lắng?
Nhà cầm quyền Trung Quốc đang bận rộn biến “ba ngọn núi lớn” – y tế, giáo dục và tài sản – thành những đụn đất trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, vấn đề là “tại sao?”
Tất cả là để kiểm soát. Ở Trung Quốc, có tồn tại một hệ thống phân biệt đẳng cấp không khoan nhượng. Ở trên đỉnh là giới tinh hoa ở Bắc Kinh. Những ai quên mất vị trí của mình trong xã hội, thì họ sẽ nhanh chóng được nhắc nhở. Nếu còn nghi ngờ, thì hãy hỏi ông Jack Ma, người sáng lập Alibaba, người đã tự cô lập mình một cách đáng ngờ và quyết định có hứng thú với hội hoạ sau khi chỉ trích những người nắm quyền.
Liệu thay đổi kích thước của cái gọi là “những ngọn núi” có tác động tích cực hay tiêu cực đối với Trung Quốc? Thực ra, chúng ta sẽ không biết câu trả lời cho câu hỏi đó trong một thời gian khá dài. Tuy nhiên, ý định của Bắc Kinh là rõ ràng. Giả sử cuộc tấn công dữ dội hiện tại là một thành công và Trung Quốc thậm chí còn trở nên mạnh hơn, thì điều này có ý nghĩa gì đối với Hoa Kỳ, đối thủ lớn nhất của Trung Quốc? Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, 91% người Mỹ coi Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là mối đe dọa trực tiếp đối với xã hội. Trong một cuộc thăm dò của Gallup, 45% người Mỹ coi Trung Quốc là “kẻ thù lớn nhất” của Hoa Kỳ. Điều quan trọng cần lưu ý là cả hai cuộc thăm dò này đều được tiến hành trước khi một quan chức y tế Trung Quốc tuyên bố trong một cuộc họp báo hồi tháng Bảy rằng Bắc Kinh từ chối hợp tác với các cuộc điều tra thêm nữa về nguồn gốc của COVID-19.
Với những ai không coi Bắc Kinh là mối đe dọa đối với người Mỹ, vui lòng cân nhắc điều sau đây: ĐCSTQ đã đánh cắp dữ liệu cá nhân của 80% người Mỹ trưởng thành; gọi Trung Quốc là một mối đe dọa vẫn còn quá nhẹ.
Nói thẳng ra, ĐCSTQ không phải là bằng hữu của nước Mỹ. Bằng hữu không ăn cắp của nhau. Phải rồi, Trung Cộng là một đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Để cạnh tranh với địch thủ này, trước tiên Hoa Kỳ phải giải quyết các vấn đề của chính mình đã.
‘Chuyển đổi sâu sắc’
Theo nhà văn người Hồng Kông Timothy McLaughlin, việc Hoa Kỳ rút quân khỏi Afghanistan đã mang lại cho những người ở Bắc Kinh “một cơ hội ăn mừng đúng lúc.” ĐCSTQ đang cảm thấy được khích lệ. Trong một bài bình luận khá cực đoan trên tờ Nhân dân Nhật báo phiên bản điện tử, cơ quan ngôn luận của Bắc Kinh, tác giả này kêu gọi một “sự chuyển đổi sâu sắc.” Với cuộc Cách mạng Văn hóa 2.0 này, Hoa Kỳ rõ ràng là đối tượng trong tầm ngắm của Trung Cộng. Trên con đường “thịnh vượng chung” này, giữa một loạt các cuộc trấn áp gần đây, Trung Quốc đang trải qua những thay đổi lớn. Theo tác giả này, “sự chuyển đổi sâu sắc” này thực chất là một cuộc cách mạng. Cách đây 55 năm, Trung Quốc đã trải nghiệm cuộc Cách mạng Văn hóa đầu tiên. Mặc dù những ảnh hưởng của cuộc cách mạng này thực sự sâu sắc, chưa kể đến những sang chấn, nhưng Trung Quốc hoàn toàn không có tầm ảnh hưởng quốc tế. Những thay đổi đó chủ yếu là ở trong nước. Tuy nhiên, với cuộc cách mạng gần đây nhất, thái độ của công chúng không thể khác hơn. Những gì xảy ra ở Trung Quốc không chỉ ở lại Trung Quốc. Một cuộc cách mạng trong nước sẽ trở thành một cuộc cách mạng ở ngoại quốc. Khắp thế giới sẽ cảm nhận được những hiệu ứng gợn sóng này.
‘Thịnh vượng chung’ so với ‘Lẽ thường’
Khi ông Tập Cận Bình thúc đẩy ý tưởng về “thịnh vượng chung,” thì có lẽ đã đến lúc Hoa Kỳ nên thúc đẩy ý tưởng về “lẽ thường.” Tác giả Anne Applebaum cảnh báo rằng ngày nay, ở Hoa Kỳ, “có thể bắt gặp những người đã mất tất cả – công việc, tiền bạc, bạn bè, đồng nghiệp – mặc dù chẳng vi phạm pháp luật nào và có những người cũng chẳng vi phạm nội quy công sở.” Tất nhiên, bà đang nói về “văn hóa xóa sổ,” Theo bà Applebaum, những người thấy mình “bị xóa sổ”, “đã phá vỡ (hoặc bị buộc tội là đã phá vỡ) các quy tắc xã hội liên quan đến sắc tộc, giới tính, hành vi cá nhân hoặc thậm chí là sự hài hước có thể chấp nhận được, những điều mà cách đây 5 năm hay 5 tháng trước có thể không tồn tại.” Mặc dù một số “đã phạm phải những sai lầm nghiêm trọng khi phán xét,” những người còn lại hoàn toàn chẳng làm gì cả. Trong thời đại chuyên chế này, sự đa dạng đã bị loại bỏ.
Loại chủ nghĩa thuần túy này được tạo ra từ đâu? Từ các trường học trên toàn quốc. Gần đây, một giáo viên ủng hộ Antifa ở California đã khoe khoang về mong muốn biến học sinh của mình thành “những nhà cách mạng”. Ông Gabriel Gipe, giáo viên được đề cập tới, đã thừa nhận rằng ông sẽ cộng thêm điểm cho những sinh viên sẵn sàng tham gia các cuộc biểu tình do các nhóm như Đảng vì Chủ nghĩa Xã hội và Giải phóng tổ chức. Hình thức chủ nghĩa thuần túy mà bà Applebaum nói đến đang được những người như ông Gipe nuôi dưỡng, và ông ta không đơn độc. Hôm 30/06, như ông Christopher F. Rufo đã báo cáo, Hiệp hội Giáo dục Quốc gia, hiệp hội giáo viên lớn nhất trong nước, đã thông qua một kế hoạch giảng dạy thuyết sắc tộc trọng yếu (CRT) ở tất cả các tiểu bang. Thông qua việc xúc tiến nội dung đáng ngờ như vậy, thì người ta đang tạo ra loại xã hội nào? Chính là loại xã hội phục vụ cho chính những người mà bà Applebaum bàn đến trong tác phẩm của bà.
Giờ đây, người Mỹ rất nghi ngờ lẫn nhau. Với những cuộc chiến văn hóa hiện nay đang ngày càng căng thẳng và ý tưởng về “công lý đám đông” đang ngày càng chiếm ưu thế hơn, thì mọi thứ sẽ trở nên tốt hơn hay tồi tệ đi? Tôi sẽ để quý vị quyết định. Hoa Kỳ, quốc gia duy nhất có khả năng đối mặt với Trung Quốc, thì lại đang bị xé nát từ bên trong.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Huệ Giao biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: