‘Cách mạng Văn hóa’ của nước Mỹ đang diễn ra
Hạ viện Tiểu bang California gần đây đã thông qua một dự luật quy định một học kỳ bắt buộc dành cho khóa học về sắc tộc là yêu cầu tốt nghiệp cho tất cả học sinh trung học. Nhiều cư dân California—và một lượng lớn người Mỹ gốc Hoa—đã tổ chức các cuộc mít tinh biểu tình để tẩy chay đề xướng của cơ quan lập pháp tiểu bang này, vì e sợ các lý thuyết kiểu Cách mạng Văn hóa Cộng sản sẽ được áp dụng trong trường học. Một số phụ huynh đang vận động phản đối việc giảng dạy thuyết sắc tộc trọng yếu cho con em của họ.
Trong các cuộc biểu tình phản đối dự luật trên, các biểu ngữ có nội dung “Ngừng Giáo dục Hận thù” và “Phản đối Cách mạng Văn hóa Cộng sản ở California.”
Tuy nhiên, đề xướng trên đã chính thức được thông qua vào cuối tháng Năm theo sự dẫn dắt của ông Jose Medina, Dân biểu thuộc Đảng Dân Chủ của Quận 61 của tiểu bang California đồng thời là chủ tịch Ủy ban Giáo dục Đại học.
Dự luật này có tên là Dự luật Hạ viện 101, hay AB101. Nó đưa Chương trình Giảng dạy Mô hình Nghiên cứu Sắc tộc mới của California trở thành yêu cầu tốt nghiệp cho tất cả học sinh trung học. Một dự luật tương tự đã được Ban Quản trị của Đại học Tiểu bang California thông qua hồi hè năm ngoái, trong đó yêu cầu tất cả sinh viên phải tham gia khóa học về nghiên cứu sắc tộc hoặc một khóa học về công bằng xã hội để được tốt nghiệp.
Các khóa học này dạy cho sinh viên lý thuyết rằng phân biệt chủng tộc có hệ thống tồn tại ở Hoa Kỳ, và tất cả người da trắng được ban cho các đặc quyền và đóng vai trò là những kẻ áp bức, trong khi người da màu là các nạn nhân. Chủ nghĩa tập thể là tốt còn chủ nghĩa tư bản thì phải chịu trách nhiệm cho các thể chế phân biệt chủng tộc.
Vấn đề của tôi với thuyết sắc tộc trọng yếu là cách nó ám ảnh về việc dạy học sinh tự phân loại mình và bảo các em rằng sự phân loại này xác định phần lớn vai trò của chúng trong cuộc sống.
Tờ The New York Post từng có bài đưa tin về những sự việc tương tự diễn ra trong hệ thống giáo dục New York.
Bài báo đó mô tả chi tiết về tài liệu giảng dạy do một phó giáo sư thuộc khoa nghiên cứu người Mỹ gốc Phi tại Đại học Northwestern ở Illinois soạn ra. Chương trình giảng dạy này cho phép học sinh làm bài tự kiểm tra về “đặc quyền của người da trắng.” Hiệu trưởng của một trường công lập ở thành phố New York đã yêu cầu các học sinh và phụ huynh da trắng nhận tài liệu phát tay này và tự suy ngẫm về bản thân.
Tài liệu này phân chia người da trắng thành tám đặc tính, và thậm chí còn đi kèm với một biểu đồ xếp hạng những đặc tính này trên một thang màu từ đỏ đến xanh lục. Màu đỏ là người da trắng xấu và màu xanh lục là người da trắng tốt.
“White Supremacists” (Người da trắng Thượng đẳng) có màu đỏ tươi trên biểu đồ này và được coi là nhóm [người] tệ hại nhất trong danh sách để duy trì một xã hội, thay vào đó [họ] ủng hộ một xã hội mà theo đó “bảo tồn, định rõ, và coi trọng tính ưu việt của người da trắng.”
Đặc tính xấu nhất thứ hai là “White Voyeurism” (Người da trắng Chiếm đoạt), được định nghĩa là người “sẽ không thách thức một người da trắng thượng đẳng, mong muốn không phải là người da trắng vì điều này thú vị,” và chiếm đoạt văn hóa da đen “mà không phải chịu gánh nặng của người da đen.”
Cấp độ tiếp theo là “White Privilege” (Người da trắng Có đặc quyền). Những người da trắng này có thể chỉ trích về sự thượng đẳng của người da trắng, nhưng vẫn ủng hộ luật lệ của người da trắng.
Tiếp đến là những người “White Benefit” (Người da trắng Được hưởng lợi), những người chỉ cảm thấy tội cho người da màu một cách thầm kín nhưng lại không công khai nói về các vấn đề sắc tộc thiểu số.
Thứ năm là “White Confessionals” (Người da trắng Xưng tội), những người tìm kiếm sự công nhận từ người da màu và phơi bày tính da trắng (whiteness) trong một hạn độ nhỏ.
Tiếp theo, “White Critical” (Người da trắng Chỉ trích Da trắng) là nhãn mác dành cho những ai cống hiến cho việc vạch trần “chế độ da trắng.”
Loại thứ bảy là “White Traitor” (Kẻ phản bội Da trắng), những người tích cực “lật đổ quyền lực của người da trắng và nói ra sự thật bằng bất cứ giá nào.”
Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, là “White Abolitionists” (Người da trắng Bãi bỏ Chủ nghĩa Da trắng). Loại này được xếp hạng là đặc tính da trắng tốt nhất dành cho những ai có mục đích loại bỏ tính da trắng và từ chối cho phép tính da trắng này tái thể hiện ra.
Ngoài khóa học về sắc tộc, California còn có các khóa học về các vấn đề xã hội nói chung. Họ yêu cầu học sinh phải hiểu cấu trúc quyền lực, các hình thức áp bức, chế độ phụ hệ, sự kỳ thị dân bản địa, chứng sợ Hồi giáo, chứng sợ người chuyển giới, và các vấn đề LGBTQ.
Chính trị bản sắc ở nước Trung Quốc Cộng sản
Những hoạt động này phản ánh hệ tư tưởng cộng sản. Một mục tiêu của chủ nghĩa cộng sản là lật đổ hệ thống hiện hành bằng cách sử dụng tất cả các biện pháp khả thi để chia rẽ xã hội dựa trên những bản sắc xã hội, những phân loại đặc quyền, và để thiết lập một nền văn hóa thù hận nhằm tất yếu làm tan rã xã hội.
Cả chủ nghĩa Lenin và chủ nghĩa Mao đều từng sử dụng những biện pháp tương tự. Điểm khác biệt lớn nhất là họ đã sử dụng các biện pháp bạo lực cách mạng để trực tiếp tàn sát những người phản cách mạng khác nhau. Tuy nhiên, trong suốt thời kỳ cách mạng ở đất nước họ và để duy trì quyền lực, họ đã tìm cách chia rẽ xã hội nhiều nhất có thể.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) đã chiếm đoạt quyền lực ở Trung Quốc đại lục vào năm 1949. Các hoạt động của họ phản chiếu mối bận tâm của phe cánh tả Hoa Kỳ trong việc phân loại rõ ràng danh tính và đặc quyền. Mọi người dân ở Trung Quốc đại lục phải khai báo gốc gác, tổ tiên của họ, và họ giàu hay nghèo trong 49 năm trước đó.
Vào thời điểm đó, sự phân chia là đơn giản hơn vì chỉ có một số hạng người, chẳng hạn như công nhân, tư bản, địa chủ, phú nông, bần nông, trung nông, thợ thủ công thành thị, và thương gia. Càng về sau, sự phân loại danh tính này càng ngày càng trở nên chi tiết hơn, và đương nhiên, ngày càng có nhiều loại hơn, cho đến cuối cùng đã có cả mã khai sinh chứa gốc gác gia đình.
Cha của một người bạn của tôi có một câu chuyện về danh tính trong thời kỳ cao trào của Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc. Một ngày nọ, một người bạn và ông ấy đang dọn dẹp thì người bạn đó vô tình làm vỡ bức tượng thạch cao của Mao Trạch Đông trên mặt đất. Trong nỗi sợ hãi, ông ta đã run lên vì hoảng sợ và gần như bất tỉnh nhân sự. Cha của bạn tôi đã nhanh chóng trấn an ông ấy và nói, “Đừng sợ. Nếu ai hỏi, thì cứ nói rằng tôi vô tình làm đổ nó chứ không phải là cậu.”
Sự khác biệt duy nhất giữa hai người bạn này là gốc gác và danh tính của họ. Cha của bạn tôi sinh ra trong một gia đình bần nông, còn bạn của ông ấy thì sinh ra trong một gia đình địa chủ. Ở nước Trung Quốc cộng sản, một địa chủ mắc lỗi tương tự liền khiến anh ta trở thành một phần tử phản cách mạng, trong khi một người nông dân nghèo thì sẽ vẫn vô tội.
Khi tôi kể câu chuyện này cho mọi người sau thời Cách mạng Văn hóa, thì hầu hết họ đều thấy nó vô lý và bật cười vì sự ngớ ngẩn. Tôi chưa bao giờ từng nghĩ rằng nó lại trở nên có liên quan đến vậy ở Hoa Kỳ gần 50 năm sau.
Những người Mỹ gốc Hoa đa nghi
Nhiều người trong số những người biểu tình phản đối dự luật về khóa học sắc tộc ở California là người Trung Quốc. Đối với những người Hoa đến từ Trung Quốc đại lục hay Hồng Kông hoặc Đài Loan, thì mùi tanh hôi của những thuyết nhận dạng này sẽ bị phát giác ngay lập tức vì tất cả đều quá quen thuộc.
Tại cuộc biểu tình ở California, phụ huynh Kelson Sun đã nói chuyện với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times. Ông tin rằng việc phân chia mọi người theo màu da và ủng hộ phân biệt chủng tộc đang thực sự mở đường cho việc hiện thực hóa phân biệt chủng tộc. Do đó, việc giảng dạy nội dung của các khóa học về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc trong trường học là đang thực thi một kiểu giáo dục thù hận có hệ thống. Ông nói vấn đề then chốt là giáo dục kiểu này chủ yếu là nhằm để kích động thù hận.
“Cho dù đó là sự chia rẽ chủng tộc hay là những sự chia rẽ khác, nó đều đang kích động thù hận. Trong lịch sử nhân loại, dù là ở Trung Quốc đại lục, Miến Điện, hay ở Campuchia, chúng ta đều có thể thấy rõ hành động giết người là do giáo dục thù hận gây ra. Tôi tin rằng bất cứ ai duy trì nền tảng của Hoa Kỳ đều không nên thông qua một đề xướng như vậy,” ông cho biết.
“Nếu có những người Mỹ vẫn không biết [về những hậu quả tà ác này], tôi đề nghị các vị hãy đến Đài tưởng niệm Khmer Đỏ và xem những đống xương. Thử nghĩ xem tại sao những người đó lại bắn đồng bào của họ? Đó là bởi vì trong tâm họ có hận thù. Sự thù ghét. Nó từ đâu mà đến? Chẳng phải là nó được truyền bá hay sao? Nếu quý vị không đồng tình với kiểu thù hận này, thì quý vị sẽ không thể tốt nghiệp hoặc tìm được việc làm. Chúng tôi không muốn con em mình rơi vào tình cảnh này.”
Một phụ huynh khác, ông Li, nói với The Epoch Times ấn bản Hoa ngữ rằng thuyết này chia Hoa Kỳ thành hai giai cấp: “những người bị áp bức” và “những kẻ áp bức.” Theo thuyết này, người da trắng được xếp vào giai cấp “áp bức,” trong khi những người da màu khác được xếp vào giai cấp “bị áp bức.” Người Á châu đã trở thành một giai cấp tựa như là áp bức” gồm những “kẻ gần gũi với Người da trắng.”
“Đây thuần túy là một cuộc tấn công thù hận lên người Á Châu,” ông nói.
“Chúng tôi đến Hoa Kỳ để theo đuổi tự do và nhân quyền, và để theo đuổi một cuộc sống tốt đẹp hơn. Chúng tôi hy vọng rằng thế hệ tiếp theo sẽ lớn lên với tất cả các quyền tự do, thay vì bị tẩy não và bị coi như là những Hồng vệ binh của Cách mạng Văn hóa Trung Quốc, tràn đầy thù hận đối với xã hội của chúng ta.”
Tôi đồng ý với các quan điểm của những bậc phụ huynh người Trung Quốc này.
Tiền đề của thuyết sắc tộc trọng yếu là một sự thật mà không cần phải được chứng minh: Hoa Kỳ là một quốc gia phân biệt chủng tộc và áp bức.
Hoa Kỳ thực sự có các vấn đề về chủng tộc, chỉ giống như tất cả các quốc gia khác. Mọi chủng tộc trên thế giới này, dù là da trắng hay da đen hay da vàng; và mọi quốc gia của người da trắng, người Á Châu, hay người da đen đều đã có sự phân biệt đối xử về văn hóa hoặc chủng tộc. Quý vị không thể chỉ đem những vấn đề này ra và gán một cái nhãn cho chúng là do hệ thống hoặc thể chế thay vì do những khiếm khuyết về bản chất của loài người.
Điều mà chúng ta cần cảnh giác nhất là một số người đang lợi dụng bản sắc kinh tế, chủng tộc, giới tính, và giai cấp để chia rẽ xã hội Hoa Kỳ và tạo ra sự hận thù. Con đường dẫn đến địa ngục được lát bằng những mục đích tốt đẹp, và sự chia rẽ xã hội có thiện chí của ngày hôm nay là không có khác biệt.
Ông Alexander Liao là một nhà bình luận và nhà báo nghiên cứu về các vấn đề quốc tế ở Hoa Kỳ, Trung Quốc, và Đông Nam Á. Ông đã xuất bản một số lượng lớn các bài báo, bài bình luận, và các chương trình video trên các tờ báo và các tạp chí tài chính Hoa ngữ ở Hoa Kỳ và Hồng Kông.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Alexander Liao thực hiện
Minh Ngọc biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: