Các vụ vỡ nợ trong ngành bất động sản Trung Quốc trở nên trầm trọng hơn giữa bộn bề của Evergrande
Lo lắng ngày càng tăng về các vụ vỡ nợ tại các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đã kích hoạt sự sụt giảm hỗn loạn tại các cổ phiếu và trái phiếu của ngành này vào thứ Ba (05/10) với việc hạ bậc xếp hạng tín dụng mới và sự không chắc chắn về số phận của Tập đoàn Evergrande Trung Quốc đang thiếu tiền mặt đã đánh gục tâm lý nhà đầu tư.
Từng là nhà phát triển bán chạy nhất Trung Quốc, Evergrande đang phải đối mặt với một trong những đợt tái cấu trúc nợ lớn nhất từ trước đến nay của quốc gia này khi phải vật lộn với khoản nợ hơn 300 tỷ USD, bao gồm gần 20 tỷ USD nợ ngoại quốc.
Tháng trước, công ty đã không thực hiện thanh toán được lãi trái phiếu đối với hai đợt trái phiếu USD và đang tranh giành để bán tài sản để trả cho các chủ nợ, ưu tiên trả nợ cho những người cho vay trong nước trong vài tuần qua.
Sự sụp đổ có thể xảy ra của một trong những khách hàng vay lớn nhất của Trung Quốc đã gây ra những lo lắng về rủi ro lan truyền đối với lĩnh vực bất động sản ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, khi các công ty có nợ nần trong ngành này bị hạ xếp hạng tín nhiệm trong bối cảnh các vụ vỡ nợ sắp xảy ra.
Trái phiếu và cổ phiếu bất động sản của Trung Quốc chịu áp lực bán nặng nề, một ngày sau khi công ty xây dựng nhà ở Trung Quốc Fantasia Holdings cho biết họ đã không thanh toán được khoản nợ thị trường quốc tế trị giá 206 triệu USD đúng hạn.
Điều đó kéo theo các tổ chức xếp hạng tín nhiệm hạ bậc công ty này, với lý do triển vọng phục hồi yếu đối với các trái chủ sau khi vỡ nợ cũng như lo ngại về việc công bố thông tin và thực tiễn quản trị của công ty.
Trong một tuyên bố, nhà phát triển bất động sản này nói rằng họ sẽ đánh giá tác động tiềm tàng của việc không thanh toán đối với điều kiện tài chính của tập đoàn. Họ đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters về việc hạ cấp xếp hạng.
Nhà phát triển Sinic Holdings cũng bị hạ xếp hạng vào hôm thứ Ba (05/10) sau khi thông báo rằng một số công ty con đã không thực hiện được việc thanh toán lãi suất cho các thỏa thuận tài chính trong nước.
S&P Global Ratings đã hạ xếp hạng đối với Sinic, nói rằng họ đã gặp phải “vấn đề thanh khoản nghiêm trọng và khả năng trả nợ gần như đã cạn kiệt.”
Hãng xếp hạng tín nhiệm này cho biết công ty có khả năng vỡ nợ đối với các thương phiếu trị giá 246 triệu USD đến hạn hôm 18/10.
Sinic từ chối bình luận về việc hạ xếp hạng tín nhiệm.
Ông Thomas Kwok, người đứng đầu bộ phận kinh doanh cổ phần của công ty môi giới CHIEF Securities tại Hong Kong cho biết: “Kể từ sau cuộc khủng hoảng Evergrande, các nhà đầu tư trở nên lo lắng và tập trung hơn vào khả năng trả nợ của nhà phát triển Trung Quốc.”
Ông nói, các vấn đề về thanh khoản đã gia tăng do nhiều chủ đầu tư không thể phát hành nợ mới để tái cấp vốn và do khả năng huy động tiền mặt từ việc bán bất động sản của họ giảm do các quy định mới.
“Đây sẽ là một vòng luẩn quẩn đối với các nhà phát triển bất động sản không đủ mạnh, vì không có đủ thanh khoản trên thị trường cho tất cả mọi người.”
Tác động tới thị trường
Việc hạ bậc xếp hạng tín nhiệm và khả năng vỡ nợ trong thời gian ngắn đối với các nghĩa vụ nợ ngoại quốc sẽ dồn áp lực lên các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc để tiếp cận nguồn vốn mới để hoàn trả các khoản nợ trị giá gần 300 tỷ USD đến hạn trong hai năm tới.
Giá trái phiếu đã sụt giảm đối với một số công ty mắc nợ nhiều nhất, với trái phiếu Fantasia giảm xuống dưới 30 xu trên 1 USD trong khi Kaisa Group và Central China Real Estate cũng giảm giá. Dữ liệu của IHS Markit cho thấy, chi phí bảo hiểm rủi ro đối với nợ của chính phủ Trung Quốc cũng chịu áp lực, các hợp đồng bảo hiểm nợ xấu (CDS) kỳ hạn 5 năm đã tăng 4 điểm cơ bản lên mức cao nhất trong 16 tháng.
Trung Quốc đang nghỉ lễ bảy ngày kể từ ngày 01/10 và các cơ quan quản lý không đưa ra bất kỳ bình luận cụ thể nào về Evergrande và những tai ương của nó trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, ngân hàng trung ương hôm thứ Tư (06/10) đã thúc giục các tổ chức tài chính hợp tác với các ban ngành liên quan và chính quyền địa phương để duy trì sự phát triển “ổn định và lành mạnh” của thị trường bất động sản và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng nhà ở.
Một chỉ số về nợ có lợi suất cao của Trung Quốc, chủ yếu do các nhà phát hành là các công ty phát triển bất động sản, đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ sau đại dịch năm 2020 và đã mất gần 20% kể từ tháng Năm – trong khi các chỉ số tương đương của Hoa Kỳ và Âu Châu đã tăng.
Một chỉ số theo dõi các cổ phiếu bất động sản đại lục niêm yết tại Hồng Kông đã giảm 1.8% vào thứ Ba (05/10), so với mức tăng 0.3% của điểm chuẩn địa phương.
Cổ phiếu của Guangzhou R&F Properties và Sunac China Holdings đều giảm khoảng 10%. Cổ phiếu của đơn vị xe điện của Evergrande đã giảm bớt sau khi tăng vào thứ Hai.
Trái phiếu phát hành bằng đồng USD của Evergrande đã tăng nhẹ trong những ngày gần đây nhưng vẫn ở mức khó khăn, dưới 30 xu trên 1 USD.
Thương vụ Evergrande
Những lo ngại quay trở lại với nhà đầu tư về triển vọng của lĩnh vực bất động sản đầy dẫy nợ nần, vốn chiếm 1/4 tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc, xuất hiện khi cổ phiếu Evergrande tiếp tục bị đình chỉ trong ngày thứ hai.
Evergrande đã yêu cầu tạm dừng giao dịch cổ phiếu của mình vào hôm thứ Hai (05/10) để chờ thông báo về một thỏa thuận lớn.
Evergrande Property Services Group cũng yêu cầu ngừng đề cập đến “một đề nghị chung có thể có” cho cổ phiếu công ty.
Trích dẫn các báo cáo phương tiện truyền thông khác chưa xác định, thời báo Hoàn cầu của nhà nước Trung Quốc cho biết Hopson Development là người mua 51% cổ phần của doanh nghiệp bất động sản với giá hơn 40 tỷ HKD (5.1 tỷ USD).
Evergrande từ chối bình luận trước thông báo chính thức.
5 tỷ USD Evergrande có thể thu được từ việc bán cổ phần được báo cáo về mặt lý thuyết sẽ trang trải cho các khoản thanh toán trái phiếu ngắn hạn phát hành cho ngoại quốc của công ty. Công ty có 500 triệu USD trái phiếu trái phiếu đáo hạn vào cuối năm, tiếp theo là kỳ hạn của số trái phiếu trị giá 2 tỷ USD vào tháng Ba.
Các nhà phân tích cho biết thỏa thuận Evergrande tiềm năng cho thấy công ty vẫn đang làm việc để đáp ứng các nghĩa vụ của mình. Nhưng bất kỳ vụ bán tháo tài sản nào của họ sẽ càng làm tăng thêm lo ngại về phần còn lại của khu vực bất động sản Trung Quốc và nền kinh tế rộng lớn hơn.
Theo yêu cầu niêm yết của Hồng Kông, không có thời hạn cụ thể mà một công ty phải nộp đơn [tiếp tục giao dịch trở lại] sau khi yêu cầu tạm dừng giao dịch cổ phiếu, việc này có thể bị đình chỉ trong nhiều ngày.
Theo Reuters
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thê m: