Các vụ sụp đổ ngân hàng mới đây nêu bật rủi ro trong việc áp dụng các tiêu chí ESG cho quỹ hưu trí của người Mỹ
Các nhà quản lý tài sản tranh luận về tuyên bố của Tổng thống Biden rằng có ‘nhiều bằng chứng’ ủng hộ cho việc đầu tư theo tiêu chí ESG
Tổng thống Joe Biden đã sử dụng quyền phủ quyết của mình hôm thứ Hai (20/03) để ngăn chặn một hành động của lưỡng đảng tại Quốc hội mà lẽ ra đã có thể ngăn cản các nhà quản lý quỹ hưu trí đầu tư tiền của những người về hưu theo các tiêu chí về môi trường và công lý xã hội.
Tổng thống Biden nói, “Có nhiều bằng chứng cho thấy các yếu tố môi trường, xã hội, và quản trị có thể có tác động đáng kể đến thị trường, ngành, và doanh nghiệp.”
Tuy nhiên, bất chấp các nỗ lực của những người ủng hộ nhằm xem các tiêu chí về môi trường, xã hội, và quản trị (ESG) như một công cụ quản lý rủi ro hiệu quả, những vụ sụp đổ gần đây trong ngành ngân hàng như vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) đã cho thấy điều ngược lại.
Để bảo vệ ESG, Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) đã viết trên tờ Wall Street Journal rằng “Các tổ chức tài chính và quản lý tài sản thành công nhất của Mỹ đã sử dụng các yếu tố ESG để giảm thiểu rủi ro và tối đa hóa lợi nhuận cho khách hàng của họ. Trên thực tế, theo McKinsey, hơn 90% các công ty thuộc S&P 500 đã công bố báo cáo ESG ngày hôm nay.”
Quan điểm này lặp lại một tuyên bố của Giám đốc điều hành Brian Moynihan của Bank of America vào năm 2020 rằng “nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng các công ty thực hiện tốt ESG sẽ hoạt động tốt hơn, hoặc ít thất bại hơn.” Cũng ủng hộ cho ESG, The New York Times đã nhanh chóng “kiểm tra thực tế” các nhà phê bình cho rằng ESG là một phần nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của SVB.
Trong một bài xã luận có nhan đề, “Không, ‘Sự Thức Tỉnh’ Đã Không Gây Ra Sự Sụp Đổ Của Silicon Valley Bank” (“No, ‘Wokeness’ Did Not Cause Silicon Valley Bank’s Collapse”), tờ Times lập luận rằng SVB “không phải là một ngoại lệ trong các mục tiêu đa dạng hoặc các khoản đầu tư ESG của họ,” điều này đúng ở một khía cạnh nào đó. Nhưng thực tế rằng hầu hết các tổ chức tài chính khác đang làm điều tương tự đang không làm yên lòng được nhiều người vốn lo ngại rằng ESG giờ đây sẽ được sử dụng như một tiêu chí quản lý rủi ro đối với tiền của những người về hưu.
Ẩn đi những sai sót trong quản lý
“Nếu ban quản lý tập trung vào ESG, thì các chức năng quan trọng như quản lý rủi ro có thể dễ dàng bị bỏ qua,” ông Aharon Friedman, cựu cố vấn cao cấp của Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Hạ viện và là cựu cố vấn cao cấp của Bộ Ngân khố, nói với The Epoch Times. “Các chỉ số ESG vốn dĩ mang tính chủ quan và không thể định lượng được, vì vậy, việc sử dụng các yếu tố ESG để đo lường hiệu suất của công ty có thể ẩn đi những hoạt động quản lý yếu kém.”
Một cái nhìn lướt qua hai hồ sơ 10-K cuối cùng của SVB đệ trình lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) đã nhấn mạnh quan điểm của ông Friedman. Bảng cân đối kế toán của ngân hàng này đã cho thấy những dấu hiệu cảnh báo rõ rệt về mức độ bấp bênh trong chênh lệch giữa tài sản và nợ phải trả của ngân hàng, tuy nhiên, đa phần lực tập trung của ban quản lý dường như lại chỉ chuyên chú vào sự đa dạng và mức độ liên quan của họ đối với rủi ro về biến đổi khí hậu.
Từ năm 2020 đến năm 2021, lượng công khố phiếu Hoa Kỳ và chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp (MBS) của ngân hàng này đã tăng vọt từ 49 tỷ USD lên 128 tỷ USD. Những tài sản dài hạn hầu hết có lãi suất cố định này được tài trợ bởi các khoản tiền gửi ngắn hạn, tăng từ 102 tỷ USD lên 189 tỷ USD trong năm đó, tạo ra sự chênh lệch thanh khoản rất lớn đối với một ngân hàng có vốn chủ sở hữu là 16.6 tỷ USD và tổng tài sản là 211 tỷ USD.
Những con số này đã giảm nhẹ vào cuối năm 2022 khi những người gửi tiền bắt đầu rời đi, nhưng vẫn ở mức nguy hiểm tương tự. Do sự chênh lệch trên bảng cân đối kế toán, nếu lãi suất tăng lên, yếu tố khiến giá trị của trái phiếu có lãi suất cố định giảm xuống, thì SVB sẽ không thể thu được đủ tiền từ việc bán tài sản của mình để chi trả cho người gửi tiền.
Tuy nhiên, theo các yếu tố rủi ro được trình bày chi tiết trong hồ sơ 10-K của mình, ban quản lý SVB dường như không đặc biệt quan tâm đến điều đó. Khi nêu chi tiết các yếu tố rủi ro quan trọng nhất của ngân hàng, thì báo cáo 10K của SVB đã dành ba đoạn để nói về mức độ liên quan của ngân hàng đối với rủi ro về biến đổi khí hậu.
Hồ sơ của ngân hàng này nêu rõ rằng vì “các cơ quan quản lý của liên bang và tiểu bang, các nhà đầu tư, và các bên thứ ba khác đang ngày càng xem trọng hơn vai trò của các tổ chức tài chính trong việc giải quyết các rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu… chúng tôi đã công bố các cam kết liên quan đến quản lý rủi ro khí hậu và chuyển đổi sang một nền kinh tế ít phụ thuộc vào carbon hơn.”
Các cơ quan quản lý thúc đẩy các ngân hàng áp dụng ESG
SVB đã không sai về việc các cơ quan quản lý thúc đẩy tuân thủ ESG. Ngân hàng Dự trữ Liên bang San Francisco (Fed San Francisco), cơ quan quản lý SVB, tuyên bố, “Tác động của biến đổi khí hậu — bao gồm tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt — đang ảnh hưởng đến từng vai trò trong số ba vai trò cốt lõi của chúng tôi: thi hành chính sách tiền tệ; điều tiết và giám sát hệ thống ngân hàng; và bảo đảm một hệ thống thanh toán an toàn và hợp lý.”
Về công bằng chủng tộc, Fed San Francisco tuyên bố, “Khuôn khổ Thay đổi của chúng tôi là cam kết thực hiện hành động sẽ mang lại sự công bằng hơn về chủng tộc và sắc tộc trong tổ chức của chúng tôi và các cộng đồng mà chúng tôi phục vụ trên khắp Khu vực số 12 của Cục Dự trữ Liên bang.”
Trong khi đó, mức độ rủi ro lãi suất của SVB — một trong những khía cạnh căn bản nhất nhưng thường ngày hơn về quản lý rủi ro ngân hàng — đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng vào tháng 03/2022, khi Cục Dự trữ Liên bang tuyên bố quyết tâm chống lạm phát cao với lần tăng lãi suất đầu tiên trong một chuỗi tăng lãi suất liên tục. Nhìn lại thời điểm cuối năm đó, SVB đã lưu ý trong hồ sơ năm 2023 rằng “lãi suất tăng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của công ty… Ví dụ, việc tăng lãi suất đã dẫn đến, và có thể tiếp tục dẫn đến, việc giảm giá trị hợp lý của danh mục đầu tư thu nhập cố định [có sẵn để bán] của chúng tôi.” Nhưng ngân hàng này đã không đả động thêm bất cứ điều gì khác về chủ đề này và đã không cho thấy cảm giác cấp bách.
Theo một báo cáo, BlackRock, công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới, đã cảnh báo SVB hồi đầu năm 2022 rằng các biện pháp kiểm soát rủi ro của ngân hàng này “thấp hơn đáng kể” so với mức độ lẽ ra phải có và đề nghị trợ giúp SVG quản lý rủi ro danh mục đầu tư của mình. Nhưng đề nghị của họ đã bị từ chối.
Theo một báo cáo khác, giám đốc rủi ro của SVB, bà Laura Izurieta, đã từ chức vào tháng 04/2022, và ngân hàng này đã tiếp tục hoạt động mà không có người thay thế cho đến khi bà Kim Olson đảm nhận vị trí này vào tháng 01/2023. Tại thời điểm đó, lãi suất đã cao hơn đáng kể, và có rất ít mà ngân hàng này có thể làm được để tự điều chỉnh lại bản thân.
SVB đạt điểm quản trị ESG cao nhất
Trước khi sụp đổ, SVB là tổ chức ủng hộ mạnh mẽ các tiêu chí ESG, cả từ góc độ môi trường và công lý xã hội, và SVB dường như đồng tình với quan điểm được Tổng thống Biden lặp lại trong tuần này, rằng ESG là một công cụ quản lý rủi ro thích hợp. Thật vậy, theo hệ thống chấm điểm ESG của S&P, SVB được xếp hạng 89/100 trong lĩnh vực “quản trị doanh nghiệp”, chỉ thấp hơn điểm số 91 “tốt nhất trong ngành”, và cao hơn nhiều so với điểm “trung bình ngành” 51.
Morningstar, một trong những tổ chức xếp hạng ESG hàng đầu, đã xếp hạng SVB ở mức 7.9 trên 10, hay nói cách khác là “doanh nghiệp lãnh đạo” trong hạng mục quản trị.
“Trong trường hợp của SVB, chỉ số đo lường quản lý quản trị doanh nghiệp đã được đánh giá trước khi công chúng phát hiện ra sự sụp đổ của ngân hàng này hôm 10/03/2023,” một đại diện của Morningstar nói với The Epoch Times. “Tin tức này đã khởi xướng một cuộc xem xét khẩn cấp về xếp hạng của ngân hàng này, dẫn đến điểm xếp hạng rủi ro tổng thể tăng lên đáng kể với chỉ định về một đặc điểm gây mâu thuẫn gay gắt (một lớp khác trong phương pháp luận) và được phản ánh trong xếp hạng công khai của chúng tôi hôm 15/03. Sự mâu thuẫn này cho thấy rằng kể cả các công ty với các thông lệ quản trị doanh nghiệp hàng đầu trên giấy tờ không tránh khỏi các sự kiện quan trọng gây tranh cãi.”
SVB có thể đạt được xếp hạng quản trị cao như vậy là nhờ vào các chính sách như cam kết tuân thủ các tiêu chí về sắc tộc và giới tính trong tuyển dụng và thăng chức. Trang web của ngân hàng này lưu ý rằng “45% ban giám đốc của chúng tôi là phụ nữ, bao gồm cả chủ tịch mới của chúng tôi kể từ ngày 21/04/2022.” Họ còn nói rõ rằng “chúng tôi mong muốn tạo ra sự công bằng trong tuyển dụng, quản lý hiệu suất, phúc lợi, sự đa dạng về nhà cung cấp, sự đóng góp và hoạt động tình nguyện,” và “chúng tôi thúc đẩy sự hòa nhập thông qua các lễ kỷ niệm nâng cao nhận thức về văn hóa, các mạng lưới vận động nhân viên, các khóa đào tạo về DEI (đa dạng, công bằng, hòa nhập), các cuộc khảo sát nhân viên, và các nhóm tập trung.”
Nhưng trong khi SVB hoạt động tốt hơn theo các nguyên tắc quản lý ESG, thì một số người cho rằng họ đã làm như vậy với cái giá phải trả là những trách nhiệm thiết yếu nhất của mình.
“Trong phạm vi ESG liên quan đến việc cố gắng chứng tỏ rằng hội đồng quản trị và nhân viên của quý vị là ‘đa dạng’, thì điều đó có nghĩa là quý vị sẵn sàng xem trọng những thứ như màu da hoặc giới tính trong việc lựa chọn nhân viên của mình,” ông Samuel Gregg, tác giả và Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Hoa Kỳ (AIER), nói với The Epoch Times. “Vấn đề là trình độ chuyên môn tài chính của một người không liên quan gì đến những việc như vậy. Nếu quý vị sẵn sàng đánh đổi kiến thức và kinh nghiệm tài chính để đổi lấy sắc tộc và giới tính, thì điều đó có nghĩa là quý vị đang không dành cho chuyên môn tài chính sự ưu tiên mà lẽ ra phải có trong tài chính ngân hàng.”
Credit Suisse, đối mặt với sự sụp đổ và được giải cứu bởi đối thủ Thụy Sĩ UBS hôm 20/03, cũng đã thúc đẩy tuân thủ các nguyên tắc ESG. Credit Suisse đã tạo ra một vị trí giám đốc phát triển bền vững và thông báo: “Cơ cấu tổ chức của chúng tôi được thiết kế để bảo đảm rằng các tiêu chuẩn ESG được áp dụng trên khắp các khu vực và bộ phận trong các giải pháp dựa trên khách hàng của chúng tôi cũng như trong các hoạt động của chính chúng tôi với tư cách là một công ty.”
Trước khi đi đến sự sụp đổ của mình, Credit Suisse đã có quá nhiều thất bại trong quản lý đến nỗi khó có thể đổ lỗi cho ESG. Tuy nhiên, sự sụp đổ của Credit Suisse lại đặt ra một vấn đề khác về ESG, đó là mức độ mà các nhà quản lý doanh nghiệp sử dụng phong trào này để che đậy sự kém hiệu quả.
Một nghiên cứu vào tháng 08/2021 của Đại học South Carolina và Đại học North Iowa cho thấy, việc tập trung vào các mục tiêu ESG không thể định lượng được thay vì các kết quả tài chính “cung cấp cho các nhà quản lý một cái cớ thuận tiện để giảm bớt trách nhiệm giải trình về hoạt động kém hiệu quả của công ty.” Trái ngược với tuyên bố của Tổng thống Biden rằng có bằng chứng chứng minh giá trị của việc đầu tư theo ESG, báo cáo này cho thấy có mối tương quan giữa hoạt động kém hiệu quả của CEO và mức độ cam kết ủng hộ của họ đối với các mục tiêu ESG.
Tranh cãi về ‘nhiều bằng chứng’ ủng hộ cho ESG
Gần đây, ngay cả những công ty từng bảo vệ các tiêu chí ESG giờ cũng đang lùi bước.
Làm chứng trước Thượng viện tiểu bang Texas hồi tháng Mười Hai năm ngoái (2022), bà Lori Heinel, giám đốc đầu tư của State Street cho biết: “Tôi không có bằng chứng nào cho thấy [các tiêu chí ESG] này là tốt cho lợi nhuận trong bất kỳ khung thời gian nào. Trên thực tế, chúng tôi đã chứng kiến bằng chứng hoàn toàn trái lại. Năm trước, nếu quý vị không sở hữu các công ty năng lượng, thì quý vị sẽ có kết quả rất tệ so với các tiêu chuẩn chung. Năm trước đó nữa, thì xu hướng đó là hoàn toàn ngược lại… nhưng đó chỉ là một sự tình cờ, chứ không phải vì đấy là một khoản đầu tư tốt.”
Tháng trước (02/2023), Giám đốc điều hành của Vanguard, ông Tim Buckley, cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng đầu tư theo ESG không có bất kỳ lợi thế nào so với đầu tư trên diện rộng.”
Trong khi đó, một báo cáo của Đại học Harvard với nhan đề “Một Sự Thật Phũ Phàng Về Đầu Tư Theo ESG” (“An Inconvenient Truth About ESG Investing”), cho thấy rằng đầu tư theo ESG thực sự gây tổn hại đến lợi nhuận. Báo cáo này nêu rõ, “các quỹ ESG chắc chắn hoạt động kém về mặt tài chính.”
SVB có thể không tuân thủ nhiều hơn các công ty trong cùng ngành về mức độ trung thành của họ với giáo điều ESG, nhưng vấn đề là ngân hàng này đã quá yếu để kham nổi sự mất tập trung nào khỏi hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình. Với quy mô nhỏ hơn, cơ sở người gửi tiền tập trung, và danh mục tài sản không đa dạng, SVB không thể tồn tại nếu có một cấu trúc quản lý rủi ro thiếu nghiêm túc.
Những người gửi tiền vào SVB cuối cùng đã được các cơ quan quản lý liên bang cứu trợ, nhưng những người về hưu, những người sẽ bị ảnh hưởng bởi quy tắc mới của Tổng thống Biden — vốn cho phép đưa tiêu chuẩn ESG vào các quỹ lương hưu của người Mỹ — thì không có sự bảo đảm nào như vậy. Và khi nói đến quản lý rủi ro, thì các nhà đầu tư hưu trí ở một vị thế khác biệt đáng kể so với những người gửi tiền ngân hàng. Họ là cổ đông, những người xếp ở cuối hàng và thường bị mất trắng khi các công ty phá sản.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times