Các vấn đề của Trung Quốc lớn hơn Evergrande
Việc phá sản tiềm năng của công ty bất động sản Trung Quốc Evergrande là lớn hơn một “Lehman của Trung Quốc”. Lehman Brothers đa dạng hơn Evergrande nhiều và có vốn hóa tốt hơn. Trên thực tế, tổng tài sản của Evergrande nhiều hơn toàn bộ bong bóng (nợ) dưới chuẩn của Hoa Kỳ.
Vấn đề với Evergrande không phải là một chuyện nhỏ, mà là một triệu chứng của mô hình dựa trên tăng trưởng đòn bẩy và tìm cách tăng GDP bằng bất cứ giá nào với các thành phố ma, cơ sở hạ tầng không sử dụng, và công trình hoang phí. Mô hình chuỗi nợ của Evergrande không phải là hiếm ở Trung Quốc. Nhiều công ty Trung Quốc thực hiện theo chiến lược “lao vào tình trạng bế tắc” bằng việc chồng chất nợ nần ngày càng tăng để bù đắp cho dòng tiền yếu kém và tỷ suất lợi nhuận thấp. Nhiều chủ đầu tư mắc vào khoản nợ lớn để xây dựng một dự án đầu tư hoặc không bán được hoặc còn lại nhiều phần chưa bán được, sau đó họ tài trợ cho khoản nợ đó bằng cách thêm tín dụng cho các dự án mới thông qua sử dụng tài sản không thể bán được hoặc đã thế chấp để vay rồi [tiếp tục] làm tài sản thế chấp.
Tổng nợ phải trả của Evergrande chiếm hơn gấp đôi con số nợ chính thức (hơn 2 ngàn tỷ nhân dân tệ, tương đương 300 tỷ USD). Lỗ hổng tài chính của Evergrande tương đương gần một phần ba GDP của Nga. Doanh thu hàng năm của nó không đạt 80 tỷ USD, và còn phải bàn cãi về việc liệu những khoản doanh thu đó có thực hay không vì một phần xác đáng [chỉ] là tính theo các cam kết thanh toán đối với các khoản thu đáng ngờ. Ngay cả khi chúng là thật, những khoản thu này cũng không đủ để giải quyết các kỳ hạn trái phiếu, vốn vượt quá 37 tỷ USD trong ngắn hạn.
Evergrande nguy hiểm hơn nhiều so với vẻ ngoài: Tất cả các giải pháp kiểu “Keynesian” mà quý vị đang nghe ngày nay đều đã được thực hiện – bơm thanh khoản lớn, lãi suất thấp, hỗ trợ ngầm đầy đủ và công khai từ phía Trung Cộng…. Theo Reuters, đừng quên rằng Evergrande là công ty phát hành thương phiếu lớn nhất ở Trung Quốc, 32 tỷ USD được phát hành vào năm 2020, tăng 390% so với năm 2015.
Evergrande đại diện cho chưa đến 4% thị trường Trung Quốc nói chung, nhưng mô hình của công ty này đã được nhiều chủ đầu tư Trung Quốc sử dụng. 10 nhà phát triển bất động sản lớn nhất chiếm 34% thị trường và các biện pháp sử dụng đòn bẩy mạnh đang phổ biến.
Lĩnh vực bất động sản rất lớn ở Trung Quốc. Tỷ trọng trực tiếp và gián tiếp của nó, theo JP Morgan, là 25% GDP, cao hơn gấp đôi quy mô bong bóng bất động sản ở Nhật Bản hoặc Tây Ban Nha. Lĩnh vực này đã phát triển với mô hình vay nợ ở mức 15% mỗi năm trong ba năm qua. Trung Cộng đã đưa ra các quy định để giảm mức dư thừa, nhưng vì Trung Cộng được hưởng lợi từ việc tăng GDP và tạo việc làm, Trung Cộng đã duy trì quan điểm tự mãn về mô hình nợ của doanh nghiệp.
Các công ty bất động sản Trung Quốc, theo JP Morgan, đã “giảm” nợ của họ xuống 92% tổng tài sản từ mức 140% vào năm 2018, với tỷ suất lợi nhuận từ 9 đến 13%. Nhưng những con số đó vẫn cho thấy một vấn đề lớn hơn và đáng lo ngại hơn những gì mà các tiêu đề báo cáo ngụ ý. Hầu hết các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc có tổng nợ phải trả là 50% trên tổng tài sản, theo JP Morgan. Vấn đề là giá trị của những tài sản đó và khả năng bán chúng còn hơn cả đáng nghi ngờ.
Hệ lụy của sự sụp đổ Evergrande lớn hơn nhiều so với những gì mà các ngân hàng đầu tư nói với chúng ta. Rủi ro đầu tiên là hiệu ứng domino trong một lĩnh vực vay nợ rất mạnh. Cũng có một tác động đáng kể đối với tất cả những ngân hàng có liên quan với Trung Quốc và các thị trường mới nổi, nơi Trung Quốc đã tài trợ cho các dự án đổ nát trong những năm gần đây. Và cũng có tác động đến tăng trưởng toàn cầu và các quốc gia xuất cảng sang Trung Quốc, bởi vì sự suy giảm đã quá rõ ràng. Ngoài ra, chúng ta không thể bỏ qua tác động đến khả năng thanh toán của hệ thống tài chính bất chấp việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (ngân hàng trung ương của Trung Quốc) đã bơm ra hàng tỷ USD.
Một vấn đề về khả năng thanh toán không thể được giải quyết bằng tính thanh khoản.
Niềm hy vọng rằng chính phủ sẽ sửa chữa được mọi thứ là trái ngược với độ lớn của lỗ hổng tài chính. Dù vậy, chúng ta không thể bỏ qua tác động tiêu cực đối với những lĩnh vực chịu nhiều tác động từ tăng trưởng bất động sản, cơ sở hạ tầng, điện, và dịch vụ, và đối với hàng trăm nghìn công dân đã trả phí trả trước cho những căn hộ không sẽ được xây dựng.
Vấn đề với Trung Quốc là toàn bộ nền kinh tế là một mô hình vay nợ khổng lồ, mô hình này cần gần 10 đơn vị nợ để tạo ra một đơn vị GDP, gấp ba lần so với một thập kỷ trước, và tất cả thảm họa này đã rõ ràng hơn nhiều tháng trước. Theo Viện Tài chính Quốc tế, với tổng số nợ 300% so với GDP, Trung Quốc không phải là nền kinh tế mạnh đang dồi dào tiền mặt như cách đây vài thập kỷ.
Thị trường đã giả định rằng vì đó là Trung Quốc, nên chính quyền sẽ che giấu những rủi ro này. Tệ hơn nữa là, sự sụp đổ của Evergrande chỉ cho thấy một thực tế nguy hiểm trong một số lĩnh vực của Trung Quốc: mắc nợ quá mức mà không có thu nhập thực sự hoặc tài sản để chống đỡ nợ.
Sự kiện này xảy ra vào thời điểm tồi tệ nhất có thể, sau khi Trung Cộng tiến hành một cuộc đàn áp lớn đối với các công ty lớn. Các nhà đầu tư quốc tế đã lo ngại về sự can thiệp và quản trị doanh nghiệp ở Trung Quốc, và giờ đây, nỗi lo về sự lây nhiễm tín dụng khiến rủi ro càng trở nên tồi tệ hơn.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tiến sĩ Daniel Lacalle là nhà kinh tế trưởng tại quỹ đầu cơ Tressis và là tác giả của “Tự do hoặc Bình đẳng”, “Thoát khỏi Bẫy Ngân hàng Trung ương” và “Cuộc sống trong Thị trường Tài chính.”
Bình Hòa biên dịch
Quý vị tham khảo bàn gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: