Các trường đại học Hồng Kông dỡ bỏ các đài tưởng niệm Thiên An Môn
Thêm hai trường đại học nữa ở Hồng Kông đã dỡ bỏ các tác phẩm nghệ thuật công cộng tưởng niệm cuộc đàn áp năm 1989 của Bắc Kinh đối với những người biểu tình ủng hộ dân chủ, chủ yếu là sinh viên, còn được biết đến với tên gọi là vụ Thảm sát Thiên An Môn.
Ngay trước bình minh hôm 24/12, Đại học Trung Văn Hương Cảng (CUHK) đã dỡ bỏ một bức tượng mô tả một người phụ nữ cầm trong tay một ngọn đuốc. Tác phẩm điêu khắc bằng đồng cao 21 foot này (6.4m), được đặt tên là “Nữ thần Dân chủ”, mô phỏng theo bức tượng bằng thạch cao và xốp trắng cao 30 foot (9.1m) do các sinh viên mỹ thuật dựng lên và mang tới Quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989.
Hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng ngàn người biểu tình đã bị sát hại trong cuộc thảm sát dưới chế độ cộng sản đó.
Để tưởng nhớ những người đã ngã xuống, bức tượng ở Hồng Kông này đã hiện diện trong khuôn viên trường CUHK trong hơn một thập niên kể từ năm 2010. Tuy nhiên, hôm 24/12 trường đại học này nói rằng bức tượng chưa bao giờ được cho phép trưng bày.
“Trường đại học chưa bao giờ cho phép trưng bày bức tượng này trong khuôn viên của trường, và không có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm về việc duy tu và quản lý bức tượng,” trường đại học này tuyên bố.
Sau đó, hôm 24/12, các sinh viên tại CUHK đã thắp nến thành hình Nữ thần Dân chủ để phản ứng trước việc dỡ bỏ bức tượng.
Trong cùng ngày, một bức phù điêu khắc họa cuộc đàn áp đó đã biến mất khỏi một bức tường tại Đại học Lĩnh Nam ở Hồng Kông. Bức phù điêu minh họa hình ảnh một hàng xe tăng dừng lại trước một người biểu tình đơn độc được biết đến với cái tên “người chặn xe tăng”, và các nạn nhân bị quân đội Trung Quốc bắn thương bị đưa đi.
Một bức tranh phun sơn Nữ thần Dân chủ tại hội sinh viên trong khuôn viên trường cũng được phủ chồng lên bằng sơn xám.
Các sinh viên đã phản ứng bằng cách dán một tờ giấy viết dòng chữ “thật đáng hổ thẹn” lên hình ảnh đã bị xóa, và tờ giấy này đã nhanh chóng bị nhân viên bảo vệ xé bỏ.
Anh Trần Duy Minh (Chen Weiming), nghệ sĩ đã tạo ra cả bức tượng và bức phù điêu trên tường, cho biết anh sẽ kiện các trường đại học nếu xảy ra bất kỳ tổn hại nào đối với các tác phẩm của mình.
Các tượng đài này dường như đã cùng chung số phận với bức tượng cao chót vót “Pillar of Shame” ở trường Đại học Hồng Kông. Một ngày trước đó, bức tượng mô tả hình ảnh các thi thể rách nát, xoắn vào nhau chồng lên thành một cột cao với những chi tiết biểu cảm [trên khuôn mặt] này, đã bị dời đi từng phần trên một chiếc xe tải sau khi hiện diện trong khuôn viên trường đại học này hơn 20 năm qua.
Ở chân bức tượng khắc họa dòng chữ “Người già sao có thể giết sạch người trẻ” bằng Anh ngữ và Hoa ngữ.
Hội đồng trường HKU cho biết họ đã tiến hành việc này “dựa trên lời khuyên pháp lý bên ngoài và đánh giá rủi ro vì lợi ích tốt nhất cho trường đại học”.
Sự nối đuôi nhau biến mất của những tượng đài mang tính biểu tượng này tại ba trường đại học liên tiếp đồng nghĩa với việc hầu như không còn bất kỳ đài tưởng niệm Thiên An Môn công cộng nào ở trung tâm tài chính này nữa, bởi vì Bắc Kinh đã gia tăng nỗ lực xóa bỏ cuộc đàn áp đẫm máu này ra khỏi tâm trí của công chúng.
Hồi tháng Chín, cảnh sát đã đột kích vào Bảo tàng Lục Tứ Kỷ niệm Quán (bảo tàng kỷ niệm ngày 04/06) ở Hồng Kông và thu giữ một phần mô phỏng tượng Nữ thần Dân chủ.
Hồng Kông từng là thành phố duy nhất dưới sự cai trị của Trung Quốc mà người dân có thể tưởng niệm các nạn nhân của ngày 04/06/1989. Tuy nhiên, cảnh sát địa phương — lần đầu tiên sau 30 năm — đã bắt đầu cấm các buổi thắp nến tưởng niệm vào năm ngoái do lo ngại về đại dịch.
Chín người biểu tình tham gia vào buổi tưởng niệm năm 2020 đã bị kết án từ sáu đến mười tháng tù giam hồi tháng Chín. Nhiều nhà hoạt động ủng hộ dân chủ nữa cũng bị kết tội tham gia cuộc tụ họp trái phép này, bao gồm cả ông trùm truyền thông Lê Trí Anh (Jimmy Lai).
Cơ quan lập pháp của thành phố cũng đã thông qua luật kiểm duyệt phim mới hồi tháng 10/2021 để “bảo vệ an ninh quốc gia”. Những phim có nội dung bị cho là vi phạm pháp luật sẽ bị thu hồi giấy phép.
Cô Rita Li là phóng viên của The Epoch Times, chuyên về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Cô bắt đầu viết cho ấn bản Hoa ngữ từ năm 2018.
Bản tin có sự đóng góp của Reuter
Nguyệt Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: