Các trường đại học Hoa Kỳ đã mất uy thế
Cách đây không lâu, người Hoa Kỳ từng thần tượng hóa các trường đại học của họ. Thật vậy, trong các lĩnh vực khoa học, toán học, kỹ thuật, y học và kinh doanh, nhiều khoa và trường học có uy tín này vẫn nằm trong số những trường được xếp hạng hàng đầu trên thế giới.
Nền giáo dục đại học ưu tú này là phần lớn nguyên nhân tạo nên tính ưu việt của nền khoa học, công nghệ và thương mại hiện nay của Hoa Kỳ.
Sau Đệ nhị Thế chiến – mà chiến thắng này một phần là nhờ nghiên cứu khoa học, sản xuất và hậu cần vượt trội của Hoa Kỳ – một tấm bằng đại học trở thành điều kiện tiên quyết để có được sự nghiệp thành công. Dự luật GI đã cho phép khoảng 8 triệu cựu chiến binh trở lại trường đại học. Hầu hết đều được thăng tiến lên các vị trí công việc tốt.
Trường đại học từ cuối những năm 1940 đến năm 1960 là một nguồn tài nguyên phong phú của giáo dục thường xuyên (continuing education). Nó đã đưa nền văn học vĩ đại của thế giới, từ Homer đến Tolstoy, đến với các tầng lớp trung lưu Hoa Kỳ.
Nhưng các trường đại học và cao đẳng ngày nay không có mấy điểm tương đồng với giáo dục đại học thời hậu chiến. Ngay cả trong những năm 1960 đầy biến động, khi các trường học đang nhức nhối với các cuộc biểu tình cấp tiến và bạo lực định kỳ, quyền tự do ngôn luận vẫn được thể chế hóa. Một chương trình giảng dạy đại học thực nghiệm hầu như đều qua được giai đoạn hỗn loạn của những năm 60.
Nhưng bây giờ điều đó đã biến mất.
Thay vào đó, hãy tưởng tượng một nơi mà việc được chứng nhận xuất sắc về giáo dục, [sở hữu] bằng Cử nhân xã hội nhân văn, lại không đảm bảo rằng một sinh viên tốt nghiệp có thể nói, viết, giao tiếp mạch lạc hoặc suy nghĩ linh hoạt.
Hãy tưởng tượng một nơi yêu cầu ứng viên đầu vào nộp điểm trung bình và kết quả bài kiểm tra tiêu chuẩn hóa cấp trung học nhưng lại không yêu cầu sinh viên tốt nghiệp của chính họ phải vượt qua bài kiểm tra năng lực đồng nhất cơ bản.
Hãy tưởng tượng một nơi mà sau thời gian thử việc ban đầu, một số ít nhân viên ưu tú được bảo đảm công tác trọn đời.
Hãy tưởng tượng một nơi được cho là chú trọng sự công bằng, mà chỉ có 30% giảng viên đủ đặc quyền để được vào biên chế. 70% còn lại là hạng hai, được phân loại là giảng viên bán thời gian hoặc “dự phòng”. Và họ nhận được một phần tiền lương đãi ngộ theo giờ giảng dạy so với những cộng sự ưu tú hơn của họ.
Hãy tưởng tượng một nơi trân trọng sự tương tác của sinh viên và việc phê phán “hành chính”, nhưng tỷ lệ giảng viên và quản trị viên là khoảng 1-1. Chi phí hành chính ngoài giảng dạy hiện nay bằng với chi phí dành cho việc giảng dạy trên lớp.
Hãy tưởng tượng một nơi mà “sự đa dạng” là đặc điểm tự nhận của thể chế, trong khi các nghiên cứu cho thấy rằng đội ngũ giảng viên có khuynh hướng cấp tiến vượt số lượng đồng nghiệp có khuynh hướng bảo tồn truyền thống của họ với tỷ lệ 10 trên 1.
Hãy tưởng tượng một nơi cấp tiến, mà vào năm 2021, chủng tộc vẫn có thể được sử dụng như một tiêu chí trong việc lựa chọn và từ chối ứng viên, chọn bạn cùng phòng ký túc xá tiềm năng, phân khu ký túc xá và hạn chế tiếp cận những địa điểm đặc biệt trong khuôn viên trường.
Hãy tưởng tượng một nơi cấp tiến đã từng bác bỏ “lời thề trung thành” vi hiến, nhưng bây giờ đổi tên chúng thành “cam kết đa dạng” và yêu cầu đào tạo lại và đào tạo theo kiểu truyền bá.
Hãy tưởng tượng một nơi có các khoản tài trợ được miễn thuế hạn chế quyền tự do ngôn luận và biểu đạt. Các trường đại học vô vụ lợi khiến một số diễn giả không thể thuyết trình và thường đình chỉ quy trình hợp pháp được hiến pháp bảo vệ đối với những sinh viên đang đối mặt với những cáo buộc nào đó.
Hãy tưởng tượng một nơi tập trung nhiều vào thu nhập, vốn và sự công bằng thị trường, so với thực tế là 800 trường cao đẳng và đại học lớn nhất giành được hơn 600 tỷ USD tài trợ. Tuy nhiên, chỉ có 20 trường đại học ưu tú chiếm một nửa tổng số đó. Và chỉ bốn trường – Harvard, Yale, Stanford và Princeton – chiếm gần một phần tư tổng số tiền tài trợ.
Hãy tưởng tượng một nơi tự do đã tăng học phí và tổng chi phí vượt xa tỷ lệ lạm phát, với các sinh viên tốt nghiệp của họ hiện đang gánh khoản nợ sinh viên trị giá 1,7 nghìn tỷ USD. Chẳng có mấy hy vọng rằng các sinh viên mắc nợ này sẽ hoàn trả được các nghĩa vụ của họ, với trung bình hơn 30,000 USD mỗi người.
Hãy tưởng tượng một nơi đã thể chế hóa nhân quyền nhưng lại chào đón gần 400,000 sinh viên đến từ đất nước Trung Quốc vi phạm nhân quyền — rất nhiều trong số họ là con cái của những đảng viên ưu tú của Trung Cộng, những người mang lại nguồn thu nhập béo bở cho trường đại học.
Hãy tưởng tượng một nơi mà các giảng viên và sinh viên hiện đang thay đổi có chọn lọc tên của các đường phố, trung tâm và các tòa nhà trong khuôn viên trường vốn để vinh danh các nhà tài trợ đã chết từ lâu, sinh viên tốt nghiệp và các cựu anh hùng vốn được cho là thiển cận. Tuy nhiên, kỳ lạ thay, các trường đại học không bao giờ thay đổi thương hiệu sáng lập danh tiếng của họ. Có phải những người sáng lập hoặc nhà tài trợ ban đầu như Leland Stanford, Elihu Yale và Lord Jeffery Amherst không thiển cận bằng Cha Junipero Serra, Earl Warren và Woodrow Wilson, những người đã bị xóa sổ khỏi một số trường đại học không?
Chừng nào các trường đại học đào tạo ra những sinh viên tốt nghiệp có trình độ học vấn cao và cởi mở với chi phí hợp lý và không để cho chính trị len vào giảng đường, người dân Mỹ mới không quan tâm nhiều đến những đặc điểm riêng như biên chế, tuyển sinh kế thừa, tài trợ không bị đánh thuế, sinh viên nổi loạn và giáo sư lập dị.
Nhưng một khi họ bắt đầu tính phí cắt cổ, cung cấp dịch vụ giáo dục nghèo nàn, luôn bị chính trị hóa, khiến hàng triệu người mắc nợ và hành động đạo đức giả, nghĩa là các trường đại học đã từ chối người dân Mỹ.
Giống như một Hollywood chuyên rao giảng than thở khi họ không còn có thể tạo ra những bộ phim hay nữa, một trường đại học thần thánh một thời nhưng giờ đây tự cho mình là chính nghĩa dường như trở nên trống rỗng khi nó thu phí cao nhưng lại phục vụ kém.
Tác giả Victor Davis Hanson là một nhà bình luận theo phái bảo vệ truyền thống, nhà nghiên cứu cổ điển và nhà sử học quân sự. Ông là giáo sư danh dự về tác phẩm kinh điển tại Đại học California State, thành viên cao cấp về kinh điển và lịch sử quân sự tại Đại học Stanford, thành viên của Cao đẳng Hillsdale và là thành viên xuất sắc của Trung tâm American Greatness. Ông Hanson đã viết 16 cuốn sách, bao gồm cả “The Western Way of War”, “Fields Without Dreams” và “The Case for Trump”.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Victor Davis Hanson thực hiện
Nguyễn Lê biên dịch
Xem thêm: