Các tổ chức nhân quyền lên tiếng về việc bắt giữ đạo diễn truyền hình Hồng Kông
Các quan chức Hoa Kỳ và các tổ chức giám sát truyền thông (media watch groups) bày tỏ lo ngại về vụ bắt giữ gần đây đối với một đạo diễn truyền hình ở Hồng Kông. Điều này càng làm dấy lên lo ngại về sự sụp đổ của nền tự do báo chí ở thành phố đang nằm dưới cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Khi thế giới lên tiếng phản đối [vụ bắt giữ nói trên], một nhà báo khác làm việc cho một trang tin tức địa phương đã bị bắt vào chiều 5/11.
Đạo diễn truyền hình, cô Choy Yuk-ling, còn được gọi là Bao Choy, đang làm việc cho Đài Phát thanh và Truyền hình Hồng Kông (RTHK). Hôm 3/11, cô đã bị cảnh sát Hồng Kông bắt tại nhà riêng vì bị tình nghi khai man để lấy được đoạn băng ghi hình phương tiện giao thông nhằm phục vụ cho báo cáo điều tra của cô. Cô được trả tự do cùng ngày sau khi nộp khoản tiền bảo lãnh 1.000 đô la Hồng Kông (khoảng 129 US đô la) và dự kiến ra tòa vào ngày 10/11.
“Hoa Kỳ lo ngại sâu sắc về vụ bắt giữ nhà báo Hồng Kông @baochoy với tội danh liên quan đến công việc của cô khi là một nhà báo điều tra”, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ông Cale Brown tuyên bố trên tài khoản Twitter của mình hôm 4/11.
Ông Brown nói thêm: “Đảng Cộng sản Trung Quốc và những người uỷ quyền của họ ở Hồng Kông phải chấm dứt nỗ lực bóp chết tự do báo chí.”
Vào tháng 7, một bộ phim tài liệu điều tra với tựa đề “7.21 Who Owns the Truth” do cô Choy đồng sản xuất, đã được phát sóng trên chương trình truyền hình “Hong Kong Connections” của đài RTHK. Chỉ tính riêng trên YouTube, bộ phim này đã có 1,4 triệu lượt xem.
Bộ phim đã điều tra về vụ việc xảy ra gần ga tàu điện ngầm Yuen Long hôm 21/7/2019. Vào ngày hôm đó, trước thời điểm xảy ra vụ việc, có khoảng 430.000 người biểu tình đã tổ chức một cuộc biểu tình ôn hòa để phản đối dự luật dẫn độ cho phép đem những phạm nhân ở Hồng Kông sang xét xử tại các tòa án ở Trung Quốc đại lục. Đến tối, một đám người đàn ông mặc áo trắng cầm gậy tre và gậy kim loại bất ngờ tiến vào ga tàu và tấn công hành khách. Ít nhất 45 người đã bị thương.
Lực lượng cảnh sát Hồng Kông đã bị chỉ trích nặng nề vì mất tới 39 phút để đến hiện trường sau khi nhận được các cuộc gọi cầu cứu. Các nhà hoạt động dân chủ cáo buộc cảnh sát thông đồng với đám người đàn ông áo trắng, tuy nhiên cảnh sát Hồng Kông đã bác bỏ cáo buộc này.
Bộ phim tài liệu của cô Choy đã lần tìm ra các phương tiện giao thông đã chở những kẻ tấn công tình nghi, dựa trên các biển số xe xuất hiện trong đoạn video giám sát của các cửa hàng trong ga tàu điện ngầm gần đó. Hai trong số các chủ phương tiện được tiết lộ là những người đứng đầu chính quyền địa phương ở các làng lân cận.
Theo Sắc lệnh Giao thông Đường bộ của Hồng Kông, cô Choy phải đối mặt với khoản tiền phạt 5.000 đô la Hồng Kông (khoảng 645 đô la) và sáu tháng tù nếu bị kết tội.
Những mối lo ngại
Hôm 4/11, Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ ông Rick Scott (Đảng Cộng Hòa-Florida) bày tỏ lo ngại về vụ bắt giữ cô Choy trên Twitter.
Ông Scott tuyên bố: “Lực lượng cảnh sát nhà nước ở #HongKong tiếp tục là con rối của Trung Quốc để bịt miệng sự thật và nhắm mục tiêu vào bất kỳ ai lên tiếng chống lại hành vi vi phạm nhân quyền của họ.”
Trong một tuyên bố đưa ra hôm 3/11, Ủy ban phi lợi nhuận Bảo vệ các nhà báo (CPJ) có trụ sở tại Hoa Kỳ đã kêu gọi chính quyền Hồng Kông hủy bỏ mọi cáo buộc chống lại cô Choy.
Ông Steven Butler, điều phối viên chương trình Châu Á của CPJ cho biết: “Việc bắt giữ và khám xét nhà riêng của đạo diễn phim tài liệu cô Choy Yuk Ling [do cô ấy đã] tìm kiếm một cách thông thường cơ sở dữ liệu về phương tiện giao thông là một hành động vô lý và không chính đáng, chẳng khác nào tấn công vào quyền tự do báo chí”.
Ông Johnny Patterson, Giám đốc chính sách của Tổ chức phi chính phủ giám sát Hồng Kông của Vương Quốc Anh (British NGO Hong Kong Watch) tuyên bố rằng vụ bắt giữ cô Choy là “không khác gì một cuộc tấn công trực tiếp vào quyền tự do báo chí.”
Statement: We condemn the appalling arrest of the RTHK journalist who produced the Yuen Long documentary. It is a blow to freedom of the press.
The perpetrators of the Yuen Long attack have not been held to account, there has still been no justice. https://t.co/TaF4NtOgAl pic.twitter.com/zgXbaB56mH
— Hong Kong Watch (@hk_watch) November 3, 2020
Hôm 4/11, Viện Báo chí Quốc tế (IPI) có trụ sở tại Vienna cũng đưa ra tuyên bố kêu gọi hủy bỏ ngay lập tức các cáo buộc chống lại cô Choy.
Ông Scott Griffen, Phó giám đốc IPI, nói rằng: “Vụ bắt giữ [cô] Choy Yuk-ling là một dấu hiệu nữa cho thấy Hồng Kông, dưới sự chỉ đạo của Trung Quốc, đang mở rộng các cuộc đàn áp đối với tự do báo chí. [Cô] Choy Yuk-ling đang tiến hành một cuộc điều tra vì lợi ích chung của người dân.”
Hôm 5/11, Hiệp hội Nhà báo Hồng Kông (HKJA) và một số nghiệp đoàn báo chí đã tổ chức một cuộc họp báo chỉ trích vụ truy tố của [chính quyền địa phương] đối với cô Choy.
“Chúng tôi hy vọng rằng [điều này] sẽ không trở thành một xu hướng, một xu hướng rất xấu và gây tổn hại của những người sử dụng quyền lực và nguồn lực của họ để trấn áp các tổ chức truyền thông — đặc biệt là những tổ chức mà họ không đồng tình,” Chủ tịch HKJA, ông Chris Yeung chia sẻ tại buổi họp báo.
Một vụ bắt giữ khác
Vào chiều hôm 5/11, trang web tin tức trực tuyến địa phương Ben Yu Entertainment đã thông báo trên trang Facebook của mình rằng một trong những nữ phóng viên của họ, tên là “KY”, đã bị bắt giữ vào khoảng 8h sáng. Cô ấy đã nộp tiền bảo lãnh tại ngoại vào khoảng 5 giờ chiều giờ địa phương. Cô bị buộc tội “cản trở một công chức đang thi hành công vụ” tại quận Mong Kok hôm 10/5.
Trong một tuyên bố được đưa ra sau khi cô được bảo lãnh tại ngoại, Ben Yu Entertainment giải thích rằng vào ngày hôm đó cô KY đã bị cảnh sát đối xử tàn bạo. Cô đang bước vào một nhà vệ sinh công cộng thì thấy nhiều phụ nữ bị cảnh sát bắt giữ. Khi cô cố gắng quay phim những gì đang xảy ra, cảnh sát chống bạo động đã giật lấy máy quay phim của cô và sau đó xịt hơi cay vào cô. Sau đó cô bị đẩy ngã xuống đất và một sĩ quan đã đè đầu gối lên cổ cô.
Cô KY sau đó đã bất tỉnh trong một thời gian ngắn. Cô đã bị bắt trong cùng ngày với tội danh “có hành vi sai trái ở nơi công cộng,” nhưng cuối cùng đã được thả.
Vào ngày 10/5, cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ hơn 230 người biểu tình với các tội danh như tụ tập trái phép tại các khu vực biểu tình trên toàn thành phố.
Gọi vụ bắt giữ của KY là “đàn áp”, trang tin tức tuyên bố rằng họ sẽ tiếp tục duy trì các nghĩa vụ của “quyền lực thứ tư” và bảo vệ quyền tự do báo chí. Cô KY dự kiến sẽ ra hầu tòa vào ngày 9/11.
Luật an ninh quốc gia
Các trường hợp của cô Choy và cô KY thêm vào một danh sách ngày càng dài các vụ việc trong vài tháng qua cho thấy sự suy giảm nhanh chóng của tự do báo chí ở Hồng Kông.
Kể từ khi chính quyền Bắc Kinh thực hiện cái gọi là “luật an ninh quốc gia” ở Hồng Kông nhằm trừng phạt những tội danh được định nghĩa mơ hồ như ly khai và lật đổ nhà nước cộng sản độc đảng với hình phạt tối đa là tù chung thân, các nhà báo Hồng Kông đã vấp phải nhiều hạn chế.
Vào ngày 6/8, Câu lạc bộ Phóng viên nước ngoài tại Hồng Kông (Foreign Correspondents’ Club) đã ra tuyên bố lên án sự chậm trễ “rất bất thường” [của chính quyền Hồng Kông] khi cấp visa cho các nhà báo nước ngoài. Ba tuần sau, hãng thông tấn địa phương Hong Kong Free Press cho biết cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Hồng Kông từ chối cấp thị thực cho biên tập viên mới tuyển dụng của họ, mà không đưa ra lý do chính thức.
Vài ngày sau, vào ngày 10/8, cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ 10 người, bao gồm ông trùm truyền thông và nhà hoạt động dân chủ Jimmy Lai, vì bị tình nghi phạm tội theo luật an ninh quốc gia. Sau khi ông Lai bị bắt tại nhà riêng, hơn 200 cảnh sát đã đột kích vào tòa soạn của tờ Apple Daily, một trong những hãng thông tấn trực thuộc tập đoàn của ông Lai.
Hong Kong Police arrested media tycoon Jimmy Lai Monday morning, detained over suspected collusion with foreign forces under #NationalSecurirtyLaw as around 200 #HKPolice searched the offices of his Apple Daily newspaper. pic.twitter.com/dMRNJTSaBR
— The Epoch Times Hong Kong (@EpochTimesHK) August 10, 2020
Vào tháng 9, cảnh sát Hồng Kông đã công bố những hướng dẫn mới cho giới truyền thông, chấm dứt việc công nhận những người đại diện truyền thông có thẻ báo chí được cấp bởi các hiệp hội truyền thông địa phương như HKJA và Hiệp hội Nhiếp ảnh Báo chí Hồng Kông (HKPPA). Chỉ những đại diện truyền thông làm việc cho các hãng truyền thông đã đăng ký với chính phủ hoặc các hãng truyền thông quốc tế “có tiếng” mới được công nhận và được phép đưa tin trong các khu vực có hàng rào cảnh sát.
Đáp lại các hướng dẫn mới, HKJA, HKPPA và sáu tổ chức báo chí khác đã đưa ra một tuyên bố chung nói rằng cảnh sát không nên sử dụng “các biện pháp hành chính để kiểm duyệt giới truyền thông”.
“Việc sửa đổi [luật] đã cho phép các nhà chức trách quyết định ai là phóng viên, điều này làm thay đổi cơ bản hệ thống hiện có ở Hồng Kông. Nó sẽ không khác gì một hệ thống chứng nhận chính thức, và sẽ cản trở nghiêm trọng đến quyền tự do báo chí ở Hồng Kông, hướng thành phố tới sự cai trị độc đoán,” các tổ chức báo chí cho biết.