Các tổ chức, cá nhân và nhà tài trợ của cánh tả chi phối những nhà xác nhận dữ kiện của Facebook
Tuy công ty khổng lồ về mạng xã hội Facebook mô tả chức năng xác nhận dữ kiện của mình là trung lập và độc lập, nhưng các nhân sự, nguồn tài trợ và cơ chế xác thực đằng sau những tổ chức tham gia đã chỉ ra điều ngược lại.
Facebook bắt đầu đưa ra tính năng xác nhận dữ kiện chỉ một thời gian ngắn sau khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Họ nói rằng tính năng đó là kết quả của sự hợp tác với hơn 50 tổ chức xác nhận dữ kiện trên thế giới. Tuy nhiên, chỉ một số ít trong đó tập trung vào các nội dung của Hoa Kỳ.
Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông (MRC), một tổ chức giám sát truyền thông cánh hữu, đã xác định có 9 nhà xác nhận dữ kiện của Facebook liên quan đến các nội dung của Hoa Kỳ: Reuters, USA Today, Lead Stories, Check Your Fact, Factcheck.org, Politifact, Science Feedback, The Associated Press, và AFP Fact-Check. Trong đó chỉ có một tổ chức theo cánh hữu “Xác nhận Dữ kiện Hàng ngày về Người gọi điện cho bạn” (Daily Caller’s Check Your Fact).
Facebook không trả lời yêu cầu cho biết thêm thông tin như danh sách đầy đủ các nhà xác nhận dữ kiện và Facebook đã trả cho họ bao nhiêu tiền về dịch vụ này. Một số nhà xác nhận dữ kiện đã cho thấy họ được Facebook trả tiền.
Các bài đăng bị các đối tác đánh dấu “sai” không những bị gán nhãn cảnh báo và đường dẫn đến chỗ xác nhận dữ kiện, mà còn bị kiểm duyệt trên nền tảng, tức là Facebook “sẽ làm giảm đáng kể số lượng người có thể xem các bài đó,” công ty thông báo trên trang mạng của họ.
Việc xác nhận dữ kiện đã trở thành một vấn đề tranh cãi. Vào năm 2019, Facebook đã hạn chế trang của nhóm chống phá thai Live Action sau khi hai video của nhóm bị gán nhãn “sai” bởi một trong số những nhà xác nhận dữ kiện.
Nhưng sau đó mới vỡ lẽ là nhà xác nhận dữ kiện đó lại dựa trên những bình luận của hai người đã phá thai. Để đáp lại, Hiệp hội Bác sĩ Sản Phụ khoa Sơ sinh Hoa Kỳ đã gửi một bức thư nói rằng các video đó là hợp lý khi nói rằng “phá thai không bao giờ là cần thiết về mặt y tế”.
Facebook trong thời gian gần đây đã tự đưa mình lên vị trí có ảnh hưởng lớn và chưa từng có đối với cuộc đua bầu cử tổng thống năm 2020 sau khi CEO của họ, Mark Zuckerberg, thông báo các quy tắc mới về nội dung liên quan đến bầu cử, cùng một khoản đóng góp 300 triệu USD cho các văn phòng bầu cử địa phương, như một phương tiện giúp đỡ khoảng 4 triệu người đăng ký và bầu cử trong năm nay. Một số chuyên gia đã bắt đầu cảnh báo về ảnh hưởng của Facebook đối với tiến trình bầu cử.
Ai giám định những nhà xác thực này?
Những thứ được xác nhận do Facebook quyết định dựa trên “các tín hiệu như phản hồi của người dùng trên Facebook”, nhưng các đối tác cũng có thể xác nhận dữ kiện đối với bất kể điều gì họ muốn.
Các nhà xác nhận dữ kiện của Facebook cần phải được chứng nhận bởi Mạng lưới Xác nhận Dữ kiện Quốc tế (International Fact-Checking Network (IFCN)). Facebook mô tả tổ chức này có tính phi đảng phái, nhưng điều đó không nói lên toàn bộ câu chuyện.
IFCN do Poynter thành lập, là một tổ chức báo chí phi lợi nhuận. Vào năm 2019 nó được tài trợ gần như toàn bộ bởi nhà sáng lập eBay Pierre Omidyar, một nhà tài trợ chính của Đảng Dân Chủ, cũng như Google và tỷ phú cấp tiến George Soros. Facebook cũng được liệt kê là một trong những nhà tài trợ trước đó.
Ai được cấp chứng chỉ và ai không được cấp sẽ được quyết định bởi một hội đồng tư vấn gồm 7 thành viên của IFCN, vốn là đại diện của các tổ chức xác nhận dữ kiện, trong đó 5 thành viên đến từ Phi Châu, Bosnia và Herzegovina, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Mỹ Latin và 2 thành viên đến từ Hoa Kỳ.
Có hai thành viên Hoa Kỳ dường như là những người duy nhất có kinh nghiệm về các tin tức chính trị Hoa Kỳ. Một người là ông Glenn Kessler, cựu phóng viên về chính sách đối ngoại, và nay đang là trưởng nhóm xác nhận dữ kiện của tờ The Washington Post. Kessler và nhóm của ông ấy gần đây đã phát hành một cuốn sách có tiêu đề “Donald Trump và sự công kích vào sự thật.”
Thành viên Hoa Kỳ còn lại là bà Angie Drobnic Holan, tổng biên tập của trang PolitiFact, do Poynter sở hữu.
Giám đốc của IFCN Baybars Orsek đảm bảo với The Epoch Times là các thành viên hội đồng bản thân họ luôn tránh việc bỏ phiếu và tranh luận về chứng chỉ cho các tổ chức mà họ đang giữ vị trí chủ chốt.
Điều đó có nghĩa là ông Kessler phải tránh việc bỏ phiếu cho Washington Post và bà Holan cũng vậy cho PolitiFact. Tuy nhiên, họ lại có thể tự do bỏ phiếu cho nhau.
Từ tháng 9 năm 2018 đến nay, PolitiFact đã tiến hành xác nhận 1,400 dữ kiện cho Facebook và 84% trong số đó bị đánh giá là “sai”.
Nhà tài trợ lớn nhất của trang tin là Quỹ dân chủ của Omidyar. Các khoản chi trả của Facebook chiếm hơn 5% doanh thu của họ trong năm 2019, công ty công bố trên trang web của mình nhưng không ghi rõ con số cụ thể.
Bà Holan nói rằng IFCN “có một quy trình đăng ký dài trong đó các công ty xác nhận dữ kiện phải cung cấp các bằng chứng cụ thể thỏa mãn các tiêu chuẩn khách quan” và hồ sơ đăng ký là có sẵn trên trang web.
“PolitiFact đã vượt qua quy trình đó nhiều lần,” bà nói với The Epoch Times qua email.
Bà đánh giá các thành viên khác của hội đồng là “rất am hiểu về chính trị Hoa Kỳ và thành thạo việc xác nhận dữ kiện.”
Sự cân bằng ngoại trừ đối với ông Trump
Mỗi bản đăng ký IFCN sẽ được đánh giá bởi một “giám định viên”, người này sau đó sẽ đưa khuyến nghị cho hội đồng là có nên chấp nhận đăng ký đó hay không. Các yêu cầu bao gồm một số mức độ minh bạch về nguồn tài trợ, nhân sự, chủ sở hữu cũng như bằng chứng cho thấy “ứng viên không tập trung quá mức việc xác nhận dữ kiện vào bất kỳ bên nào.”
Xem xét các bản đăng ký hé lộ rằng hầu như tất cả những nhà xác nhận dữ kiện có trụ sở tại Hoa Kỳ đều được thẩm định bởi 3 người: ông Michael Wagner, bà Margot Susca và ông Steve Fox.
Ông Fox, người có số lượng đánh giá ít nhất với 5 đánh giá vốn là cựu biên tập viên trang web tại The Washington Post. Trước đó, ông là một cây bút về thể thao. Hiện nay, ông đang giảng dạy về báo chí tại Đại học Massachusetts Amherst. Ông chưa trả lời ngay về yêu cầu bình luận.
Bà Susca, phó giáo sư về truyền thông tại Đại học American, đã thực hiện 14 đánh giá, bao gồm cho AP, The Washington Post và Lead Stories.
Lead Stories được thành lập vào năm 2015 bởi một chuyên gia kỹ thuật người Bỉ Maarten Schenk, một cựu nhân viên CNN Alan Duke, và hai luật sư từ Florida và Colorado. Họ đã liệt kê chi phí hoạt động dưới 50,000 USD vào năm 2017, nhưng nâng lên gấp 7 lần vào năm 2019, phần lớn nhờ vào khoản thu hơn 460,000 USD mà Facebook chi trả cho dịch vụ xác nhận dữ kiện vào các năm 2018 và 2019. Công ty đã tuyển dụng thêm hơn một chục nhân viên, khoảng một nửa trong số đó là cựu nhân viên của CNN.
Vào tháng một, Lead Stories đã thực hiện khoảng 150 xác nhận dữ kiện cho Facebook, gần gấp ba số lượng của các nhà xác nhận dữ kiện khác theo báo cáo của MRC, và cho thấy công ty đã kiểm duyệt các nội dung của cánh hữu nhiều gấp 4 lần so với của cánh tả.
Nhưng bà Susca cho rằng điều này là “hoàn toàn tuân thủ” trong đánh giá của bà năm 2019, và nói rằng “một số bản đánh giá có thể dùng như hình mẫu cho các trang khác nếu muốn xây dựng các trang web xác nhận dữ kiện hay giải thích các công việc xác nhận dữ kiện hiện nay.”
Bà chưa trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.
Ông Wagner, cũng có 14 đánh giá, hiện đang là giáo sư báo chí tại Đại học Wisconsin–Madison.
Trong đánh giá của năm nay về USA Today, ông Wagner lưu ý “trang tin này gần như hoàn toàn tập trung vào kiểm duyệt các tuyên bố của Đảng Cộng Hòa” và “sự mất cân bằng này không tuân thủ các hướng dẫn của IFCN.” Ông vẫn đưa ra đánh giá nhà xác nhận dữ kiện này là “tuân thủ một phần”, và cho rằng phe Cộng Hòa đang nắm quyền, nên cũng có nhiều cơ hội xác nhận dữ kiện hơn đối với họ, đồng thời thêm rằng tổng thống đã có “thành tích thực sự ấn tượng về việc phát biểu những điều không đúng.”
Tương tự, trong bài đánh giá vào tháng 7 đối với The Washington Post, ông nói rằng “hiện nay họ thực hiện xác nhận dữ kiện đối với tổng thống nhiều hơn đối với tất cả những người khác.”
“Hiện đang có một sự mất cân bằng về việc xác nhận dữ kiện về tổng thống đương nhiệm so với những đối thủ và đảng đối lập trong cuộc bầu cử 2020, đáng chú nhất là ở Hạ viện, nhưng sự mất cân bằng này còn hợp lý hơn hơn so với số lượng kinh ngạc các tuyên bố sai mà tổng thống đã thực hiện,” ông viết.
Khi được hỏi về cơ sở đánh giá của mình, ông đề cập đến bản kiểm đếm của ông Kessler về ông Trump với số lượng “các tuyên bố sai và gây hiểu lầm” lên đến hơn 20,000 cho đến thời điểm hiện tại.
Ông Wagner trả lời The Epoch Time qua email, “Khi một người thường xuyên nói dối như tổng thống Trump, thì việc tập trung vào những tuyên bố của ông ấy là điều hiển nhiên, bất kể điều này có thể tạo ra sự mất cân bằng về số lượng xác nhận dữ kiện giữa Cộng Hòa và Dân Chủ.”
Nhưng cũng có những nhà báo khác phê phán bản kiểm đếm của ông Kessler là gây hiểu lầm và có phần sai.
“Hàng ngàn tuyên bố của The Washington Post gán nhãn không đúng sự thật hay gây hiểu lầm thì đúng hơn chỉ nên được coi là thói quen dùng lời nói hơi thái quá đối với một người nổi tiếng về cách thức giao tiếp không kiêng dè của ông [Trump],” ông Mark Hemingway, một cây bút cao cấp của tờ RealClearInvestigations nhận xét trong một bài báo gần đây.
“Hơn nữa, phần lớn các bài phản đối các tuyên bố của ông Trump rốt cuộc là những ngụy biện có tính tranh luận chứ không hoàn toàn là những ‘xác nhận dữ kiện.’”
Ông Wagner gọi bình luận này là “ngu ngốc”.
Nhắm đến những người nói tiếng Tây Ban Nha
Vào ngày 18/9, IFCN công bố một dự án hợp tác của 10 nhà xác nhận dữ kiện và 2 đài truyền hình Hoa Kỳ lớn nhất sử dụng tiếng Tây Ban Nha, Univision và Telemundo, “nhằm chống lại các thông tin sai lệch trong suốt chiến dịch bầu cử tổng thống” và “đem đến cho 32 triệu cử tri Latin ở Hoa Kỳ thông tin chính xác liên quan đến bầu cử từ 15/9/2020 cho đến ngày tuyên bố nhậm chức vào năm 2021 (dự kiến là ngày 20/01).”
Nhà tài trợ cho nỗ lực này là WhatsApp vốn thuộc sở hữu của Facebook.
Trong số 10 nhà xác nhận dữ kiện, thì có 2 nhà được điều hành bởi Poynter (PolitiFact và MediaWise). Chỉ có một nhà là theo khuynh hướng cánh hữu – Check Your Fact.
Giám đốc IFCN, ông Baybars Örsek chưa trả lời ngay các câu hỏi qua email.
Thiên vị
Phe bảo thủ đang cáo buộc các công ty công nghệ lớn như Facebook, Google và Twitter về sự chèn ép đối với tiếng nói của họ. Các công ty từ chối sự cáo buộc với tuyên bố rằng các hệ thống của họ được vận hành một cách trung lập về chính trị.
Lần gần nhất mà bất kỳ công ty nào cũng thừa nhận vấn đề này là vào năm 2019 khi Thượng nghị sĩ Josh Hawley (Cộng Hòa-Missouri) nói rằng đằng sau những cánh cửa đóng kín, Zuckerberg đã thừa nhận rằng sự thiên vị “là một vấn đề mà chúng ta đang phải đấu tranh trong một thời gian dài.” Facebook không từ chối cũng không xác nhận tuyên bố này khi được yêu cầu bình luận vào thời điểm đó.
Vào đầu năm nay, một số cựu điều phối viên nội dung của Facebook quả quyết rằng công ty đang có sự thiên vị về phía cảnh tả trong chính sách về nội dung.
Ngoài ra, một số điều phối viên đang hợp đồng bị phát hiện bằng máy quay bí mật nói rằng họ đang xóa hay không xóa các bài đăng là dựa trên sở thích chính trị của bản thân họ, bất kể chính sách được quy định của Facebook là gì.